Viết cho con: Món quà cho con gái

Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho con” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

MS: 176

Họ và tên: Phạm Thị Định

Địa chỉ: Trung tâm Dân số huyện Mỹ Hào, Phố Nối, Mỹ hào, Hưng Yên

Viết cho con:  Món quà cho con gái

Hôm nay, lúc mẹ ra rút quần áo mang vào đến phòng trong khi con đang ngồi chơi đồ chơi thì mẹ thấy con đang lấy hết những miếng dứa trên đĩa mẹ vừa bổ cho con ăn không ngừng đắp cho kín lên chiếc điện thoại đang đổ chuông của mẹ. Mẹ chạy vội đến chực mắng con vì hành động kỳ coặc này thì thấy con luôn miệng :”Bố Kiên ăn đi! Bố Kiên ăn đi!…”. Mẹ đang định bực mà bật cười. Thì ra con thấy chuông điện thoại reo, con biết bố gọi nên con mang dứa đến mời bố ăn. Đáng yêu thế đấy! Dù chiếc điện thoại của mẹ có ướt nhẹp vì nước dứa  nhưng mẹ vẫn rất vui bởi con gái mẹ đã biết mời bố ăn cùng, biết chia sẻ cho người thân yêu.

Cuối tháng trước, ngày mẹ đưa con ra Ủy ban xã nhà xem liên hoan văn nghệ, mẹ tự hào lắm khi mọi người ai cũng nhìn và khen con còn bé mà ngoan quá. Khi con đang cầm gói bim bim, thấy một chị khác đứng cạnh cứ nhìn nhìn con, con liền lấy một miếng đưa cho chị và thủ thỉ như nói với chính bản thân mình : ” Cho chị ăn mấy, nhớ!” Cùng với từ “nhớ!” là cái gật đầu ngộ nghĩnh của con thật đáng yêu. Rồi con còn đứng dịch sang một chút để nhường cho chị đứng gần con hơn, xem cho rõ hơn nữa chứ. Thỉnh thoảng con gái lại quay sang nhìn chị cười toe một cách hồn nhiên, trong sáng, vô tư lự. Khi các bác khen con ngoan, con còn thích chí cười khúc khích, rồi vâng vâng dạ dạ khiến mọi người quanh đấy cũng rạng rỡ theo tiếng cười con.

Từ nhỏ, mẹ đã luôn cố gắng dạy con biết chia sẻ, nhường nhịn với mọi người qua những hành động từ đơn giản, nhỏ bé hàng ngày. Cho con ăn cái gì, mẹ đều hỏi con có cho ba mẹ cùng ăn với không? Lúc đầu tất nhiên có những thứ con thích, con giữ khư khư không muốn cho nhưng khi nghe mẹ tỉ tê thủ thỉ rằng như thế là chưa “thảo”, chưa ngoan…, cho ba mẹ cùng ăn thì cả nhà ta sẽ đều được ăn, ba mẹ sẽ yêu con hơn, … cứ thể con đã thay đổi dần dần, từ chia sẻ cho người thân đến cả các bạn, các anh chị mới gặp ngoài đường. Giờ đây mỗi khi con cho ai cái gì, giọng con lại véo von: “Trúc không ki bo đâu! Trúc thảo lắm!” Có thể con chưa thật hiểu rõ về ý nghĩa câu chữ nhưng con cũng nhận thức được rằng ki bo là xấu, là đáng chê còn thảo là ngoan, là tốt, là được khen ngợi. Vì thế mà con luốn sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, đồ chơi cho mọi người. Rồi mỗi khi đi chợ, đi mua đồ, mẹ hay nhắc con về các món mà ba mẹ, ông bà thích ăn. Dần dần, con hình thành cho mình thói quen nhớ đến sở thích của mọi người trong gia đình mỗi khi đi sắm đồ cùng mẹ. Có lần, con đi mua sữa cùng mẹ, con đững rất lâu nhìn ngắm tủ hàng và nói: Mẹ mua kẹo lạc cho ông đi mẹ!” khiến bà Thơm chủ hàng còn ngỡ ngàng đùa :”Đấy! Bé mà khôn chưa, biết mua cả kẹo về nịnh ông nữa đấy!”, còn con thì cười toe thích thú vì biết bà nói vậy là khen con.

Con à! Con biết không? Mỗi khi con cười với mọi người, con như mang đến thế giới này những cảm xúc kỳ diệu, trong sáng, nhắc nhở mọi người về sự tồn tại của những điều tốt đẹp. Vì thế hãy luôn cười thật nhiều con yêu nhé, để niềm vui hạnh phúc lan tỏa muôn nơi con đến, vương vấn mỗi bước con đi.

Hơn hai tuổi, cũng không khỏi có những lúc con ương bướng, ngang ngạnh không nghe lời, không chịu kiên nhẫn chờ đợi… nên đã có những lần phải ăn roi vụt của mẹ. Mẹ yêu con, muốn dành tất cả thế giới này cho con nhưng mẹ cũng muốn cho con biết rằng : không phải lúc nào ta cũng có thể nhận được điều ta mong muốn, không phải lúc nào nhu cầu của ta cũng được đáp ứng ngay và luôn! Sau này khi con lớn khôn, con sẽ càng thấm thía điều đó trong cuộc sống. Vì thế ngay từ giờ, mẹ muốn rèn cho con tính kiên nhẫn, biết chờ đợi. Từ việc ngồi ngoan đợi mẹ nấu cơm rồi mới chơi với con, ăn hết bát cháo rồi con mới được đi chơi, đến việc khi xem Xuân Mai hát thì phải xem hết bài này mới được bật sang bài khác chứ không ngắt bỏ dở giữa bài dù con có không thích nữa… Thỉnh thoảng cuối tuần, mẹ lại cho con đi siêu thị, chơi các trò chơi câu cá, đi tàu hỏa… để con được hòa mình vào tập thể các bạn trang lứa, để con  quen dần với tâm lý chờ đợi: chờ mua vé mới được vào chơi, chờ đến lượt mình khi các bạn đang chơi… Chẳng thế mà giờ con nhiều lúc cũng biết nhẫn nại lắm nhé! Mẹ không phải dỗ dành con mỗi khi đợi mua vé nữa vì con biết rằng đó là hiển nhiên, nhất là khi khu vui chơi đông đúc. Rồi mỗi lúc con muốn gọi mẹ chơi với con nhưng rồi lại tự thủ thỉ: “Mẹ nấu cháo đã!”, “Mẹ làm việc một tí!”…. như là nói hộ cho mẹ vậy, nghe đến là yêu.

Dù con vẫn còn bé lắm, có những điều con chưa hiểu được cụ thể, rõ ràng, nhưng mẹ luôn cố gắng tập cho con có được những thói quen, đức tính tích cực, những phẩm chất tốt làm nền tảng… để sau này có thể trở thành một người có ích cho xã hội. Dù mẹ biết là không hề đơn giản, và không phải chuyện một sớm một chiều nhưng  mẹ sẽ cố gắng quan tâm, định hướng cho con ngay từ bây giờ và song hành theo mỗi tháng  ngày con khôn lớn, để “món quà” đó của mẹ sẽ là hành trang mang đến thành công và hạnh phúc cho con trong cuộc đời. Yêu con!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho con” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN