Viết cho con: Bật mí với tình yêu

*Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho con” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

MS: 158

Họ và tên: Nguyễn Thị Khuyên

Viết  cho con: Bật mí với tình yêu

 Tất cả những ngôn từ về con gái  của mẹ ơi!

“Yêu thương” là từ ngữ tròn trịa để diễn tả tình cảm của mẹ dành cho con, nhưng có lẽ nó vẫn chưa đủ để bộc lộ hết những chất chứa đong đầy trong suy nghĩ của mẹ, những chất chứa có hương vị ngọt ngào như miếng kẹo dẻo con thường xin mẹ mỗi mai thức dậy, có vị mặn của giọt mồ hôi lúc ba mẹ chạy trên đường đưa con đi khám bệnh, nhưng nổi bật lên là men hạnh phúc, được ủ lên men từ giây phút con xuất hiện trên đời.

Gần bốn năm con xuất hiện là từng ấy thời gian mẹ đầy nhiệt huyết dạy dỗ con trở thành “thần đồng” như lúc có thai mẹ đã từng tâm huyết. Mẹ chăm chỉ áp dụng đủ kiểu dạy con sau khi ngâm cứu sách vở, từ Do Thái, Mỹ, đến Nhật, cho đến một ngày, mẹ chợt nhận ra, con mới chính là người giúp mẹ có những cách dạy tuyệt vời nhất, và mẹ ý thức được là chỉ cần quan sát con chơi, cách con ăn, học để rút ra ý tưởng rèn luyện con.

 “Gái riệu”của mẹ,

Bài học đầu tiên có lẽ là thách thức nhất đối với mẹ. Giây phút con xuất hiện trong cuộc đời với hình hài trọn vẹn đã khiến gia đình ta viên mãn, nhưng lo lắng đã xuất hiện khi mẹ thấy một vết chàm đỏ hỏn ở cằm của con, và trong bất cứ tấm hình nào, nó cũng hiện diện trên gương mặt trắng trẻo, rồi nỗi lo đã biến thành nỗi sợ khi mẹ tham khảo thông tin và thấy nhiều em bé lúc trưởng thành vết chàm cũng lớn theo và loang ra khắp bề mặt. Mẹ run rẩy khi tưởng tượng đến ngày ấy, con gái của mẹ sẽ thế nào với gương mặt như vậy, rồi mẹ vội vã ôm con đến bệnh viện, tha thiết nhờ bác sĩ dùng mọi phương pháp cần thiết để chữa trị. Khi nghe bác sỹ quyết định: “Đến tuổi lên 5 sẽ chiếu tia la-ze để làm vết chàm mờ dần”, mẹ phải tự dặn lòng không được nôn nóng, vì con còn quá nhỏ, dùng phương pháp nào cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, rồi từ từ, mẹ đã học cách chấp nhận nó như một nét đặc trưng cơ thể của con, mẹ không còn áy náy khi nhìn thấy vết chàm đỏ hỏn trong những tấm hình con chụp, và việc quay cuồng với sữa, tã, cưng nựng mỗi ngày khiến cho thời gian trôi qua nhanh chóng đến nỗi, khi giật mình nhìn lại, vết chàm đã biến mất tự bao giờ. Như một phép màu, nó đã lặn sâu xuống dưới làn da của con, trả lại cho con một gương mặt mịn màng trắng trẻo.

 Bài học đầu tiên, mẹ đã học được cách chấp nhận, chấp nhận một cách vui  vẻ tất cả những gì thuộc về con.

 “Cục vàng” của mẹ,

Khi an lòng với những gì con có, mẹ thảnh thơi tâm hồn cùng đùa cùng giỡn với con, và mẹ đã thấy con thật sự là một cô gái chủ động. Con đã khiến mẹ giật mình và phải tự rút lấy bài học thứ hai: hãy để con thể hiện bản thân giữa chốn đông người.

 Như các bà mẹ khác, mẹ luôn bảo bọc con vì nghĩ rằng: “Con còn nhỏ nên chưa biết gì!” vì thế trong mọi tình huống và hoàn cảnh đều che chở  cho con. Mẹ chạy tới chạy lui để lấy đồ chơi cho con xúc cát, khuôn viên thì nhỏ, các bé thì đông nhưng vật dụng cho các con chơi thì ít, nên các mẹ phải nhanh tay nhanh chân đến từng bạn một thương lượng để lấy đồ cho con mình. Chợt một phút ngây người khi mẹ nghe con dặn: “Mẹ ở đây chờ con nhé!” rồi con quay người tiến về phía một bạn đang cầm trên tay hai chiếc ô tô, lúc nghe tiếng con thỏ thẻ: “Chị ơi cho em mượn 1 chiếc nhé?”, mắt mẹ bỗng ươn ướt. Con năm nay đã gần 4 tuổi, tại sao mẹ lại không để con được chủ động và tự lập như mẹ mong muốn nhỉ? Dù lúc ấy, con tiu nghỉu quay về vì bạn không cho mượn, nhưng đối với mẹ, đó là một thành công của con, thành công trên bước đường chủ động và tự lập.

 “Cưng yêu” à,

Tại sao con lại có một đức tính quan tâm người khác nhiều đến vậy nhỉ? Từ việc mẹ bất ngờ trước câu hỏi “Mẹ đi làm có mệt không?” mỗi chiều mẹ đón con tan trường đến việc mẹ nhớ một đêm, khi ba đang bóp chân cho mẹ, con đã đặt mười ngón tay lên bóp bóp bắp chân, giây phút ấy mẹ cảm thấy cuộc đời thật trọn vẹn, bao nhiêu khó nhọc sinh con và nuôi dưỡng mẹ đã cảm thấy được đáp đền khi mười ngón tay bé bé xinh xinh chạm nhẹ vào đùi một cách cần mẫn đã khiến tim mẹ tan chảy, mẹ xấu hổ với bản thân khi chưa bao giờ chủ động bóp tay bóp chân cho bà ngoại. Con không cần lên tiếng nhưng cách con hành động đã khiến mẹ phải thay đổi mình từ đó.

 “Sơri xinh” của mẹ,

Đêm qua mẹ mơ, một giấc mơ không nhiệm màu cổ tích hay đẹp như búp bê màu hồng mẹ mua cho con, mẹ mơ có một bác đến nhà ta, bác này là người áp dụng thành công các phương pháp dạy con cái trong những quyển sách mẹ đã đọc, bác ấy đã chia sẻ với mẹ:

 “Hầu hết các bậc phụ huynh đều là những người yêu thương con vô điều kiện. Tình yêu ấy luôn theo con cái từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, nhưng được thể hiện rõ nét qua những giai đoạn sau:

 Khi con còn nhỏ, tình yêu thể hiện bằng sự chăm lo sữa, tã, áo quần, sữa phải là loại tốt, nhiều DHA để con thông minh ngoan ngoãn, áo quần phải là loại cô-tông hút ẩm tốt, làm sao chăm cho con bụ bẫm đáng yêu là ba mẹ thỏa lòng.

 Khi con bước vào cấp 1, tình yêu đó thể hiện bằng việc lao vào việc tìm cho con một ngôi trường có tiếng, có bề dày thành tích tốt, ngày con chính thức đến trường ba mẹ lo đến mất ngủ rồi tờ mờ sáng đã dậy để chuẩn bị tươm tất cái quần, cái áo cho con.

 Lúc con vào tuổi vị thành niên, tình yêu đó lại biến thành một sự định hướng: định hướng tâm lý, sinh lý, để các con không phải bỡ ngỡ trước những sự phát triển của cơ thể.

 Thời gian lại qua, cũng đến lúc con bước vào giai đoạn trưởng thành, tình yêu lại chuyển thành sự lắng nghe: lắng nghe con chia sẻ, lắng nghe con kể chuyện về công việc, về người yêu đầu đời, về những chuyến đi xa để trải nghiệm.

 Và có một vấn đề được đặt ra là: khi giai đoạn con còn nhỏ , con cần ba mẹ che chở, chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, quần, áo, nhưng đến lúc con bước vào giai đoạn trưởng thành, con không cần ba mẹ chăm bẵm từng li từng tý như hồi nhỏ, vậy: Con cần gì ở ba mẹ?”

 Đến đây thì mẹ chợt tỉnh giấc mơ, nhưng câu hỏi đó vẫn vang vang trong đầu, có lẽ, bằng bản năng và nhận thức của mình, mẹ nghĩ mình đã có câu trả lời, nhưng mẹ và ba sẽ trả lời bằng hành động cụ thể: đó là chuẩn bị một nền tảng tài chính tốt cho con, ngay từ bây giờ, để đến lúc con bước vào giai đoạn trưởng thành, ba mẹ không thể “che chở suốt đời con” nhưng cũng sẽ cho con một sự khởi đầu rộng mở và tốt đẹp. Yêu con, chăm con và muốn con trở thành một người có đạo đức, có nghề nghiệp bền vững thì ngoài việc chuẩn bị về kiến thức, mẹ và ba cần phải siết chặt tay nhau để gầy dựng một cuộc sống đủ đầy về tài chính và tràn ngập tiếng cười, mẹ hứa với con như thế!

Và khi bước chân của con đặt vững chãi ở cánh cổng tương lai rạng rỡ, có lẽ mẹ sẽ gọi con bằng ngôn từ thân thương nhất trên đời này:

 “Con gái Chu Quế Tâm của mẹ!”

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho con” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN