Viết cho con: Lời xin lỗi của ba

*Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho con” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

MS: 151

Họ và tên: Y Nguyên

Con gái của ba, ba biết mình có lỗi với con, với các con, khi ba không thể gìn giữ được cho các con một gia đình trọn vẹn, để các con phải lâm vào cảnh có cha không mẹ có mẹ không cha. Hơn ai hết, ba từng là một đứa trẻ mồ côi nên ba rất thấm thía nỗi đau, nỗi thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi. Lịch sử buồn đã lặp lại; đó là điều ba không thể ngờ. Lặp lại; chỉ khác nhau ở chỗ ba mồ côi do tử biệt còn các con lại là chuyện sinh ly. Ai đau hơn, buồn hơn, thiệt thòi nhiều hơn? Chuyện này sao có thể cân đong; nhưng dù gì, đối với ba, các con vẫn thiệt thòi nhiều hơn. Đứng trước nỗi thiệt thòi của các con, cái thiệt thòi của ba nào có thấm gì – cho dù ba đã mất cha từ trong bụng mẹ, cho dù ba đã có một tuổi thơ loạn ly, đói nghèo cơ cực, bị bạn bè cùng trang lứa rẻ khinh, hiếp đáp vì là đứa trẻ nghèo khó không cha. Vậy nhưng… chẳng là gì. Đối mặt cùng nỗi đau của các con, nỗi đau của ba sẽ chẳng là gì. Đơn giản, vì các con là con của ba…

Con gái của ba, ba biết mình có lỗi khi ba đã kì vọng quá nhiều vào con; kì vọng rằng con có thể biến thành hiện thực giấc mơ tri thức, thành đạt thay ba. Ba không làm được; và ba đã đặt “cây thập giá” ấy lên vai con, hi vọng vào con mà không biết rằng: với con, nó nặng nề quá sức. Hơn thế, khi con è ạch không mang vác nổi, không thành tựu được những gì ba mong muốn thì ba lại qui kết cho con lười biếng; đem nỗi bực dọc, thua buồn “trút giận” xuống đầu con. Ba sai rồi, con yêu; nhưng, xin con hãy hiểu cho ba: không có bậc cha mẹ nào không kì vọng vào con, mong con cái thành đạt, trở thành người có tri thức, có tương lai, được xã hội, cộng đồng vị nể. Sự thành đạt ấy cha mẹ cũng có phần, đương nhiên; nhưng kẻ được thọ nhận lợi lộc chính vẫn là con cái; và đó chính là điều cha mẹ mong muốn nhất! Sai lầm của ba chỉ ở chỗ ba đã đánh giá sai năng lực của con, cứ tưởng con là “bản sao” của ba, có thể làm như ba, nghĩ như ba; và cố biến con thành con thuyền chuyên chở cái khát vọng không phải của con. Ba biết, con khổ nhiều vì điều đó. Ba biết, có lúc con nghĩ rằng ba không thương con. Ba biết…

Dù sao, chuyện cũng đã rồi. Giờ ba chỉ muốn cho con biết rằng: ba nợ con một lời xin lỗi; muốn con lấy đó làm hành trang kinh nghiệm, đừng lặp lại sai lầm của ba; muốn cho con biết rằng: tất cả những gì ba làm với con –dù đúng dù sai – cũng đều xuất phát từ tình yêu. Phải; tình yêu của một người cha – có thể nghiêm trang, thô tháo, thậm chí cộc cằn – nhưng vẫn đích thực là tình phụ tử không gì và không ai có thể thay thế; ngay cả đó là sự đằm thắm ngọt ngào của một người mẹ!

Con gái của ba, ngày ba mẹ chính thức nói lời chia tay, nhìn những giọt nước mắt của các con, lần đầu tiên ba bật khóc. Cái khóc của một người đàn ông không quen khóc dường như trông thảm hại lắm, bởi ba nhìn thấy nét ngờ vực, coi thường, thậm chí khinh bỉ ánh lên trên khuôn mặt mẹ con. Biết vậy mà sao ba vẫn không kềm chế được. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chung sống, ba thật sự kinh hoàng khi chứng kiến trạng thái đớn đau, hoảng loạn trước nguy cơ tan đàn sẻ nghé của những đứa con.  Người ba như tan chảy, rã rời; chỉ còn duy nhất một ý nghĩ trong đầu: phải cứu các con, bằng mọi giá! Ba đã đánh mất sự cao ngạo – thậm chí cả lòng tự trọng – của mình để quì xuống chân mẹ mà van xin mẹ nghĩ lại. Vậy nhưng, đó chỉ là những nỗ lực đầy bất lực; bởi như sau này ba biết: nó chỉ khiến suy nghĩ của mẹ về ba càng tệ hại hơn. Có thể mẹ con nghĩ rằng: ba đang cố níu kéo mẹ vì lợi lộc của riêng ba; và dùng các con như một thứ vũ khí để gây áp lực! Ba không trách mẹ. Ba chỉ muốn cho con biết rằng: cuộc đời, không phải những ý định tốt bao giờ cũng đưa đến kết cục tốt. Hôn nhân đổ vỡ là trách nhiệm của cả đôi bên. Ba không chối bỏ phần trách nhiệm của mình. Ba có lỗi với mẹ, với các con. Lỗi- thậm chí còn nhiều hơn mẹ bởi ba là đàn ông. Ba chỉ muốn nói một điều: phút cuối, vì các con, ba đã thực sự muốn quay vào bờ, chấp nhận nhượng bộ tất cả để quay vào bờ. Khổ hải mênh mông hồi đầu thị ngạn, đức Phật dạy vậy; nhưng có lẽ cái “quay đầu” của ba thực hiện quá muộn màng. Đức Phật không sai. Là ba sai. Ba lại nợ các con một lời xin lỗi, con gái của ba…

Con trai của ba, ba hiểu vì sao con chọn sống với mẹ. Bởi con sẽ được chiều chuộng, được đáp ứng đầy đủ hơn về vật chất, không phải chịu đựng sự giáo huấn nghiêm khắc, yêu cầu làm việc cần mẫn cùng thái độ không khoan nhượng mỗi khi con làm việc xấu của ba. Ba tôn trọng và chấp nhận quyết định của con. Buồn, không yên tâm nhưng vẫn buộc phải chấp nhận, bởi chuyện đó giờ không còn thuộc quyền ba quyết định. Ba nợ con một lời xin lỗi, cũng như đối với chị con…

Con trai của ba, ba chỉ muốn kể con nghe một chút về quá khứ. Ba ra đời không cha. Tuổi thơ của ba từ lúc mở mắt chào đời chỉ có mẹ; và ba không cảm thấy thiệt thòi gì nhiều về chuyện không có một người cha. Ba lớn lên trong tình thương gần như đủ đầy của bà nội con, có nguyên một thời thơ ấu tương đối bình yên cho dù thi thoảng ra đường, đến trường vẫn bị lũ trẻ cùng trang lứa trêu chọc, hà hiếp, gọi là “đồ con bà giá, con không cha”; cho dù mỗi lúc nghe chúng thi nhau khoe chuyện về cha (được cha dán cho cái diều, được cha cày ruộng dắt theo, được cha vót cần cho đi câu cá, trèo cây bắt tổ chim và v.v…) là ba lại lảng đi, bởi nghe như vịt nghe sấm, chả thấy thú vị (Làm gì quan trọng? Mình đây không cha – thì đã sao?? Mình mẹ là tốt chán, đủ rồi…).  Lần ba cảm thấy thiệt thòi duy nhất có lẽ là bài tập làm văn “ Hãy tả ba em”. Ba nhờ bà nội viết dùm và chỉ được mỗi điểm 5 cho dù không giống như con, ở trường, ba luôn là học sinh xuất sắc…

Ba dần lớn lên, bắt đầu phải đối mặt cùng cuộc đời với muôn vàn phức tạp, khó khăn. Những khó khăn quá tầm mà sức một người mẹ không gánh gồng nổi cho ba. Mỗi lần vậy nội lại ứa nước mắt, thở dài: giá mà con có cha…. Không có sự kềm chế, dắt dìu của một người cha, ba bắt đầu mắc hết hết sai lầm này đến sai lầm khác: đua đòi bỏ học ăn chơi, cự cãi thầy cô, vi phạm kỉ luật vì muốn chứng tỏ cái “tôi” một cách ngu si. Nội con đã đổ không ít bạc tiền và nước mắt mà cuối cùng vẫn không thay nổi cái-kết-cục-phải-đến dành cho một đứa con dại khờ và bất trị. Căn nguyên của chuyện dại khờ và bất trị ấy có phần rất lớn từ việc tuổi trưởng thành ba của thiếu sự dắt dìu của một người cha đủ nghiêm khắc và khôn ngoan…

Con trai của ba, kể con nghe chuyện này, ba hi vọng đánh thức được chiếc mầm lương tri chắc chắn đang hiện diện trong bản thân con. Đừng để lịch sử đáng buồn lặp lại. Cho dù con vẫn đang ít nhiều đối mặt cùng bất hạnh; nhưng, khác với ba, hãy nhớ: trên đời này, con vẫn còn có một người cha…

 Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho con” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN