Viết về mẹ: Người mẹ chưa bao giờ kết hôn

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 291_VVM

Họ tên: Nguyễn Thanh Toàn

Địa chỉ: Q. Gò Vấp, TP. HCM

————————————-

Cô sinh ra trong một gia đình gia giáo của vùng đất miền Tây. Lúc tuổi đôi mươi, cô có vẻ đẹp mặn mà của người con gái Tây Đô. Bao nhiêu chàng trai say đắm, mang cau trầu đến hỏi cưới cô làm vợ. Và rồi cô cũng phải lòng một chàng trai trẻ, hai người ước hẹn cuộc sống trăm năm. Ai ngờ! Mọi chuyện không như con người sắp đặt, từ nhỏ cô được sống cuộc sống đủ đầy nhờ có mẹ và anh trai lo lắng, rồi đến một ngày cuộc sống hôn nhân của anh trai cô tan vỡ, anh trai có vợ mới và người chị dâu của cô cũng như vậy có chồng mới bỏ lại một đứa con bơ vơ mới vừa chập chững biết đi. Cô đành hẹn với người con trai ấy vài năm để cô giúp mẹ mình nuôi đứa cháu lớn khôn. Từ một cô gái sống không muộn phiền, giờ cô phải chăm lo cuộc sống cơm áo gạo tiền nuôi người mẹ già cùng đứa cháu nhỏ dại. Về phần chàng trai, mặc dù rất yêu cô gái nhưng vì chữ hiếu nên anh đành phải lỗi hẹn với cô. Cô buồn lắm, nhưng nhìn mẹ già, cháu dại, cô đành gác chuyện hạnh phúc cá nhân để chăm lo cho gia đình.

Thời gian thấm thoát trôi qua, sức khỏe mẹ cô ngày càng yếu dần, hoàn cảnh gia đình ngày càng túng thiếu, mẹ cô vì thương con nên cố gắng chịu đựng rồi ngày gì tới rồi nó cũng tới, mẹ cô qua đời khi cô vừa tròn 25 tuổi. Bao nhiêu khó khăn chất chồng lên người cô gái trẻ. Cô trở thành người mẹ, người cha bất đắc dĩ của cậu bé chưa đầy 5 tuổi. Vùng quê nghèo miền Tây nghèo lắm mà cô là phận gái nên càng khó khăn hơn, suốt ngày cô bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm từng bát cơm nuôi cho cô và đứa cháu dại khờ. Vùng quê lúc bấy giờ chưa có điện, cả nhà sống nhờ ánh đèn dầu hiu hắt. Một mình thân gái cô làm quen dần với bóng tối cái mà trước đây khi còn mẹ cô rất sợ, niềm tin của cô chỉ trông chờ vào ánh đèn dầu ấy. Thế mà có khoảng thời gian hai cô cháu phải ôm nhau ngủ trong bóng tối mịt mù vì nhà không có tiền mua dầu hỏa với giá 600 vnd/250ml.

Nói về phần cậu bé, cậu biết số phận của mình hay sao ấy, cậu không đua đòi như bao đứa trẻ khác, cậu lấy làm lạ, sao mỗi lần đi học về các bạn đều có ba mẹ mình đưa đón còn cậu thì không? Sao mỗi mùa nước lũ về các bạn cậu có người đưa đón còn cậu phải gói sách vở lặn lội đi về, có hôm ướt hết sách vở, về sợ cô buồn cậu giấu đi phơi. Mỗi năm Tết về, nhìn bạn bè có quần áo đẹp, cậu nhìn theo, cô cậu nói khẽ: ” Út có mua áo mới cho con nhưng mà xấu lắm, nên Út cất tủ rồi!” Cậu nghĩ rằng mình cũng có áo đẹp, chỉ là xấu nên cô cất đi thui. Sau này lớn lên rồi cậu mới hiểu, chỉ vì nghèo nhưng Út cậu không muốn cậu buồn nên an ủi cậu thôi. Cảnh miền quê ấy đi theo cậu cùng năm tháng, trên những bước đường đời. Cậu học rất giỏi, trong làng ai cũng ngưỡng mộ, Út cậu nói: “Con cố gắng học để đổi đời nghe con”. Chỉ vì câu nói ấy mà cậu miệt mài học tập. Cái gì cố gắng thì cũng sẽ đền đáp xứng đáng. Ngày ấy ở vùng quê nghèo của cậu đậu đại học là điều không tưởng. Vậy mà, cậu đỗ hai trường đại học danh tiếng, Út cậu mừng nhưng lại cũng rất lo, cũng may mà cậu được một học bổng nhưng ngược lại cậu phải đi xa gia đình. Dù rất thương cậu nhưng vì tương lai của cậu, vì ước mơ của người dân nghèo của một xã nghèo miền Tây hẻo lánh. Cô của cậu khăn gối lên đường cho cậu ra đi học trường đại học Y khoa. Hành trang lên đường của cậu chỉ gói gọn trong cái balo rách: một vé xe đò cho chuyến hành trình 2020 km, 3 đòn bánh tét và 200 nghìn đồng.

Ngày cậu đi, ai cũng cười vui đưa tiễn chỉ có cậu và cô cậu không cười mà thôi. Vì cậu biết cuộc sống sắp tơi đây, cậu phải tự sống một mình, rời xa cái nơi cậu đã quá quen thuộc. Còn về cô của cậu dù rất buồn nhưng cô vẫn tỏ ra vui vẻ khi bà con xóm giềng tới thăm hỏi. Người tặng cậu cây bút, người tặng cậu quyển vở, có người còn tặng cậu vài cái bánh ú ăn đi đường. Tấm lòng của người miền Tây chỉ có như vậy. Cậu đi lên xe nhìn về phía xa xa. Cô cậu cười: “Ba con tới tiễn con đi học, ba đứng đằng kia kìa! Con đi đi kẻo trễ” cậu quay người bước lên xe mà lòng trĩu nặng. Khẽ quay lại nhìn cậu thấy giọt nước mắt cô của cậu rơi. Và cậu biết rằng cha của cậu không hề đến bao giờ. Bảy năm trôi qua trên miền đất hứa, cậu trở về với tấm bằng bác sĩ trên tay. Cô của cậu ra đầu đường đón cậu về trên chiếc xuồng ba lá nhỏ, giờ nó cũng cũ rồi cũng như dáng của cô cậu, tóc cô bạc nhiều theo năm tháng. Cậu nhìn trong đôi mắt sâu ấy vẫn còn những giọt nước mắt còn ứ đọng trong mi vì niềm vui bất tận. Có lẽ không phải vì cậu thành bác sĩ, mà có lẽ là cậu đã trở về, người con trai của Út! Đâu đó bên hai bờ sông vắng vang lên những tiếng xì xầm: “Con trai con Út giờ đã là bác sĩ rồi đó mày à!”. Chiếc xuồng ba lá nhỏ khuất dần trong bóng chiều hoàng hôn của miền sông nước, cùng với niềm vui bất tận của hai mẹ con.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN