Viết về mẹ: Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ nhiều lắm!

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 535_VVM

Họ tên: Lê Ngọc Phương Trâm

Địa chỉ: tỉnh Đồng Nai

————————————

Những giọt mưa nhỏ nhắn tí tách rơi ngoài đường phố. Chúng đua nhau rơi xuống một cách nặng nề, nặng nề như tiếng lòng của tôi bây giờ vậy.

Mưa, trước đây tôi đã từng thấy nó rất nhiều, cũng đã bao lần từng chạm vào nó. Thế nhưng lần này, nó lại mang cho tôi cảm giác khác biệt hẳn. Từng hạt mưa chạm vào da thịt mang theo cảm giác lạnh lẽo khiến lòng tôi dần tê buốt, cô đơn và trống trải. Lòng tôi dần chùng xuống, lúc này tôi cảm thấy rất nhớ mẹ, nhớ vô cùng.

Không ai hiểu con bằng mẹ thế nhưng lòng mẹ liệu con có hiểu được không? Nhân sinh ngắn ngủi vậy mà có mấy ai hiểu được tiếng gọi mẹ thiêng liêng cỡ nào, sâu sắc bao nhiêu?

Khi còn bé con bao lần ngỗ nghịch, mẹ vẫn dịu dàng nâng bước con đi.

Khi trưởng thành con thành gia lập nghiệp, mẹ vẫn dõi theo bước con trên đường đời.

Nếu như hiện tại được gặp mẹ, tôi chỉ muốn nói với mẹ một câu: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ… xin lỗi mẹ… rất nhiều.”

Nhớ ngày nào tôi còn là một cô nhóc tiểu học, mẹ luôn quan tâm, lo lắng cho ba chị em tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, cho dù là những việc hết sức nhỏ nhặt như chải đầu, cột tóc hay đắp chăn giúp chúng tôi… mẹ đều làm hết sức đầy đủ và chu đáo. Ấy vậy mà lúc bé thơ dại, tôi nào có hiểu nỗi khổ đau của mẹ lúc đó.

Kể từ khi lấy ba tôi, mẹ chẳng có ngày nào được vui vẻ cả. Gia đình tôi khi đó đã rất nghèo rồi, mẹ vừa phải chịu đựng sự ức hiếp của gia đình nhà chồng vừa phải chịu đựng sự trách mắng của ba tôi. Thế rồi vì nghe lời bà nội, ba tôi đã bỏ mẹ và một mình mẹ lại phải bươn chải để nuôi lớn ba chị em tôi. Nực cười là lúc đó tôi lại vô tư không hay biết gì cả, chỉ vô tư chơi đùa cùng các bạn đồng trang lứa. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng tôi quá ngốc, cũng có nhiều người nghĩ tôi quá vô tâm bởi có nhiều đứa trẻ ở lứa tuổi đó đã có thể nhận thức được sự tan vỡ của gia đình là như thế nào rồi, thế nhưng tôi thì lại chẳng hiểu gì cả. Tôi không tranh luận bởi chính bản thân tôi cũng không phủ nhận điều đó.

Tôi không muốn biện hộ rằng vì ngày xưa còn quá nhỏ mà quên đi sự vô tâm của mình đối với mẹ. Đã bao đêm khi chúng tôi vẫn còn ngủ say trong giấc mộng, mẹ vẫn ngồi may đồ trên bàn máy mặc dù đồng hồ đã điểm sang canh hai, khi một ngày mới lại sắp sửa bắt đầu. Thế nhưng tôi không hề hay biết mà còn thường xuyên trách mẹ vì nghĩ rằng mẹ thương chị và em trai của tôi hơn. Tôi biết mình trẻ con lắm, nhưng chính sự trẻ con của tôi đã bao lần làm mẹ phải buồn, phải khóc.

Một người phụ nữ ốm yếu lại phải nuôi ba đứa con giữa những nghị luận của người đời thì làm sao mà dễ sống được. Khi còn nhỏ, mẹ đã không nhận được tình thương của cha mẹ và sự ấm áp của một gia đình. Khi lớn lên, mẹ lại phải chịu cảnh mẹ chồng trách mắng, bị chồng bỏ rơi, đã vậy còn phải một mình nuôi con thì làm sao mà vui cho nổi.

Sự vô tâm cũng vô tình làm nên hành động bất hiếu.

Mặc dù mẹ nói mẹ thích nghề may nên mới học nhưng tôi hiểu rằng mẹ chỉ không muốn chúng tôi buồn vì mẹ mà thôi. Phải, mẹ tôi không thích ngành này nhưng ngày xưa gia đình nghèo khó, ba mẹ lại không quan tâm thì lấy tiền đâu ra mà đi học đến nơi đến chốn đây? Thân gái một mình lên thành phố ở nhờ nhà bà con rồi vừa học nghề vừa làm, đã vậy còn phải gửi tiền về giúp đỡ gia đình thì làm sao mà dễ dàng được?

Cũng chính vì vậy mà mẹ luôn chịu cực chịu khổ để cho chúng tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Vậy mà tôi nào có hiểu, nào có hay. Khi tôi đang vui chơi bên bè bạn, tiếng mẹ đạp máy vẫn đều đều vang lên. Mẹ không nghỉ không phải vì mẹ không mệt mà là mẹ vì ráng kiếm tiền nuôi chúng tôi. Thế mà tôi lại chưa bao giờ rót cho mẹ được một ly nước, chưa bao giờ hỏi một tiếng mẹ có mệt không, chưa bao giờ lau mồ hôi trên trán mẹ, chưa bao giờ để tâm đến mẹ, thậm chí… chưa bao giờ nhìn mẹ thật kĩ, thật lâu. Khi tôi bị bệnh, mẹ lo âu chăm sóc, cả đêm thao thức không ngủ được để lo lắng cho tôi. Nhất là khi tôi bị hành bệnh đau đớn, mẹ lại càng đau lòng hơn, có khi tôi còn thấy mẹ trốn ở một góc khuất lén lau đi nước mắt bởi vì… mẹ không muốn chúng tôi buồn lòng. Thế nhưng trái ngược lại khi mẹ sốt, tôi lại chẳng biết làm gì cả, cho dù… đó là câu an ủi đơn giản nhất.

Mẹ là thế, mẹ luôn để dành cho chúng tôi những gì ngon nhất, tốt nhất thế nhưng tôi thì chẳng bao giờ để dành cho mẹ thứ gì cả, cho dù đó chỉ là một viên kẹo hay một cái bánh. Nhiều khi tôi cũng không hiểu nỗi, khi ấy tôi là một người vô tâm hay thực chất là con người vô tình đây. Vào hè năm cấp ba, tôi đã cãi lời mẹ để đi làm ở một xưởng giày da nhỏ gần trường, chỉ vì muốn chứng tỏ cho mẹ và bạn bè thấy rằng: Tôi đã lớn. Tôi có thể tự kiếm tiền. Thế rồi chính cái tính tình ngang bướng ấy đã hại tôi phải mang một căn bệnh mãn tính suốt đời mà trước đây tôi không hề biết tới. Khi cầm tờ giấy xét nghiệm bệnh có ghi: “giấy chứng nhận bệnh nhân bị viêm phổi nặng, lupus và thận” trên tay, tôi bàng hoàng không nói nên lời trong khi mẹ thì khóc hết nước mắt vì lo lắng cho tôi. Đôi lúc mẹ cũng la mắng tôi vì không chịu nghe lời mẹ nên sự việc mới phát sinh tồi tệ như vậy nhưng… tôi lại không hề biết hối cải. Tôi buồn mẹ, tôi giận mẹ, thậm chí là… tôi ghét mẹ mặc dù mẹ vẫn cố gắng làm thêm việc để kiếm tiền giúp tôi khám bệnh. Khi đó tôi đổ lỗi rằng mẹ không thông cảm với tôi nhưng thật chất thì sao? Chỉ vì tôi không thể chấp nhận được sự thật rằng tôi bị một căn bệnh mãn tính suốt đời nên mới đổ hết tội lỗi lên người mẹ mà thôi.

Cho đến khi tôi hiểu ra được điều này thì tôi chợt nhận ra… mẹ đã già rồi. Mái tóc đen nhánh xinh đẹp ngày xưa giờ đã điểm bạc mái đầu, những nếp nhăn hằn sâu trên trán mẹ như một minh chứng trung thực về tuổi đời cơ cực mà mẹ phải trải qua. Bàn tay mẹ đầy những vết chai, những hàng gân xanh nổi bật trên nước da vàng vọt nhăn nheo như đang tái hiện lại những khó khăn, giông tố trong cuộc đời của mẹ. Thế mà có bao giờ mẹ than phiền với chúng tôi, cho dù đó chỉ là một câu oán trách đơn giản nhất?

Ngày xưa được mẹ bảo bọc trong vòng tay ấm áp, tôi nào biết nào hay mẹ đã phải khó khăn như thế nào để bước đi trên con đường đời đầy chông gai, nghiệt ngã này, để giờ đây ngàn lần hối hận. Cuộc sống xa nhà khiến tôi dần hiểu rõ bản tính phụ thuộc và sự yếu đuối của mình. Cánh cửa đại học với tôi vừa là một niềm hân hoan, hãnh diện nhưng xen lẫn vào đó cũng là sự lo âu khi lần đầu tiên phải dùng đôi cánh của mình bước vào đời.

Giờ đây tôi đã là một đứa sinh viên năm hai đúng nghĩa, không còn sự tùy hứng nhưng cũng không còn sự vô tư như ngày xưa nữa. Tôi hiểu, tôi đã thay đổi, một sự thay đổi đúng nghĩa để thích nghi với hoàn cảnh sống thực tại. Thế nhưng cho dù con người tôi thay đổi thế nào chăng nữa thì sự thật về ngày xưa tôi đã từng lầm lỗi với mẹ sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi được. Tôi hối hận, nhưng chỉ có thể sửa đổi hiện tại mà không phải là thay đổi quá khứ.

Mưa rơi ngày một nặng nề hơn như cõi lòng lạnh lẽo của tôi bây giờ. Việc học nặng nề, bạn bè giả dối, công việc bấp bênh,… tất cả đều làm tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi ước gì có thể được gặp mẹ ngay lập tức, để được mẹ xoa đầu an ủi, được mẹ dịu dàng khuyên nhủ tôi cố gắng vượt qua. Thế nhưng tôi biết… tất cả những điều đó chỉ là “nếu” mà thôi. Là người ai mà không phải lớn lên, ai mà không phải trưởng thành. Tôi cũng vậy, có lẽ… phải học cách lớn lên thôi.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN