Viết về mẹ: Con gà mái

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 528_VVM

Họ tên: Đặng Thiên Thanh

Địa chỉ: Mỹ Tho, Tiền Giang

———————————–

Mẹ tôi về  với ba khi mẹ không còn trẻ nữa bởi vì suốt thời xuân sắc mẹ mải mê chờ đợi một người. Khi biết chắc chắn là người ấy đã nằm lại dưới đáy biển, không còn hy vọng nữa thì mẹ vội vàng vơ lấy ba tôi. Năm ấy mẹ vừa chẵn bốn mươi. Ba tôi cũng đã qua một đời vợ. Bà ngoại tôi không vui lòng lắm trong cuộc hôn nhân  này nhưng cũng chấp nhận cho mẹ lấy chồng. Chỉ mong sau này mẹ có nơi nương nhờ khi tuổi già bóng xế. Nhưng mọi việc không suôn sẻ theo sự mong muốn của ngoại. Năm tôi lên tám, mẹ tôi bồng tôi trở về tá túc bên ngoại. Bây giờ, tôi đã hai mươi tuổi mẹ tôi mới kể cho tôi nghe như thế.

Ông bà ngoại cũng vui vẻ chấp nhận cưu mang hai mẹ con tôi. Bà ngoại tôi là cô giáo. Ngoại làm cô giáo từ khi mẹ tôi chưa ra đời. Quen tính cách của một nhà giáo thời xưa, ngoại tôi rất nghiêm khắc. Lời nói của ngoại luôn là mệnh lệnh bắt mọi người phải nghe theo.

Ba tôi về năn nỉ bao nhiêu lần nhưng mẹ cũng không trở về với ba. Mẹ tôi không có thói quen tha thứ. Ba tôi làm tổn thương mẹ nên mẹ không bao giờ trở về với ba được. Mẹ không làm gì có lỗi nên mẹ không cho ba có lỗi với mẹ. Đã buông tay rồi thì không tiếc nữa, nếu đã tiếc thì trước đây đã không buông.

Mẹ tự biết phận mình là gái có chồng mà trở về nương nhờ cha mẹ là không đúng nên hằng ngày mẹ cố gắng chu toàn hết công việc nhà, chăm sóc cho ngoại rồi mẹ lại phải làm ăn kiếm tiền nuôi tôi.

Tôi nhớ nhất là mỗi khi trong nhà ngoại có giỗ chạp, lễ lộc. Mẹ tôi phải chuẩn bị các thứ từ nhiều ngày trước. Đến ngày lễ chính thức, các dì các cậu chỉ về dự xong, tàn tiệc mọi người lại đi. Ai cũng có lý do, ai cũng có công việc riêng. Chỉ có mình mẹ tôi thui thủi thu dọn. Những lúc như thế, tôi chỉ thấy mẹ tôi im lặng chịu đựng một mình.

Tội nghiệp mẹ tôi! Chính vì mang mặc cảm mà lúc nào mẹ cũng nơm nớp sợ ngoại giận, rón rén, khép mình như con mèo. Hễ ngoại ở nhà trước thì mẹ tránh ra nhà sau và ngược lại.

Còn tôi chỉ là một đứa bé vô tư, nghịch ngợm nên mẹ luôn phải che chở bảo vệ cho tôi. Mẹ sợ tôi làm gì không vừa ý ngoại, bị ngoại la mắng. Mỗi lần tôi bị ngoại rầy. Mẹ lại lén ôm tôi vào lòng thủ thỉ:

– Con đừng làm ngoại giận. Đi chỗ khác chơi đi con!

Có lần khoảng tám giờ đêm, tôi nghịch ngợm thế nào bị ngoại đánh đòn. Tôi sợ quá nên chui xuống gầm giường trốn ngoại. Nằm trong vùng bóng tối tôi sợ ma quá vả lại nơi ấy rất dơ bẩn bụi bám, nhện giăng nhưng tất cả những thứ ấy không đáng sợ bằng nỗi lo sợ bị đòn. Tôi kêu lên khe khẽ mẹ ơi!!!  Mẹ ơi!!!

Mẹ tôi lại dỗ dành:

– Con ra xin lỗi ngoại đi! Có mẹ đây, ngoại không đánh con đâu.

Mẹ vừa khóc vừa khuyên lơn, động viên, năn nỉ tôi rất nhiều lần tôi mới chịu bò ra. Nhưng khi tôi vừa mới ra khỏi gầm thì bị bà ngoại tóm lấy và quất tới tấp vào người tôi. Mẹ dang đôi tay ra, bế tôi vào lòng, che chở đỡ đòn cho tôi. Ngoại quát:

– Mầy bênh con, không biết dạy con!

Mẹ tôi van nài:

– Con không dám bênh nó, nhưng con mới vừa hứa với nó là mẹ sẽ xin ngoại không đánh con nữa. Bây giờ con để má đánh nó, có nghĩa là con không biết giữ lời hứa với nó. Mất uy tín với nó rồi sau này con không dạy được nó nữa. Thôi thì con dại cái mang! Má cứ đánh con đi.

Nói rồi, mẹ đặt tôi xuống đất, đẩy tôi ra, bảo tôi chạy đi nơi khác. Còn mẹ đứng yên cho ngoại trút giận. Ngoại quất túi bụi vào người mẹ tôi. Tôi nấp vào kẹt cửa, tôi thấy nước mắt mẹ lăn dài. Có lẽ mẹ tôi đau lắm. Tôi muốn chạy lại ôm mẹ như mẹ mới vừa ôm tôi lúc nãy nhưng tôi sợ quá không dám.

Cơn thịnh nộ của ngoại lần ấy đã để lại trên đùi của mẹ vết bầm đen rất to. Suốt mấy năm rồi mà vết bầm ấy vẫn không xóa được trên da thịt mẹ. Mẹ nói có lẽ phần thịt chỗ ấy bị chết rồi. Vết bầm trên đùi mẹ cứ theo đuổi mãi trong ký ức tuổi thơ của tôi.

Mẹ về với ba chỉ hai bàn tay trắng. Mười năm chắt chiu tần tảo, ngày ba mẹ chia tay mẹ gom góp như hốt của đổ được mấy cây vàng. Mẹ về quê mua mảnh đất rồi bỏ trống. Chờ thời gian sau dành dụm ít tiền mẹ thuê người làm hàng rào. Lại chờ có thêm ít tiền nữa mẹ mua đất san lấp làm nền nhà. Rất nhiều lần chờ như thế cuối cùng mẹ gom góp được ít tiền nhờ ông ngoại cất cho mẹ được căn nhà cấp 4. Chung quanh cũng còn đất trống, có được ít cây trái huê lợi. Ngôi nhà quay mặt ra nhánh sông đẹp và mát. Mẹ con tôi chưa có cơ hội dọn về nhà mới ngày nào vì không có người.

Nhưng chẳng được bao lâu thì căn nhà ấy bị giải tỏa. Mẹ không biết trách ai bây giờ chỉ biết buồn cho số phận long đong. Có tiền nhà nước đền bù nhưng mẹ không cất nhà nữa. Mẹ nói:

– Tiền cất nhà là tiền “chết”. Mẹ già rồi không còn sức khỏe, ít có cơ hội làm ra tiền. Nếu cất nhà khác thì sẽ tiêu hao hết số tiền ấy. Thôi thì về tá túc với ngoại cũng là để chăm sóc ông bà ngoại già yếu với cậu út tật nguyền bệnh hoạn. Mẹ để dành số tiền ấy làm vốn sinh lời để cho con ăn học lâu dài.

Mỗi lần tôi lầm lỗi mẹ chỉ thủ thỉ nhắc nhở, còn ngoại la rầy, đánh mắng tôi. Mẹ xót ruột nhưng không dám lên tiếng. Mẹ luôn nghĩ rằng mẹ bất lực, mẹ có lỗi với tôi vì đã không che chở nổi cho con. Mặc dù, ngoại rất thương mẹ và thương tôi nhưng cái tính nghiêm khắc khiến thỉnh thoảng trong cơn nóng giận ngoại vẫn la mắng mẹ.

Tôi vào nội trú mẹ tôi một mình, lặng lẽ, đơn côi. Đôi lúc nhớ con không chịu nổi, mẹ muốn đón tôi về với mẹ không cho tôi học xa nữa nhưng suy nghĩ, đắn đo mãi mẹ lại không nỡ để tôi thiệt thòi. Mỗi lần tôi về rồi đi mẹ lại khóc. Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại mãi. Mẹ tôi rất mau nước mắt. Đó không phải là cái lỗi của mẹ. Mẹ tên Hạnh mà đời mẹ bất hạnh quá. Đời mẹ không có ngày vui.

Mẹ tôi luôn ước mơ có được một căn nhà nhỏ nhưng riêng tư. Tôi mong mình sớm thành danh để có điều kiện thực hiện ước mơ của mẹ cho mẹ vui vẻ toại nguyện lúc cuối đời.

Người ta luôn tôn vinh hình ảnh bà mẹ bằng những hình tượng đẹp như vầng nhật nguyệt như ánh thái dương nhưng với tôi, mẹ chỉ là con gà mái thô kệch quê mùa xấu xí mà lúc nào cũng xoè đôi cánh rộng ra che chở cho đứa con thân yêu của mình. Mẹ tôi chỉ mong tôi ngoan ngoãn, mạnh khoẻ và thành đạt là mẹ tôi vui lắm rồi. Tôi cố gắng học hành tu dưỡng đạo đức để trở thành người tốt cho mẹ tôi mãn nguyện, thảnh thơi tuổi già.

528 - Đặng Thiên Thanh

Tác giả bài dự thi và mẹ

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN