Viết về mẹ: Dì tôi – đóa hoa trên cát

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 085_VVM

Họ tên: Huỳnh Thanh Thảo

Địa chỉ: Huyện Củ Chi, TP. HCM

—————————————————

Ông bà ngoại tôi sinh được sáu người con trong đó dì là người “có nét” nhất. Da dì trắng, dáng thon thả cộng thêm mái tóc loăn xoăn khiến bao chàng trai trong làng xiêu đổ. Không biết có phải vì thế mà cuộc đời dì gắn liền với câu nói của ông bà ta: “hồng nhan nên lắm truân chuyên”. Dì gặp và kết hôn với dượng vào những năm tháng khó khăn của đất nước. Trong một lần phá rừng làm rẫy dượng tôi bị một quả mìn nổ trúng vào người, tai nạn làm dượng mất đi một cánh tay, sức khỏe suy giảm.

Hai mươi lăm tuổi, dì đã phải gồng gánh gia đình với bầy con nheo nhóc. Cái khổ của người đàn bà năm đứa con như càng khổ hơn khi người bạn đời không cùng chia sẻ chuyện áo, cơm. Từ khi mất sức lao động, buồn bã, nhục chí dượng tôi chẳng biết làm gì ngoài việc bầu bạn với  men rượu. Dì tôi đã cố gắng chịu đựng để mong các con có được đầy đủ tình thương của cha lẫn mẹ. Dì sống như một chiếc bóng, cứ lầm lũi, lam lũ “vì chồng, vì con”. Hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là được làm mẹ và được  nhìn thấy các con chăm ngoan, trưởng thành  nhưng dường như hạnh phúc ấy chưa bao giờ dì được tận hưởng trọn vẹn…

Anh Tư  – một trong số những người con của dì tập tành theo bạn bè xấu đua đòi hút chích. Và sau một lần sốc thuốc khiến dì tôi vĩnh viễn mất đi đứa con mà dì rứt ruột sinh ra. Ngày tiễn anh Tư đi, dì ngã sụp xuống, đôi mắt vô hồn gần như  không còn nước mắt để khóc nữa … Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì một trong bốn người con còn lại của dì chẳng may mắc phải căn bệnh tim, cứ mỗi tháng dì phải đưa đi lên thành phố khám bệnh một lần. Rồi tiếp theo là hàng loạt những biến cố ập đến tổ ấm nhỏ bé của dì, đôi vai oằn bao đau khổ như gánh nặng mỗi ngày một nhiều thêm.

Để có tiền chữa bệnh cho con và lo cho gia đình sáu miệng ăn dì phải đi làm thêm, từ việc rửa chén cho quán hủ tiếu, giúp việc nhà và cả việc bán vé số dạo. Dì như một con thoi không phút ngơi nghỉ. Dì thường bảo rằng “nghề nào cũng cao quý nếu biết kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình”. Dù vất vả là vậy nhưng dì nhất quyết không cho các con dì phải dang dở chuyện học hành. Các con của dì cũng hiểu đươc sự hy sinh to lớn ấy nên cố gắng ra sức học tập, lao động. “Ở hiền sẽ gặp lành” – câu nói xem ra không bao giờ là cũ !?!

Bây giờ, dượng tôi cũng đã “giã từ” men rượu. Các con của dì đều đã trưởng thành. Các anh chị người làm tổ trưởng cho một công ty may, người làm điều dưỡng trong bệnh viện. Riêng anh Út nhỏ nhất thì cũng đang là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng. Nhìn ánh mắt rạng ngời và nụ cười thật tươi của dì mỗi khi dì kể về thành quả của các con ít ai biết được dì đã từng có những tháng ngày vất vả như thế nào. Tôi thầm hỏi: Có phải chăng thượng đế đã trao cho phụ nữ sứ mệnh làm “mẹ” nên bản năng của người mẹ lúc nào cũng là bảo vệ đàn con nhỏ bé của mình? Tôi chợt nhớ đến câu chuyện trong bài tập đọc lớp 3 nói về một người mẹ đã hy sinh tất cả để bảo vệ đứa con của mình trước Thần Chết. Trong bài, Thần Chết hỏi: “Làm sao ngươi có thể tìm đến tận đây?” Bà mẹ trả lời: “Vì tôi là mẹ. Hãy trả con cho tôi”. Vâng! Chỉ có trái tim người mẹ mới làm được những điều thật bình thường nhưng cũng thật vĩ đại như thế. Tôi khâm phục  và quý mến dì. Trong tôi, dì như một cây xương rồng trên cát, dù đang phải sống trên sa mạc khô cằn nhưng vẫn nở những đóa hoa xinh tươi cho đời – đóa hoa ấy là sự hy sinh, là lòng yêu thương, là những gì tốt đẹp nhất mà Thượng Đế đã trao cho tất cả những người mẹ, trong đó có dì yêu quý của tôi!…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN