Viết về mẹ: Bóng hình dáng mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 357_VVM

Họ tên: Nguyễn Văn Kỷ

Địa chỉ: Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu 

—————————————–

Ai cũng gọi là mẹ, tôi thì cứ gọi là cô vì quen lắm rồi. Có lẽ người mẹ ấy hạnh phúc vì có được mọi người yêu quý quan tâm chăm sóc dù đứa con duy nhất đã hy sinh trong kháng chiến. Cô La Thị Biên, một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cô kể cho tôi chuyện thời kháng, chuyện vất vả nuôi mẹ già sau khi tổ quốc thống nhất… Gia đình cô tham gia cách mạng từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Đình chiến 1954, Nam Bắc chia đôi chồng cô tập kết ra Bắc, cô ở lại miền Nam với nhiều nhiệm vụ mới. Người con trai duy được cô nhận về nuôi từ tấm bé. Rồi anh đi theo kháng chiến chống Mỹ. Anh ngã xuống khi tuổi xuân đang còn nhiều ước mơ hoài bão. Sau hơn vài năm anh hy sinh cô mới hay tin. Khóc hết nước mắt nhớ thương con, có lẽ đó niềm yêu thương con duy nhất với cô!  Một lần đi công tác giao liên, cô bị địch bắt. Cô qua nhiều nhà tù Quảng Ngãi, Bình Định… Rồi 5 – 6 năm thì được thả ra. Năm 1973 theo hoạt động di dân lập ấp của chính quyền Sài Gòn, cô và mẹ già vào Nam sinh sống. Nỗi nhớ thương con, rồi do tù đày mỗi khi trái gió trở trời thân thể cô đau buốt.

Khi đất nước thống nhất cô chỉ nhận được cái ba lô nhỏ, một di ảnh của con trai. Ôm vào lòng nhưng kỷ vật mà khóc nức nở. Tấm lòng người mẹ ấy thật đáng quý làm sao. Cô không đòi chính sách gì cho mình, cô sống vô cùng thanh đạm trong căn nhà tình nghĩa do nhà nước làm. Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhưng đến ngày giỗ của con trai, liệt sỹ La Văn Thái, cô làm mấy món đơn giản thắp nén hương mong muốn con trai về bên mẹ. Trong căn nhà nhỏ nhắn, dù có bao huân huy chương bằng khen nhưng với cô tấm di ảnh người con trai, các kỷ vật của anh mới là tất cả. Căn nhà của cô cũng giản dị như con người cô vậy, bình dị vô cùng đơn sơ.

Ở cái tuổi cổ lai hy, vậy mà lúc nào hay đi đâu cô cũng gắn bó với chiếc xe đạp cũ kỹ. Cô kể: Sau giải phóng 1975, ai cũng có con cái, anh em bạn bè trở về rồi đều được sum họp nhưng với cô là sự chờ đợi mỏi mòn… Những người thân yêu nhất của cô không bao giờ trở về, trong đó người cô chờ đợi nhất là đứa con thương yêu của mình, người chồng cô ra Bắc ông cũng có gia đình khác… Bù đắp cho sự trống vắng đó, cô tham gia nhiều hoạt động xây dựng lại địa phương như công tác khuyến học, công tác Hội người cao tuổi… Cô lao động sản xuất để tự chăm lo cuộc sống của mình và nuôi người mẹ già. Cuộc sống của cô và mẹ hết sức đạm bạc. Chẳng bao giờ cô đòi hỏi bất cứ một quyền lợi nào. Rồi năm 1995, cô được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, một vinh dự vô cùng to lớn. Tôi làm công tác thanh niên nhiều năm, hay đến thăm cô và hiểu rất nhiều tâm tư tình cảm của cô. Cô rất yêu thương các bạn thanh niên, coi họ như con mình vậy, cô bảo: Thấy mấy đứa cô lại nhớ thằng Thái, hồi đó nó cũng hoạt động lanh lợi như các cháu vậy. Thắp một nén cho con cô lại đem nhưng kỷ vật xưa của con mà nói với vẻ đầy yêu thương mà tự hào lắm.

Buổi chiều quê thật êm ả, vẫn chiếc xe cũ cô vẫn thong thả tham gia phong trào của Hội người cao tuổi. Tôi thấy bóng dáng người mẹ ấy, người cô thân thương của tôi thật đáng kính trọng biết bao. Thương con hy sinh cho đất nước nhưng không vì thế mà giữ mãi niềm đau, cô lấy công việc giúp ích xã hội để làm niềm vui cho mình và mọi người, mà nhất là giúp đỡ cho các em các cháu khó khăn vươn lên trong học tập cũng các cụ già khó khăn neo đơn ở địa phương….

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN