Viết về mẹ: Chuyện miếng sườn nướng

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 360_VVM

Họ tên: Đặng Thiên Thanh

Địa chỉ: Mỹ Tho, Tiền Giang

————————————-

Hôm nay lễ Vu Lan, tôi muốn làm một món gì cho má ăn ngon hơn, đặc biệt hơn ngày thường một chút.

Biết là má rất thích món sườn nướng nên tôi đi chợ mua vài miếng sườn cốt lết.  Về nhà ướp gia vị thật thơm ngon, không quên cho thêm tý mật ong rồi ram cho má ăn cơm. Tôi muốn nướng cho vừa ý thích của má nhưng sợ nướng cứng và khô quá má ăn không được. Rồi nấu thêm miếng cơm tấm có mỡ hành và nước mắm tỏi ớt thật ngon đãi má mong cho má ngon miệng. Má hay nói má thấy người ta ngồi trong quán cơm cầm miếng sườn nướng trên tay ăn ngon lành. Má ao ước được ăn như thế.

Nhưng cuối cùng thì Má cũng trệu trạo rồi nuốt thôi mặc dù trước khi ăn tôi đã dùng kéo cắt thịt ra từng miếng nhỏ cho má dễ nhai. Bây giờ má tôi đã trên tám mươi, má không còn đủ răng để nhai nữa. Đó là quy luật của tạo hóa con người ta không tránh khỏi được.

Má kể lại hồi má còn trẻ má thèm được ăn sườn heo nướng lắm nhưng với đồng lương giáo viên hạn hẹp má không dám phí phạm tiền bạc chỉ biết tằn tiện để lo cho chị em chúng tôi. Lúc ấy má mới qua khỏi tuổi ba mươi mà thôi. Má tôi ao ước và mong chờ khi sinh em bé má sẽ được ăn cơm với sườn nướng nhưng rốt cuộc cứ hẹn lần hẹn lựa mà má tôi sinh cả mười lần không lần nào má tôi dám mua sườn heo để nướng cả. Má tôi nói:

– Con cái nheo nhóc, thôi thì có gì ăn nấy cùng với chồng với con. Chứ mình nỡ nào ăn món ngon trong khi chồng con mình nhịn thèm.

Bây giờ, chị em tôi đã lớn. Chị em tôi đã tự làm ra tiền. Tôi muốn đãi má mình  món ăn mà ngày xưa má thường ao ước nhưng tiếc là má tôi ăn không thấy ngon miệng nữa rồi. Ngày xưa, lúc còn có Ngoại, bà hay dạy tôi hát câu ca dao:

 Món ăn mỗi thứ mỗi ngon

 Ráng mà nhịn miệng chồng con nó nhờ.

 Có lẽ, bà ngoại tôi cũng đã dạy má tôi như thế….

Theo quy luật của thời gian, các thành viên trong gia đình tôi đã dần dần vắng đi. Ba tôi đã đi về bên kia khung cửa, các em tôi ai cũng có gia đình riêng, chỉ có thằng em Út tật nguyền khờ khạo, không biết nói. Nhà chỉ còn lại ba mẹ con. Bữa cơm hàng ngày của gia đình trở nên vắng vẻ. Sáng nay, vừa ăn cơm Má vừa kể chuyện ngày xưa của ba má cho tôi nghe….

Trước năm 1940, ngoại tôi buôn bán khá giả. Ông bà ngoại gởi má tôi vào học nội trú trường Thiên Mẫu. Đó là trường học của nhà thờ Thiên Chúa Mỹ Tho đảm trách.

Khoảng năm 1947, ông bà ngoại tôi đang làm ăn thuận lợi thì thình lình tiệm tạp hóa của ngoại bị Tây đốt cháy. Ngoại mới vừa gầy dựng lại được chút ít thì năm sau bị Tây đốt nhà thêm lần nữa. Nhà cháy liên tiếp hai lần như thế, tiêu tan hết sự nghiệp. Lúc đó Má tôi vừa thi đậu vào trường nữ trung học Gia Long, mọi thứ đã chuẩn bị xong chờ ngày khai giảng thì nhà cháy má tôi đành bỏ học má tôi nhà phụ giúp việc nhà với ngoại.

Ba tôi  là con ông Hội đồng ở Cai Lậy. Nhà nội cũng bị Tây đốt cùng năm ấy. Ông bà nội buồn rầu sinh bịnh rồi mất. Chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Ba tôi phải lưu lạc về Mỹ Tho sinh sống. Rồi từ đó, ba má tôi quen nhau. Năm 1952 thì hai người chính thức thành vợ chồng.

Lúc ấy cả hai bên gia đình đều nghèo khó quá chẳng lo nổi cái đám cưới cho ba má tôi nên khi về Cai Lậy thì ba má nói với bà con bên nội là ba má tôi đã tổ chức đám cưới ở Mỹ Tho. Ngược lại khi về Mỹ Tho thì ba má tôi nói với mọi người rằng đã tổ chức cưới ở Cai Lậy. Chuyện tế nhị, thiệt thòi ấy của má được giữ kín mãi đến bây giờ Má mới kể cho tôi nghe. Thật ra, ở thời đại ngày nay, việc con gái về nhà chồng mà lặng lẽ không có xe hoa, rượu hồng, pháo đỏ đã là một chuyện lạ, dư luận vẫn còn lên án. Huống hồ chi chuyện này diễn ra trong thời điểm cách đây trên sáu mươi năm rồi. Chắc hẳn, nó còn quan trọng biết bao nhiêu nữa??? Má tôi lúc ấy vì thương ba tôi mà má đã phải chịu đựng bao nhiêu niềm đau thua chị kém em. Trong đời người, ai cũng mơ ước được một lần lên xe hoa cho rỡ mặt rỡ mày với thiên hạ bà con nào ai có muốn bước đi trong âm thầm như thế.

Tuy không lễ lộc cưới xin nhưng trọn đời ba má tôi sống với nhau rất thuận thảo, hạnh phúc chưa bao giờ hai người gây gổ với nhau. Mấy mươi năm sống với ba má chưa bao giờ tôi nghe hai người cãi vã, xưng hô với nhau hai tiếng gì khác ngoài danh từ anh em.

Lúc đầu mới lập nghiệp hàng ngày, ba tôi ngồi nép mình trước cửa nhà thuốc tây ở đầu chợ Mỹ Tho để đánh và vá giầy cho khách vảng lai. Lúc chị hai tôi mới ra đời, má tôi còn non ngày tháng nhưng mỗi ngày chỉ ăn một bữaa cơm trưa. Cơm của người đàn bà mới sinh non ngày tháng là những giề cơm cháy mà ba xin ở tiệm bán cơm trong chợ. Ngày qua ngày ba má vất vả cực khổ gầy dựng. Ba đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Ba rất giỏi và khéo léo, kỹ lưỡng nên ai cũng chuộng má xin được một chân cô giáo trường làng. Ngoài giờ đi dạy má ở nhà chăm sóc việc nhà, bươn chải làm ăn buôn bán, làm vườn, chăn nuôi phụ ba kiếm tiền nuôi  chúng tôi.

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm trong vùng xôi đậu. Ban ngày là đàn ngoài, ban đêm là đàn trong. Tình hình an ninh căng thẳng Ba tôi phải tạm lánh mặt một thời gian. Những ngày vắng ba, má tôi một mình vô cùng vất vả với bảy chị em chúng tôi. Không có ba mỗi đêm, vừa dạy chúng tôi học má vừa tranh thủ thêu khăn thêu áo cho chị em gái chúng tôi. Có lần má tôi thêu cặp áo gối với hai câu thơ mà gần năm mươi năm rồi tôi vẫn không quên:

             Bão táp chim bằng đâu mỏi cánh

              Mưa sa chinh khách chẳng chồn chân.

Năm tháng trôi qua, gia đình tôi trải qua bao nhiêu dâu bể.  Má tôi gian nan vất vả nuôi mười chị em chúng tôi khôn lớn, đủ lông đủ cánh. Nỗi gian lao vất vả lấy mất đi tuổi thọ của ba. Ba đã vĩnh viễn ra đi vào một ngày giáp Tết.

Sau ngày ba mất má tôi suy sụp chông chênh hẳn đi má luôn đau yếu bệnh hoạn. Ngay khi tôi đang ngồi viết những dòng chữ này cũng là lúc má tôi đang lên cơn đau. Có lẽ do suốt đời lao động nặng nhọc quá. Bây giờ lớn tuổi hai bàn tay má tôi luôn nhức nhối tê buốt mất cảm giác. Năm trước má tôi phải nhập viện mổ nong mạch máu ở cổ tay cho máu dễ lưu thông xuống bàn tay bên trái.

Mấy mươi năm gian nan cơ cực vào những ngày cuối đời má vẫn chưa được thảnh thơi. Má vẫn còn phải lo cho đứa con tật nguyền, má cứ sợ đứa em tật nguyện của tôi không ai chăm sóc khi má tôi từ giã cuộc đời. Má tôi như một con cò suốt một đời lam lũ vì chồng vì con giống như câu ca dao.

                      Con cò cõng nắng cõng mưa.

                      Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương.

                                               Viết xong, mùa Vu Lan năm 2015

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

18 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN