Viết về mẹ: Bát thịt chua trong lòng

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 759_VVM

Họ và tên: Nguyễn Văn Công

Địa chỉ: Thường Tín, TP. Hà Nội

                                            ————————————

Tôi đã có một tuổi thơ đáng nhớ, đó không chỉ là những tiếng cười rộn rã trong mưa hay những ngày đầu trần đi phiêu bạt mà cả những gì cha mẹ đã phải hy sinh để che chở để nuôi tôi khôn lớn.Tôi sắp sửa bước ra khỏi cánh cổng đại học, hồi trước mới vào đại học tôi mơ mộng lắm nhưng giờ sắp ra trường làm cho những mơ mộng đó tiêu tan dần. Cha mẹ tôi làm nông nghiệp, nhà chúng tôi không giàu nhưng để nuôi được tôi ăn học trên thành phố 5 năm ròng thì quả thật cha mẹ đã phải hy sinh rất nhiều.

Hồi còn nhỏ, gia đình còn túng thiếu, cha đi làm thuê nay đây mai đó không cố định, mẹ ở nhà làm ruộng và nuôi hai anh em tôi. Tuổi thơ của hai anh em tôi không có gì là dữ dội nhưng đó là do mẹ đã ôm trọn những dữ dội đó vào lòng. Mẹ tần tảo sớm hôm chợ búa để kiếm tiền tuy không thể cho chúng tôi ăn ngon mặc đẹp nhưng anh em chúng tôi không bị đói ngày nào.

Có ai sinh ra muốn mình khổ đâu nhưng nếu cho tôi chọn lựa tôi sẽ chọn làm con của mẹ kể cả không được đầy đủ như những đứa trẻ khác. Mẹ thường đi chợ từ 1h đêm, lúc mà con gà trống nhà chúng tôi còn ngủ say chứ chưa nói gì đến tôi. Chiếc xe đạp phượng hoàng cũ kỹ có lẽ còn hơn cả tuổi tôi giúp mẹ vượt 20km lên thành phố để mua hoa tươi về  bán. Những đêm mưa giông gió bão không thấy mẹ ở nhà là tôi không tài nào ngủ được. Tôi lo cho mẹ trong cơn mưa tầm tã trong đêm. Mẹ bảo: “Đi chợ phải đi đêm, càng mưa thì càng bán được hàng con ạ”.

Cha không có nhà do phải đi làm thuê xa, mình mẹ ở nhà quán xuyến mọi việc từ kiếm tiền, trồng lúa, chăm 2 anh em tôi…đến các công việc của đàn ông như vác thóc, sửa mái nhà mẹ đều làm hết. Sương gió đã làm đôi vai mẹ nhô lên, bàn tay mẹ đã ráp như mai cua biển nhưng lúc nhỏ anh em tôi không thể hiểu hết những nổi khó nhọc của mẹ vẫn ung dung tiếng cười của trẻ thơ.

Hồi học cấp 2, tôi may mắn được nằm trong đội tuyển thi tiếng anh của huyện. Hàng ngày đi học đội tuyển về mẹ đều phần cơm canh tươm tất hơn để tôi ăn học, đợi mãi cũng đến ngày đi thi trên thành phố, mẹ bảo: “Để mẹ đưa con đi bằng xe đạp” vì nhà tôi không có xe máy, tôi đã khước từ một cách vô cảm: “Con không đi xe đạp đâu, bọn bạn bố mẹ nó toàn đi xe máy kia kìa”. Câu nói đó của tôi như sét đánh ngang tai mẹ, nhà nghèo lấy đâu ra xe máy nhưng tôi đâu thấu hiểu điều đó và mẹ cũng không trách gì tôi còn thơ dại.

Ngày đi thi, xe nhà trường đến đón, mẹ âm thầm đạp xe đạp theo sau, ngồi trên xe ôtô mà bọn nó cứ bảo ai đi theo đấy làm tôi ngại. Mẹ đạp xe trong cơn mưa phùn đầu xuân chỉ vì lo lắng cho tôi đi thi.

Cơn mưa tầm tã hôm đi thi không làm tôi bị ướt, tôi ngồi ôtô và sau đó ngồi 3 tiếng trong phòng thi. Hết giờ thi, tôi thấy mẹ mặc áo mưa đang đứng ở cổng trường, lòng ích kỷ vô ơn của tôi trỗi dậy. Tôi không ngẩng đầu đi ra vì sợ bạn bè nhận ra, tôi đi ra chỗ mẹ và ra hiệu cho mẹ phải về luôn kẻo bạn bè để ý. Tiếng lách cách trên chiếc xe đạp cứ ngày một to, át đi những câu hỏi mẹ tôi hỏi tôi có làm được bài không? Tôi không trả lời vì có lẽ tại tôi cũng không làm được bài nên tâm lý không được ổn. Trở về nhà, thấy mẹ ướt sũng trong chiếc áo mưa rách tả tơi mà tôi vẫn không xót xa, tôi bất hiếu quá, chỉ lo nghĩ cho bản thân mà không biết mẹ đã đợi mình trong mưa suốt từ sáng tới giờ.

Nhiều khi ở nhà không có cha, tôi cãi lại mẹ vì biết mẹ sẽ không đánh đòn nhưng tôi đâu biết vì mẹ thương tôi nên không đánh đòn cho dù tôi đã rất hư. Ngày mùa vụ, cùng mẹ ra đồng gặt lúa, mẹ tảo tần gặt hái trong khi tôi chỉ lo bắt cá và bắt châu chấu. Tôi đi gặt về trước nấu cơm cho gia đình, mẹ về sau nhưng cái hôm đó lúc đó đã 7h tối, trời đã đen ngòm nhưng chưa thấy mẹ về, cơn mưa lâm thâm từ chiều vẫn chưa dứt. Tôi ung dung mặc áo tơi đi tìm mẹ, đi nửa đường thấy mẹ đang tập tễnh bước về , tôi chạy lại đỡ mẹ thì thấy chân mẹ đang chảy máu dữ dội, hóa ra mẹ không may giẫm phải con ốc chết làm chân mẹ bị rách to. Tôi hối hả đưa mẹ về thật nhanh trong cơn mưa rả rích đêm đen. Tôi thương mẹ trong khi mẹ không một lời than vãn, mẹ vẫn mừng vì được mùa lúa chín, mẹ bảo: “Để mẹ bán đi cho con đi học thêm đội tuyển nhé”. Tôi đã khóc trên đùi mẹ vì mẹ đã vì tôi quá nhiều.

Có lần nhà hết tiền không có tiền mua thức ăn phải ăn rau với muối gần 1 tháng, da dẻ ai cũng nhợt nhạt hẳn đi. Bà hàng xóm giàu có gọi tôi lại và lấy trong tủ lạnh ra một bát to thịt gà đông lạnh và cho tôi. Cảm động trước ân tình của bà mà tôi rơi nước mắt rồi vội vàng cảm ơn chạy về nhà. Bà còn vội nói: “Nhà cô mua nhiều không ăn hết, cho cháu mang về, mới rang từ lúc trưa thôi, không sao đâu”. Về đến nhà cũng tầm bữa tối, tôi khoe rối rít với mẹ về bà hàng xóm tốt bụng, bát thịt nhanh chóng vữa nước ra, tôi không hiểu điều đó lắm và ăn vội một miếng thấy chua chua nhưng không biết vì sao. Mẹ vội cầm lấy bát thịt bảo rằng: “Con đang bị ho không được ăn thịt gà, chịu khó ăn rau đi, chắc là cô ấy rang thịt với khế nên chua thôi” nhưng tôi đâu có hiểu được là bát thịt đó đã để lâu ngày đến nỗi bị đổi vị chua nhưng mẹ vẫn cố ăn để cho tôi không cảm thấy tức tối với bà hàng xóm kia. Hôm sau, mẹ mua về một miếng thịt lợn to và rang lên cho anh em tôi ăn, mẹ không hề ăn miếng nào, mẹ nói: “Các con ăn đi, hôm qua mẹ ăn chán thịt gà rồi”. Tôi đâu có biết mẹ đã phải đi vay tiền để mua cho anh em tôi ăn. Mẹ vẫn vậy, mẹ luôn dành những điều gì tốt đẹp nhất cho chúng tôi. Mẹ không muốn chúng tôi hiềm khích với ai, mẹ dạy chúng tôi phải sống chan hòa với hàng xóm láng giềng kể cả việc mẹ đã ăn cả bát thịt đã để nhiều ngày trong tủ lạnh của bà hàng xóm.

Giờ ra trường mới thấy mẹ đã già và cũng biết mẹ đã già đi vì mình quá nhiều. Mẹ thường động viên: “Con cần gì cho học hành cứ nói với mẹ, mẹ lo hết cho, sau này ở trên thành phố nhớ về thăm mẹ là được”. Lần về nhà trên tay cầm tấm bằng đại học, ngó từ cổng vào thấy mẹ đang vác thóc mà tôi vội chạy vào đỡ cho mẹ, bao thóc có lẽ còn nặng hơn cả mẹ. Dáng mẹ siêu trong nắng vàng mùa hạ. Mẹ nghỉ ngơi đi, con lớn rồi để còn giúp mẹ, con sẽ chăm sóc mẹ bằng sức lao động của con, công ơn của mẹ con không dám quên ngày nào. Mẹ mãi là tình yêu lớn nhất của con.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN