Ứng phó với tin đồn nơi công sở

Bây giờ thì công sở cũng trở thành nơi “họp chợ” để nhân viên bàn tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và không phải lúc nào cũng vô hại.

Thì thầm nhỏ to những bí mật của công ty vô tình nghe được, đồn đoán quan hệ mờ ám của người này người kia… câu chuyện cứ thế truyền tai nhau rồi được thổi phồng lên khiến không ít cá nhân lẫn doanh nghiệp phải lao đao.

Tin đồn công sở – muôn hình vạn trạng

Làm việc trong một công ty sản xuất phần mềm, Hùng là người nhiệt tình nên ai nhờ chuyện gì anh cũng ra tay giúp đỡ. Khi cô nhân viên mới về, thấy anh hăng hái nhiệt tình thì hay nhờ cậy anh việc này việc kia, cô lại mua cả cà phê cho anh mỗi sáng để trả công rồi rủ ăn trưa để tranh thủ được chỉ dạy thêm. Một vài ngày đầu, tới ngày thứ ba thì một số người bắt đầu túm tụm nhỏ to, chỉ trỏ, những lời xì xầm cũng bắt đầu rộ lên. Nào là “cậu Hùng này có vợ rồi nhưng tính đào hoa, mồi chài gái trẻ”, nào là “cái con bé đó cũng ghê, biết người ta có gia đình mà còn sấn vào”,…

40500b82d9f7995

Dũng làm thiết kế cho một tờ báo có tiếng thì lại dính lời đồn đại về giới tính vì anh khá cầu kỳ trong cách ăn mặc, thói quen sinh hoạt, làm việc… Cộng với môi trường nghề nghiệp phải tiếp xúc qua lại với nhiều người trong giới tính thứ ba khiến lời đồn càng lan rộng hơn.

Đây chỉ là vài trong vô số “chuyện thường ngày ở công sở”. Đôi khi đó thực sự là những chuyện vô thưởng vô phạt, nói chỉ để mua vui, xả stress lúc rảnh rỗi, người nói cũng không ác ý gì. Nhưng những câu chuyện dần dà được thêm thắt bởi các nhân viên có dụng ý xấu, cạnh tranh không lành mạnh… khiến câu chuyện mua vui thành ra nghiêm trọng. Những chuyện kiểu thư ký cặp bồ với giám đốc, sếp già cặp nhân viên trẻ, trưởng phòng mới không đủ chuyên môn nhưng được vào nhờ con ông cháu cha, công ty sắp phá sản… làm không ít nạn nhân phải khốn đốn.

Ảnh hưởng đến cá nhân lẫn doanh nghiệp

Trở lại câu chuyện của Hùng cùng cô nhân viên mới, thấy thái độ mọi người khác lạ, cứ túm tụm thầm thì to nhỏ nhưng lúc đi ngang lại tản ra vờ như không, cho đến lúc anh vô tình nghe thấy câu chuyện của mình vọng ra từ nhà vệ sinh thì vô cùng bất ngờ. Điều đáng buồn là câu chuyện lọt đến tai vợ Hùng, khiến cô vợ giận dữ, vợ chồng lục đục mấy tháng liền dù Hùng ra sức giải thích. Cô nhân viên mới vốn hiền lành cũng không chịu nổi ánh mắt dò xét và những lời bóng gió cuối cùng phải viết đơn xin nghỉ. Còn Dũng may mắn hơn khi mọi người sớm nhận ra anh rất đàn ông: ga-lăng với các chị em trong những buổi tiệc, tự tay sửa chữa các món đồ bị hỏng trong văn phòng hay giúp đỡ bất cứ ai, chuyện gì khi cần đến bàn tay đàn ông tại nơi làm việc.

Những lời đồn về công ty để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn. Như vụ lùm xùm về tin đồn bị phá sản của công ty A. Từ một cuộc điện thoại đòi nợ tiền thuê mặt bằng mà vô tình một nữ nhân viên nghe được, thực hư thế nào chưa rõ, nhưng nhân viên cứ túm tụm bàn tán, trùng hợp việc bị chậm lương, rồi nhiều hợp đồng bị cắt… khiến mọi người cho rằng công ty đang trên đà phá sản thật sự, tinh thần hoang mang không ai tập trung làm việc được. Có người còn tính kiểu đi trước một bước là làm đơn xin nghỉ việc để được giải quyết chế độ.

Khi tin đồn gây thiệt hại cho doanh nghiệp

ông Bùi Hữu Chương, Chủ tịch công ty Great Learning,
ông Bùi Hữu Chương, Chủ tịch công ty Great Learning,

Theo ông Bùi Hữu Chương, Chủ tịch công ty Great Learning, chuyên gia về tâm lý lãnh đạo, tin đồn là điều  không thể tránh được tại nơi làm việc, tuy nhiên tin đồn không hẳn là rủi ro cho doanh nghiệp mà đó có thể là cơ hội để phát hiện ra những thiếu sót, những lỗ hổng trong doanh nghiệp. Theo ông, khi tin đồn xảy ra cần lưu ý thực hiện một vài điều sau đây:

  • Cần làm tập hợp nhân viên lại, nói rõ tình huống đã diễn ra và nhận trách nhiệm về vụ việc. Đưa ra các thông tin xác thực để minh bạch. Ví dụ ở trường hợp công ty A, cần đưa ra hóa đơn đóng tiền, các giấy tờ liên quan, ngày tháng nhà lãnh đạo chuyển tiền nhận lương cho nhân viên, nêu rõ nguyên nhân trả lương chậm…
  • Nên tìm hiểu xem nhân viên đang tin cậy công ty ở mức độ nào?
  • Khuyến khích nhân viên thông báo cho lãnh đạo khi xảy ra những tin đồn thất thiệt. Đó cũng là cơ hội hướng cho nhân viên cách ứng xử và điều chỉnh lại văn hóa của công ty theo cách có lợi.
  • Cần phải lên tiếng và giải quyết càng nhanh càng tốt, sự im lặng hoặc trấn áp những người tung tin đồn sẽ khiến sự hiểu lầm càng tăng thêm.
  • Tìm được nguồn tung tin đồn từ đâu? Ai là người đầu tiên tung ra tung đồn? Khuyến khích họ nhận lỗi trước toàn bộ nhân viên.
  • Để hạn chế xảy ra tin đồn, các doanh nghiệp nên xây dựng môi trường làm việc có nhiều sự tương tác. Định kỳ, người lãnh đạo sẽ gửi cho nhân viên định hướng hoạt động, tuần tới, tháng tới công ty sẽ phát triển ra sao? Cần nhân viên giúp gì?
  • Thiết lập hệ thống truyền thông nội bộ giữa các phòng ban chặt chẽ. Có những báo cáo định kỳ của các trưởng phòng ban hoặc có những vụ việc diễn ra đột xuất trong công ty đều có thể thông báo cho cấp trên biết mọi lúc mọi nơi.
  • Cơ chế thưởng phạt, khen ngợi, khuyến khích nhân viên nói thẳng nói thật cũng là cách để hạn chế tin đồn xấu.

Bạn có thể là một trong ba:

  • Nếu bạn là người tung tin đồn: Bạn vừa phát hiện ra điều gì đó từ người đồng nghiệp và nếu thực sự bạn tò mò hoặc muốn giúp họ, hãy đi và nói trực tiếp với chính người đó, đừng nói với bất kỳ ai về vấn đề bạn phát hiện như là một câu chuyện phiếm.
  • Nếu bạn là người bị lôi kéo vào cuộc đồn đại: Ngay khi họ rỉ tai về điều đó hãy làm những điều sau: Bỏ đi ngay lúc đó; Tìm cách đổi chủ đề; Nói rằng “tôi không thoải mái khi nói về chuyện này, tôi không thích nói về người khác vì tôi không muốn người khác cũng nói về tôi như vậy.”; “Tôi chưa từng nghe thấy điều này bao giờ, sao chúng ta không hỏi thử anh ấy/chị ấy xem có phải như vậy không nhỉ?”.
  • Nếu bạn chính là tâm điểm của cơn bão: Hãy tiếp cận với người tung tin đồn và hỏi họ rằng: “Tôi nghe được bạn nói như thế này… về tôi khi tôi không có mặt ở đó, tôi sẽ biết ơn nếu bạn nói trực tiếp điều đó với tôi thay vì nói với những đồng nghiệp xung quanh”. Còn với những người tham gia vào tin đồn, bạn cũng nên gặp mặt và nói rằng: “Tôi không biết bạn nghe những gì về chuyện của tôi từ những người xung quanh, nhưng tôi sẽ rất biết ơn nếu bạn dừng những câu chuyện đó lại.” (theo businesstrainingworks.com)

Tây Thuận (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN