5 đặc điểm của nhà quản lý giỏi giao tiếp

Hầu hết các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo đều có xu hướng giao tiếp rất tốt. Chính yếu tố này giúp họ kết nối với người khác, kết nối mọi người với nhau, đồng thời thuyết phục một ai đó dễ dàng hơn. Vậy làm thế nào để nhận biết một nhà quản lý giỏi giao tiếp? CareerLink sẽ giúp bạn tìm ra những đặc điểm nổi bật ở những người lãnh đạo có tài ăn nói.

Thái độ điềm tĩnh

Một người giữ được sự điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh luôn là người có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo nhất cho mọi vấn đề. Điềm tĩnh đôi khi là một tính cách đặc trưng ở một vài người sở hữu từ khi sinh ra, nhưng cũng là kết quả của quá trình rèn luyện, trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống… Người lãnh đạo có sự điềm tĩnh sẽ biết nói gì, khi nào phù hợp với hoàn cảnh nhất. Họ biết cách giao tiếp hiệu quả với mọi người xung quanh, biết cách giúp nhân viên cải thiện lỗi sai bằng thái độ và ngôn từ thích hợp. Không chỉ vậy, sự điềm tĩnh giúp nhà quản lý nắm bắt được diễn biến của cuộc họp quan trọng hay lựa chọn được ngôn từ thể hiện kỹ năng thuyết phục đối tác để mang về những hợp đồng lớn cho doanh nghiệp.

Khiếu hài hước

Có một sự thật là, những người sở hữu khiếu hài hước đều có những mối quan hệ tốt đẹp với người xung quanh.

Trong môi trường làm việc, chúng ta đều muốn sự vui vẻ, thoải mái để có cảm hứng sáng tạo và hoàn thành công việc. Chỉ cần trong nhóm có một vài thành viên hài hước, chắc chắn team đó sẽ vui vẻ và thân thiết hơn. Đặc biệt, với người quản lý, khiếu hài hước sẽ giúp họ dễ dàng tiếp cận và thân thiết với nhân viên. Trong nhiều trường hợp, khiếu hài hước của sếp có thể trở thành liều thuốc bổ quan trọng giúp lên dây cót tinh thần cho nhân viên của mình, đồng thời biến hình ảnh một người quản lý khó tính, nghiêm khắc trở nên gần gũi và đáng mến hơn trong mắt cấp dưới.

Chủ động lắng nghe

Người biết lắng nghe là người có được sự ủng hộ của mọi người. Một người quản lý giỏi luôn cần có đức tính tốt đẹp này. Chủ động lắng nghe không chỉ thể hiện thái độ tôn trọng người đối diện khi giao tiếp, mà còn thể hiện sự ứng xử tinh tế, nhẹ nhàng, tạo nên bầu không khí thân mật, tin cậy, đặc biệt hữu ích trong trường hợp nói chuyện với cấp dưới. Không chỉ vậy, chỉ khi lắng nghe, bạn mới thấu hiểu hết tâm tư, tình cảm, nắm bắt được tâm lý và xu hướng cảm xúc của người đối diện. Từ đó, bạn sẽ lựa chọn được cách giao tiếp hợp lý để mở nút thắt cho vấn đề hoặc mang lại những hiệu quả lớn trong công việc.

Phân tích vấn đề logic

Không phải ai cũng có tài phân tích vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc và có sự liên kết. Nhưng đa phần các nhà quản lý giỏi giao tiếp đều có tính logic trong người. Giống như thái độ điềm tĩnh, khả năng phân tích logic có thể là năng khiếu bẩm sinh, hoặc cũng có thể có được thông qua sự học hỏi, rèn luyện trong một thời gian dài.

Những người quản lý có óc phân tích logic là những người luôn được chờ đợi thuyết trình, làm rõ một vấn đề bất đồng nào đó trong phòng ban của mình. Lý do đơn giản là họ sẽ biết bóc tách từng khía cạnh của vấn đề, giải thích rõ ràng, khoa học, có dẫn chứng cụ thể để mọi người có cái nhìn toàn diện hơn. Thông thường, những người có tài ăn nói, giỏi hùng biện luôn là những người được chào đón ở mọi nơi… Vậy nên, không khó hiểu vì sao đây lại là đặc điểm thường thấy ở những người quản lý giỏi.

Hơn nữa, với đặc điểm này, người quản lý sẽ thống nhất lời nói và hành động của mình và không bị nhân viên chỉ điểm vì “nói một đường, làm một nẻo”.

Hòa đồng và dễ gần

Người lãnh đạo không nhất thiết lúc nào cũng gắn với hình ảnh nghiêm khắc và kỷ luật, thực tế có không ít nhà quản lý hòa đồng và dễ gần.

Hơn nữa, mẫu nhà quản lý dễ gần thường là những người rất giỏi giao tiếp và được nhiều người yêu quý. Họ không cố chứng tỏ quyền lực để khiến cấp dưới sợ sệt. Ngược lại, những vị sếp này sẽ chinh phục nhân viên bởi sự quan tâm, thân thiện và biết lắng nghe. Đặc điểm này ở lãnh đạo sẽ giảm bớt áp lực cho nhân viên, giúp họ tự tin, chủ động hơn trong công việc và tham gia đóng góp ý tưởng để cải thiện chất lượng, hiệu quả công việc cũng như văn hóa doanh nghiệp.

Huyền Nguyễn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN