Nguyễn Thị Ánh Tuyết và hành trình lập nghiệp trên xứ Mỹ

Lập nghiệp nơi đất khách chẳng bao giờ là dễ dàng khi mà ta có quá nhiều khác biệt so với họ. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, hiện đang sống tại Atlanta, Hoa Kỳ đã có những chia sẻ thú vị quanh câu chuyện lập nghiệp trên xứ Mỹ bằng kinh nghiệm mà chị tích lũy được trong thời gian cùng gia đình gầy dựng nên nhà hàng Phở Bắc.

Chào chị Tuyết. Chị đã sang định cư ở Mỹ được bao lâu? Thời gian đầu, chị gặp những khó khăn gì? Chị phải qua bao nhiêu bước mới có được “cơ ngơi” như hôm nay.

Tôi đã qua Mỹ được 32 năm. Lúc mới qua, trở ngại lớn nhất đối với tôi là ngôn ngữ. Tôi phải bắt đầu học lại từ đầu để có thể thích nghi và hòa mình vào cuộc sống bên này. Ra trường, thời gian đầu tôi xin đi làm hãng, làm nail, rồi cùng cả nhà chuyển sang buôn bán đủ mặt hàng mỹ phẩm. Và giờ thì bạn thấy đó, tôi và gia đình mở tiệm bán phở. Gọi là “cơ ngơi” thì hơi quá nhưng cũng có thể xem đó là một thành công của đại gia đình tôi (cười).

_DSC0688

Nghe nói ở xứ Mỹ chỉ cần có công việc ổn định là có thể đảm bảo được cuộc sống. Có vẻ như làm công ăn lương sẽ dễ dàng tồn tại hơn chuyện đứng ra tự kinh doanh làm chủ?

Đúng là ở xứ sở cờ hoa này, chỉ cần bạn có công việc ổn định là cuộc sống được đảm bảo. Tuy nhiên đi làm ăn lương chỉ đủ giúp bạn trang trải qua ngày, tiết kiệm lắm cũng chỉ có thể để dành được chút ít. Ông bà xưa thường bảo “phi thương bất phú”. Có thể mỗi người sẽ tự lựa chọn “gia nghiệp” khác nhau nhưng riêng gia đình tôi chọn cách mở tiệm tự kinh doanh để chủ động tăng thu nhập. Như vậy có thể dư dả nhiều hơn để phần nào san sẻ cho người thân ở quê nhà và giúp đỡ cả những người nghèo trong nước.

Theo chị, nghề nào là nghề người Việt Nam mình dễ “làm giàu” nhất tại Mỹ?

Mỗi nghề đều có thuận lợi, cơ hội và cả những khó khăn riêng. Ở Mỹ, nghề nail (chăm sóc làm đẹp móng – PV) được xem là nghề “hoàng kim” của người Việt vì dễ kiếm tiền và không sợ cạnh tranh với người bản xứ hay người nước khác. Nail gần như là nghề “độc tôn” của cộng đồng Việt. Chỉ có tiệm Việt cạnh tranh với nhau mà thôi. Cũng có một thời gian tôi theo đuổi nghề này nhưng rồi lại cảm thấy mình không thích hợp. Trong khi đó, ăn uống là nhu cầu cần thiết của mỗi người. Vì thế, tôi cùng gia đình chuyển hướng lao vào kinh doanh ngành ẩm thực. Bạn có thể một tuần không cắt móng tay nhưng đâu thể một ngày không ăn uống.

Có vẻ kinh doanh ngành ẩm thực khá dễ dàng vì đánh được vào nhu cầu thiết yếu của mỗi người?

Không hề dễ như bạn nghĩ. Thực ra ngành nail cũng đánh vào nhu cầu cá nhân của khách hàng nên không thể xét như vậy. Khi làm việc gì cũng đều có những khó khăn ban đầu. Ngành kinh doanh nhà hàng cũng không ngoại lệ. Đầu tiên phải nghiên cứu món ăn, công thức chế biến sao cho phù hợp với thực khách và phải tạo được nét đặc trưng cho quán. Rồi đến chuyện kiếm mặt bằng hợp lý, phải thoáng rộng cả không gian trong và ngoài để có chỗ cho khách đậu xe. Chưa kể, quán mới mở thường phải chịu cảnh đìu hiu vắng khách vì chưa có nhiều người biết. Tôi và gia đình đã chấp nhận gánh lỗ trong suốt một năm ròng để khách từ từ biết tới Phở Bắc nhiều hơn.

_DSC0718

Mở nhà hàng đất khách đồng nghĩa phải tìm hiểu về ẩm thực nước ngoài. Chị có nghĩ điều đó là mạo hiểm quá không vì nếu bán món Việt làm sao khách nước ngoài đón nhận?

Đó cũng là điều mà tôi nghĩ các chủ quán trước khi mở tiệm sẽ phải quan tâm tìm hiểu. Mỗi nhà hàng sẽ có “chiến lược riêng” để nhắm vào đối tượng kinh doanh khác nhau. Ví dụ ở nhà hàng Phở Bắc, lúc đầu tôi xác định sẽ nhắm vào khách hàng là người Việt trên đất Mỹ. Nhà hàng đặt tại thủ phủ Atlanta, là nơi có nhiều người Việt cư trú nhất ở tiểu bang Georgia này, một phần để tạo điều kiện cho đồng hương mình có chỗ lui tới họp mặt và thưởng thức các món ăn quê hương, đặc biệt là phở cho đỡ nhớ nhà.

Dần dần, những thực khách Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cũng biết và tìm tới nhiều hơn. May mắn là họ cũng thích hương vị món phở thuần túy của người Việt mình nên cũng không cần phải “biến tấu”gì nhiều cho khác đi. Có chăng là tạo thêm nhiều món khác mang đặc trưng riêng của quán để khách có thêm nhiều chọn lựa như là món phở tôm hay phở hải sản với nước soup phở không đổi. Ngòai ra, còn có những món khai vị như gỏi cuốn thịt nướng, gỏi cuốn nem nướng, gà nướng và cả gỏi cuốn đậu phụ cũng rất được khách nước ngoài thích thú.

Khi đã chọn kinh doanh ngành ẩm thực ở Mỹ, tiêu chí nào được đặt lên hàng đầu thưa chị?

Với ngành này, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là quan trọng nhất và luôn được chính phủ kiểm tra nghiêm ngặt. Bạn phải bảo quản thực phẩm đúng mức nhiệt độ quy định để đảm bảo không bị hư. Thực phẩm chính và sống phải được bảo quản riêng. Khu vực chế biến thức ăn luôn sạch sẽ và riêng biệt, nơi pha chế thức uống cũng tách biệt với nhà bếp. Đầu bếp luôn đội nón mang tạp dề khi làm việc để tránh làm rớt tóc, bảo đảm vệ sinh. Ở từng khu vực sẽ có chậu rửa tay cho nhân viên. Tuyệt đối không được rửa tay chung với chậu chứa thực phẩm, hoặc nơi đựng dụng cụ chế biến thực phẩm.
Ở đây tối kỵ nhất là việc để mỡ chảy xuống cống. Mỡ dơ, dư thừa thường được chứa vào thùng riêng và để đúng nơi quy định phía sau nhà hàng. Thường sẽ có nhân viên chính phủ đột xuất ghé kiểm tra khoảng 6 tháng/lần, xem nhà hàng có bảo quản thức ăn đúng nhiệt độ quy định, nơi chứa và chế biến thức ăn đủ tiêu chuẩn vệ sinh hay không.

_DSC0571

Với kinh nghiệm tích lũy được, theo chị để có thể tự lập nghiệp, kinh doanh nơi xứ Mỹ, người Việt mình cần lưu ý những điều gì?

Như đã chia sẻ từ đầu, tôi thấy khó khăn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài (trong đó có cả tôi) là vấn đề về ngôn ngữ. Người Việt mình cần cù lắm, lại không ngại vất vả, ngặt nỗi lại không giỏi tiếng người ta. Chỉ cần nghe hiểu, nói thông, bạn đã bước được nửa chặng đường đến thành công.

Kinh doanh ở Mỹ, chủ và nhân viên có mối quan hệ ngang bằng tương hỗ. Mình cần họ làm việc cho mình và họ cần mình để có việc làm ổn định. Mình tốt với họ, họ cũng tốt với mình. Còn với thực khách, họ rất chú trọng đến “cung cách phục vụ”. Như ở Phở Bắc, “khách hàng luôn đúng và luôn là thượng đế”. Đôi khi gặp nhiều vị khách khó tính khó chìu nhưng tôi luôn dặn các bạn nhân viên phải luôn niềm nở.

Về kinh doanh nhà hàng, trước hết bạn nên phải tìm hiểu nên mở quán ở đâu? nơi đó có nguyên liệu đầy đủ không? mục tiêu khách là ai?…Sau khi lên kế hoạch rõ ràng, bạn sẽ phải tìm landlord (chủ khu đất cho thuê -PV) và nói chuyện để mướn mặt bằng dài hạn. Nếu bạn làm chủ kiểu sang nhượng thì có thể bỏ qua ý kiến này của tôi.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Vy Lê Nguyễn (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN