Nhà văn Trầm Hương: Người đàn bà bước qua định kiến

Nổi tiếng là một nhà văn chuyên viết về các nhân vật nữ, các công trình lịch sử, biên khảo của chị cũng đều về phụ nữ, vì lẽ đó, chúng tôi tìm đến Trầm Hương để trao đổi về chủ đề “Sống với định kiến”. Nhưng rồi bất chợt tiếng đàn piano ngọt ngào của con gái chị từ trên gác vọng xuống, đã kéo tôi quay qua câu chuyện của đời chị – một cuộc đời “điển hình về định kiến”, như chị tự nói.

Các nhân vật nữ trong tác phẩm của chị có thường bị định kiến không? Theo chị, định kiến với phụ nữ trong cuộc sống hiện nay có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ nhiều không?

Nhà văn Trầm Hương: Người đàn bà bước qua định kiếnCó chứ, làm sao không có được, trước đây định kiến mới thật kinh khủng, có những người chịu không nổi đã tìm đến cái chết.

Người ta hay nói rằng xã hội đã thay đổi, định kiến không còn ảnh hưởng đến đời sống của nữ giới, ví dụ như chuyện nuôi con một mình, chuyện giới tính… Theo tôi, thực tế không phải vậy, dù ở bất cứ thời điểm nào thì định kiến với phụ nữ đều làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, dù quan niệm và cách nhìn nhận có thoáng hơn. Nếu có chuyện gì bao giờ phụ nữ cũng bị “đổ tội” trước. Chuyện con cái hư hỏng, gia đình tan vỡ chẳng hạn, nghe kể một hồi những nguyên nhân gây ra, cuối cùng cũng chốt lại một câu trời hỡi kiểu “Không có lửa sao có khói, chắc vợ sao đó, chứ không nhiên chồng lại đi cặp bồ. Vợ lúc nào cũng ngọt ngào, nhìn lúc nào cũng “ngon” thì chẳng đàn ông nào đi nổi….”. Còn chuyện giới tính, giả sử trong gia đình bạn có một người con les hoặc gay, bạn có thản nhiên đón nhận không, hay ban đầu bạn cũng sốc, cũng đau buồn và tìm mọi cách để thay đổi, cho đến khi không thể thì mới chấp nhận; hàng xóm, họ hàng có to nhỏ bàn tán về chuyện đó không?… Trong chuyện ba người mới “hay ho” làm sao, đàn ông được bênh vực rằng “mỡ treo miệng mèo, tội gì không ăn”, còn phụ nữ lại bị lên án là “phá hoại gia đình người khác”, dụ dỗ, giăng lưới… “Lỗi tại tôi mọi đàng”! (Chị cười với nụ cười “năng lượng” vốn có của mình).

Trong đời mình, chị gặp không ít định kiến?

Chắc chắn rồi. Có thể nói đời tôi là “điển hình về định kiến”. Chấp nhận làm người thứ ba, mang tiếng là người phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, có con với người đàn ông đang có vợ, chấp nhận sự dè bỉu, giễu cợt tủi nhục của người đời… Cuộc đời tôi bị “bầm giập” đúng nghĩa. Nhưng may mắn là ông trời đã bù đắp cho ‘người đàn bà ngu xuẩn’ như tôi. Tôi đã làm được những điều tôi muốn. Con gái đầu của tôi đang học năm nhất ở Nhạc viện vừa nhận được học bổng để qua Mỹ du học, cậu trai nhỏ đang là học sinh chuyên lớp 11 trường Trần Đại Nghĩa, hai chị em rất yêu thương nhau và vô cùng hiếu thảo với mẹ.

Sao chị lại tự nhận mình là ‘người đàn bà ngu xuẩn’?

Tôi đã từng ngây thơ tin rằng chỉ sống bằng tình yêu cũng đủ. Tôi lao vào yêu và yêu một cách mù quáng, bất chấp mọi cay đắng, có là ảo tưởng hay vụng dại thì đó cũng là tình yêu, là cảm xúc mãnh liệt của con tim mà tôi không thể cưỡng lại. Có thể nói là tôi yêu một cách điên cuồng, một cách ngu xuẩn. Tôi thấy mình đích thực là một người đàn bà ngu xuẩn trong ái tình, nhưng tôi “kiêu hãnh vì được làm đàn bà”.

Vâng, đó là bài thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” do chị sáng tác.

“Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà

Thế giới của khôn cùng đớn đau và êm dịu

Thế giới của loài mẫu đơn tự hủy mình khi sinh nở

Thế giới của tận cùng thấp hèn xấu xa

Thứ đàn bà

Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà

Được trung thực với nỗi đau

Suốt đời không dối trá…”.

Mỗi câu thơ, mỗi con chữ như rút ruột đời mình, hẳn là thực tế trong cuộc sống, đời chị còn hơn thế nào nữa?

Có một cô gái nói với tôi rằng “lúc nào em cũng thấy chị cười, nụ cười tràn đầy sức sống và toả ra năng lượng tốt”. Người ta luôn gặp tôi với nụ cười thường trực trên môi. Nhưng đằng sau những nụ cười ấy là hàng tấn nước mắt. Mỗi đêm nước mắt cứ vơi-đầy, một cách đúng nghĩa, khóc trong nghẹn ngào, khóc trong giấu giếm, khóc trong lén lút vì không thể để lộ ra sự yếu mềm trước mọi người và nhất là với con. Sau mỗi lần khóc, tôi thấy mình nghị lực hơn để chống đỡ những đau đớn tột cùng. Đã vậy rồi thì phải dám sống thực với cuộc đời mình.

Ai nghe kể về đời chị cũng thốt ra câu hỏi sao chị có thể làm được điều đó: vượt qua cái “bức tường định kiến” cao ngất ấy để dám yêu, dám sống?

Nhà văn Trầm Hương: Người đàn bà bước qua định kiếnTôi nhớ khi tôi mang bầu lần thứ hai, trong một cuộc gặp gỡ xã hội, có người đàn ông nhìn bụng bầu của tôi rồi cười cười giễu cợt “Lại có bầu nữa à? Con của ai đấy?”. Tôi chỉ cười cười. Ngay lúc ấy, một “người đàn ông đích thực” đang đứng cạnh tôi nghiêm mặt lại nói: “Anh làm gì vậy? Người ta đang mang trong mình một mầm sống, đáng được trân trọng biết bao!”. Quả thực tôi thấy mình thật may mắn khi bên cạnh mọi cái nhìn dè bỉu của người đời, vẫn có những người cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhờ thế tôi mới vượt qua được và sống một cách “đáng sống” cho tới ngày nay. Tôi luôn mang trong mình món nợ ân tình với cuộc đời này, với những con người ân tình ấy.

Cho tới giờ, cũng rất nhiều lần tôi tự hỏi chính mình không biết sao lại làm được như thế? Nhưng thực ra nó cũng giản dị thôi. Khi bị dồn đến bước đường cùng  buộc ta phải thế, hoặc sống, hoặc chết. Tôi lao vào công việc, làm ngày làm đêm, tưởng chừng như làm để chết, chứ không phải để sống. Tôi làm việc để tồn tại cũng như để khỏa lấp mọi đau khổ.

Vậy trong công việc, cái “định kiến giới” có làm chị “te tua” không?

Từng có người hỏi tôi nếu phải nghỉ việc sẽ làm gì để nuôi con? Lúc đó, tôi cũng không biết phải làm gì nữa, nhưng một bà bán rau, bán chuối chiên cũng nuôi con nên người. Họ đã hỏi về trường hợp của tôi. Về mặt luật pháp, tôi không vi phạm gì, hơn thế tôi còn làm rất tốt công việc của mình. Có lẽ vậy nên mọi người cũng thông cảm với tôi hơn. Còn quan điểm của tôi là sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp vì con, để tạo dựng cho con một cuộc sống đàng hoàng.

Nếu bây giờ có một cô gái tìm đến chị để xin lời khuyên vì cũng đang có những rào cản định kiến như chị, chị sẽ làm sao?

Đã định kiến nghĩa là không bình thường. Tôi luôn mong muốn có một gia đình hạnh phúc, trọn vẹn. Tôi không chọn lựa để phải leo qua cái rào cản đầy chông gai ấy. Cuộc đời có những trái ngang mà con người phải gánh chịu. Một người bạn của tôi nói rằng “Sao lại có người yêu điên cuồng, mê muội đến thế?”. Tôi không thể giải thích vì sao, thế mới điên rồ! Tôi không thể khuyên phải làm sao. Tôi chỉ mong rằng đừng có cô gái nào “ngu xuẩn trong ái tình” như tôi.

Xin cảm ơn chị! Quả là không thể lý giải được lý lẽ của con tim! Mong rằng cuộc sống của chị giờ sẽ mãi bình yên, không còn giông tố.

Nhà văn Trầm Hương từng tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, cử nhân báo chí, cử nhân điện ảnh, thạc sĩ báo chí, hiện công tác tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.Đã xuất bản hơn 40 tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản phim truyện, kịch bản phim tài liệu.

Nổi tiếng với tác phẩm Người đẹp Tây Đô,  Đêm trắng của Đức Giáo Tông, Đêm Sài Gòn không ngủ… Và hiện chị vừa hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy dày hơn cả ngàn trang. 

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN