Thoát khỏi định kiến để được là chính mình

Thế giới hiện đại đã….”phẳng” trong tình thế Việt Nam còn chưa vươn lên thành một nước giàu có, cái gì của thế giới cũng có thể du nhập vào. Điều này đặt ra nhiều thách thức, trong đó có lối sống của người trẻ.

Cổ hủ đã được nhận diện. Bây giờ tràn ngập trên mạng nhiều câu triết lý “đảo ngược tình thế”, thí dụ như ngày xưa giàu nghèo tại số, bây giờ người ta bảo, sinh ra trong nghèo khổ thì không phải do bạn, nhưng chết đi trong nghèo khổ thì lỗi chính là do bạn.

Quan niệm hiếu nghĩa, tình bạn, tình yêu, lối sống ứng xử… cũng vậy. Phát triển cá nhân được đưa lên hàng ưu tiên. Các sách dạy rèn luyện, dạy quản trị không chỉ trong khoa học kinh tế mà còn quản trị bản thân, giúp ta sống tốt hơn trong xã hội phức tạp và chuyển đổi nhanh.

Người lớn kêu ca là tụi trẻ giờ hư hỏng quá. Nào là ích kỷ, nông cạn, vô lễ và sống thiếu lý tưởng. Nào là con gái thiếu duyên, sỗ sàng. Trong các cuộc thi ứng xử của hoa hậu người đẹp, chả thấy có cô nào nói mình thích… chăm sóc người khác hết, toàn giống nhau là thích đi du lịch và thời trang…

Thoát khỏi định kiến để được là chính mình

Bao nhiêu là hành vi mới mẻ ra đời. Con gái cũng du lịch bụi, đi cùng bạn trai xuyên Việt “ăn bờ ngủ bụi”. Những nghề mới hút hàng, con gái thích làm tiếp viên hàng không, hướng dẫn viên du lịch. Động tý là nhảy việc, đâu có lương cao là đi. Hình như mọi nghề nghiệp trên đời này chả cần gì đến khái niệm lâu năm, gia truyền, không cần chịu khó nữa.

Cha mẹ biết nói gì, ừ thì thôi, con làm gì sao cha mẹ hiểu được. Nào nghề PR, Marketing, nào làm sự kiện, nào chữ viết tắt PG, CIO, MC…. Bây giờ cha mẹ ít học có khi không còn “đủ trình độ” ngồi xem ti vi nữa ấy chứ. Các chương trình truyền hình thực tế toàn tên Tây kiểu The Voice, Idol, So you think you can dance, Thank Got you are here….

Rồi cái đầu con cái mình nó nghĩ gì, chạy theo thần tượng nào, vì sao mấy cậu tóc xù xanh đỏ tím vàng từ đâu đến mà khiến chúng ngất xỉu, hò hét, gọt cả mái tóc mình cho nó giống! Mà ở đẩu đâu có chuyện gì chúng cũng biết, bài hát tiếng Tây, thuộc tên Tây trong các ca khúc và phim ảnh trong khi bố mẹ chả biết cô nào là Ngọc Trinh cô nào là Angela Phương Trinh!

Rồi bao nhiêu truyền thống tốt đẹp của ông cha, nó bảo lạc hậu rồi, giờ ai còn nghe theo nữa, chỉ nghe theo lời của đồng tiền. Con gái túm tóc đánh nhau giữa phố, còn quay phim phát lên cho cả thế giới biết. Làm sao cái lũ ấy nó chịu nghe thế nào là nhân ái và tình bạn…

Cứ ca ngợi sự độc lập của phương Tây, đòi ở riêng cho tự do, trút bỏ mọi nghĩa vụ chăm sóc và yêu thương cha mẹ. Nhưng người già ở Việt Nam là “hai lần nuôi con”. Lần đầu nuôi con, về già hầu cháu. Có cảm giác người già Việt Nam không có khái niệm nghỉ ngơi. Già rồi vẫn làm “Osin bay “ chạy ra Mỹ, Úc, Canada, Nga, Đức… để bế cháu cho con đi làm.

Nói mãi cũng không hết được, miêu tả được mặt tốt và mặt chưa tốt, thậm chí “lâm nguy “ của lối sống người trẻ. Chỉ rõ nhất một điều: họ chịu nhiều áp lực (nhiều người đâu có sung sướng gì), chịu nhiều thử thách nghề nghiệp vươn lên  đáp ứng nhu cầu sống của người thời đại.

Thoát khỏi định kiến để được là chính mình

Nhiều người đã thành công. Rõ nhất là làm công việc mới, học hành hội nhập, lương cao. Không chỉ thế, họ nhận nhiều thông tin, hiểu biết thế giới, vồ vập cuộc sống để có “tuổi trẻ lộng lẫy”, không để cho cái phức tạp của xã hội hiện đại nhấn chìm mình xuống.

Các cuộc thi thố, không chỉ là văn hóa nghệ thuật mà thi nghề, nấu ăn là nghệ thuật. Con trai là bếp trưởng khách sạn, con gái trên thương trường, trên các đấu trường quốc tế.

Như một “mê hồn trận “ cuộc sống hiện đại, nhưng có một thế hệ trẻ đang khẳng định mình. Họ không cần phải già đi mới có kinh nghiệm. Trong cuộc đời đầy áp lực, người trẻ đang trả giá ở khắp nơi.

Những người du học vật lộn để sống độc lập xa nhà, rời bỏ cái nôi ấm áp của các bà mẹ Việt chiều con, “úm” con rất kỹ để đến với một xã hội khác đầy khác biệt, chịu đựng bao đổ vỡ đắng cay dằn vặt. Bao nhiêu người trẻ rời xa quê hương, xa cha mẹ để lên các thành phố lớn lập nghiệp, ở trọ thiếu thốn, nếm trải các bữa ăn hàng rong vỉa hè quán xá… Nhiều người đã không vượt lên nổi, làm nạn nhân của đô thị.

Ngần ấy thử thách, bao nhiêu sự “tan vỡ” giập mặt để lớn lên. Những người thành công bây giờ cũng quá nhiều kiểu mà có phải ai cũng có thể học theo được đâu. Tốt xấu lẫn lộn, phải thông minh hiểu biết giỏi giang mới có thể khẳng định mình là người giỏi và tốt.

Tôi là tôi, có được không? Người trẻ có thoát ra khỏi áp lực của các định kiến xã hội để được là mình? Câu hỏi đó cũng không có công thức cụ thể như một thực đơn để bắc nồi lên nấu. Nó phụ thuộc vào “Tôi là ai?” rất nhiều.

Chỉ một điều nên biết chắc là tuổi trẻ đang đi lên trong một khung cảnh thế nào. Nếu xã hội hiểu được để bớt thành kiến sai lầm và người trẻ hiểu biết để tự tìm con đường của mình, thì cái Tôi tốt đẹp mới được khẳng định.

 Như một “mê hồn trận “ cuộc sống hiện đại, nhưng có một thế hệ trẻ đang khẳng định mình. Họ không cần phải già đi mới có kinh nghiệm. Trong cuộc đời đầy áp lực, người trẻ đang trả giá ở khắp nơi.

 

ĐẠT MỸ (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN