Viết về mẹ: Một mai mẹ quay về biển

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 144_VVM

Họ tên: Hoàng Nghiệp

Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ

 

—————————————————

 

Bỗng một sớm mai mẹ quay về biển, đôi mắt của mẹ thăm thẳm đến khôn cùng. Nghe tiếng sóng vỗ rì rào tôi biết mẹ đang nghĩ về cha. Mẹ chọn một phiến đá gần bờ, tiếng nước ì oạp như tiếng lòng thổn thức. Mẹ kể rằng, chính nơi này, đêm cuối cùng trong cuộc đời mẹ tiễn cha lên tàu. Ngày ấy mẹ còn rất trẻ, cha là lính đảo giữa ngút ngàn khơi xa, hiếm lắm mới có năm cha về, là vợ của lính đảo, là con của lính đảo, nhưng chưa bao giờ mẹ con tôi được nhìn thấy đảo. Hình hài của đảo chỉ là những ký ức còn lại trong câu chuyện của cha, là bài học mỗi khi nghe cô giảng trên lớp. Có thể đảo là hình tròn, nhưng biết đâu hình vuông cũng nên? Còn trong mắt mẹ, tôi thấy đảo có dáng hình Tổ quốc. Chẳng thế mà có lần cha bảo mẹ:

– Đảo chờ anh, Tổ quốc gọi tên anh, dù bất cứ giá nào anh cũng phải trở lại đảo.

Mẹ nhìn cha mà nước mắt lưng tròng. Giọt nước mắt đó không phải dành cho sự chia ly mà là giọt nước mắt của niềm tự hào sâu sắc vì vinh dự có chồng là lính đảo.

Ai sinh ra tạo hóa cũng đã cho một đôi mắt. Nhìn vào đôi mắt, người ta có thể biết được phần nào về số phận, cuộc đời… Câu nói của bà, sau  này tôi nghĩ mãi…

Mẹ tôi cũng có một đôi mắt như thế. Nhưng đôi mắt ấy đã gánh cả cuộc đời truân truyên, lam lũ, khổ cực. Ngày tôi sinh ra thì cha cũng không còn. Chỉ hai mẹ con cui cút trong căn nhà lá đơn sơ. Khi ấy, những chiều vàng vọt nắng hay từng cơn mưa xoáy tận vào lòng, mẹ thường ngồi thẫn thờ nhìn vào khoảng không trước mặt. Mẹ nhìn mà như không nhìn, mẹ mở mắt mà cũng như nhắm nghiền. Trong đôi mắt u buồn đó, tôi biết mẹ đang mơ về một cái gì đó rất xa nhưng lại rất gần. Có thể đôi mắt đang mường tượng mong cho con mình có một căn nhà lá lành lặn hơn, mong cho nó được một lần nhào vào lòng cha mà sờ nắn đôi quân hàm màu nước biển. Mà biết đâu có khi mẹ đang mơ về một mái ấm gia đình nơi đảo xa… Mong ước thật bình dị vậy mà lại khó vô cùng.

Bất chợt, cũng từ trong khóe mắt của mẹ, tôi thấy có những giọt nước trong veo, giọt nước như neo vào lòng tôi trăm mối tơ vò. Tơ vò là vì bởi cái xóm này có ai phải nuôi con đằng đẵng một mình như mẹ đâu? Ai trong đời cũng đã có lần khóc. Nếu cái khóc của niềm hạnh phúc thì đôi mắt như đang cười. Cái khóc của mẹ tôi là đau đáu những tháng năm nhọc nhằn, lặn ngụp để nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Cha mất, mẹ như những hạt phù sa đang mùa bão giông, không biết táp vào đâu để thành bãi bồi. Nhưng cũng có một điều mà không phải ai cũng tự hào như mẹ, đó là vợ lính đảo Trường Sa.

Đôi mắt như thả vào chiều biết bao nỗi niềm sâu lắng. Tôi đọc được trên đôi mắt hao gầy tong teo của mẹ có mùa lạc cháy lưng, mùa rơm đồng vàng óng, đêm đông lạnh giá, cái thui thủi một mình nuôi con… Nhưng cũng trong đôi mắt ấy tôi thấy niềm tự hào tột đỉnh, hạnh phúc cháy bỏng của mẹ vẫn ngày đêm trào dâng như sóng vỗ.

Mẹ sinh ra ở miền biển mặn chát. Ngày còn thơ tôi đã thấy những giọt nước mắt của biển mặn mòi, đắng ngắt. Người ta lặn ngụp để bắt con cua, con cá, rồi có người đàn bà cứ khóc mãi mỗi buổi hoàng hôn tím ngắt, nhìn về phía chân trời, nơi ấy người chồng đã thả neo và mãi mãi không về. Nước mắt của mẹ tôi lại khác, nó đã hòa vào biển khơi mênh mông và cũng nhiều giọt nước mắt khác nữa lại mênh mông trên biển khơi vô tận. Nước mắt của mẹ không đắng chát, ánh mắt của mẹ không sầu bi, mà nước mắt như buổi gặp lại người thân sau những chuỗi ngày đằng đẵng, chia ly. Tôi biết cha mãi mãi không về, cha đã ở lại biển, cha đã bám vào chân cột nhà giàn mà giằng co sự sống cho đồng đội trong cơn cuồng phong dữ tợn của biển. Cha đã tan vào biển để góp phần cho Tổ quốc có đủ hình hài. Vì thế nước mắt của mẹ không phải là nước mắt của sự mất mát như người ta ra khơi rồi rủi ro không vào bờ. Mẹ và tôi hãnh diện vì nghe những vần thơ cha đã đọc:

“Lính đảo giữa trùng khơi

Ôm hình hài đất nước

Giữa con sóng xô bờ

Để vẽ hình Tổ quốc”.

Nghe rồi mẹ lại khóc. Nhưng không phải mẹ khóc cho biển, cũng không phải biển khóc cho mẹ mà mẹ tôi muốn nhuộm nước biển bằng màu mắt của niềm tin người con gái tiễn chồng ra chốn khơi xa. Môt lần mẹ bảo:

Biển khơi mênh mông là nơi cha ở.

Đúng, cha tôi là lính đảo, thì đảo là nhà, biển cả là quê hương. Tôi cũng chỉ biết thế, nhưng không hiểu tại sao lại thế, bởi đã lần nào được gặp cha để nghe cha kể về điều đó đâu. Ngày mẹ rời biển lên rừng, tôi nghe nói biển động dữ dội lắm. Phải chăng biển cũng có mắt để khóc người đi? Đời người phụ nữ như cái cày trên vai, bộ óc nào tinh tế đã tả chân câu ví đó thành cái thực nhất của cuộc đời mẹ tôi? Đôi mắt nào đã thấu cõi lòng người thiếu phụ có chồng tan vào biển như mẹ tôi? Thật đáng khâm phục cho những con người như thế. Còn tôi đã đọc được cuộc đời của mẹ qua mỗi lần trong đục của từng giọt nước mắt trên đôi má hao gầy.

Đã bao mùa trăng khuyết lại đầy, đã bao mùa lá rụng rồi cây lại đâm chồi. Nhưng cứ mỗi một mùa trăng, một mùa lá qua đi, mẹ tôi lại cỗi đi một phần. Chỉ có đôi mắt là vẫn thế. Đôi mắt dù ướt hay khô, dù buồn hay vui cũng vẫn ẩn chứa một số phận rất riêng. Đời con người thật nhanh, mới thế mà đã mấy chục năm, đôi mắt ấy giờ đây đã về già.

Chiều nay, có tin áp thấp gần bờ. Mẹ kéo tay tôi thật nhẹ:

– Con ơi, ra biển mà xem…

Mùa biển động thật lạ. Với biển lúc này, mọi thứ đều trở nên nhỏ bé đến khôn cùng. Vậy mà lính đảo vẫn hiên ngang giữa chốn phong ba. Khi giông tố, biển có thể nhấn chìm tất cả nhưng vẫn phải khuất phục ý chí người lính giữ đảo. Điều ấy đã cho tôi thêm hiểu rằng vì sao mà bao đời này biển vẫn gắn liền, trụ vững, biển vẫn trong lòng người dân đất Việt.

– Vì trong từng con sóng xô bờ, vì trong từng lớp cát đại dương có một phần xương thịt của lính đảo…

Mẹ khẽ khàng lên tiếng. Trong mắt mẹ như ngàn vạn con sóng vỗ bờ, như niềm tin mãnh liệt gửi vào lính đảo. Giữa khơi xa, phía tận cuối chân trời, tôi thấy một màu đen sẫm lại. Màu đen ấy trùm lên cả đại dương ngút ngàn, màu đen ấy nếu choàng lên biển cùng chỉ như một con cá khổng lồ nuốt một cọng tảo khô. Thế mà lính biển đã ngàn vạn lần chống chọi với cơn đại nộ, có người phải hi sinh, có người nằm lại mãi mãi để cho biển được gọi tên mình. Bình dị quá, cao thượng đến không cùng.

Mẹ đang trở về với ngày xưa. Đi qua gần hết một cuộc đời, giờ đây mẹ nghe kể biển lại “động” thêm lần nữa:

– Cái “động” mà con cần phải tiếp bước chân của cha.

Tôi lặng người vì vui sướng bởi điều ấy đã trở thành mơ ước từ khi tôi được nghe những câu chuyện rất dài về lính đảo.

Đã 18 tuổi rồi, ngày mai tôi sẽ viết đơn tình nguyện nhập ngũ làm lính biển như cha. Chắc chắn lần này tôi sẽ biết đảo hình gì, con sóng vỗ ngược hay xuôi?

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN