Viết về mẹ: Mẹ ơi

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 074_VVM

Họ tên: Đoàn Thị Linh

Địa chỉ: huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

—————————————————

                                       22h15p, ngày 2/5/2015

Ba giờ đồng hồ ngồi xe buýt làm nó mệt quá! Nó chỉ muốn nằm xuống và nhắm mắt ngủ để quên đi cái sự mệt mỏi và cái mùi xe cứ dợn dợn trong cổ. Nhưng nó không ngủ được! Nó nhớ mẹ mà không biết có nên gọi đó là nỗi nhớ hay không khi nó cứ nghĩ đến mẹ mặc dù mới gặp mẹ cách đây hơn bốn tiếng đồng hồ thôi.

Những ngày nghỉ lễ trôi qua nhanh quá! Hình như thời gian trôi đi nhanh nhất là khi ta quên đi mệt mỏi để sống trong niềm vui, hạnh phúc còn những lúc đau buồn và phiền muộn thì một phút trôi qua cũng đủ làm ta thấy dài như đã đến tận cuối đời. Nó đã ở nhà cũng được ba ngày – khoảng thời gian khá đủ để đong đầy nỗi khao khát, đủ để vơi đi những lo lắng bài vở. Hôm nay nó lại vào Đà Nẵng, lại xa nhà và trở lại cuộc sống của cô sinh viên ngoại trú. Mà sao nó lại nhớ mẹ đến thế này, những hình ảnh của mẹ cứ hiện lên trong đầu kéo dài thời gian tắm giặt.

Mẹ gấp gáp chạy xe về nhà lúc 17h sau gần ngày dài đi đủ chợ để kịp chở nó vô bến xe bắt cho kịp chuyến xe 18h30. Nó vung văng xách vội cái ba lô, nhăn mặt ngồi lên chiếc xe dream lấm bụi bẩn của mẹ – chiếc xe mẹ dùng nó đi buôn bán đã hơn chục năm nay – mẹ chở nó lên bến xe phía Nam. Ngồi sau xe, nó im lặng, làm bướng tỏ ra trách mẹ khi ham bán những con cá để nó phải ôm nỗi lo trễ chuyến xe. Vì thời gian từ nhà vào tới bến xe cũng một giờ đồng hồ nếu ai chạy xe với tốc độ nhanh, còn với mẹ thì chắc cũng tròn một giờ ba mươi phút ( vừa tròn cho thời gian xe xuất bến). Nó tự hỏi vì sao lại giận? Đó có phải là giận vì lo lỡ chuyến xe hay giận khi phải ngồi trên chiếc xe cũ kĩ không hợp với sự sang trọng của chốn đô thị? Còn mẹ thì cứ chăm nhìn đường đi, nó thấy sự vội vàng của mẹ thể hiện qua đôi tay mẹ nắm chặt hai cái tay cầm. Nó sợ nhất là sự im lặng trong khi tồn tại hai người biết nói, đằng này lại là mẹ – con. Mẹ nói : “ Chiếc xe thủng lốp mẹ phải dắt bộ gần 20 phút trên dốc Phong Mỹ nên mới về muộn” khi nó mở lời hỏi mẹ để phá tan sự im lặng vốn không có quyền xâm nhập vào giữa hai mẹ con nó: “răng mẹ về trễ rứa?”. Nó im lặng, có gì đó nghẹn lại nơi cổ họng. Nó sai.

Rồi cơn mưa giông kéo đến bất ngờ thay thế cơn nắng chiều oi bức. Mẹ dừng xe lấy chiếc áo mưa màu xanh nước biển đã bị rách một đường ở cổ áo mặc vào, nó đứng không đụng đậy như người không hồn để nhìn mẹ. Nó không mang theo áo mưa. Mẹ biết nên mẹ lấy cái ba lô của nó bỏ phía trước cho khỏi ướt. Nó núp sau lưng mẹ với một nữa phần áo mưa đủ che cái lưng khom khom y hệt mẹ của nó. Bây giờ thì ánh mắt nó chỉ có thể nhìn vào tấm lưng của mẹ. Mẹ gầy đi nhiều quá, chiếc áo mỏng và hơi sát thân mẹ không thể che đi đường sống lưng rõ nét đó. Nó có thể đếm được bao nhiêu khúc xương mà, nó thề là nó nói thật! Chiếc áo màu đen của mẹ lấm tấm những vệt trắng. Đúng chắc rồi, cái nắng dữ dội cả ngày làm mồ hôi mẹ ra nhiều, hơn nữa lại là mồ hôi muối nên khi nó thấm ra áo, kết tinh lại thành những đường màu trắng như muối tinh vậy. Có lẽ, mẹ đã phải vất vả đến nhường nào khi một mình dắt chiếc xe máy lên xuống những con dốc dựng đứng nơi đất núi rừng Phong Mỹ! Nó có thể tưởng tượng ra cảnh mẹ lúc đó: Mẹ đội chiếc mũ bảo hiểm đã cũ, chiếc khăn che nắng được mẹ tháo ra lửng lờ ngang cằm cho dễ thở. Mẹ nghiêng người về phía trước để đẩy chiếc xe đầy hàng hóa được chất trong những cái xách được làm bằng lác nhựa và cái thùng xốp được mẹ dán đầy keo trong bên ngoài cho cứng lại. Những giọt mồ hôi nhễ nhại cứ thế rơi xuống cũng giống như chiếc lốp xe ngày càng xìu lại cho đến khi không còn một chút hơi nào trong lốp. Nghĩ đến đó thôi cũng làm nó dày vò cái tính ích kỉ và con nít của nó. Mẹ nó đi nhiều chợ, mua hàng hóa ở chợ này rồi đi bỏ lại ở chợ khác. Có ngày, mẹ đi cả 5 cái chợ. Mẹ chắt chiu từng đồng cho chị em nó đi học, cho những bữa cơm không chạy vạy những món ăn, cho tất cả. Mẹ cùng ba lo hết cho cả nhà. Chiếc xe cũ kĩ ấy mẹ đi hết nơi này đến nơi nọ mà sao nó cứ phải dè dặt? Nó nhớ mẹ vẫn hay nói: “đi xe nớ có răng mô mà mấy đứa bây cứ chê! Đi xe chi không được, miễn tới nơi thì thôi. Có ai nói ui cha cái con nớ đi chiếc xe chi mà xấu mô mà lo. Quan trọng là con người mình a tề.” Khi mấy chị em nó cứ nửa đùa nửa thật: “ Thà con đi bộ cho rồi còn hơn đi chiếc xe nớ của mẹ”. Bây giờ thì nó thấy mẹ đúng. Có sao không khi ngồi lên chiếc xe đã cũ kĩ và được xem là lỗi thời? Không ai đi đánh giá những điều nhỏ nhặt đó cả, nếu có thì họ không xứng đáng để bạn tiếp nhận những lời họ nói ra. Cơn mưa cứ ào ào đổ xuống, những đợt sấm sét to không cho phép mẹ con nó nói chuyện. Nó biết những hạt mưa dồn dập ấy đang rít mạnh vào khuôn mặt hốc hác của mẹ, chắc rằng mẹ đang nhíu mắt lại ngăn cho những hạt nước trời không đưa vào đó để rồi những vết chân chim đua nhau hiện ra nơi khóe mắt.

 Nó muốn ôm mẹ một cái thật chặt để ngửi cái mùi mồ hôi trộn lẫn trong những giọt nước rơi xuống từ đường rách ở cổ bốc ra từ chiếc áo đã ẩm ướt của mẹ. Đôi tay nó đưa tới rồi thụt lùi, nó không thể làm như vậy. Vì mẹ con nó chưa bao giờ thể hiện tình cảm, mẹ có thương thì mẹ cũng không nói, nó có yêu nó cũng chỉ im lặng. Nó thương mẹ những ngày nắng cũng như những ngày mưa, vẫn đi bán cả khi đau ốm. Một ngày nghỉ chợ của mẹ để đi chơi hay đi đâu đó cũng thật hiếm có. Những giọt nước nóng hổi rơi xuống sau cái khẩu trang cuốn trôi mờ những sự đua đòi, bon chen tầm thường và cái sự nông nổi của nó. Những tiếng nấc không cho nó kìm nén cùng với sự ân hận dày xé tâm can. Nó ước sau này sẽ dùng chính những đồng lương đầu tiên của mình đưa mẹ đi chơi một chuyến thật xa. Nó có thể tưởng tượng ra cái ngày mẹ có thể sống mà không cần nỗi lo tiền bạc, nỗi lo tương lai cho con cái làm mẹ ngày càng hao gầy và mòn mỏi. Những thứ đó có khi khiến mẹ nổi cơn phẫn nộ đáng sợ cũng là vấn đề làm mẹ không một ngày nào không tính toán, lo liệu cho ngày mai. Đó chính là động lực để nó cố gắng học tập những lúc chán nản xâm lăng cái đầu của nó.

Tới bến xe thì trời đã hết mưa, nhường chỗ cho những cơn gió nhẹ se lạnh. Có lẽ vì thế mà mẹ không cởi chiếc áo mưa ra, mẹ nói “ để ri ra cho ấm”. Nó cởi chiếc khẩu trang, quay mặt lau vội những vệt nước và hít một hơi thật dài. Nó cười nói: “mẹ mặc kiểu nớ ra đường coi chừng lạc loài chắt đó nghe! Lấy áo con mà ra nì” – nó lấy chiếc áo khoác len mỏng – mẹ mua cho nó cái hôm 30 tết với lí do hàng ngày cuối năm họ bán rẻ, mua thêm mà thay đổi – trong ba lô nhỏ của mình đưa cho mẹ. “ Tụi bây cứ hay bày đặt!”- mẹ cởi áo mưa và mặc chiếc áo khoác của nó vào. Bây giờ thì nó nhận ra nó cũng khá giống mẹ! Tự hào quá đúng không nào? Mẹ nhét nhẹ vào tay nó thêm ít tiền: “mua thêm đồ ăn mà ăn, không được tiết kiệm!” Nó đẩy lại: “Dạ thôi! Mẹ tới đó mua chi ra cho em”. Rồi nó quay lưng chạy lên xe khi chú lơ xe gọi nó. Ờ! Nó đi mà sao nước mắt nó cứ chảy vậy nhỉ? Nó không thể quay đầu nhìn mẹ và chào mẹ một cái. Nó chắc rằng không thể ngăn những dòng nước này thôi chảy và cũng không thể cho mẹ thấy cái sự yếu ớt như muốn làm nũng cũng nó. Nó tiến về phía hàng ghế cuối để nhìn mẹ khuất dần sau tấm kính mờ của còn đọng những vết mưa gió chưa kịp hong khô. Không có ai ngồi sau lưng mẹ, mẹ một mình ra lại nhà khi trời đã bắt đầu đến khuya.

Bây giờ thì nó muốn ra lại nhà. Cứ mỗi lần vừa mới ở nhà xong là nó lại nhớ nhà, muốn bắt đại chuyến xe nào đó rồi ra nhà ngay cho nỗi nhớ không lấn thêm nhiều nữa. Sao hồi nãy gọi ra cho mẹ nó không nói nhỉ? Nó thật trẻ con quá đúng không? Mặc dù thế, nó vẫn muốn mình mãi trẻ con để được sống mãi với gia đình, bên mẹ, có mẹ chở che và dạy bảo mặc cho có những khi mẹ la mắng. Như thế nó mới khôn lên được bởi những bài học, những điều nó nghiệm được đa phần là từ mẹ. Mẹ như một thứ ánh sáng không bao giờ tắt soi đường nó những ngày đen tối cuộc đời. Khi mất đi một ai đó, khi những thứ quanh nó bỏ đi thì mẹ chính là người thay thế. Mẹ không hề biết chuyện gì đang xảy ra trong nó nhưng bên mẹ, dù đôi khi mẹ với nó bất đồng, dù có phải làm việc vất vả thì nó cũng thấy an ủi và an toàn đến lạ. Nó còn nghĩ dại rằng nếu sau này khi mẹ có mất đi, nó sẽ là gì trên cõi đời này? “Như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười. Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm.” Những giọt nước mắt nhèm đi những trang giấy thì cũng không thể cho nó cất tiếng gọi “mẹ ơi!”, cũng không thể cho nó nói “con xin lỗi, con yêu mẹ!”, càng không thể gửi tới tai mẹ câu “mẹ ơi! Con cảm ơn!” Nó chỉ biết khóc để suy nghĩ, để biết mình cần phải làm gì thay cho những câu nói mà không nói ra được. Hỡi những cơn gió đêm khuya, hãy mang những tâm sự này về với mẹ, ta nguyện gửi cả trái tim mình đi theo người. Nó nhớ hai câu thơ luôn khiến nó nao lòng khi nhắc đến:

      “ Ngôn ngữ trần gian là cái túi rách

        Đựng sao đầy hai chữ “ mẹ ơi!”.

 Khuya rồi. Con ngủ đây mẹ nhé! Chúc mẹ ngủ ngon.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN