Viết về mẹ: Có những điều ước

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 397_VVM

Họ tên: Đặng Thiên Thanh

Ngày sinh: 28/12/1955

Địa chỉ: Mỹ Tho, Tiền Giang

———————————

Ngày tôi còn bé nhà tôi nghèo lắm. Tuy cả gia đình sống trong căn nhà lá vách tre nền đất nhưng má tôi không để bảy chị em tôi sống trong cái cảnh nấu cơm buổi sáng vừa xong, chạy lo kiếm gạo cho nồi cơm buổi chiều.

Má tôi làm cô giáo nhưng là cô giáo trường làng nên lương thấp. Cũng may thời ấy, lương của má tôi có được phụ cấp cho con. Mỗi đứa một trăm đồng. Bảy đứa là bảy trăm, phụ vào lương căn bản của má. Dù thu nhập thấp nhưng nhờ vào sự vén khéo trang trải của má tôi nên chị em tôi không đến nỗi cơ hàn lắm. Tôi nhớ hễ cứ đầu tháng được lãnh lương là má tôi mua gạo mua mắm mua muối. Nói chung là mua những thứ cần đủ dùng trong một tháng để sẵn trong nhà cho chị em chúng tôi. Khéo ăn thì no khéo co thì ấm, má tôi hay nói thế.

Dù có nghèo khổ nhưng khi chúng tôi đến tuổi vẫn được đến trường như bao nhiêu bạn bè khác. Vẫn còn hơn nhiều gia đình khác trong xóm tôi. Con cái chẳng được học hành cứ lớn lên tý tuổi là  đi mò cua bắt ốc hái rau. Đã không tốn chi phí học hành mà còn có thu nhập phụ cha mẹ. Tôi đi học trường làng nên không cần mặc đồng phục. Là con gái nhưng tôi chuyên môn mặc quần xà lỏn. Đó là những cái quần được má cắt ra từ hai cái ống quần đen cũ của má rồi may lại. Ngày xưa, đàn bà con gái ra đường thì mặc quần dài đen chứ không phải như con gái thời bây giờ hay mặc quần ngắn. Ngắn đến độ không có thể nào ngắn hơn được nữa. Tôi cũng thích được mặc cái quần sa tanh đen láng mướt như bạn bè trang lứa nhưng thật tình suốt nhiều năm dài tôi không có.

Thói thường thì một đứa trẻ, khi được hỏi: “Lớn lên cháu ước điều gì?”. Vô số ước mơ cao đẹp thi nhau xuất ngôn: Bác sĩ, kỹ sư, phi công, thầy giáo… Còn tôi, khi được cô bác dì cậu nào hỏi như thế thì tôi đã trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Lớn lên con ước được ăn cơm”.

Quả thật như thế!!! Tôi nhớ rất rõ ràng, hồi đó, gia tài của ba má chỉ có mỗi một mảnh vườn nhỏ phía sau nhà. Nên thay ngoài ba bữa cơm ra con người ta còn có  quà bánh  kẹo, thì mấy anh chị em chúng tôi chỉ ăn toàn là mận hồng đào và chuối tự trồng trong vườn. Có thể nói mận và chuối miền Tây có mùi vị đặc biệt không có nơi nào sánh bằng. Nhưng thật sự là chúng tôi phải ăn chuối và mận thay cơm. Những lúc đi học về, đói bụng quá, thế là leo ngay lên cây mận, tìm một nhánh nào đó vững chãi, ngả người ra, chỉ cần giơ tay ra, hái trái nào ăn trái đó, những trái mận hồng đào sọc chín đỏ hết trái này đến trái khác, ăn đến đầy bụng thì tuột xuống đất. Khi không phải là mùa mận thì chúng tôi “đổi món”. Xách nải chuối ra chiếc võng được mắc trên hai gốc mận bên hè, cứ thế đong đưa, đong đưa, vừa ê a học bài vừa ăn chuối… hết trái này sang trái khác, đến khi no thì thôi.

Buổi ăn sáng của trẻ em nhà người ta thì nào là sữa, bánh mì hay bánh bao. Còn chúng tôi thì ăn cháo. Sáng nào ba má tôi cũng dậy sớm. Từ năm giờ sáng, má nấu một nồi cháo trắng thật đầy. Khi ba tôi vừa giặt xong một thau quần áo cũng là lúc cháo chín. Chị em tôi tuy thiếu thốn nhưng đứa nào cũng sạch sẽ, không hề lem luốc như trẻ con khác. Cả nhà ngồi xung quanh bàn, xì xụp húp, mà chính giữa bàn chỉ vỏn vẹn duy nhất một chén nước mắm suông. Loại nước mắm rẻ tiền chứ không phải loại thơm ngon như bây giờ. Mỗi đứa một chén cháo như thế. Ăn xong, anh chị em chúng tôi rã nhau ra đi học. Má đi dạy, ba đi làm thuê cho người ta.  Chỉ có trưa và chiều chị em tôi mới được ăn cơm nhưng cơm chỉ là cơm với  độc một món canh không kèm theo món kho món xào nào hết. Ngày ngày tháng tháng cứ thế trôi qua… Chúng tôi thèm lắm nhưng bữa cơm đầy thịt cá như người ta nhưng không có. Má nói phải để dành chút ít phòng khi hữu sự… Đến ba tháng hè mỗi năm, các giáo viên khác nghỉ dạy má tôi tranh thủ mượn phòng học của trường rồi mở lớp dạy thêm cho trẻ con trong xóm. Má nhận dạy từ lớp năm lớp tư lớp ba. Chị em chúng tôi đứa nào cũng là học trò của má. Có được tiền dạy thêm má lại mua tập vở viết thước, quần áo, chuẩn bị cho năm học mới cho chị em tôi. Các thầy cô giáo khác thì áo quần là lụa đủ màu sắc. Còn má tôi khi đi dạy chỉ cái áo dài màu xanh rêu cũ kỷ của bác gái tôi cho ngoài ra chẳng có cái nào khác hơn.

Má tập cho chị em tôi thói quen là ăn chung với nhau. cùng vui cùng buồn. Bởi thế chúng tôi cũng quen với nếp nhà. Không la cà quán xá người thì đi  ăn ngon đứa ở nhà nhịn thèm. Nói ra có thể bạn sẽ cười tôi. Chứ giờ nầy tôi vẫn chưa có thói quen ăn quán. Mỗi khi đi đường xa. Tôi vẫn có một chai nước lọc và miếng bánh mì lạt trong giỏ xách. Muốn ăn món gì thì tổ chức nấu nướng tại nhà ăn chung với nhau. Thói quen ấy đi theo mỗi chị em chúng tôi. Bây giờ có gia đình riêng nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt đó cho từng gia đình nhỏ của mình.

Đến mùa mận chín, thỉnh thoảng má cũng bán được vài ba gánh mận. Có thêm chút tiền má tiện tặn mua sắm chút ít  đồ đạc trong nhà hay có khi là lợp lại cái mái nhà cho lành lặn ấm cúng cho chị em tôi. Và lúc ấy là lúc chúng tôi có cơ hội ăn được món ngon. Má mua bột  gạo đổ bánh xèo hoặc mua xương về nấu nồi nước lèo thật to cho chúng tôi ăn hủ tiếu. Những lúc ấy bảy chị em chúng tôi vui rộn rã và ăn no nê luôn.

Hết lớp ba trường làng tôi ra trường thành phố học. Má tôi may quần áo mới cho tôi. Tôi được mặc đồng phục áo sơ mi trắng quần dài đen. Từ đó tôi mới được toại nguyện không phải mặc quần xà lỏn mỗi lần đi học, đi chơi nữa.

Vì  hàng ngày đi học xa, nhà cách trường  vài cây số nên mỗi ngày đi học má cho tôi năm cắc. Cái đồng năm cắc hình tròn bằng nhôm màu trắng có in hình Ngô Đình Diệm. Có được tiền tôi mừng lắm. Thế nào đi học tôi cũng mua một ly đá bào có chế si rô màu đỏ, hoặc ly nước đá  hột é có thơm mùi dầu chuối…

Thời gian qua nhanh, rồi chị em chúng tôi dần dần lớn lên, từ những chén cháo khốn khó ấy cùng với những cây trái trong vườn nhà và sự hy sinh tận tụy của má. Chúng tôi đã thành nhân chi mỹ, có gia đình riêng, có con có cháu nhưng mãi mãi chúng tôi không quên những ngày chị em tôi quây quần trong ngôi nhà nghèo khó thiếu thốn nhưng chứa chan tình cảm của ba của má.

Tình thương yêu và sự giáo dục của  má mãi mãi tồn tại trong tiềm thức của chị em chúng tôi cho đến hết cuộc đời nầy

Xin cho tôi sống lại một ngày, xúm xít bên ba bên má bên đầy đủ chị em để chúng tôi được vô tư tận hưởng tình cảm ấm áp của một gia đình hạnh phúc.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN