Viết về mẹ: Mẹ đừng ốm nữa, cũng đừng già đi

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

MS: 051 – VVM

Họ và tên: Nguyễn Thu Thương

Địa chỉ:huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

—————————————————

Ngày bé, nhà tôi nghèo lắm. Bố đạp xe đi bán kem mút cả ngày, đến tối mịt mới về. Có ngày trời mưa quá, nhà tôi lại ở miền rừng núi, đường lầy lội gập ghềnh, cứ mưa xuống là không đi được nên bố phải tìm chỗ trú, ngủ lại ở rừng qua đêm. Mẹ tôi làm giáo viên, nhưng vì nhà nghèo, ông bà lại ốm yếu, nên ngoài giờ lên lớp với đồng lương ba cọc ba đồng ấy, mẹ lại tất bật lên nương làm rẫy, lấy củi lấy măng mang đi bán, tích cóp từng đồng nuôi tôi ăn học, chăm chút cho gia đình nhỏ thân yêu. Vất vả là thế nhưng lúc nào tôi cũng thấy mẹ cười tươi cả. Chỉ trừ những đêm mưa bố không về được, mẹ lại bần thần ngồi đầu hè, mắt ươn ướt. Hồi đó làm gì có điện thoại, bố đi bán kem tít trong những thôn bản xa xôi. Những ngày mưa không thấy bố trở về nhà, không có phương thức nào để liên lạc, mẹ chỉ sợ bố đi lạc trong rừng, sợ bố gặp cướp, gặp thú dữ, gặp chuyện không may…

Những ngày chờ đến tận khuya vẫn không thấy bố về như thế, tôi lại khóc ầm lên, khóc không ngừng được. Những lúc ấy, mẹ lại ôm tôi vào lòng thủ thỉ: “Con gái ngoan, không được khóc. Con phải ăn khỏe, lớn nhanh, mạnh mẽ để sau này còn đỡ đần, bảo vệ bố, nghe không?”. Tôi còn bé, không hiểu gì, nên nghe mẹ nói lại càng khóc to hơn. Sau này lớn lên tôi mới thấy mình tệ quá. Những lúc như vậy, mẹ lại ra sức dỗ dành và “đánh lạc hướng” tôi bằng những câu chuyện cổ tích đẹp như thơ. Câu chuyện về sự tích hồ Ba Bể, Bà chúa tuyết, truyện cổ An-đéc-xen… cứ thế lớn dần, lớn dần lên rồi lấp đầy tâm hồn tôi qua giọng kể rủ rỉ bình yên hằng ngày của mẹ…

Từ bé, tôi đã là một đứa trẻ gầy gò, ốm yếu, ăn vào lại nôn ra. Ban ngày đi làm, mẹ phải gửi tôi cho ông bà ngoại. Cứ hết tiết dạy trên lớp, mẹ lại tất bật đạp xe về nhà coi tôi ra sao, sau đó lại cầm cuốc cầm gùi lên nương, lên rẫy. Mẹ cứ nói giá mà nhà mình khấm khá hơn một chút, để mẹ có nhiều thời gian hơn cho tôi, để mẹ có thể mua cho tôi những con búp bê barbie đẹp như các bạn, để tôi không phải lúi cúi cả ngày ngồi chơi với chiếc bàn chải cùn, với vài cái cốc, cái ca… Tôi thì có nghĩ gì đâu, ngoài việc ăn uống khó nhọc ra thì tôi chơi rất ngoan, quẳng cho cái gì là tôi cứ thế mà chơi đến hết buổi, chẳng đòi hỏi xa xôi gì. Thế mà mẹ cứ bận lòng, cứ tủi thân tôi mãi…

Ngày tôi học cấp 2, suốt ngày bị các bạn bắt nạt. Có lần bị giật tóc đau quá, thấy mẹ đứng đón ở cổng trường, tôi chạy ùa vào lòng mẹ, khóc tu tu rồi kể tội “chúng nó”. Trong khi tôi kêu mẹ đi “xử” tụi nó, thì mẹ nhẹ nhàng đẩy tôi ra rồi nghiêm mặt nói: “Vấn đề của con thì con phải tự đối mặt, phải tự giải quyết, bố mẹ không thể ở bên cạnh con để sống thay con, để bảo vệ con cả đời được. Con phải tự đối mặt, không được sợ hãi, không được trốn tránh”. Hôm đấy tôi giận mẹ lắm, vì nghĩ mẹ không thương tôi, nên không chịu giúp tôi “ra tay”, thế nên tôi nhất quyết không chịu lên xe để mẹ đèo về nhà, cứ lủi thủi đi bộ về, vừa đi vừa khóc vì ấm ức.

Thế rồi hôm sau đến trường, lại bị tụi kia bắt nạt, lần này còn đông hơn hôm qua. Thế rồi chợt nhớ đến lời nói của mẹ hôm qua: “không được trốn tránh, không được sợ hãi”, nên ngay lập tức, tôi lao như bay đến rồi cắn mạnh vào cổ tay từng đứa một. Hùng hổ như tên lửa. Chúng nó sốc quá nên ngay lập tức lùi lại đầy sợ hãi. Dĩ nhiên ngay sau khi định thần lại, từng đứa một lại xông vào đánh trả tôi. Nhưng ngay lúc đấy, mẹ tôi có mặt giải nguy, thấy người lớn nên chúng nó chạy hết. Mẹ kéo tay tôi dậy, mặt mũi tôi lấm lem hết cả nhưng mắt thì cười tít vì sung sướng, vì lần đầu tiên mình dám đánh lại, dám trả thù, dám đương đầu với nỗi sợ hãi. Mẹ nhìn tôi đầy tự hào, xoa đầu tôi rồi nói: “Làm tốt lắm, con gái dũng cảm! Về nhà thôi, mẹ đun nước tắm gội rồi ăn cơm nhé”.

Theo thời gian, đó có lẽ là lần cuối cùng tôi bị bọn ở trường bắt nạt. Bài học đầu tiên mẹ dạy tôi không phải là bài học về cái nắm đấm, về những vết cắn đầy bạo lực ở tay. Mà đó là bài học về sự tự lập, về cách đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời. Sau này lớn lên rồi, bài học ấy vẫn cứ theo tôi mãi, khiến tôi dạn dĩ, trưởng thành hơn, không còn lo âu, sợ hãi với những khó khăn, chướng ngại vật chông gai trong đời.

Ngày tôi tạm rời xa núi đồi quê hương để xuống thủ đô trọ học, chính thức bước vào quãng đời thênh thang trước mắt, mẹ chuẩn bị đủ thứ để nhét vào vali cho tôi. Nào là quần áo, thức ăn, nào là lọ tương ớt, hộp ô mai, cả chiếc khăn mùi xoa mẹ tự tay thêu cho tôi nữa… Nhìn dáng mẹ lụi cụi, cẩn thận để từng thứ một vào trong vali, tôi chỉ muốn lại gần rồi ôm chầm lấy mẹ mà khóc òa lên như ngày còn thơ bé. Dáng mẹ gầy đi sau bao nhiêu năm nhọc nhằn vất vả, mẹ bị ho và sổ mũi kinh niên vì phấn bụi bảng đen, đôi mắt hằn sâu những nếp nhăn dài của một thời gian nan khốn khó, mẹ mặc đi mặc lại vài chiếc áo sờn vai cũ mèm nhưng vẫn để dành tiền cho tôi khoác lên mình những chiếc áo thơm tho mùi vải mới… Mẹ cứ chịu thương chịu khó, dành hết phần thiệt thòi về mình như vậy, chỉ để tôi được ăn ấm mặc êm, được trưởng thành đúng cách.

Những ngày tất bật với việc học hành, với việc làm thêm nơi thành phố xô bồ nhộn nhịp, thi thoảng đối mặt với những vấp ngã của mình, khi không còn mạnh mẽ được nữa, tôi lại gọi về cho mẹ, kể cho mẹ nghe về những gian nan, những sân si cuộc đời. Tôi nói tôi nhớ từng món ăn của mẹ; muốn trở về ngày còn bé tí hin, để có thể an lành ngồi trong lòng mẹ, hát líu lo, nhìn mẹ cười toe, lúc lắc bím tóc xinh mẹ vừa tết…; tôi nói tôi nhớ những “câu chuyện đêm khuya” của mẹ, bây giờ là buổi chiều, nhưng mẹ hãy “đặc cách” mà kể chuyện đêm khuya đi.

Thế rồi mẹ lại dịu dàng kể chuyện cho tôi nghe qua đầu dây điện thoại, an ủi, vỗ về tôi. Cứ thế, như dòng suối hiền, như nhánh sông xanh – cam tâm, miệt mài, êm dịu…

Tôi nhớ ngày còn mẫu giáo, ngày đầu tiên mẹ dẫn tôi đến lớp, tôi sợ sệt không dám bước vào, cứ đứng ngoài nép mình sau lưng mẹ. Mẹ ngồi xuống, nhìn vào mắt tôi rồi nói, “đi đi con, chạy đi con, con cứ an tâm, mẹ vẫn ở đây đợi con, dõi theo con, không đi đâu hết cả”. Thế rồi tôi tạm biệt vòng tay mẹ, hòa mình cùng các bạn, cùng thầy cô. Chạy được một quãng, ngoảnh lại, vẫn thấy mẹ đứng đó, vẫy tay mỉm cười.

Dù trải qua bao sóng gió, bão giông, dù có mệt mỏi đến chơi vơi, kiệt sức, mẹ vẫn kiên nhẫn đứng đó, ở nguyên một vị trí, cùng tôi lớn lên, trưởng thành, cùng tôi vấp ngã rồi lại cùng tôi đứng lên bước tiếp. Đường đời gian truân luôn có mẹ ở bên chắp cánh cho những ước mơ, để tôi bay cao, bay xa. Rồi tôi sẽ đi, đi thật xa hơn nữa. Nhưng trên mỗi bước đường đời của mình, sẽ chẳng bao giờ quên được đường về nhà luôn có hình bóng mẹ yêu…

Đại dương bao la của tôi, vầng dương của tôi, ngôi nhà xanh ấm áp hiền hòa của tôi, tôi hứa sẽ bù đắp những mất mát, hi sinh, nhọc nhằn, khốn khó mà mẹ đã mang trong cuộc đời. Vì thế, chỉ mong mẹ đừng ốm nữa, cũng đừng già đi…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN