Viết về mẹ: Mảnh ghép thiên thần đánh rơi đời tôi!

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 554_VVM

Họ tên: Nguyễn Trần Khương

Địa chỉ: Hàm Tân, Bình Thuận

———————————–

Cái nắng gió của miền Trung làm con người ta khắc khổ bám trụ lấy mảnh đất nơi đây. Cũng vì cuộc sống mưu sinh mà những con người nơi đây từng vị nắng, chút gió cứ thấm vào da thịt để họ ngày một nặng gánh với những lo toan.

Là đứa con sinh ra trên mảnh đất này, tôi càng thấy mình trưởng thành hơn qua những giọt mồ hôi, nước mắt của mẹ. Từ khi cưới ba tôi, có lẽ đó đã là một cái sai. Một cuộc sống hôn nhân của những người cùng khổ. Nghe mẹ kể về những ngày đầu về làm dâu, không có cái mùng để ngủ, không có cái chăn để đắp. Mẹ còn chịu nhiều sỉ nhục và hy sinh chỉ để đợi đến ngày tôi tròn trịa ra đời. Mang tôi chín tháng mười ngày, không một ngày nào mẹ được ngơi nghỉ. Cứ loay hoay, quần quật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Để ngày sinh ra tôi, suýt nữa nơi tôi sinh ra là ruộng đồng.

Càng lớn hơn, tôi lại thấy và càng thương mẹ hơn, mọi tính toán, lo liệu trong nhà mẹ đều suy nghĩ tất. Còn ba tôi chẳng biết gì cả. Cuộc sống tuổi thơ của tôi được “nuôi dưỡng” bởi những hỉnh ảnh ngược đãi của ba với mẹ. Có khi là những trận đòn, có lúc là những cái tát. Giá tôi đủ dũng cảm chạy đến chở che cho mẹ thì hay biết mấy. Tôi chỉ có khóc, rồi hai mẹ con cứ thế ôm nhau mà khóc. Lớn hơn, những gánh nặng lại càng đè lên đôi vai của mẹ. Ba tôi chiều nào cũng uống rượu, mẹ nói là lại cãi nhau. Tôi còn nhớ những lần tôi chạy đến can ba tôi ra, ông đạp tôi một cái ngã nhào. Rồi rượt tôi và mẹ chạy khắp xóm, tối đó mẹ con tôi chẳng dám về nhà. Ông đem hết sách vở của tôi ra đốt, đòi cho tôi nghỉ học. Cứ thế, tuổi thơ tôi chứng kiến sự hy sinh của mẹ, chịu đựng của mẹ. Tôi càng thương mẹ hơn, tôi nói với mẹ sau này sẽ không bao giờ uống bia, rượu, hút thuốc. Bệnh là thế, nhưng ba tôi có chịu bỏ rượu. Để giờ đây, trong người mang bao nhiêu bệnh không thể đi làm. Vậy là những gánh nặng ấy là oằn lên vai mẹ hơn. Mẹ đi làm công nhân lò gạch để kiếm thu nhập hằng ngày. Mẹ một mình nuôi ba miệng ăn. Tôi còn nhớ như in cái ngày tôi nhận được giấy báo đại học, mẹ khuyên tôi nên học ở quê vì dễ xin việc và đỡ tốn kém. Nhưng cái ương ngạnh của một thằng con trai mới lớn đã đè bẹp suy nghĩ lý trí. Tôi cứ muốn vô Sài Gòn học. Đêm đó, tôi nằm ngủ nghe tiếng nấc nghẹn của mẹ, đêm đó gối của tôi cũng ướt đẫm. Và rồi tôi cũng vào Sài Gòn, cũng làm thêm. Đến ngày tôi biết được tin, để đóng học phí gia đình phải bán mảnh đất. Và tôi quyết định thi lại đại học để về học một ngôi trường ở quê.

Và giờ đây, khi tôi chập chững đứng trên bục giảng. Mẹ tôi vẫn phải ngày ngày đi làm từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới về tới nhà. Những dịp cuối tuần tôi về thăm nhà, nhìn đôi tay chai sạn, đen bóng nước mắt tôi lại không kìm được. Lương của một thằng thầy giáo làng mới ra trường chưa nuôi nổi bản thân, thì sao có thể lo cho mẹ, cho em gái đây. Những suy nghĩ trăn trở ấy cứ xoáy vào tôi. Những khi ngồi trò chuyện cùng mẹ, mẹ hay hỏi tôi chuyện gia đình. Tôi chỉ biết lảng đi bởi sâu trong tâm hồn ấy còn nhiều bí mật con chưa dám nói hay có chăng sâu trong mắt mẹ cũng cảm nhận được điều đó. Những thắc mắc, những suy tư ấy con đã cố gạt bỏ từ lâu, nhưng không được mẹ à. Con cũng chẳng hiểu nổi vì sao? Vì từ nhỏ con đã thiếu tình thương của một người cha hay có chăng những chịu đựng, hy sinh cuả mẹ đã tạo ra một tâm hồn yếu đuối, một thằng con trai muốn được che chở, bảo vệ hơn là ngược lại. Dù là gì, thì tôi vẫn luôn muốn cố gắng cho mẹ có cuộc sống khá hơn.

Những cơn đau lưng, đau tay, đau chân mỗi đêm cứ về hành hạ mẹ. Cũng như trước mẹ luôn phải chịu đựng. Có những khi ở dưới chỗ dạy, nghĩ về cảnh mẹ phải đi làm trong cái lạnh của những tháng mùa đông, đội những cơn mưa sáng của những ngày bão. Cũng những ngày mưa như thế này, tôi  nhớ lại cái cảnh hai anh em vừa tạt nước mưa tràn vô nhà vừa khóc. Lúc ấy, tôi chỉ mong sao có một căn nhà đàng hoàng để tránh mưa, tránh gió. Mỗi khi có bão, lòng tôi lại lo lắng, không biết ở nhà có ngủ được không? Mái tôn có còn giột nữa không? Giá mà tôi có thể được sống với ước mơ của mình nhưng kiếm được thu nhập khá hơn thì mẹ tôi mới mong đỡ vất vả hơn.

Giờ đây, lò gạch mẹ đang làm chuẩn bị đóng cửa. Tôi không biết cuộc sống gia đình tôi sẽ ra sao nữa. Đứa em gái mới bước vào cấp 3, còn bao chuyện phải lo lắng. Tôi thấy mẹ ngày càng tiều tụy hơn. Những vết nhăn, những vết thương do công việc cứ để lại trên người mẹ vết hằn của thời gian. Thân hình nhỏ nhắn  ấy lại càng mong manh hơn… Có nhiều khi tôi muốn nói con xin lỗi mẹ, con nợ mẹ cuộc đời, con nợ mẹ những hy sinh, nợ mẹ những giọt nước mắt… và nợ mẹ cả một nàng dâu thảo.

Giá mà được đánh đổi. Tôi sẽ đánh đổi tất cả để mẹ có một cuộc sống vui hơn, thoải mái hơn… Cảm ơn đời đã cho con một mảnh ghép của thiên thần đánh rơi đâu đó, để con biết mình còn được yêu thương!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN