Viết về mẹ: Giá như…

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 572_VVM

Họ tên: Trần Hương Ly

Địa chỉ: Phan Chu Trinh, TP. Huế

————————————-

    “Cuộc đời mỗi người giống như một cuốn sách. Bất kể là ai, cũng có vài trang muốn xé đi trong đời…”

     Huế những ngày mưa buồn…

Huế mưa nhiều quả không sai mẹ ạ. Có ở đây rồi mới biết Huế mưa nhiều và dai dẳng đến nhường nào. Mưa rả rích rồi mưa xối xả, mưa dầm dề không dứt. Trời âm u, lạnh lẽo. Nhìn những hàng cây đứng im sầu bóng ngoài khung cửa sổ, con cảm nhận được cái lạnh thấm nhanh vào da thịt, len vào từng tế bào rồi bất chợt run người lên khoanh tay lại, con tự làm ấm.

Huế và những cơn mưa làm người xa quê có cảm giác buồn hơn bao giờ hết, nhất là đối với những đứa sinh viên như con. Chỉ mới những ngày đầu rời xa vòng tay gia đình, rời ra vòng tay chở che của mẹ mà sao con thấy khó khăn quá. Con như chú kiến nhỏ lạc đàn, vì quá nhỏ bé và vô hại nên không ai thèm để ý. Chú kiến lạc mất gia đình, mất phương hướng, cứ mãi quẩn quanh vô định, cố gắng tìm cho mình một mùi hương, một dấu vết cũ để tựa vào và mạnh mẽ bước tiếp.

Mỗi đêm xuống, nỗi buồn lại dâng lên. Con không ngủ được. Con nằm trằn trọc một mình trong căn phòng trống, nước mắt chực tuôn ra. Con nhớ mẹ nhiều lắm! Trong không gian lạnh lẽo bao trùm chỉ nghe tiếng mưa rơi rào rào vỗ vào mái tôn, mặt đất và tiếng nấc nghẹn của con. Con không dám khóc thành tiếng, con sợ nhận ra mình yếu đuối, vô dụng và thất bại. Những ký ức hòa theo dòng nước mắt ướt đẫm gối chảy về trong tâm trí con.  Tất cả đều là nước mắt của sự ăn năn, hối hận bởi vì trước kia con chưa nghe lời mẹ, chưa thật sự yêu mẹ.

Ngày trước, con bướng bỉnh, ham chơi. Con thường tụ tập bè bạn, trốn học đi chơi, thường lê la quán xá ăn quà mặc dù vẫn xin tiền mẹ đóng học phí đều đặn. Những lần đầu đi chơi về con còn cảm giác do dự, đắn đo nhưng đến lần sau, lần sau nữa mẹ đều không biết, con về nhà với tâm trạng thoải mái hơn rồi cảm giác dần trở nên bình thường. Lực học của con cứ thế tụt dốc không phanh. Một hôm, cô giáo gọi điện đến nhà nhắc nhở. Nghe xong cuộc điện thoại, mẹ thở dài, buồn rười rượi nhưng không đánh mắng con, mẹ chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Con không những không hối lỗi mà còn viện cớ vì chiếc xe đạp cũ kỹ dựng bên hiên nhà, đôi giày mang nửa năm, không đủ tiền ăn sáng,… và hàng tỉ lý do khác. Mắt mẹ đỏ hoe. Có lẽ mẹ biết con ham chơi nhưng sợ trách mắng làm con buồn, con chán học. Mấy hôm sau, mẹ mua cho con một chiếc xe đạp điện mới. Nhìn chiếc xe đẹp đẽ dựng trước mặt, lòng con như nở hoa và trong đầu lại nghĩ “với chiếc xe này thì từ nay đi chơi chắc vui lắm!” Hơn nửa cuộc đời mẹ “buôn gánh bán bưng” nhưng lúc ấy con nào hiểu thấu sự vất vả của mẹ. Những ngày sau đó, con thấy mẹ thức khuya hơn, dậy sớm hơn trước. Chuẩn bị xong cho một ngày buôn mới, mẹ nhẹ nhàng đóng cửa vì sợ con tỉnh giấc. Tiếng xe đạp cũ cót két trong màn đêm tĩnh mịch, tiếng xe xa dần, tan vào bóng tối của ngày chưa lên. Mẹ luôn dành những điều tốt nhất cho con nhưng sao con ngu ngơ quá, con nào hiểu thấu. Con hay khó chịu, so sánh mẹ với những người mẹ khác. Vì sao mẹ không tài giỏi, xinh đẹp như họ? Vì sao mẹ không tâm lý như họ? Vì sao nhà mình nghèo như vậy? Vì sao đôi tay mẹ không mềm như đôi tay người mẹ trong truyện cổ tích? Vì sao con là con của mẹ?…

Con ích kỉ quá mẹ ơi! Con chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà quên rằng để có được con trọn vẹn như ngày hôm nay, mẹ đã trải qua bao đắng cay, vất vả. Mẹ dành cho con tình thương cao cả hơn bất cứ điều gì trên thế gian này. Mẹ sớm khuya buôn bán tảo tần, đội nắng đội mưa kiếm từng đồng nuôi con ăn học nên người để thoát khỏi kiếp làm thuê như mẹ bây giờ, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng, có một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc. Hằng đêm, trước khi đi ngủ, con thường thấy mẹ ngồi bên hiên nhà, dưới ánh đèn heo hắt, mẹ đếm đếm, xếp từng đồng tiền đã nhàu nát mà mẹ chắt chiu kiếm được thật thẳng góc với nhau, mẹ trân trọng nâng niu chúng, có lúc mẹ đưa mắt nhìn xa xăm ra không gian tối tăm bên ngoài, nghĩ ngợi thật lâu. Con biết nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” luôn đè nặng trong lòng mẹ, vậy mà lúc ấy con không ngoan, con chưa suy nghĩ đủ chín chắn, trưởng thành.

Càng nghĩ về quá khứ, con lại càng thương mẹ, càng căm ghét bản thân mình hơn. Con trằn trọc, lo lắng những khi trở trời mẹ bị ốm thì ai chăm sóc mẹ đây, những lúc buồn ai tâm sự với mẹ. Ở nhà, con sợ mẹ ngày ngày quần quật làm việc rồi lại chuyện trò cùng nỗi cô đơn, hiu quạnh. Thời tiết đang trong mùa mưa bão mà nhà mình lại thấp, dễ bị ngập lụt. Con lo quá! Mỗi lần con gọi điện về hỏi thăm thì mẹ luôn trả lời ngắn gọn rằng mẹ vẫn khỏe rồi hỏi thăm sức khỏe, tình hình học tập của con, mẹ luôn kết thúc cuộc điện thoại một cách nhanh nhất vì sợ con tốn tiền điện thoại nhưng không bao giờ quên nhắc nhở con cố gắng học tập. Con biết, chỉ có học thật tốt thì ở quê xa, mẹ mới an tâm chèo chống gia đình.

Giá như những ngày trước, con biết nghe lời mẹ, biết thương yêu mẹ hơn.

Giá như con bớt đi tính ích kỉ, hơn thua, so sánh.

Giá như con chăm giúp đỡ và tâm sự với mẹ nhiều hơn nữa.

Giá như con không làm mẹ buồn để bây giờ phải nhói lòng nói hai từ “giá như”.

Và giá như bây giờ mẹ ở đây với con. Con sẽ ôm mẹ thật chặt, sẽ khóc thật to như chưa bao giờ khóc, cảm nhận hương thơm trên người mẹ, con sẽ nắm lấy đôi bàn tay đen gầy, chai sạn ấy và nói với mẹ từ sâu thẳm trái tim rằng: “Con xin lỗi. Con yêu mẹ nhiều lắm! Mẹ hãy đợi con nhé. Con nhất định sẽ thành công và con đường mẹ con ta tiến tới phía trước sẽ tràn ngập nụ cười của mẹ”.

Cá bống kho tiêu

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN