Viết về mẹ: Điều con chưa nói

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 575_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Hạnh

Địa chỉ: xã Vũ Chính, TP. Thái Bình

——————————–

 “Thêm một người quả đất sẽ chật thêm nhưng thiếu mẹ thế gian đầy nước mắt”

                                                                                     _Thành ngữ dân gian_

Nếu như có ai hỏi tôi về người phụ nữ mà tôi yêu kính nhất trên đời này thì chắc chắn câu trả lời của tôi là mẹ. Và tôi nghĩ rằng có rất nhiều người cũng sẽ có cùng đáp án với tôi.

Mẹ của tôi mới qua tuổi bốn mươi, bề ngoài trông còn trẻ hơn so với tuổi thật. Mỗi lần hai mẹ con đứng cạnh nhau thì tôi đều bị kêu là còn già hơn cả mẹ. Cũng chẳng sao vì tôi thích mẹ tôi luôn trẻ đẹp như thế. Có điều tôi vẫn chẳng thể nào lờ đi được những nếp nhăn đang dày lên trên khóe mắt của mẹ.

Nếp nhăn là dấu ấn của thời gian nhưng với tôi mà nói, nó còn là vết sẹo mờ của những nỗi đau, những nỗi niềm mà mẹ luôn ôm lấy giấu riêng đi cho mình, là những giọt đắng mà mẹ không bao giờ cho tôi thấy được.

Ngày bố mẹ tôi còn bên nhau, mẹ tôi hay khóc lắm! Như bất cứ người phụ nữ đáng thương nào đứng trước cảnh gia đình tan nát, con cái rời xa đều trở nên yếu ớt như thế. Bất chấp tất cả nỗ lực của mẹ, điều mà không ai mong muốn đã xảy ra. Bố mẹ thực sự li hôn, tôi về sống với mẹ. Khi đó, tôi rất muốn ôm lấy mẹ và nói: “Mẹ vẫn còn có con”.

Tôi còn nhớ mãi dáng vẻ gồng mình lên đỡ lấy bao hàng quần áo to thật là to lên chiếc xe đạp cà tàng khi mẹ bắt đầu những tháng ngày chỉ có hai người. Tôi ở bên chẳng giúp được gì, có đôi khi còn làm chiếc xe đạp đổ xiên đổ xẹo thêm. Xe đổ mẹ lại dựng lên, lại gồng mình đem bao to đùng lên ghế sau, gồng mình đèo ra chợ để kịp giờ bán hàng. Tôi đứng sau mẹ, cánh môi mấp máy chẳng thành lời: “Mẹ ơi! Con sẽ lớn thật mau.”

Mẹ với tôi không sống trong ngôi nhà có bố mà trở về nương tạm bợ trong căn buồng chật hẹp bên nhà bà ngoại. Phòng bé tẹo chỉ đủ kê vừa cái giường lại còn có mùi hôi của nền đất và tường ẩm nữa so với căn phòng trước kia của tôi thì còn kém lắm. Mẹ suốt ngày thu quét dọn dẹp, cố gắng để nó trông tươm tất và gọn gàng nhất mặc kệ buổi chợ ban sáng đã làm mẹ mệt mỏi đến như thế nào. Mẹ có lẽ không nhận ra với tôi, thế nào cũng được cả miễn là có mẹ.

Tôi lớn thêm một chút, mẹ giỏi giang của tôi đã tự mua cho mình một chiếc xe máy để đi chợ, chưa kể mẹ còn chạy vạy để có thể hùn tiền xây một ngôi nhà của riêng mình. Mẹ chỉ cho tôi một mảnh đất thật lớn nói rằng sau này nó sẽ là nhà của chúng tôi nhưng mà mãi đến khi bắt đầu xây dựng thì tôi mới nhận ra hai mẹ con tưởng nhầm rồi, mảnh đất của chúng tôi nhỏ xinh nằm ở bên cạnh cơ. Mẹ nhờ bác mua giúp nên thông tin mới bị loạn như thế. Hai mẹ con nhìn nhau, cũng không biết là nên vui hay nên buồn. Lúc đó tôi rất muốn nói “Mẹ còn ngốc hơn cả con.”

Lại thêm một thời gian nữa, tôi với mẹ sống trong căn nhà hai tầng xinh đẹp. Mẹ với tôi ở cạnh nhau, không nói chuyện nhiều lắm. Tôi gọi thời điểm đó là tuổi phản nghịch của mình. Giữa mẹ và tôi không có lấy một câu nói đùa, có bữa tôi còn giận dỗi bỏ cả bát cơm trước mặt mẹ mà đi lên phòng. Mẹ gọi theo tôi thậm chí là mắng tôi không biết yêu thương mẹ, không hiểu được lòng mẹ. Tôi không đáp lời mà trốn trong chăn khóc một mình, uất ức như muốn bóp chặt cổ họng. Khi tôi bình tĩnh lại, tôi thấy mẹ dưới nhà, lặng lẽ khóc. Và hình như tự lúc nào, nếp nhăn nơi khóe mắt mẹ lại nhiều thêm. Tôi mím môi, sau cùng lời xin lỗi vẫn chẳng cất lên được thành lời.

Thế rồi, tôi lên đại học. Lần đầu tiên thoát khỏi kiểm soát của gia đình, tôi mải mê tung đôi cánh, hít thở cái tự do mà tôi tự cho là mình luôn luôn tìm kiếm. Tôi ít khi về quê cũng càng không hay gọi điện. Tôi vui vẻ đến quên mất người phụ nữ luôn trông theo mình ở một nơi được gọi là nhà. Mẹ gọi điện lên, giọng mang theo tức giận.

– Con… không nhớ nhà sao?

Tôi dường như nghe được cả sự nghẹn ngào của mẹ.

Và giờ đây, khi tung tăng đủ rồi, đôi cánh tôi mỏi mệt, tôi lại trở nên yếu ớt và luôn cảm thấy nhớ nhung gia đình đến da diết. Hóa ra cái tự do mà tôi luôn khao khát ấy chẳng hấp dẫn như tôi vẫn tưởng, so ra tôi thèm một bữa cơm bên cạnh mẹ hơn. Có những lúc tôi phải cố dằn lòng để không gọi cho mẹ và nỉ non những uất ức mà mình gặp phải. “Mẹ ơi! Con rất nhớ mẹ!” Lời nói đó tôi vẫn chẳng nói ra.

Tôi nghe người ta nói, mỗi một đứa trẻ được bắt đầu từ một hạt bụi nhỏ vô danh, nhờ có mẹ hình hài con mới nên trọn vẹn. Mẹ lớn lao như thế phải đến tận bây giờ tôi mới thấy được, tôi nhận ra mình ngu ngốc biết nhường nào. Quay đầu lại, mẹ của tôi vẫn xinh đẹp nhưng mái tóc đã thêm vài sợi bạc, giọt đắng thôi rơi nhưng vẫn kịp in rãnh đau thương nơi khóe mắt chân mi. Vậy là từ khi sinh ra tôi còn chẳng nói được một lời cảm ơn với mẹ.

“Đêm đêm con thắp đèn trời cầu cho cha mẹ sống đời với con” – Có câu hò từ lời ca dao mà tôi được nghe từ lâu nhưng chân chính hiểu được cảm giác của người hát thì bây giờ tôi mới thấm. Tôi không hay nói lời tình cảm với mẹ nhưng sâu trong lòng, tôi yêu kính mẹ hơn tất thảy những ngôn từ có thể nói thành lời. Nhưng có một điều mà tôi biết rất rõ rằng một ngày nào đó mẹ sẽ chẳng thể ở cạnh tôi nữa. Tôi chỉ ước ao rằng cái ngày đó sẽ còn thật lâu, thật lâu. Giữ nỗi bất an cho mình, tôi chỉ biết thầm nguyện cầu mẹ ở bên tôi mãi mãi.

“Mẹ ơi! Khi con viết những lời này có lẽ mẹ đang ở cạnh gian quần áo của mình, tiếp tục bươn chải kiếm tiền để lo cho con có một tương lai xán lạn nhưng sau tất cả điều duy nhất con cần ở mẹ là mẹ có thể mãi mãi bên con, luôn luôn hạnh phúc. Tiền bạc giàu sang đâu giá bằng sự an yên của mẹ, mẹ ơi!”

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN