Viết về mẹ: Cô giáo ngày xưa

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 468_VVM

Họ tên: Đặng Thiên Thanh

Địa chỉ: Mỹ Tho, Tiền Giang

—————————————

Tôi bị tai nạn giao thông, chân phải bị băng bột trên tháng nay không tự sinh hoạt đi đứng được. Con trai tôi xin nghỉ học ở nhà chăm sóc mẹ nhưng nay đã hết phép nên nó phải trở lại trường học. Từ đó, mọi việc chăm sóc cho tôi lại đổ dồn hết về phần má tôi.

Má tôi năm nay đã trên tám mươi. Tuổi già sức yếu. Má tôi đi đứng không vững mà giờ còn phải một mình lo toan hết mọi việc trong nhà. Những việc ấy, xưa nay là công việc của tôi làm hàng ngày, bây giờ cộng thêm cả việc săn sóc cho tôi.   Nằm một chỗ, nhìn má phải vất vả như thế lòng dạ tôi chẳng yên chút nào.

Má tôi không bị còng lưng như bao bà mẹ già khác bởi vì trên cột sống của má đã có kèm ốc vít inox. Má tôi bị thoát vị đĩa đệm và bị mục vài đốt xương. Những năm đầu tiên sau phẫu thuật, má tôi đi từng ngay ngắn lắm nhưng thời gian sau này dần dần lưng má lệch nghiêng về bên phải. Nghiêng rất nhiều. Bây giờ má tôi đi đứng khó khăn lắm. Lại thêm má tôi bị nghẽn mạch máu. Hai bàn tay tê cứng vì máu không lưu thông được. Thế là má phải bị phẫu thuật ở hai cườm tay để lưu thông máu.

Tuổi già của má lắm bệnh tật. Má bị loãng xương vì má sinh nở nhiều lần quá. Mười chị em tôi đã vắt cạn kiệt sức khỏe của má. Để chúng tôi có đủ tiền ăn học má tôi đã lặn lội suốt cả cuộc đời.

 

Tôi nhớ lại khoảng năm 1965, tình hình chiến tranh đang hồi ác liệt. Nhà tôi ở một xã ven của thành phố Mỹ Tho. Ba tôi phải lánh nạn xa nhà, má tôi một mình nuôi bảy đứa con. Má là cô giáo dạy cấp một trường làng. Má tôi chuyên dạy lớp Năm tức lớp Một bây giờ.

Má tôi viết chữ rất đẹp. Nhờ được Má cầm tay tập viết từ nhỏ nên chị em chúng tôi tuy không viết đẹp như má nhưng đứa nào cũng có nét hao hao giống nhau.

Lương công chức không đủ nuôi con ăn học. Má tôi chọn thêm nghề làm vườn. Một công đất sau nhà toàn cỏ rác lau sậy và cây mắc cỡ. Mỗi chiều đi dạy về má tôi ra vườn làm cỏ, gai mắc cỡ cào nát hai bàn tay má. Má tôi tự lập cho mình một kế hoạch, mỗi chiều sau khi đi dạy về má tôi làm sạch cỏ dọn được một khoảng trống, rồi má tôi trồng một cây mận vào ngay chỗ ấy. Trồng xong cây nào má lội xuống mương hốt bùn bồi vào gốc cây nấy. Cứ mỗi ngày trồng một cây như thế đến khi khắp vườn hết cỏ, đếm ra má trồng được ba mươi sáu cây mận Hồng đào.

Má chăm sóc vun phân tưới nước hàngngày. Chẳng bao lâu, cây non đâm chồi nẩy lộc xum xuê. Cả nhà mừng vui với thành quả của má.

Chỉ qua mấy mùa mưa nắng những cây mận đã có bóng mát và bắt đầu đơm hoa kết trái. Mấy chị em chúng tôi lại ra sau vườn nâng niu ngắm nghía từng ngày… từng ngày để chờ đón những trái mận chín đầu tiên.

Vào mùa mận chín rộ đỏ rực trên cây, cứ mỗi buổi chiều sau giờ tan lớp mấy mẹ con cùng nhau ra vườn hái mận. Má cầm cái lồng tre ngửa cổ lên trời mà hái. Hai thằng em trai tôi leo lên cây, mang cái túi đệm trên vai, hái từng chùm cho vào giỏ, khi đầy gỉỏ thì chuyền xuống đất đổ mận ra thúng. Những trái mận chín mọng nước, căng da láng bóng, đỏ hồng nổi gân trắng trông rất đẹp. Bởi thế người ta quen gọi nó là Hồng đào sọc. Mấy đứa em gái đứng dưới đất bưng thúng theo, khi nào đầy mận thì khiêng vào nhà và đổi thúng khác. Hết cây này sang cây nọ. Chúng tôi ríu rít theo sau chân má như bầy gà con theo chân gà mẹ.

Mỗi chiều có thương lái đến nhà mua mận. Nhưng thương lái hay ép giá mua rẻ. Nếu mình đem ra chợ bán trực tiếp thì sẽ được giá cao hơn, vì thế má quyết định mỗi sáng tự má gánh mận ra chợ bán. Má tôi là con gái một của ngoại được bà cưng chiều. Từ nhỏ má là học sinh trường nội trú Thiên Mẫu Mỹ Tho, một trường học của đạo Thiên Chúa. Hết tiểu học rồi trung học má chỉ lo việc ăn học, thêu thùa. Lớn lên đi làm cô giáo má chưa từng chịu cực khổ ngày nào. Má không quen làm việc nặng, không biết gánh gồng. Bây giờ vì miếng cơm manh áo cho chị em chúng tôi má phải thức khuya, dậy sớm.

Sợ mọi người biết mình là cô giáo mà gánh mận đi bán. Sợ người ta cười vì thấy mình không biết gánh gồng, nên mấy ngày đầu đi bán má tôi dậy rất sớm. Bốn giờ sáng trời còn tối mịt má tôi đã thức giấc chuẩn bị đi bán. Má chỉ có thể gánh được hai thúng nhỏ xíu thôi. Sợ đau vai má kê cái khăn trên vai dưới cây đòn gánh. Má co đầu rút cổ trông khổ sở lắm tội nghiệp lắm. Trời còn tối má máng cây đèn “cóc” trên miệng thúng, ở một bên đầu gióng để có chút ánh sáng đi đường.

Ngày đầu tiên bán được gánh mận, về nhà má mừng vui lắm. Rồi cứ thế, mỗi ngày má gánh nhiều thêm một chút. Dần dần, má gánh được hai thúng lớn. Bán được nhiều tiền hơn.

Thấy má đi một thân một mình giữa đêm khuya nên tôi đòi đi theo má cho vui. Lúc ấy tôi chưa đầy mười tuổi. Tôi tranh thủ lượm mận rụng, bỏ vào giỏ mang trên vai đem ra chợ, bán được đồng nào đỡ đồng nấy. Hai má con kẻ trước người sau. Bước thấp bước cao trên con đường gồ ghề. Ánh sáng yếu ớt từ cái đèn “cóc” chập chờn nhúng nhẩy theo từng bước chân của má. Nó không đủ sáng soi đường cho hai mẹ con. Nhiều lần tôi vấp té, lăn quay đổ cả giỏ mận rụng đeo trên vai. Hai mẹ con lần mò trong bóng đêm lượm mận đổ trên mặt lộ cho vào giỏ rồi đi tiếp. Khi đi ngang cây me ngang trước của chùa Vĩnh Tràng tôi hay vịn vào chiếc gióng của má rồi chạy lúp xúp theo vì nơi đó là bãi tha ma. Tôi sợ lắm!!!

Người ta quen chuyện mua bán giữa chợ, còn má  thì không. Ra chợ người ta chen lấn tranh giành chỗ ngồi. Nhiều lúc má phải ngồi tạm trên đống rác trước cửa chợ Hàng Bông để bán. Một hôm, má bị người quản lý chợ  Mỹ Tho đuổi không cho ngồi bán, má vội vã kéo sụp nón lá rách đang đội để che mặt rồi cúi xuống lầm lũi gánh mận dời đi chỗ khác vì kịp nhận ra người quản lý chợ  đó là học trò cũ của mình. Nhưng oan nghiệp thay, anh ta cũng vừa nhìn được má tôi. Anh nói:

–  Cô ơi! Sao cô cực khổ thế nầy? Thôi cô cứ ngồi lại đó bán đi cô.

Những phũ phàng đó chắc chắn đã để lại trong lòng má tôi không ít ngậm ngùi, tủi nhục. Nhưng má vẫn cam chịu. Ngày qua ngày má đã thay ba nuôi dạy một đàn con ăn học nên người.

Chức vụ cuối cùng trước khi má nghỉ hưu là Phó phòng giáo dục thành phố Mỹ Tho. Sức khỏe má tôi giờ như ngọn đèn treo trước gió. Từ ngày ba tôi bước về bên kia khung cửa má càng yếu hơn. Mặc dù thế nhưng tinh thần má tôi vẫn còn minh mẩn lắm.

Suốt cuộc đời má cực khổ vất vả phụ với ba tôi nuôi dạy mười chị em chúng tôi thành nhân chi mỹ. Giờ đây, đã đến lúc gần cuối cuộc đời má còn phải vất vả vì tôi như thế nầy.

Tôi mang ơn của người suốt cả đời nầy không bao giờ tôi đền đáp hết.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN