Viết về mẹ: Kí ức về mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 668_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Bích Kiều

Địa chỉ: Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

———————————–

Cuộc sống miền quê tôi quanh năm mưa gió, bão lụt, bao nhiêu vất vả, thiếu thốn cứ thế cứ đè nặng lên mỗi người. Gia đình chúng tôi cũng vậy, cái nghèo, cái đói đã khiến cho mẹ tôi trở nên già đi rất nhiều. Bụi thời gian cũng đã phủ lên mái đầu của mẹ, để rồi màu tóc xanh đen dài của ngày nào giờ đã chuyển sang màu bạc trắng. Năm tháng trôi qua, cho dù có đi muôn nơi xa xôi, ở bất cứ nơi đâu tôi vẫn mãi yêu và nhớ những ngày tháng được sống bên mẹ hiền. Bao kí ức buồn vui của ngày xưa khi còn bé thơ được mẹ ôm ấp vẫn còn mãi đâu đây trong tôi.

Đó là kí ức của những cơn mưa giông ngày hè. Cứ mỗi lần trời đổ cơn mưa giông, sấm chớp đùng đùng là tôi và cu tí thích thú cười tít mắt vì được tắm mưa. Thằng Tèo nhà bên cạnh lúc nào cũng có mặt kịp thời để tắm và chạy nhảy nhót ngoài sân cùng với chúng tôi. Lần đó, khi cu Tí và Tèo cùng tranh giành để đứng chỗ ống xối nước chảy. Đó là chỗ mà nước mưa dồn hết lên mái nhà và đổ xuống một ống xối nên nước chảy rất mạnh. Thằng Tèo bảo: “Ống xối này ông xí rồi nhé! Cấm đứa nào được lại gần nhé!”. Cu Tí tuy hiền lành nhưng nó thích tắm chỗ ống xối nên đã lân la lại gần và chẳng may khi hai đứa đẩy qua đẩy về, thằng Tèo đã bị ngã bong gân chân. Mẹ biết chuyện đã mắng cu Tí và tôi một trận nhớ đời. Mẹ không bao giờ giận dữ như vậy nhưng mẹ không muốn làm mất lòng nhà dì ba hàng xóm, nên bắt hai chúng tôi phải sang xin lỗi thằng Tèo và mẹ xách theo chục trứng gà mà mẹ hằng ngày mong chờ gà mẹ ấp nhanh để có đàn gà con mà nuôi. Mẹ chăm gà mẹ và những quả trứng này rất kỹ, vậy mà giờ vì chuyện này mẹ phải biếu cho nhà thằng Tèo. Tôi thấy tiếc quá nên bảo mẹ: “Những quả trứng này, mẹ để cho nó nở thành con, sao lại mang cho đi, chúng con biết lỗi rồi, lần sau sẽ không như vậy nữa!” Mẹ nhận ra sự hối lỗi của cu Tí nên âu yếm bảo: “Thôi con ạ! Giờ mình phải sang nhà dì ba xin lỗi dì, thằng Tèo cũng may là chỉ bong gân chân chứ nếu chẳng may gãy chân thì làm sao? Mình biếu số trứng này để Tèo tẩm bổ, sau này gà sẽ đẻ nữa, con đừng lo”. Nói rồi, mẹ dắt hai chị em tôi sang xin lỗi thằng Tèo và dì ba. Nhưng lúc đó dì ba kiên quyết không nhận số trứng gà mà mẹ tặng, vì dì cũng rất thương và hiểu mẹ tôi là người hiền lành, luôn quan tâm đến mọi người trong thôn, xóm. Mẹ biết, nhà mình đã khổ nhưng nhà dì ba còn khổ hơn rất nhiều. Nên mẹ bảo: “Chị đừng ngại, tôi chỉ có mấy quả trứng này cho Tèo tẩm bổ, mong hết đau. Chị nhận thì tôi vui lắm đó!”. Sự dịu dàng của mẹ làm cho dì ba không nỡ từ chối. Lúc đó, tôi nhìn thằng Tèo và cu Tí đang ôm lấy nhau, rồi Tí nói: “Cho tay xin lỗi mi nghe. hihi”. Mẹ nhìn sang cu Tí, ánh mắt ấu yếm mắng yêu: “Cu cậu lần sau mà lì thì mẹ sẽ cho no đòn đấy nhé!”

Đó là kí ức của những ngày tháng thiếu ăn và đói rét. Ngày xưa, cứ mỗi độ mùa mưa đến là gia đình tôi khốn đốn vì thiếu gạo để ăn. Buổi sáng, nếu đứa nào dậy sớm đi học là được ăn cơm trắng, còn nếu dậy sau thì chỉ toàn là khoai lang, khoai sắn nuốt mà nghẹn cả cổ. Mẹ dậy sớm bắt cơm và chuẩn bị sẵn chén muối mè để chúng tôi dậy có cái lót dạ mà đi học. Lúc đó, tôi lại ích kỉ khi mỗi lần dậy trước tranh thủ lựa hết cơm mà ăn. Cu Tí dậy sau lúc nào cũng khóc méo mó, bảo mẹ sao không cho nó ăn cơm. Mẹ rút kinh nghiệm nên khi cơm chín mẹ múc ra hai chén để sẵn, một chén cho Tí, một chén cho tôi. Còn mẹ và ba ra đồng thật sớm có khi vội ăn miếng khoai còn lại trong nồi, có khi nhịn đói mà ra đồng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ ngồi nhai từng lát khoai, rồi cười bảo: “khoai ngó thế mà bở và ngon lắm các con ạ!”. Vì sắp hết gạo nên mẹ cố gắng nhịn ăn để phần cho chúng tôi.

Đó là kí ức in hằng lên trong tim tôi một nỗi đau nhức nhối cho đến tận bây giờ. Ngày ấy, cái ăn, cái mặc với gia đình tôi cũng khốn đốn không kém bao gia đình trong làng. Vậy mà, ba tôi lại mắc bệnh sĩ diện. Căn bệnh này, tôi đã từng được đọc câu chuyện về một người cha không lo cuộc sống của vợ, con mình sắp đói đến nơi mà chỉ lo mất sĩ diện. Mặc dù, nhà đã hết sạch gạo để nấu cơm nhưng hắn ta vẫn quyết không cho người vợ đi vay gạo. Hắn vẫn thản nhiên ra đình đánh cờ và dặn đứa con trai: “Đúng giờ cơm trưa thì sang đình gọi bố về ăn cơm nhé!” Đứa con cũng nghe theo lời của người bố nhưng khi nghe bố dặn về ăn trước thì nó lại quên mất khi vâng lời bảo: “Dạ! Con sẽ phần ba củ to nhất, ba nhé!” Mọi người nghe thế, cười ồ lên, mỉa mai người bố đã nghèo còn sĩ. Ba tôi cũng mắc bệnh sĩ diện đó, tuy không ghê gớm như người bố trong câu chuyện nhưng ít nhiều cũng khiến mẹ tôi phải khóc và đau khổ vì thương chúng tôi. Ngày ấy, ba đi dự đám cưới của một anh trong xóm về, cùng về với ba có thêm hai bác nữa. Đó là bạn của ba từ hồi còn đi bộ đội ở chiến trường Camphuchia năm 1979. Có khách quý đến nhà, nên ba bảo mẹ bắt gà làm thịt đãi khách. Mẹ bảo: “Nhà chỉ có mỗi một con gà, để cho nó đẻ lấy con mà nuôi. Hay là mình nấu cơm, kho cá tràu, cá rô mà anh bắt được từ hôm qua đãi khách cũng được. Quan trọng là ở tấm lòng mến khách của chúng ta. Chứ giờ mình nghèo, ai người ta cười cho đâu anh”. Mặc cho mẹ nói gì, ba vẫn bắt gà làm thịt đãi khách. Ba vì thương mến các bác cũng là điều đáng quý nhưng sau khi uống vào vài ly rượu ba lại nói dóc: “Trong cái làng này, vào cái tháng này, nhà ai cũng túng, thiếu hết. Thậm chí có nhà còn hết sạch gạo để ăn. Vậy mà nhà tôi còn đầy lúa. Ở ngay góc nhà có hai bao to đó. Còn trong buồng nữa cả một phi lúa lớn. Dễ chi hết gạo, mấy bác cứ ở chơi, ăn uống thoải mái”. Nghe lời nói của ba vào ngay cái thời buổi khó khăn nên một bác trong đó đã mở lời mượn tạm của gia đình tôi một bao lúa: “Thú thật với anh, nhà tôi mấy hôm nay ăn toàn khoai không thôi, nên nếu anh rộng lòng thì cho tôi vay lấy một bao lúa nhé! Mùa sau tôi sẽ đong lại cho anh nhé!”. Bác này vừa nói xong, bác kia cũng mở lời như vậy. Ba đang trong cơn say nên đã cho hai bác mượn hai bao lúa. Mẹ không dám mở miệng nói gì, vì mẹ hiểu tính ba có chút rượu là dễ nổi nóng, có khi còn đánh mẹ nữa. Và ba rất sĩ diện, nên nếu nói nhà còn có hai bao lúa đó, chắc chắn ba sẽ không tha cho mẹ đâu. Khi hai bác vác hai bao lúa ra xe đạp, cột thật kỹ và chở về, mẹ đã quay mặt vào tường và khóc. Sáng hôm sau, khi chúng tôi dậy ăn khoai đi học, ba bảo mẹ sao không nấu cơm để chúng tôi phải ăn khoai. Mẹ đã khóc và kể lại chuyện tối qua, ba nhớ lại và hối hận thì cũng đã muộn. Và từ ngày đó, khi nào người trong xóm cho mượn đỡ gạo thì mới có cơm để ăn, không thì phải ăn khoai nguyên bốn tháng trời ròng rã. Mẹ thương chúng tôi, nước mắt lưng tròng nhưng thấy chúng tôi thương mẹ và không lẫy hờn mẹ, mẹ đã vui hơn.

Kí ức về mẹ là cả một khoảng không gian rộng lớn, là cả bầu trời cao rộng mà dù có kể mãi, tôi vẫn không bao giờ kể hết được. Tôi yêu mẹ và giữ mãi những kí ức ấy trong tận sâu thẳm tâm hồn mình.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN