Viết về mẹ: Mẹ của con!

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 658_VVM

Họ tên: Nguyễn Bảo Trâm

Địa chỉ: Quảng Xương, Thanh Hóa

——————————————-

Có lẽ đây là lần đầu tiên con ngồi đây, trước màn hình vi tính và viết những lời này về mẹ. Con chẳng biết bắt đầu từ đâu và nói với mẹ những gì nữa, 23 năm qua từ lúc còn ở nhà cùng mẹ cho tới khi con tự lập cuộc sống của mình, chưa một lần con nói lời cảm ơn mẹ, yêu mẹ. Có lẽ cũng là do bản tính mạnh mẽ và cố chấp của con nên mỗi lúc gặp chuyện buồn, mỗi lúc con gặp khó khăn chưa bao giờ con tâm sự với mẹ mà chỉ giữ lấy trong lòng và vượt qua một mình nên tình cảm của con gái với mẹ không được gắn kết, hay đúng hơn là chẳng hợp nhau gì cả, mẹ nhỉ!

Hồi còn nhỏ nếu bố chiều con bao nhiêu thì mẹ lại ngược lại, con rất ít khi ăn đòn của bố hay bị bố mắng thì mẹ lại suốt ngày la mắng, đánh đòn con. Có những lúc con đã nghĩ, có lẽ con chỉ là con nuôi chứ không phải con đẻ và mẹ chẳng yêu thương  gì con cả mà độc ác như mụ dì ghẻ ấy. Lớn lên một chút, khi mà con bắt đầu biết nhận thức về cuộc sống con với hiểu tất cả những gì mẹ làm đều là muốn tốt cho con, đều là muốn tương lai con sau này không phải giống như mẹ, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Ngày con nhận giấy báo nhập học mẹ đã vui biết chừng nào, nhưng đằng sau niềm vui đó là muôn vàn nỗi lo và gánh nặng trên vai khi con nhập trường. Con biết nhà mình chẳng khá giả gì, quanh năm vất vả cũng chỉ đủ ăn và nếu bây giờ con đi học nữa thì mẹ phải làm sao? Con buồn con suy nghĩ, nhưng chưa một lần con tâm sự với mẹ. Con mang theo nỗi buồn đó với quyết tâm sau này ra trường sẽ kiếm thật nhiều tiền để gánh bớt gánh nặng cuộc sống mà mẹ đang phải còng lưng gánh lấy để nuôi chị em con. Đi học xa mẹ lo lắng, ngày nào cũng vậy cứ 7h tối là mẹ lại gọi, có những hôm con đã cáu vì sao mẹ gọi nhiều vậy ngày nào cũng gọi mẹ không thấy chán à, lúc đó con đâu có hiểu là mẹ đang lo lắng cho con, lo con gặp chuyện không hay. Con luôn ngang bướng và luôn làm mẹ buồn như vậy. Xa nhà nên cứ 3, 4 tháng con với về một lần và lần nào con về là mấy con gà lại ra đi, gà bố mẹ để dành chờ con về mới thịt, mẹ sợ con một mình ngoài trường ăn uống không được đầy đủ nên lần nào về cũng bắt con ăn rõ nhiều rồi còn đầm gói mang đi nữa, tất cả mẹ đều dành cho con tới nỗi thằng em còn phân bua cái gì mẹ cũng để cho chị mẹ thương chị hơn thương con. Con xa nhà nên những khó khăn vất vả của mẹ con không hề nhìn thấy, ở nhà ốm đau hay có chuyện gì không vui mẹ cũng giấu con. Con sẽ không nhận thức được hết cái nghèo và sự vất vả nếu như không có câu nói ngày hôm đó của mẹ: “Trong nhà chỉ còn từng này, con cầm lấy đi còn để lại cho mẹ hai trăm mua thức ăn mấy ngày cho nhà”. Lên xe ra trường, con đã khóc rất nhiều lòng con nặng như có tảng đá đè lên vậy mẹ, con ghét cái nghèo, con ghét sự túng thiếu, con ghét cái khắc nghiệt của cuộc sống này khiến con người ta khổ sở mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Tranh thủ lúc rảnh rỗi con lao vào làm thêm để mẹ bớt phải lo cho con, từ phụ bê quán cơm rửa bát cho đến bôi keo đánh giấy ráp ở xưởng gỗ, đi làm rồi con với thấm thía đồng tiền kiếm được từ mồ hôi nước mắt nó khó khăn tới mức nào, tháng lương đầu tiên con không dám tiêu cũng không dám khoe với mẹ vì nếu mẹ biết con vừa đi học vừa làm thêm thì kiểu gì mẹ cũng la và bắt con nghỉ làm tập trung vào việc học, vậy nên sau này mỗi tháng con chỉ gọi mẹ bảo gửi ít tiền ra cho con thôi. Thực tập chuẩn bị ra trường bạn bè đứa thì tìm công ty để học việc, đứa thì về công ty của nhà thực tập còn con chỉ nhờ vả xin giấy chứng nhận thực tập của công ty mình làm chuyên đề rồi nộp hồ sơ xin làm công nhân ở 1 công ty điện tử gần trường con học, chỉ với hi vọng không phải xin thêm tiền mẹ để làm báo cáo, để thi tốt nghiệp và còn để… 3 tháng làm công nhân nhưng có lẽ đó là khoảng thời gian đáng nhớ mẹ à, con không nghĩ chỉ đi làm công nhân thôi mà cũng bị nhiều người gây khó dễ vậy, ma cũ bắt nạt ma mới, người mới bị sai đủ kiểu, có những lúc ấm ức đến phát khóc nhưng con luôn dặn lòng phải cố gắng vì dù sao mình cũng chỉ kiếm đủ tiền trang trải trong giai đoạn thi tốt nghiệp thôi. Tháng đầu tiên ngày nào đi làm về chân con cũng sưng tấy hết lên vì đứng quá nhiều có những hôm còn không dẫm nỗi gót chân xuống đất mà cứ phải nhón mũi chân để đi, chân sưng tới nỗi mấy cái quần của con chẳng còn cái nào vừa cả, nhưng có lẽ vất vả bấy nhiêu đó cũng chưa đáng gì so với những hi sinh của mẹ cho chị em con.

Tốt nghiệp ra trường vào cái thời điểm mà dân học kế toán thất nghiệp nhan nhản, người học kế toán cũng đi làm đủ nghề từ thu ngân cho đến bán hàng rồi bồi bàn. Con lại khăn gói ra Hà Nội xin một chân chạy bàn ở một nhà hàng nhỏ với hi vọng làm dần va chạm cho quen rồi sẽ xin việc sau, nửa năm trời lông bông không công việc ổn định rồi lại không quen thời tiết nên con ốm và gầy đi nhiều, lúc đó lại là mẹ lôi con về rồi nhờ vả xin xỏ cho con về làm tại công ty xây dựng của một người bà con, lúc mà công việc của con dần đi vào ổn định thì cũng là lúc bao nhiêu chuyện ập đến với gia đình mình, mẹ ngã gãy chân mà con điện về mẹ vẫn nói mẹ khỏe đi làm bình thường con đừng lo cứ yên tâm mà làm việc, con sẽ vẫn vô tư hồn nhiên không biết gì nếu không vô tình đọc được cuộc nói chuyện của hai chị nhà bác. Chân mẹ chưa khỏi hẳn thì bố lại nhập viện, mẹ vẫn giấu con vì không muốn con nghỉ làm lại ảnh hưởng tới công việc. Chiều hôm đó con vào bệnh viện với bố, bác sĩ chẩn đoán bố bị đái tháo đường biến chứng suy thận và gan, bệnh của bố là bệnh nhà giàu ăn uống phải kiêng khem và tháng nào cũng mất cả triệu tiền thuốc, gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé của mẹ lại dày thêm khi bố, người trụ cột gia đình sức khỏe nay đã chằng còn như xưa để gánh vác mọi việc cùng mẹ. Chân mẹ bây giờ chẳng thể đi lại bình thường được nữa mà cứ tập tễnh như vậy, có lẽ là vì mẹ chẳng được nghỉ ngơi cho lành hẳn nên bây giờ chân mới vậy. Con thấy buồn lắm vì chẳng thể chia sẻ với mẹ điều gì, ngay cả tâm sự với mẹ những lúc khó khăn cũng không.

22 con chông chênh với mối tình đầu 5 năm tan vỡ, người luôn bên cạnh mỗi lúc con gặp khó khăn đã rời bỏ con. Một thời gian dài mỗi sáng thức dậy mắt con đều sưng húp, con có mạnh mẽ bao nhiêu thì cuối cùng cũng chỉ là một cô gái nhưng cô gái trong con lại muốn che chở cho người mình yêu thương chứ không muốn nhận sự che chở của người khác. Con nhận ra sự trớ trêu này khi con bước vào năm nhất đại học và con nhận ra tình cảm của con với người con gái đó là tình yêu chứ không phải một mối quan hệ bạn bè bình thường. Con lo sợ, con chẳng thể tâm sự cùng mẹ mà chỉ biết ôm lấy cho riêng mình, con chỉ biết khóc khi chia tay người yêu mà chẳng thể sà vào lòng mẹ kể lể thất bại tình cảm của mình như bao cô gái khác… Con dằn vặt và không thể ích kỷ sống cho riêng mình, con còn phải cố gắng để em trai nhìn vào và học tập và còn thứ tình cảm dị biệt này sẽ chẳng ai chấp nhận nó. Vậy nên con ngày ngày chôn chặt mọi thứ trong lòng, cố gắng phấn đấu kiếm tiền phụ mẹ nuôi em ăn học, mua thuốc cho bố và trang trải cuộc sống gia đình mình.

Hơn một lần con muốn thú nhận tất cả với mẹ về con người thật của con, nhưng mẹ đã một đời vất vả vì chị em con, nắng gió đi cùng năm tháng in hằn trên khuôn mặt mẹ với những nếp nhăn, nám và tàn nhang. Mẹ của con già đi nhiều rồi tóc mẹ cũng đã ngả hai màu nên con không muốn vì con mà mẹ phải buồn phải suy nghĩ thêm bất kì điều gì nữa cả. Mẹ hãy vững tin và sống khỏe mạnh nhé, con gái sẽ cố gắng làm việc để phụng dưỡng và báo hiếu bố mẹ. Con yêu mẹ! Yêu gia đình nhỏ bé này mẹ à.

Thanh Hóa một chiều mưa tầm tã, con gái yêu của mẹ!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN