Viết về mẹ: Chăm con

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 626_VVM

Họ tên: Nguyễn Văn Kỷ

Địa chỉ: Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu

—————————————

Người mẹ có tấm lòng thật bao dung và rộng lượng. Người con trai thứ năm đang làm ăn bình thường vậy mà ngày hết Tết đến lại ngã bệnh nặng phải chuyển từ bệnh viện tỉnh lên đến Chợ Rẫy điều trị hơn ba tháng mà vẫn trở thành người tàn phế.

Lòng yêu thương của người mẹ lớn biết ngần nào! Trong sâu thẳm lòng mình, người mẹ không nói về tình yêu thương của mình với con cái nhưng tất cả những việc làm cho con đã nói lên tất cả mọi thứ. Gia đình có năm người con, thì đã một người con gái bị tật nguyền đôi chân từ nhỏ. Ngày đó bà phải chạy từ Lâm Đồng về Sài Gòn chữa trị cho con, rồi ngược lên Tây Nguyên… Thuốc nam thuốc bắc, ai bày chi làm nấy nhưng rồi đứa con gái tội nghiệp ấy cũng bớt đi phần nào nhưng đôi chân bị bại liệt mãi mãi. Hồi đó (1972) bác sĩ nói rằng con bà sốt bại liệt nhưng ngày xưa làm gì vắc-xin như bây giờ mà chích ngừa. Với sự chạy chữa lo lắng của mình mà con gái của mẹ cũng được sống và phục hồi như thế là tốt lắm rồi. Ngày tháng qua đi mỗi người con đều lớn lên, mẹ đã cố gắng sắp xếp mọi thứ cho từng người và tâm nguyện của bà là mỗi người đều ổn định cuộc sống, tính luôn người con gái bị bệnh bại liệt kia…

Cuộc sống thật là nhiều thứ không biết nói trước điều gì, đôi khi có nhiều thứ trớ trêu của cuộc đời. Anh con trai thứ năm có tính khí nóng nảy và hay thường làm theo ý thích của mình từ cuộc sống cho đến tính toán làm ăn, đôi khi đôi co cãi lại cha mẹ. Mẹ buồn lắm, nhưng bà luôn nghĩ rằng cha mẹ sinh con trời sinh tính. Tùy theo tính khí của từng đứa con mà dạy bảo. Rồi anh ấy có vợ có con làm ăn. Cha mẹ cũng dành cho đất đai, nhà cửa làm ăn. Được cái tính tình chăm chỉ vợ chồng người con thứ năm làm cũng có của ăn của để. Có điều tính cách ngang ngạnh của anh này ít được lòng họ hàng, cái gì không thích là cãi bừa với mọi người kể cả cha mẹ… Nói nhiều điều như bất cần ai giúp, sướng miệng là nói thôi… Thế rồi đứa con thứ hai của anh ấy được 2 tuổi bị bệnh không rõ chứng bệnh gì nhưng chữa gì nó cũng không khỏi. Anh mang con đến nói mẹ: mẹ nuôi giúp tui, chứ chắc nó chết thôi. Thương cháu, người mẹ chăm cháu như nuôi con mọn, bà đi chỗ hết này chỗ khác tìm phương cứu chữa cho đứa cháu nội tội nghiệp. May thay uống mấy thứ thuốc gì đó mà con bé bớt dần rồi một năm sau nó khỏi hẳn. Với tình yêu thương và tận tụy của bà nội mà đứa trẻ tội nghiệp kia đã lớn khôn. Nó trở về sống bên cha mẹ đi học. Lo cho các con đủ thứ, người mẹ ấy cũng không nề hà chỉ có điều không thể nào sửa đổi được cái tính ngang ngạnh của con trai. Một ngày cuối năm 1990, anh con trai thứ năm ấy ngã bệnh, vậy là cả nhà đưa anh đi nhà thương. Qua mấy ngày hôn mê sâu, bác sĩ cho chuyển đi bệnh viện Chợ Rẫy may mà giữ được tính mạng. Dù con trai ít hiếu thuận và chan hòa với anh em gia đình, nhưng cha mẹ, anh em không nỡ bỏ người thân lúc hoạn nạn thế này.

Ngày Tết, không khí vui tươi nhưng tâm trạng của người mẹ đau như cắt! Bà tay gói, tay mang lên Sài Gòn nuôi đứa con bệnh nặng, nhờ họ hàng giúp đỡ thêm ít tiền bạc để cứu chữa may mà cứu con sống trở về mà lo cho các cháu. Bà đã thay con dâu chăm con trai, vì người dâu còn lo cho mấy đứa cháu còn rất nhỏ ở nhà… Ở bệnh viện phải có thêm người mới chăm nổi cho con. Chứ một mình người mẹ già cũng không thể nào lo được hết. Tuy nhiên chỉ mẹ là cho con trai chu đáo từ li từ tí, sự chăm sóc chạy chữa ân cần của bác sĩ mà gần 2 tháng trời người con trai ấy mới tỉnh lại. Nhưng anh ta cứ nhớ những chuyện gì xa xưa, những chuyện đâu đâu kể cả người thân cũng chưa thể nào nhận biết được. Bác sĩ bảo: Bác đừng lo quá, thời gian từ từ anh ấy sẽ bớt dần thôi… Nhiều đêm ở bệnh viện thấy con nói năng không đầu không đuôi. Mẹ lại ngồi khóc một mình. Cầu trời khẩn phật sao cho con trai dần tỉnh lại… Thấy con nói chuyện đâu đâu, bà lại nhẹ nhàng uốn nắn từng câu cho đúng, rồi hỏi con có nhớ ai đây không? Mẹ của con đây nè… Vậy là anh ấy nhớ nhớ dần dần và tỉnh táo hơn lên. Hơn ba tháng ở bệnh viện, bác sĩ cho xuất viện và dặn dò tái khám theo định kỳ. Lúc này anh ấy bị yếu và hay động kinh.

Tiền bạc bắt đầu khó khăn, người mẹ ấy phải bán bớt những món đồ mà bà để dành cho tuổi già. Tiền bạc có nghĩa gì đâu cái cho con khỏi bệnh mới là điều quan trọng nhất. Ngoài việc lo thuốc bệnh viện, mẹ còn đi tìm thầy thuốc chữa đông y, vật lý trị liệu cho con. Lúc này các cháu còn nhỏ, con dâu thì còn khó khăn, người mẹ ấy phải động viên các con trong gia đình cùng chia sẻ khó khăn thiếu thốn với anh với em. Con cái của mẹ người ấy hiểu thấu tấm lòng của bà nên cùng mẹ cha lo lắng cho anh cho em của mình khi hoạn nạn. Thời gian qua đi anh ấy có nhiều tiến triển về sức khỏe nhưng cũng chỉ quanh quẩn trong nhà, cũng không làm được gì cho vợ con. Vậy là người mẹ ấy phải san sẻ gánh vác việc nuôi nấng các cháu… Quãng đường dài nuôi con trai đau bệnh hơn 10 năm trời thêm nữa…

Giờ đây anh con trai ấy đã đi xa, các cháu của người mẹ ấy cũng đã trưởng thành nhưng họ không bao giờ quên tình yêu thương của mẹ, của bà nội cho mình. Chính sự yêu thương vô bờ bến đó mà giúp cho con dâu, các cháu vững bước đi lên vượt qua bao vất vả khó khăn của cuộc đời này…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN