Viết cho con: Nhật ký của mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết cho con” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

MS: 228

Họ và tên:  Nguyễn Thị Thanh Xuân

Địa chỉ: Số 49M Xa Lộ Hà Nội, Phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM

Viết cho con:  Nhật ký của mẹ

Con gái lớn của mẹ, từ ngày con biết viết, trong những bài tập làm văn, trong nhật ký, trên báo, thậm chí là những cuốn sách của riêng con… luôn có mẹ. Con gái viết về mẹ, bày tỏ yêu thương qua câu chữ. Còn mẹ, đây là lần đầu tiên mẹ viết cho con.

Điều đầu tiên mẹ muốn nói với con là mẹ rất tự hào về con, ở tuổi 22, con đã gặt hái được những thành công mà không phải ai cũng làm được. Dù là con gái, nhưng con mạnh mẽ và quyết đoán, con sống tự lập và kiên cường dù không có bố mẹ ở bên.

Mẹ muốn kể cho con nghe tuổi 22 của mẹ, nhưng đã một thời gian dài trôi qua nên mẹ không nhớ hết được ở tuổi như con mẹ đã gặp những chuyện gì. Mẹ chỉ nhớ mẹ đã gặp bố của con và không nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ gắn bó với người đàn ông đó. Cuộc sống thật kỳ diệu và luôn ẩn chứa những điều thú vị phải không con? Sau 23 năm trôi qua, mẹ đã ở bên bố con bằng chừng ấy thời gian, cùng nhau tạo ra ba món quà yêu thương – là các con.

Mẹ không phải là một bà mẹ sành điệu, xì teen. Vì ở cái tuổi của mẹ không đủ nhanh nhạy để tiếp cận công nghệ, không trẻ trung để mặc váy đủ sắc màu, không nhiều nhiệt huyết để khám phá những điều mà mẹ băn khoăn, tò mò. Nhưng mẹ luôn cố gắng là người mẹ biết lắng nghe, biết chia sẻ với các con. Mẹ không biết mình đã làm được bao nhiêu phần, nhưng hy vọng con chưa bao giờ phải thất vọng về mẹ, con gái.

Khi mẹ còn trẻ, mẹ không bao giờ nghĩ đến việc nếu sau này có con thì sẽ phải chăm sóc và nuôi dạy con như thế nào. Bởi lúc còn ở với ông bà ngoại của con, mẹ bận học kiến thức ở trường, học yêu cha mẹ, yêu bản thân, học đương đầu với sóng gió cuộc đời… Và rồi, khi có con, mẹ nhận ra bản năng của một bà mẹ đối với con cái của mình là yêu thương và nuôi dưỡng, vì cái bản năng ấy mà mẹ tự giác học hỏi kinh nghiệm chăm sóc con, dạy bảo con nên người.

Có những điều con sẽ tự hiểu khi thời gian trôi qua, khi con lớn hơn. Nhưng có những điều, con nên lắng nghe từ những người yêu thương con, không phải để con tránh khỏi thử thách cuộc đời đem đến, mà để khi con vấp ngã, con có thêm dũng khí đứng lên và đi tiếp. Có lẽ con không biết, mẹ có một cuốn sổ tay, mẹ viết nhật ký từ lúc mẹ còn rất trẻ, mẹ đã viết lại những bài học mẹ rút ra được sau khi gặp biến cố lớn trong cuộc sống. Giờ, để mẹ viết lại cho con, con gái nhé.

Con gái lớn của mẹ, với các mối quan hệ giữa người với người, không khó để biết được mối quan hệ nào cần giữ, mối quan hệ nào cần bỏ đi, không quan tâm nữa.

Những người thật sự tôn trọng, quan tâm đến con, dù con có thế nào thì họ vẫn nhìn ra và nói cho con nghe ưu điểm của con. Quan trọng là, họ không bỏ rơi con kể cả khi con nghĩ sẽ không còn ai ở bên cạnh mình. Nếu con gặp được những người như vậy, hãy trân trọng họ, rồi con sẽ chẳng bao giờ phải buồn đâu.

Những người chỉ vì một mục đích nào đó mà ở bên con một-cách-chịu-đựng, họ sẽ luôn ngọt ngào khi con vui. Nhưng khi con buồn, họ cũng có thể ném thêm cho con những con dao để con bị tổn thương nhiều hơn. Đừng lo lắng hay căm ghét họ, bởi nhờ họ, con mới phân biệt được ai là bạn thật sự, ai chỉ là bè.

Con gái, cơ hội là thứ có thể lúc con cần thì không bao giờ xuất hiện, nhưng lúc con muốn buông xuôi, lúc nhìn nhận rằng thật mệt mỏi khi đuổi bắt cơ hội… thì nó lại quay về, lại đến rất nhiều.

Khi ấy, quan trọng là con có biết nắm bắt cơ hội phù hợp với mình hay không!

Còn trẻ, con hãy cứ nắm bắt mọi cơ hội, có là nắm, nắm rồi mà thấy không hợp – đau tay – đau tim – đau đầu thì thả ra, nhường cho người khác nắm. Khi đã đủ trưởng thành, đã cần một con đường chính thống mà bước đi thì sống chết cũng phải nắm lấy cơ hội đã lựa chọn và không được phép hối hận!

Con có muốn sống theo kiểu luôn được lắng nghe người khác nói con là người biết điều? Biết điều – đôi lúc tốt và cũng có khi không tốt. Người biết điều là người nghĩ trước nghĩ sau, nhưng chưa chắc đối phương đã nghĩ được như vậy. Biết điều, là khi con nhẫn nhịn những cơn tức giận vô cớ của người khác. Nhưng sau đó, người ấy sẽ coi thường con, nghĩ con dễ dàng bị bắt nạt.

Biết điều, là khi con biết làm gì đó con không có lợi, nhưng vì biết điều, vì nể mối quan hệ giữa người với người nên cứ làm. Rốt cuộc cũng phải ân hận. Vậy nên, con hãy là một người thấu hiểu chứ đừng nên là người biết điều.

Những gì con làm cho người khác chưa hẳn đã là chuyện tốt và những gì con nhận được từ người khác không hẳn là xấu. Con sẽ không dễ dàng tha thứ cho người đã từng gây tổn thương, khiến con bất hạnh. Nhưng con nên cố gắng để làm được điều đó. Ví như, khi con gửi trao tình cảm của mình cho một ai đó, nhưng rồi con chỉ được nhận lại sự đau lòng. Điều đó cũng chẳng có gì đáng làm con phải buồn, phải hận. Những người sống chân thành nhiều khi phải nhận những vết thương như vậy. Biết đâu, đó lại là điều tốt, giúp con có thể vượt qua được những chuyện khó khăn khác trong cuộc sống.

Vứt bỏ cái tôi cá nhân, nhẫn nhịn, đôi khi phải tạm quên lòng tự trọng để đổi lấy hai chữ “bình yên”. Con có hiểu không?

Ở một thời điểm nào đó, người ta có thể hơn con và coi thường con. Nhưng một thời điểm khác, con sẽ làm điều tương tự với người mà con cho là thấp kém hơn mình.

Trong xã hội này, người coi thường người là điều không tránh được, mà cũng chẳng trách được. Quan trọng là con biết giữ lấy thế giới riêng cho mình và đừng bước vào thế giới của họ để rồi tự cảm thấy mình thấp kém hơn họ. Bởi đơn giản, trong thế giới của con, con là duy nhất, là vua, là bất cứ điều tốt đẹp gì con muốn. Và, con luôn là thiên thần trong lòng của bố mẹ.

Đôi khi, có những lúc bỏ cuộc là điều không nên, nhưng có những lúc cứ cố gắng bám víu, không chịu bỏ cuộc lại là điều càng không nên con gái ạ. Chẳng ai có duy nhất một con đường phải bước đi. Vậy mà nhiều người cứ cố chấp bước mãi trên một con đường dù nó không phù hợp với mình, với hy vọng “biết đâu” sẽ thành công. Cho đến khi nhìn thấy những người khác đã đến đích mà mình thì vẫn loay hoay với con đường mờ mịt phía trước. Vội vàng, hoang mang muốn quay lại, nhưng phía sau cũng chỉ toàn chướng ngại vật đã cố vượt qua, chẳng còn đủ can đảm để vượt lại.

Lúc ấy, mẹ khuyên con đừng đi nữa, cũng đừng quay lại. Đường không tự nhiên mà có, người ta đi nhiều nên thành đường thôi. Vậy đấy, tự tạo cho mình một con đường mới, rẽ hướng nào cũng được, miễn con tiếp tục tin tưởng vào bản thân mình.

Trong đời, đôi khi con sẽ phải liên tục chạm mặt người con không muốn nhìn thấy, phải mở miệng với người mà con không muốn nói chuyện, thậm chí là phải sống chung một nhà.

Vẫn luôn có những điều như vậy, như vậy, và như vậy. Chẳng sao cả, thay vì né tránh thì nên đối diện, nếu thực sự là định mệnh thì sẽ buộc phải chấp nhận. Còn nếu là oan gia, sẽ có lúc kẻ kia tự bật ra khỏi cuộc đời con thôi.

Cuối cùng, con gái à, sau này khi không còn bố mẹ ở bên con, khi con  vấp ngã hay đánh mất những thứ quý giá trong đời, con hãy nhớ lời mẹ, rằng: Con có thể khóc, nhưng vẫn phải cười. Bởi còn nụ cười là còn niềm vui, có niềm vui con sẽ gặp được hạnh phúc.

Từ khi xa gia đình, bắt đầu một cuộc sống tự lập, con đã trưởng thành lên nhiều. Dù con không kể cho mẹ nghe tất cả những vấp ngã của mình, nhưng mẹ đã từng trải qua những tháng ngày trẻ tuổi, cũng từng vấp ngã, nên mẹ hiểu, con sẽ cần người ở bên cạnh biết bao sau mỗi lần mệt mỏi vì cuộc sống này. Và mẹ sẽ luôn ở đây để lắng nghe con, để làm chỗ dựa cho con trước khi con tìm được một bờ vai sánh đôi với con đến cuối cuộc đời, con nhé!

Mẹ yêu con.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết cho con” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn.

 

 

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN