Viết cho ông bà, cho chuyện tình mùa thu cũ

Bài dự thi cuộc thi “Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

Mã số: 294_NBĐ
Họ và Tên: Trần Thị Loan
Địa chỉ: Phường Hòa Khánh, Quận Liên Chiểu, Thành Phố Đà Nẵng

Sáng sớm, trời đã hửng nắng sau một cơn mưa giông vào cuối đêm về gần sáng.Một cơn mưa giông vào cuối mùa hạ, không đủ lâu để cuốn trôi hết cái nóng bức, ngột ngạt, và những ùn ứ tích tụ từ mấy tháng hè,cũng không đủ lớn để cuốn trôi hết những phiền muộn của nhân gian, nhưng cũng đủ để tưới mát những thứ tưởng chừng như đã già cỗi, khô cằn, đủ để xoa dịu những vết nứt toác đã khô nhựa trên những vỏ cây xù xì sau những tháng hè mệt mỏi; Đủ để dỗ dành những bông hoa vàng vừa chớm nở, những thân cây và những chiếc lá tưởng như còn xanh non nhưng đã mang trên mình những vết thương, đâu đó hãy còn loang lỗ những vết nhựa ứa ra và vằn vện những vệt côn trùng cắn phá. Sau cơn mưa, ánh mặt trời không còn gay gắt nữa,những tia nắng cũng không còn cay nghiệt chiếu thẳng vào mặt, vào mũi người ta mà dường như cũng cong cong , mềm mại đi ít nhiều.

Trời hửng nắng, cái nắng giờ đây cũng dịu dàng, khoan khoái mơn trớn vào cỏ cây, cảnh vật.Dường như trong khoảnh khắc giao mùa này trời đất như  hòa cả vào nhau , từ nơi nào đó rất xa xôi, mùi của đất trời, của cỏ cây, của hoa sữa, của hương sen, hương súng,  hương ổi cứ phảng phất trong không khí; rồi màu vàng của hoa cúc, hoa điệp, của rơm rạ, tất cả cứ như quyện cả vào nhau. Gió đã bắt đầu lao xao trên  hàng xoan trước ngõ, lạo xạo  trên những tàu lá chuối khô ngoài vườn,thỉnh thoảng gió cuộn mình, mang theo những lớp bụi dày, những chiếc lá úa; Những tàu mía khô trước sân cũng  phất phơ theo gió, đâu đó thoang thoảng  mùi hăng hắc của bùn đất  thoát ra những cánh đồng  đã khô rơm rạ.

Ngồi yên trên chiếc xe lăn đã cũ, lắng ghe không khí chuyển mình sang thu, có tiếng nước chảy róc rách quen thuộc trên nền giếng khơi, tiếng nước chảy như đánh thức không gian tĩnh lặng của một buổi sớm mai, hòa quyện trong không khí mùi hương bồ kết với hương bưởi nồng nàn. Bao năm rồi mà bà vẫn giữ thói quen đó, thói quen gội đầu bằng nước bồ kết hòa với lá bưởi tươi vò nhẹ… bà vẫn giữ thói quen gội đầu vào những buổi sáng sớm, dẫu ngày hạ hay ngày đông. Nhìn bà gội đầu bình yên bên giếng nước trong một sớm giao mùa, mái đầu nghiêng nghiêng dưới gốc cây bưởi già hằng ngày vẫn tỏa bóng mát xuống giếng khơi, nghe như có tiếng gì đó vọng lên trong trái tim ông, ngỡ như tiếng ngày xưa gọi về.. Có những hạnh phúc ngày hôm nay bình yên tưởng chừng như muôn thủa, bỗng nhường chỗ cho kí ức hôm qua. Tất cả những  cảnh vật hiện hữu trong một sớm giao mùa làm cho kí ức  ông trở về với những tháng năm tưởng  chừng như đã cũ; Có những kí ức, những khổ đau ngày hôm qua tựa như giấc mơ, tưởng chừng như hạnh phúc ngày hôm nay có thể chôn vùi được, bỗng nhiên sống dậy từ biết bao mùa thu.

Ông còn nhớ như in sớm mùa thu năm ấy, cũng  một sớm mùa thu đầy lá rụng, người lính trở về làng để lại tuổi 20 nơi chiến trường khói lửa,trở về trên đôi nạng gỗ với những vết thương bom đạn khó lành. Sau những đau khổ, mất mát, hi sinh, niềm hạnh phúc cuối cùng là trở về trong vòng tay của mẹ già, của em thơ. Nhưng không! Cả gia đình, anh chị em không còn một ai, họ hàng đều đã ly tán. Chiến tranh tàn khốc không cướp được sinh mạng của người trai khói lửa mà cướp đi những máu thịt, những thân thuộc và thiêng liêng nơi quê nhà. Người lính trở về trơ trụi, khô cằn, rệu rã với những vết thương lòng còn đau hơn vết thương da thịt. Sáng mùa thu năm ấy, khi trở về người lính bổng khi gục ngã, khóc òa như một đứa trẻ thơ, trở về bên ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ giờ đây chỉ còn mái hiên cháy sém, mái rạ trơ trụi và làn khói hương phảng phất trên góc bàn thờ đã cũ của một người hàng xóm nào đó tốt bụng. Không còn cha mẹ già đứng chờ nơi  đầu ngõ, anh em, họ hàng cũng không, họ đã ra đi trong một lần địch tập kích vào làng… và  một cô hàng xóm thơ ngây, tuổi vừa tròn đôi mươi, với  mái tóc dày thắt bím hai vai, phảng phất mùi hương bồ kết, đứng nép mình bên hàng dậu thưa ,đưa đôi mắt buồn xa xăm nhìn người lính, ánh mắt  đầy cảm thông nhưng cũng chất chứa  một nỗi buồn thương vô hạn.

Rồi thời gian dù đau khổ hay u buồn thì vẫn cứ trôi lặng lẽ… người lính dẫu trong lòng đã rệu rã vẫn cứ phải sống tiếp những ngày của cuộc đời. Rồi những cản ngăn từ gia đình, những giọt nước mắt từ người mẹ có khi nghiêm khắc, có khi tưởng chừng như van lơn cô gái tuổi đôi mươi hãy nghĩ đến tương lai của mình, hãy tới một thành phố lớn học hành đàng hoàng để sau này trở thành ông nọ bà kia hoặc ít nhất là kiếm một tấm chồng tử tế, sống cuộc đời nhung lụa.. Bất chấp tất cả, bất chấp cả sự trốn tránh khổ đau của người lính tật nguyền, người con gái đó vẫn dọn về sống bên ông, chăm sóc cho ông những khi trái gió trở trời.Người con gái năm xưa đó là bà, bà giống như cơn mưa tưới mát đời ông, giống như cơn mưa cuối hạ đầu thu, như cơn mưa sáng nay và như cơn mưa bao lần giao mùa khác. Rồi năm tháng trôi đi, những đứa con lần lượt ra đời, một mình bà vừa kiếm gạo nuôi đàn con thơ, vừa lặng lẽ viết từng dòng chữ trên tấm bảng đen dạy học cho đám trẻ thơ đầu làng, một mình bà đi sớm về khuya, lặng lẽ trên những cánh đồng làng trơ gốc rạ. Những phiên chợ chiều, những góc vườn, những triền sông đầy hoa cỏ may, những góc bảng, góc bếp.. đâu đâu cũng in dáng hình bà lam lũ. Người con gái tuổi đôi mươi năm nào với đôi mắt tròn, đen láy, hay nhìn thẳng nhưng cũng có lúc buồn man mác giờ có còn giữ những tháng ngày mơ mộng nữa hay không? Hay nơi khóe mắt đã in hình những vết chân chim cùng những nếp gấp thời gian, người con gái với đôi bím tóc dài, xanh biếc năm xưa còn sợi nào vấn vương từ mùa thu cũ? Hẳn là không! Cả một thời tuổi trẻ đã  trôi qua trong thầm lặng. Không biết có khi nào bà tiếc nuối, không biết có khi nào bà có còn giữ, còn nhớ những năm tháng xưa, hay chỉ một mình ông nhớ, ông giữ. “Thôi thì cũng chẳng làm gì được cho bà, thì cứ để tôi giữ hết từng ánh mắt, từng nụ cười, từng sợi tóc xanh tuổi đôi mươi cho bà, cứ để tôi giữ hết từng khoảnh khắc vui buồn hay đau khổ nơi bà, nếu có chỉ xin bà giữ những hạnh phúc. Bà đừng hỏi tuổi hai mươi đi đâu mất… nó vẫn còn trong những bài thơ tôi viết cho bà, vẫn còn trong những thành quả hôm nay khi những đứa con của chúng ta đã trưởng thành, trong thành công của những đứa trẻ thơ năm xưa bà từng dạy chữ, vẫn còn là nguồn suối mát của đời tôi chảy mãi, vẫn còn trong mùi hương bồ kết quyện với mùi hương bưởi từ mùa thu năm nào, vẫn còn  như in trong một sáng mùa thu năm xưa ấy, đứa con trai đầu của chúng ta đã ra đi mãi mãi vì chứng đậu mùa ,hình ảnh bà quằn quại, đau đớn vừa ôm con vừa khóc, khi hai bím tóc vẫn còn buộc chặt, rung bần bật bên đôi vai gầy,rồi mắt bà nhòa lệ đi khi ông bảo bà có thể rời xa  đi tìm hạnh phúc khác, đừng ở bên ông để rồi khổ mãi, bà lắc lắc mái đầu…rồi từ đó bà dường như không khóc nữa, hay bà vẫn khóc mà không để ai nhìn thấy, hay giọt nước mắt bà đã chạy ngược vào trong để rồi chai sần lại thành những bọng mắt thế kia.Tuổi hai mươi của bà vẫn ở đó”

Bà thường bảo sao ông trầm tính, sao ông ít nói mà hay ngồi suy ngẫm thế kia, bà thường bảo sao ông không nói ra cho nhẹ lòng, cho tuổi già thanh thản nhưng ông bảo ông biết nói gì đây khi mà cả cuộc đời ông chịu ơn bà,cả cuộc đời ông có bà là đủ lắm rồi,lại có thêm cả những đứa con ngoan ,suốt cả tuổi thơ cứ ríu rít tiếng gọi ba; rồi cả sau này nữa, cứ mỗi lần đi xa về là chúng lại chạy tới ôm ông như những đứa trẻ, rồi một bầy cháu nội ngoại. Ông nói cuộc đời ông đã đủ đầy từ khi có bà, cuộc đời  ông có gì nữa để tiếc, để mong mà phải nói cho nhiều, đòi hỏi, yêu cầu cho nhiều. Ông vẫn thầm lặng dõi theo bà, yêu thương và biết ơn bà thế là đủ.

Ngoài kia gió mùa thu lại thổi, từng giai điệu thân quen của ca khúc “Thư tình cuối mùa thu” trong chiếc radio cũ lại ngân nga với lời thơ da diết của Xuân Quỳnh: Mùa thu ra biển cả, theo dòng nước mênh mang, mùa thu vào hoa cúc, chỉ còn em và anh là của mùa thu cũ, chỉ còn em và anh, là của mùa thu cũ….

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ”Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

(Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN