Để hiểu nhau hơn

Anh biết, em cũng chịu nhiều vất vả khi làm vợ anh nhưng em đã vượt qua khó khăn để chúng ta vẫn đồng hành trên con thuyền hôn nhân có khi êm đềm và có khi cực kì sóng gió.

Bài dự thi cuộc thi “Viết cho người bạn đời của tôi” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

Mã số: 057_NBĐ
Họ và Tên:Tuyền Duy
Địa chỉ: Yên Thành, Nghệ An

                                              (thư gửi vợ)

Anh tình cờ quen em vào ngày mồng một tết, mới đó mà đã gần tám năm trôi qua. Sau hai năm quen nhau, em trở thành vợ anh và chúng ta đã có hai con có đủ nếp tẻ, điều mà nhiều người mong không có được. Những năm đầu, em chưa có việc làm ổn định, nghề của anh không mang lại nhiều tiền, cuộc sống khó khăn, anh đã tìm mọi cách để cuộc sống sông bớt gieo neo nhưng hầu như thất bại. Rốt cuộc, anh nghiệm ra rằng, anh chỉ có thể phát huy ở nghề viết văn, làm báo.

Anh biết, em cũng chịu nhiều vất vả khi làm vợ anh nhưng em đã vượt qua khó khăn để chúng ta vẫn đồng hành trên con thuyền hôn nhân có khi êm đềm và có khi cực kì sóng gió.

Những năm tháng khó khăn về tiền bạc đã tạm qua khi em có việc làm gần nhà và thu nhập khá ổn định . Chúng ta vẫn sống chúng với bà nội và chúng ta biết ơn bà đã giúp chúng ta những tháng năm khó khăn đó.

Chúng ta cũng biết ơn ông bà ngoại những lúc nhờ ông bà mà chúng ta không phải thuê người làm giúp bốn sào ruộng.

Nhưng chúng ta cũng phải trả giá cho cái sự giúp đỡ đó. Sống chung với bà nội, chúng ta mà đặc biệt là anh, một người cá tính và có tư duy độc lập, đã mất rất nhiều tự do khi mọi việc trong nhà, từ việc làm ăn, việc đối nhân xử thế đến những việc vặt hàng ngày đều bị bà chi phối và ràng buộc gần như là bắt  anh phải nghe theo mặc dù anh không muốn. Ông ngoại giúp chúng ta mấy đường cày nhưng ông lại luôn tỏ thái độ hách dịch và nhiều lần xúc phạm  con rể. Cực chẳng đã, anh phải tự mình tìm hướng làm ăn để có tiền mà không phải phụ thuộc. Anh là cử nhân tốt nghiệp đại học hệ chính quy, thi đại học đậu với số điểm cao nhưng anh vẫn gác lại sỹ diện cá nhân để làm những nghề không dành cho người có học. Từ chăn nuôi đặc sản đến thả trúm bắt lươn anh đều không ngần ngại. Nhưng rồi, anh đã sắm được đầy đủ máy ảnh, máy vi tính nối mạng để phục vụ cho nghề viết văn, làm báo. Từ khi có phương tiện, thu nhập từ nghề của anh đã ổn định hơn và điều đặc biệt là anh được làm nghề phù hợp với khả năng và học vấn.

Nhưng rồi, cha mẹ vợ vẫn không hiểu anh, cả anh em bên nhà ngoại và anh em làng xóm cũng có người không hiểu. Họ tưởng rằng, anh chẳng làm gì ngoài những việc hàng ngày mà họ nhìn thấy. Họ đâu biết, cứ tầm hai đến ba giờ sáng là anh dậy bật máy vi tính ngồi viết (trừ những lúc không có đề tài) và những tác phẩm cùng nhuận bút anh có được cũng ít người biết. Họ cứ vặn hỏi anh làm nghề gì? Mà anh thì không muốn nói chuyện nghề với những người mà anh không hợp. Họ chỉ biết, nghề viết văn, viết báo của anh mỗi tháng đem lại bao nhiêu tiền, thậm chí họ còn nhân số chữ lên rồi tính toán:

– Vậy là một dòng được chừng đó tiền, suy ra, mỗi chữ được chừng này tiền, cứ mỗi tháng làm đi chừng này thì sẽ có được thu nhập chừng đó tiền.

Rồi có người thì so sánh nghề của anh với nghề thợ hồ, thợ xây, nghề đánh bắt lươn cá rồi phán:

– Làm nghề viết như anh không bằng nghề thợ xây, thợ hồ, thợ đánh bắt lươn cá.

Anh im lặng và lặng lẽ viết, không nói nhiều, có lúc vì lòng tự trọng, anh có nói cho họ biết rằng, tôi viết văn, viết báo, làm thơ không chỉ vì tiền mà còn vì yêu nghề, vì lý tưởng, vì đời và tất nhiên là vì bản thân, vì gia đình. Tiền bạc tuy chỉ là một phần trong mục đích của công việc này nhưng thu nhập cũng không đến nỗi nào.

Những người ngoài không hiểu cho anh đã đành, em cũng không hiểu cho anh. Những thành công của anh không mấy khi em nói cho cha mẹ em biết, không chia sẻ với anh em đàng ngoại để họ biết mà tôn trọng anh hơn và thế là dẫn đến hiểu nhầm. Có người còn nói rằng: anh được vợ nuôi. Anh nghe mà lòng đắng chát. Tất nhiên là anh phải chứng minh cho họ biết bằng cả hành động và bằng cả lời nói những vẫn có người chưa hiểu. Họ không muốn anh là “nhà văn, nhà báo” vì họ là những người lao động chân tay, họ không mấy khi đọc sách và thờ ơ với sách báo. Với họ, làm ra tiền là ưu tiên số một. Họ muốn anh cũng giống như họ.

Qua bao nhiêu năm sống và cầm bút, anh đã phải trải qua trăm cay nghìn  đắng tưởng chừng chỉ có thể tìm đến cái chết nhưng có lẽ anh được trời thương nên đến bây giờ vẫn còn sống và vẫn còn cầm bút viết.

Bây giờ , em là người lớn duy nhất ở chung nhà với anh nhưng em vẫn không phải là người hiểu anh nhất. Chưa bao giờ em đọc hết một tác phẩm của anh cho dù đó chỉ là bài thơ ngắn, bài báo giản đơn hay là một truyện ngắn gần gũi đời thường. Dường như với em, một bài đăng báo của anh chỉ có ý nghĩa là nhận được bao nhiêu tiền nhuận bút. Còn may là em không xui anh lợi dụng nghề để làm chuyện tiêu cực, em không hay đòi hỏi ở anh quá nhiều và vẫn chiều anh chừng mực.

Khi anh ngồi viết những dòng này thì hai con và em đang ngủ. Giấc ngủ của em và con có mộng mị không? Nếu có thì là giấc mơ đẹp, là ác mộng hay chỉ là giấc ngủ bình thường? Anh không thể biết được nhưng nếu muốn, anh sẽ mong trong giấc mơ, anh và em sẽ hiểu nhau hơn và khi tỉnh giấc, chúng ta ít khi bị ngoại cảnh tác động làm cho chúng ta hiểu nhầm và có những xích mích không cần thiết.

Anh vẫn viết với niềm tin vào những gì anh biết.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ”Viết cho người bạn đời của tôi” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

(Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN