Viết về mẹ: Tôi đã trúng xổ số về mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 121_VVM

Họ tên: Lại Thị Thùy Linh

Địa chỉ: Q. Bình Tân, TP. HCM

—————————————————

Khi tôi viết những dòng này, một mùa Vu Lan nữa đang đến. Mùa Vu Lan đến, nhắc tôi rằng mình thật may mắn vì còn được cài một bông hồng đỏ lên áo. Ca dao Việt Nam có câu: “Mồ côi cha ăn cơm với cá/ Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”. Câu ca dao đó nhắc chúng ta về tầm quan trọng của người mẹ. Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó, người ta nói rằng: Sinh ra trong một gia đình tốt, thì coi như đã trúng xổ số về cha mẹ. Với tôi, có lẽ tôi đã may mắn trúng xổ số về mẹ.

Mẹ tôi là một giáo viên dạy Toán cấp 2. Có lẽ nghề nghiệp ảnh hưởng đến tính cách của bà. Bà rất nghiêm khắc nhưng cũng yêu thương con cái. Trong ký ức tuổi thơ của tôi, bà là người mẹ nghiêm khắc, hiếm khi bà chiều chuộng con cái. Lúc đó, với suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, đôi khi, tôi có cảm tưởng bà không phải là mẹ của mình. Sau này, khi đã lớn, tôi hiểu ra, tất cả những gì bà làm là vì tôi, vì muốn tôi nên người.

Tôi nhớ, hồi nhỏ có lần tôi ham chơi. Một lần, tôi đi chơi đến quá trưa vẫn không về ăn cơm. Thị trấn của tôi rất nhỏ, vì vậy, tôi đinh ninh mẹ sẽ lo lắng và đi tìm tôi. Nhưng khi về đến nhà, gọi cửa mẹ, mẹ chỉ nói: Mẹ đang ngủ trưa. Con đợi tí rồi mẹ mở cửa. Tôi đói quá, đành ăn mấy quả chùm ruột mình hái được. Khoảng nửa tiếng sau, mẹ mở cửa và hỏi tôi: Đói không? Tôi nhẹ nhàng đáp: Dạ có. Vậy là mẹ cho tôi ăn một tô bún thật ngon. Rồi mẹ nói tôi: “Lần sau đi chơi, nhớ về đúng giờ mà ăn cơm. Ăn uống phải đủ chất thì mới khỏe được. Con phải tự biết chăm sóc cho bản thân mình. Hơn nữa, con phải biết người ở nhà cũng lo lắng cho con. Con phải sống có trách nhiệm và biết quan tâm đến người khác.” Vậy là từ lần đó trở đi, không khi nào tôi dám la cà về trễ mà không báo cho mẹ biết. Sau này, tôi có hỏi mẹ: Sao mẹ không lo lắng cho con? Mẹ không sợ con bị bắt cóc hay đói quá mà ngất xỉu à? Bà nói: “Thật ra, hôm đó mẹ có đi tìm con, thấy con chơi ở nhà bạn. Mẹ có nói với mẹ bạn ấy, nhờ bác ấy trông chừng con, khi nào con thích về thì về, và đừng nói với con là mẹ có đến”.

Những bài học của mẹ cứ theo tôi hàng ngày. Tôi nhớ có một lần bà đã dạy tôi về sự tự tin thông qua một việc rất nhỏ. Đó là lần tôi không tự tin đọc một bài thơ cho mẹ nghe, mẹ đã la tôi. Sau đó mẹ nói: Có một bài thơ mà con cũng không tự tin đọc cho mẹ nghe thì sau này con có thể làm được gì? Hôm sau, bà bắt tôi tập đọc bài thơ đó cho bà và em trai tôi nghe. Dần dần, tôi tự tin phát biểu trong lớp, không còn nhút nhát trước chốn đông người nữa. Ngày bé, mẹ luyện cho tôi đối mặt với nỗi sợ hãi bằng cách nói với cô giáo, cứ môn nào tôi yếu, cô giáo gọi tôi thật nhiều. Dần dần, tôi tự tin hơn. Sau này, khi không còn trong vòng tay bố mẹ, tôi đã tự tin hòa nhập vào cuộc sống như thế. Tôi học được rằng: Cách tốt nhất để chiến thắng nỗi sợ hãi là đối mặt và chiến đấu với nó. Nó sẽ giúp bạn trưởng thành lên rất nhiều. Thứ gì không giết được bạn thì sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.

Cứ như vậy, theo thời gian, mẹ tôi uốn nắn tôi từng ngày. Ngày bé, tôi rất lười học Toán. Mẹ nói: “Có thể con không thích, nhưng con phải công nhận là nó giúp ích cho cuộc sống của con. Vì vậy, nếu con không thể giành hết đam mê cho nó, thì con cũng không được để kết quả quá tệ.” Sau này, khi lớn lên, va vấp ngoài cuộc sống nhiều, tôi hiểu ra rằng: Có những thứ, mình không thích, nhưng phải thích nghi với nó để có cuộc sống tốt. Điều này giúp tôi rất nhiều khi ra xã hội, sống hòa mình vào tập thể.

Những bài học thơ bé mẹ dạy tôi cứ ngày một nhiều hơn, và vì vậy, chúng làm hành trang vào đời của tôi ngày một vững chắc hơn. Tuy mẹ nghiêm khắc với con cái, nhưng mẹ lại là người bao dung với người khác. Có lần, hàng xóm nhà tôi bắt được một thằng bé ăn trộm mía. Mọi người trong xóm xông vào đánh thằng bé. Mẹ tôi đã can ngăn và xin cho thằng bé đó được tha. Lúc đó trong ánh mắt của tôi, tôi không hiểu tại sao mẹ làm vậy. Sau này, mẹ nói với tôi: “Ai cũng có lúc phạm sai lầm, nhưng mình nên bao dung cho họ, vì cuộc sống còn dài, mình không thể biết trước tương lai, biết đâu cũng có lúc mình ở trong hoàn cảnh của họ. Lúc đó, mình rất cần sự bao dung từ người khác con ạ”. Từ mẹ tôi, tôi học được đức bao dung. Cuộc sống này ngắn lắm, người yêu người bao nhiêu cũng chưa đủ, người ghét người chút xíu đã là dư.

Khi tôi bắt đầu đến tuổi dậy thì, mẹ dạy tôi cách chăm sóc cơ thể, nữ công gia chánh. Bà hay nói với tôi rằng: “Để giữ nền nếp trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng, phải luôn biết vun vén và chăm lo cho gia đình con ạ. Đầu tiên, phụ nữ phải biết yêu thương bản thân mình, biết tìm niềm vui cho mình. Một khi mình vui, mình mới làm các thành viên khác trong gia đình vui được. Căn nhà vì vậy sẽ ấm cúng con ạ”. Vì vậy, mẹ tôi là người nhẫn nại, chịu thương chịu khó, sinh hoạt điều độ, đúng giờ. Chính thói quen của bà đã ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của hai chị em tôi. Sau này, nó giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống xa nhà, khi không có bố mẹ bên cạnh.

Không chỉ truyền dạy những bài học về đối nhân xử thế, sắp xếp công việc gia đình, mẹ còn dạy tôi những bài thuốc dân gian đơn giản để chăm sóc sức khỏe. Có lẽ do lớn lên ở quê nên mẹ tôi là người khéo léo. Bà biết nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh bằng cây cỏ và các món ăn dân gian. Hồi nhỏ, kinh tế gia đình không mấy dư dả, mỗi lần chị em tôi bệnh, mẹ thường đi quanh quanh thị trấn và hái cây cỏ về làm thuốc cho chúng tôi. Những bài thuốc dân gian tuy đơn giản mà lại rất hiệu nghiệm. Sau này, tôi có thói quen quan sát cây cỏ, yêu thiên nhiên, đó là nhờ mẹ. Tuy nhiên, mẹ vẫn dạy tôi rằng: “Cách tốt nhất là phòng bệnh, vì vậy, phải chú ý giữ gìn sức khỏe thông qua ăn uống và tập luyện, và tâm hồn luôn vui vẻ”. Những lời dạy của bà làm hành trang cho tôi vững bước vào đời.

Không giống như cách nghĩ của nhiều phụ nữ, mẹ có cách nhìn rất khác về vai trò và trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Mẹ thường nói rằng: “Nếu chồng con đi ngoại tình, đầu tiên, con hãy xem lại con”. Lúc đó, tôi đã không hiểu hết ý nghĩa câu nói này và có lần tôi đã nghĩ rằng mẹ là người cổ hủ, trọng nam khinh nữ. Sau này, mẹ nói: “Phụ nữ nên độc lập, tự tin, biết yêu bản thân nhưng cũng nên dịu dàng, bao dung, biết chăm lo cho gia đình. Mẹ tin: nếu con làm được như vậy, không người đàn ông nào không muốn trở về tổ ấm của mình. Có thể, đôi lúc họ say nắng, nhưng họ sẽ đủ tỉnh táo để không đánh mất hạnh phúc của mình. Còn nếu con đã làm như vậy, nhưng họ không biết trân trọng hạnh phúc của mình, thì con nên chia tay trong êm đẹp, vì đó không phải là người đàn ông dành cho con”. Sau này, khi lớn lên, bắt đầu biết rung động trước người khác giới, nhờ bài học của mẹ, tôi vững vàng trước những thăng trầm trong tình yêu.

Một mùa Vu Lan nữa lại đến, mỗi khi nghe bài ‘Bông hồng cái áo”, tôi lại cảm thấy mình thật may mắn vì còn được cài một bông hồng đỏ lên áo. Tôi cầu chúc cho tất cả mọi người, dù cài bông hồng đỏ hay bông hồng trắng trong mùa Vu Lan luôn bình an và hạnh phúc. Tôi tin rằng ai có mặt trên đời này cũng đều trúng xổ số về cha mẹ. Tôi nhớ có một câu hát trong bài hát “Đạo làm con”: “ Dù cha ra sao cũng là đấng sinh thành, dù mẹ làm sao cũng luôn mang nặng đẻ đau.” Có thể mỗi người sẽ “trúng xổ số” về cha mẹ theo những cách khác nhau, nhưng ai cũng đều trúng xổ số về cha mẹ. Chúng ta hãy biết trân trọng cuộc sống này và sống cho tốt nhé.

P/S: Mẹ à, một mùa Vu Lan nữa lại đến. Tận sâu trong lòng mình, con cảm ơn mẹ nhiều lắm. Con cầu chúc mẹ luôn khỏe mạnh và bình an. Con yêu mẹ.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN