Viết về mẹ: Như con chim nhỏ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 153_VVM

Họ tên: Hoàng Nghiệp

Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ

 

—————————————————

Chiều bên dòng Sông Mã, chỉ còn lại mình L. T. Cô đã đứng sẵn trên vách núi, dưới vách núi là vực thẳm, chúng cách nhau bằng đúng độ dài con dốc, nhưng nếu rơi xuống còn nhanh hơn cả thời gian con chim rừng vụt sang bên kia núi tìm sâu. Vậy mà có lần L.T. đã nhìn xuống vực sâu hun hút kia, nhắm mắt, định bỏ lại đằng sau những yêu thương, oán giận và cả sự nuối tiếc. Nhưng rồi hai đứa con sẽ bơ vơ như đàn sâu non vừa bị con chim rừng bắt mất mẹ chúng. L.T. tỉnh ngộ, trước mặt là thân cây đã già nua, vài cành khô úa, nhưng trên đó, lạ thật vẫn có một mầm xanh đang nhú lên. L.T. thấy nó sao giống cuộc đời mình đến thế. Có thể ngày mai, ngày kia, cùng lắm là lâu hơn chút ít, L.T. sẽ bị chết vì căn bệnh HIV, nhưng hai đứa con vẫn cần phải sống, cần phải có cái trí, lực trên thân giả tạm này để bấu víu, để được yêu thương, vỗ về. Từ trước khi bố bị nhiễm HIV rồi qua đời, đến lúc mẹ nó nằm xuống thì những đứa trẻ vẫn mong mình như cái mầm xanh kia, nếu chặt cây thì mầm cũng chết.

Không như miền xuôi, người miền núi dễ dàng thông cảm cho nhau hơn. L.T cũng hiểu, đó là số phận, là mệnh người, đừng mong giải thoát. Được sống trên cuộc đời này là may mắn, hạnh phúc, vì vậy  một giây tồn tại cũng quý. Sinh ra ở bản nghèo mà cả đời người con gái Thái như L.T. cũng chẳng mấy khi được xuống chợ, chẳng dám mua cho mình một chiếc áo cóm mới tinh, càng không thể nhìn một ánh mắt trai lạ. Chỉ đến khi tằng cẩu rồi (lấy chồng – búi tóc lên đỉnh đầu), mới có đôi ba lần L.T. đi thăm chồng trong trại cai nghiện là xa nhất. Chồng cô, một người đàn ông Thái to, khỏe, hiền như đá, vậy mà chỉ vài ba lần vượt qua con sông Mã, sang đất Chiềng Khùn (Lào) làm thuê, nghiện ma túy và mắc căn bệnh thế kỷ. Chống chọi được vài tháng, anh ấy bỏ lại ba mẹ con bơ vơ, cui cút giữa dòng đời.

Đã hơn 1 năm rồi, L.T. ngồi lặng lẽ trong căn nhà có con ngõ lạnh lẽo, cỏ mọc xanh rì vì thiếu dấu chân người chồng đặt lên đó. L.T. nhìn vào ngọn núi trước mặt, ngọn núi thì cao, người thì thấp nhưng họ vẫn vượt qua. Vậy mà có những điều vô cùng giản đơn sao con người ta lại vấp ngã? Như chồng L.T. đây, một phút sai lầm mà phải đánh đổi bằng cả cuộc đời, cả số phận, thậm chí người vợ trẻ của mình cùng xoay trong vòng oan nghiệt đó. Sau này, chồng L.T. thổ lộ, có lần trong cơn “phê” thuốc, anh đã bị một cô gái điếm mua chuộc, chính xác hơn, anh đã tìm đến nó. Khi phát hiện mình bị nhiễm HIV, anh đau đớn đến tột cùng, song tất cả đã muộn. Trong câu chuyện đẫm nước mắt trên nét mặt u buồn, ít khi tôi thấy L.T. cười, chắc chắn cô không bao giờ có thể cười được nữa khi cuộc sống của mình cũng chỉ tính bằng ngày. Cô kể rằng: Trong những ngày chồng trong trại, một mình cô nuôi 2 con nhỏ, nhiều khi trong nhà không còn được một củ giong giềng luộc cho con ăn, không có tiền mua cho chồng bao thuốc lá gửi vào trong đó. Rồi cô cũng qua cửa khẩu sang đất bạn buôn bán. Một chiều, không giữ được thân, cô đành nhắm mắt “đưa chân” để lấy mấy đồng bạc lẻ. Cứ thế, những đồng bạc lẻ đến rồi lại đi, đi rồi lại đến. Và rồi chính những đồng bạc ấy nó lại bạc bẽo đến khôn cùng, nó đã “bán” cho cô căn bệnh thế kỷ. Tất cả là vì cuộc đời, hoàn cảnh xô đẩy nên giờ đây L.T. mới đến nông nỗi này. Ai trong bản cũng thương cho số phận người thiếu phụ trẻ măng.

Sức khỏe của L.T. ngày càng khác lạ. Đã nhiều lần cô đi kiểm tra sức khỏe, người thân hỏi, cô nói: “không sao”. Nhưng L.T. khác lắm, cô khóc nhiều hơn, nhiều khi trên nét mặt dịu hiền của người con gái Thái đã phảng phất sự thảng thốt, thất thần. Cô không nói có thể do không biết bệnh tình, cũng có thể vì cô không muốn nói. Bạn bè thân nhất của L.T. đã cảm nhận được điều đó, và họ cũng hiểu rằng một “án tử” đã treo trên đầu người con gái trẻ. Người ta chưa chết được vì còn phải sống, câu nói này L.T. đang tìm nó. Đúng là cô còn phải sống, sống vì 2 đứa con thơ dại, sống để nhiều cô gái trẻ khác như L.T. ở bản Ló, bản Khạm hãy nhìn vào đó mà tránh xa sự cám dỗ tầm thường. Hoặc đừng vì hoàn cảnh mà nhắm mắt đưa chân, để rồi một ngày mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV, L.T. biết mình đã là tấm gương đen nhưng vẫn thấy có một vệt sáng nho nhỏ như căn nhà tối được ánh mặt trời lọt qua khe cửa.

Có những buổi chiều trời ảm đạm, L.T. ôm hai đứa con vào lòng. Chúng còn quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát và cả những điều khác sẽ mất sắp đến với chúng. LT đi lấy chồng lúc chưa đầy 20 tuổi, khi chồng mất, cô cũng chưa đến tuổi 30. Những đứa con của L.T. cũng mang máng biết mẹ mình mắc phải căn bệnh trầm kha, bởi nhiều đêm trong căn nhà nhỏ, cô lặng lẽ một mình tựa thân vào tấm liếp suy nghĩ miên man. Trên đôi mắt cô có vệt quầng thâm. Nhưng đôi mắt ấy đang cháy lên ngọn lửa, thổi bùng lên niềm an ủi. Khi đã bước ra cuộc đời thực, khi thoát khỏi dãy núi cao trước mặt, L.T. mới hiểu rằng, cuộc đời này còn nhiều lắm những số phận truân chuyên. Chỉ trong vài bản này thôi, đã có 3 người thiếu phụ bị nhiễm HIV. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Chị N, nhà có điều kiện, chồng đi vắng suốt, chị là người thích ngao du, chẳng hiểu chị bị “dính” AIDS từ người chồng quá cố hay từ những cuộc truy hoan? Còn Quàng V, nhà ở bản Pạo, cả hai vợ chồng cùng bị HIV. Tiếc thay, những con người ấy đều là đồng bào dân tộc thiểu số – những con người mà một đời lầm lũi chỉ biết đến sự đói no – vì cuộc sống run rủi hay vì một phút lầm đường mà họ đã kéo “cơn bão” về làng. Câu chuyện về số phận, cuộc đời của các cô gái Thái bên dòng sông Mã bị nhiễm HIV đã được định đoạt. Chua xót đấy nhưng cũng còn nhiều niềm an ủi. Với L.T., cô chẳng trách ai mà chỉ biết đem tấm gương mờ này đặt cạnh tấm gương sáng cho chúng được sáng hơn.

Một sớm mai thức dậy, trên con dốc nho nhỏ dẫn vào các bản làng, L.T. thấy thấp thoáng những người phụ nữ Thái đang cần mẫn thả những hạt ngô vào trong kẽ đá. Nếu người ta cứ chăm chỉ làm ăn như thế, không vì thói trăng hoa, đua đòi, lầm lối… thì chắc gì căn bệnh HIV đã có mặt trên mảnh đất này? L.T. đang mơ về một cuộc sống bình dị thôi, thậm chí nghèo một chút nhưng ở đó có những tiếng cười thật êm….

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN