Viết về mẹ: Mẹ ơi, hôm nay mẹ có mệt không?

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 478_VVM

Ho tên: Ngô Thị Thu Hường

Địa chỉ: Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

———————————————

Mẹ ơi, hôm nay con đọc được một bài báo kể chuyện bố đưa con gái đi thi ở Thái Bình. Cô con gái sau khi không làm được bài thi hóa, thì quay sang trách bố:

– Đã bảo bao nhiêu lần rồi là cho đi ôn thi ở trường tốt thì tiếc tiền, giờ thì không làm được bài rồi đấy biết chưa?

Nhưng ông bố không nói gì, chỉ ngồi im. Lát sau bác ấy mới nhỏ nhẹ nói:

– Thôi lần sau cố gắng con ạ.

Con lại nhớ đến mùa hè năm ngoái, cũng vào đợt oi bức thế này, mẹ đèo con lên Hà Nội dự thi. Trời nóng như đổ lửa. Cái nóng bén cả vào chân hai mẹ con nhưng mẹ chẳng quan tâm gì đến mình cả, chỉ lo hỏi con xem có rát không, có mệt không. Con không dám nói câu than thở nào vì con biết mẹ còn vất vả hơn con gấp trăm lần.

Mẹ nhớ không mẹ ơi? Khi một tháng ôn thi cấp tốc, hôm nào con cũng thức đến 1 – 2 giờ sáng để làm đề, luyện đề. Mẹ lại thức cùng con, hòa sữa cho con.

Mẹ nhớ không mẹ ơi? Khi hôm nào con dậy sớm đọc thêm sách tham khảo, mẹ cũng lại dậy cùng con, giã rau má cho con uống. Con biết tay mẹ đau vì hôm nào mẹ cũng phải khênh thóc, bê than, nhưng mẹ chẳng một lời kêu ca mệt mỏi. Tiếng chày lên xuống không đều như nhắc con mẹ đang cố gắng tất cả vì con đấy. Con hãy cố gắng lên nào.

Rồi đến ngày thi khối D – khối chính của con, môn toán con làm bài không được tốt. Lúc ấy con sợ mình sẽ rớt mất. Con sợ mình sẽ đổ tất cả công sức của cả hai mẹ con xuống sông xuống biển nên con chỉ muốn khóc thôi mẹ ạ. Nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt cháy nắng của mẹ đầy lo lắng, tay cầm chai nước uống dở vẫn giữ khư khư phần con, con lại nghĩ mình thật yếu đuối. Chỉ có chút thế thôi đã mít ướt rồi. Mẹ còn ngồi chờ dưới nắng hàng ba tiếng đồng hồ thì sao? Con chạy lại bên mẹ, mẹ kéo vội con vào ô, hỏi han như bao người mẹ khác. Nhưng có một điều mà chỉ mẹ của con mới có, đó là tình yêu thương con vô điều kiện của mẹ cho riêng một mình con. Làm sao con quên được từng từ từng chữ khi ấy mẹ nói với con:

– Khó lắm à con? Có mệt không? Hay mẹ con mình về quê nhé! Không cần thi nữa đâu con. Sau này được trường gì thì học trường ấy.

Mười hai năm nuôi con đèn sách. Mười hai năm cùng con nuôi dưỡng ước mơ vào đại học. Mười hai năm trông chờ con cũng được học cao hiểu rộng như người ta để không còn ai chê bai con nhà bán than bố mẹ ít học nữa. Mười hai năm đằng đẵng những khó nhọc, đi sớm về hôm chỉ vì khát khao duy nhất ấy. Thế mà khi thấy con từ phòng thi bước ra với khuôn mặt tái mét, mẹ lại có thể bảo “hay mẹ con mình bỏ thi về quê.”

Mẹ có biết không mẹ ơi? Chỉ vì câu nói ấy của mẹ mà con quyết tâm bằng mọi giá con phải đỗ. Và con đỗ thật, đỗ cả hai trường hai khối. Niềm vui như nhân đôi mẹ nhỉ?

Nhưng tương lai của con đâu đã dừng ở đấy. Con phải lên Hà Nội học, phải xa bố xa mẹ, con biết trong lòng mẹ chất chứa biết bao lo lắng cho con. Tối nào mẹ cũng gọi điện cho con, hỏi han chuyện học hành, ăn uống, bè bạn, trường lớp. Con kể với mẹ mọi chuyện, từ chuyện nhỏ nhặt nhất ví như chuyện hôm qua con ngủ quên nên không đánh răng buổi tối. Con kể nhiều đến nỗi bạn cùng phòng bảo con là đứa trẻ, cái gì mẹ hỏi cũng nói. Nhưng con chỉ muốn mẹ yên tâm, muốn mẹ nghĩ con vẫn như đang ở bên cạnh mẹ vậy, muốn mẹ nghĩ, con chưa bao giờ thay đổi, vẫn là con của mẹ. Duy có một vấn đề mà hồi ấy con vẫn không dám kể với mẹ, đó là chuyện học hành của con. Thực ra hồi mới đầu con bế tắc lắm mẹ ạ, vì con không theo nổi các bạn trong lớp. Con cảm giác các bạn đã bỏ rơi con một quãng xa lắm rồi, và dù con có gắn tên lửa vào thì cũng đuổi không kịp bước chân của người ta. Có nhiều đêm con không ngủ được, mắt cứ rơm rớm vì không biết phải làm sao. Con lại không dám kể cho mẹ nghe, sợ mẹ suy nghĩ.

Rồi một ngày, vô tình con tìm được trang Facebook cá nhân của chú Phan – chú hàng xóm rất thân với nhà mình. Trang cá nhân của chú ấy cũng chẳng có gì ngoài một vài bức ảnh thiên nhiên. Chú cũng không có bạn bè. Lướt qua những tấm ảnh, con thấy có một dòng trạng thái chú ấy viết. “Cố lên nào, không được bỏ cuộc, không được gục ngã, chỉ một chút mệt mỏi thôi.” Hóa ra ai cũng thế mẹ nhỉ, muốn thấy cầu vồng thì phải chịu những cơn mưa.

Lên năm hai rồi, sau khi rút kinh nghiệm từ năm nhất, con đã có một kế hoạch cụ thể và chi tiết cho tương lai tới của mình. Con lại kể với mẹ. Và như mọi lần, mẹ luôn hướng sự tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối về phía con. Mẹ chuẩn bị hết mọi thứ cho con, từ thức ăn cho một tuần cất sẵn trong tủ lạnh đến máy giặt để con có thể hạn chế tối đa thời gian bị phân tán. Con biết mẹ đã cố gắng rất nhiều vì làm gì có đứa sinh viên tỉnh lẻ nào có nhà ở không phải thuê rồi máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng… như con. Thế nên con không cho phép bản thân mình chần chừ, trì hoãn như năm nhất. Và con đang dần tiến bộ hơn mẹ ạ.

Con biết mẹ của con không đẹp. Mặt mẹ đen sạm, tóc mẹ cứng đơ, da mẹ thô ráp và con hay chê mẹ vì những điều đó. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng bao giờ buồn mẹ nhé! Thực ra con chỉ đang nhắc nhở bản thân mình không được quên mẹ mà thôi. Con biết mẹ đã phải hứng chịu biết bao mưa gió cuộc đời để đổi cho con lấy cái danh “tiểu thư trong lồng kính”. Từ nhỏ đến lớn, con chưa từng phải làm việc nặng, chưa từng phải đi cấy gặt dù con sinh ra từ rơm từ rạ, từ đồng ruộng quê hương. Tất cả những phần việc khó nhọc, bố mẹ và anh đều nhận hết về mình. Đến cả nấu cơm, rửa bát, mẹ cũng tranh với con. Mẹ chỉ muốn con chăm chú học hành, đọc sách, còn những việc khác, cứ để mẹ lo. Nhiều người xung quanh cũng bảo mẹ chiều con quá sinh hư nhưng mẹ chỉ cười xòa. Tối về mẹ ôm con thủ thỉ: “Mẹ làm gì cũng có mục đích chính đáng của mẹ. Và mục đích chính đáng của mẹ, đó là tương lai của con. Nông dân chỉ có con đường duy nhất là học hành, thế nên, bằng bất cứ giá nào, mẹ cũng nuôi được con cho tới khi con ra trường với hành trang đầy đủ. Lúc ấy mẹ mới đỡ lo.”

Mẹ của con ít học. Mẹ của con chỉ là một người bán than. Nhưng mẹ của con không mù mờ, ngu dốt. Mẹ có mục đích xuyên suốt cuộc đời. Đó là tương lai của chúng con. Tình thương của mẹ vô bờ bến như thế, con biết làm thế nào để báo đáp được? Mẹ bảo mẹ chỉ cần con sống khỏe, sống tốt là cuộc đời mẹ coi như toại nguyện. Nhưng mẹ ơi, chưa một lần con dám hỏi, hôm nay mẹ đi làm có mệt không?

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN