Viết về mẹ: Mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 394_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Lan Anh

Địa chỉ: Kbang – Gia Lai

————————————-

Mẹ tính nóng như lửa, quyết đoán trong công việc cũng như trong cuộc sống, luôn nghiêm khắc với con cái.

Con thừa hưởng cái nóng tính cộng với cái ngang bướng của mẹ không sót chút nào.

Mẹ cầm tinh con chó, con cầm tinh con mèo. Chó và mèo thường hay khắc khẩu nhau, có lẽ vì vậy mà từ nhỏ đến lớn hiếm khi nào hai mẹ con ngọt ngào được với nhau.

Năm tuổi, con đã biết gân cổ cãi lại mẹ khi bị mẹ đánh đau mà còn bắt ngậm miệng lại không được khóc “Đau thì phải cho khóc chứ, đau mà bắt nín làm sao mà chịu được”. Mẹ nghe con nói thế thì càng đánh con thêm đau vì cái tội ngang bướng “Là con thì không được cãi mẹ”.

Bà ngoại giận bỏ về quê cũng vì mẹ hay dùng đòn roi với con quá “Từ nhỏ đến lớn tao có đánh mày roi nào đâu mà sao mày lại đánh con mày suốt ngày thế hả?”. Trước khi về quê bà còn lôi con ra dặn dò “Con ơi, con ở nhà thì cố mà nghe lời nó. Không thì nó đánh chết con đấy con ạ, bà về rồi bà chỉ lo cho mỗi mình con thôi”.

Lớn hơn một chút, con đã biết tủi thân khi nhìn mẹ và con gái nhà người ta lúc nào cũng thủ thỉ tâm sự với nhau hết chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Còn mẹ con mình dường như lúc nào cũng có một khoảng cách vô hình nào đó.

Con giận mẹ vì “Tại sao bắt con phải tự đi làm chứng minh thư một mình, phải chen chúc vất vả trong khi mấy đứa kia có mẹ dẫn đi. Mẹ cũng quen biết nhiều, mẹ dẫn con đi rồi nói với người ta một tiếng là họ làm giúp ngay có phải sướng không?”. Mẹ quát lại ngay “Mẹ chúng nó rảnh, còn mẹ mày không rảnh. Cái gì làm được thì tự đi làm, không phải nhờ vả ai”.

Mẹ bắt con phải để tóc dài, trong khi tóc mẹ cắt ngắn. Mẹ dặn cô chủ tiệm tóc không được cắt ngắn tóc con lên mà chỉ được tỉa phần dưới ngọn nếu như con đến cắt tóc. Con lý lẽ tại sao mẹ để tóc ngắn được còn con thì không. Mẹ không trả lời, chỉ bảo mẹ thích thế, con phải để tóc dài. Bởi vậy, con giận mẹ lúc nào cũng chỉ thích áp đặt mọi chuyện đối với con.

Con ghét mẹ tại sao ở bên ngoài mẹ luôn tươi cười, nói chuyện ngọt ngào với mọi người được. Còn về nhà lúc nào cũng là những lời la mắng, những việc gì mẹ muốn là chúng con phải làm ngay tức khắc, không được cãi lại.

Lớn lên chút nữa, con không còn gân cổ cãi lại mẹ. Đi đâu thì thôi, về nhà là thu mình trong vỏ bọc, im lặng học bài và làm việc nhà, cái gì không thích thì vẫn cứ làm nhưng không tỏ một thái độ gì hết. Hễ mẹ mắng con sao ra đường thì mặt mũi tươi rói còn về nhà thì lầm lì con cũng chẳng cãi lại, chỉ lầm bầm trong miệng “Rõ ràng là mẹ con giống nhau mà tại sao lại chỉ mỗi mình mình bị mắng”. Con chỉ mong sao đậu đại học, được đi học xa, được tự do tung hoành sống đúng với cá tính và bản chất thật của con.

17 tuổi, con bước chân vào giảng đường đại học. Rõ ràng mẹ phải vui lắm vì con đậu điểm cao vượt cả dự đoán của mẹ. Thế nhưng trước mặt con mẹ chỉ nói “Đậu đại học mới chỉ là bước đầu, chưa là cái gì cả, không được tự mãn sớm”. Còn con, niềm vui được hòa nhập trong một môi trường sống mới, được tự do làm những điều mình thích, được là chính mình khiến con lúc nào cũng hồ hởi và vui vẻ. Con không thường xuyên gọi điện về nhà, thậm chí nghe điện thoại mẹ gọi đến con cũng không vui vì lúc nào cũng chỉ là lời nhắc nhở con học hành, học mà không tốt thì không xong với mẹ đâu.

18 tuổi, biến cố lớn xảy đến với gia đình mình. Cả nhà vẫn giấu con là mẹ chỉ bị đau sơ sơ, không cần  phải về thăm. Con nghe mọi người nói vậy thì cũng thờ ơ, vẫn vô tư cười nói với bạn bè như thường. Cho đến khi đứa bạn thân thấy vậy thì không đành lòng, bảo con “Nhà có mình mày con gái, lâu lâu mẹ mới đau, mày cũng phải về thăm mẹ đi chứ”. Con giật mình, mơ hồ nhận ra có điều gì đó khác lạ.

Bước chân vào viện gặp mẹ, con suy sụp hoàn toàn. Mẹ mạnh mẽ, hàng ngày hét ra lửa là thế giờ nằm một chỗ, chân tay không cử động được, sự sống và cái chết còn phải giành giật từng giây từng phút. Con không quen nhìn thấy mẹ yếu đuối như thế bao giờ cả. Vậy mà có lúc mẹ tỉnh dậy, con thấy bàn tay còn cử động được của mẹ trong vô thức vuốt mái tóc dài của con. Hình như là mẹ vẫn biết con đang ngồi bên cạnh mẹ. Chị đồng nghiệp chăm nuôi mẹ từ ngày đầu mẹ bị đau nói với con rằng lúc tỉnh dậy mẹ vẫn vuốt tóc chị “Chắc cô mong và nhớ em đó, vì cô vẫn hay kể rằng cô bắt em để tóc dài dù em không thích. Cô thích con gái cô hiền lành, thùy mị chứ đừng ngang bướng, cứng cỏi quá rồi lại khổ giống cô. Vả lại lưng em bị gù, để tóc dài sẽ che được cái lưng xấu đó đi. Em đi học xa chị thấy cô nhớ em lắm, suốt ngày kể chuyện về em cho chị nghe thôi”. Lòng con nghẹn lại, ai bảo mẹ không chịu nói với con điều đó chứ. Con chỉ thấy ghét mẹ vì can thiệp cả vào chuyện tóc tai, ăn mặc của con. Con cố tình khòm lưng hơn nữa vì gặp ai mẹ cũng lôi cái lưng gù của con ra kể rồi dặn người ta nếu thấy nó đi khòm khòm thì đánh vào lưng nó một cái để nó đi thẳng lên. Con chỉ thấy những lời dặn dò khô khan “phải cố mà học” của mẹ mà quên mất rằng đêm con thức học bài tới giờ nào thì mẹ cũng thao thức chẳng ngủ được tới giờ ấy. Con háo hức mong được quay lại trường gặp bạn bè mà bỏ qua ánh mắt thoáng buồn của mẹ mỗi lần thấy xe chở con chuyển bánh. Con trách mẹ bỏ bê con cái mà không biết rằng mẹ muốn tập cho con tính tự lập từ nhỏ, những gì có thể làm được thì phải tự làm cho quen, không tạo thói quen hay nhờ vả người khác. Con không hiểu được nỗi lo canh cánh của mẹ là “Mẹ dạy chữ, con thì đốt sách”, con mình mà học dở thì biết nói với đồng nghiệp, với học trò sao đây khiến mẹ phải tạo áp lực lên vai con…

Nhớ lần hai mẹ con đi viện, cô bệnh nhân giường kế bên đọc được bài viết của con được đăng trên tập san của trường rồi khen con vừa ngoan vừa giỏi, ánh mắt mẹ sáng lấp lánh niềm tự hào. Nhưng vì bệnh tật, mẹ chỉ nói được câu “Con gái tôi nó…”. Chưa bao giờ mẹ khen con một lời. Nếu không có một ngày con vô tình tìm giấy tờ trong tủ mẹ thì con sẽ không biết được rằng từng cái giấy khen, tấm ảnh hay bài báo viết về con dù chỉ là một mẩu bé xíu thì mẹ vẫn giữ gìn cẩn thận trong một góc tủ. Con biết nếu nói được nhiều hơn, có lẽ mẹ sẽ còn kể cho người ta nghe về con mẹ nhiều hơn nữa.

Cái tính nóng nảy và ngang bướng khiến con không ít lần gây mất lòng mọi người xung quanh. Có những lúc ngồi ngẫm nghĩ lại, giật mình nhận ra hình như mẹ biết tính con giống mẹ, sợ con thiệt thòi nếu việc gì cũng thẳng toạc ra nên mới muốn con nhu mì, dịu dàng hơn.

Có lần, hai em con đùn đẩy nhau mãi chuyện thằng anh hay thằng em bế mẹ ra ngoài. Con giận chúng nó điên người, gồng mình bế thốc mẹ một hơi ra ghế dù người con lúc ấy chỉ có vỏn vẹn hơn 40kg, suốt ngày đau ốm lả lướt như dải khoai héo. Lại giật mình, hình như con giống mẹ, đã muốn làm gì là phải cố gắng làm luôn chứ để lâu là không thể chịu được.

Rồi một hôm, con vì buồn bực chuyện cơ quan mà quay ra nổi nóng, gây sự với cả nhà mình. Tới lúc ấy thì con mới hiểu tại sao ngày xưa mẹ chẳng mấy khi vui vẻ với chúng con được khi bao nhiêu là áp lực của công việc và gia đình đổ dồn lên đầu mẹ. Chỉ mới có những vướng mắc nho nhỏ trong công việc mà con đã không bình tĩnh nổi. Nghĩ lại, con thấy sức chịu đựng, sự mạnh mẽ của mẹ ngày ấy quả là phi thường.

Giờ mẹ nằm một chỗ, hàng ngày ôm mẹ thủ thỉ “Mẹ có thương con không?” là mẹ lại khóc. Hôm thì nói được tiếng “Có”, hôm thì chẳng nói được tiếng nào. Nhưng nhìn vào mắt mẹ con biết rằng mẹ thương con nhiều lắm.

Vậy mà từ nhỏ đến lớn, con chỉ biết trách móc mẹ là chủ yếu thôi phải không mẹ? Đã có lúc con từng nghĩ chắc mình là con rơi mẹ nhặt được ngoài đường nên mới không bao giờ ngọt ngào như những bà mẹ khác với con gái. Chỉ là mẹ thương và dạy con theo cách của riêng mẹ thôi đúng không?

Mọi người hay xót xa thương con khổ vì phải chăm sóc mẹ nằm một chỗ. Thực lòng con chẳng thấy khổ đâu mẹ à, chỉ thấy thương mẹ nhiều hơn. Lẽ ra mẹ còn làm được rất nhiều điều, còn phải tiến xa, được đi đây đi đó, cống hiến nhiều hơn chứ không phải là nằm một chỗ như thế này. Chỉ cần nghĩ ngày xưa mẹ thức vì chúng con đau ốm suốt bao đêm, vậy con thức một vài hôm vì mẹ khó ngủ đã thấm thía gì? Cứ nghĩ rằng vẫn còn có mẹ để được chăm sóc hàng ngày cho mẹ đã là hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi. Dù rằng có đôi lúc con cũng thấy tủi thân vì nếu mẹ khỏe mạnh, có lẽ cuộc đời con sẽ khác hơn nhiều và sẽ được hưởng trọn vẹn những điều mà chỉ có mẹ và con gái mới dành được cho nhau.

Chợt nhớ tới lời của một bài hát mà con rất thích “Trách gì nhau đời mình con gái. Con như mẹ trách thì trách ai…” Dù thế nào đi chăng nữa, thực lòng con cảm ơn mẹ vì đã là mẹ của con!

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN