Viết về mẹ: Lòng mẹ bao la

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 185_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Bích Kiều

Địa chỉ: Quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

—————————————————

          Thu sang, đông đến, cứ thế mỗi một mùa trôi qua, dì tôi trở nên héo hon, gầy guộc hơn, tôi thương dì lắm. Hồi còn con gái nghe ngoại kể lại rằng dì vào Sài Gòn làm công nhân, khi trở về mang theo một đứa con gái mới chập chững biết đi, khiến cho ngoại buồn da diết. Đứa con gái đó chính là Hạ – là kết quả của mối tình mà dì đã lỡ tin vào một kẻ sở khanh, ruồng bỏ trách nhiệm khi dì có thai với hắn. Từ ngày đó, dì về quê buôn bán, làm lụng vất vả nuôi Hạ khôn lớn. Dù cực khổ là vậy nhưng chưa bao giờ dì để Hạ phải thiếu thốn gì cả. Đổi lại sự yêu thương, chiều chuộng của dì, Hạ lại rất ngang ngạnh, đua đòi theo bạn mà không biết xót thương cho mẹ.

Từ nhỏ, Hạ đã được dì cưng như trứng, hứng như hoa, hễ ai đụng đến là ré, là khóc bù lu, bù loa. Ngay cả ông ngoại tôi được tiếng là nghiêm khắc trong việc dạy con cũng đành đứng nhìn nó hỗn láo và xấc xược, bởi nó rất cứng đầu và lì lợm.

Từ nhỏ, tôi đã cùng nó lớn lên và cùng học chung lớp với nó. Phải nói rằng, nó rất đáng ghét, nhưng lại học rất giỏi, nó là con bé rất thông minh, nhanh nhẹn. Dù lười học và nghịch ngợm là vậy nhưng nó luôn là học sinh giỏi của lớp tôi. Năm nó lên lớp 10 thì đã biết điệu đà như thiếu nữ. Một mình dì làm lụng nuôi Hạ ăn học nên sương gió cuộc đời đã khiến dì già hơn nhiều so với tuổi của mình. Mỗi khi vào mùa, sáng sớm dì đã vác cuốc ra đồng, trưa đứng bóng mới về ăn vội miếng cơm nguội, còn thức ăn ngon thì để dành cho Hạ. Chiều lủi thủi theo sau con trâu, cái cày ra đồng. Khi đồng áng xong, dì lại mua rau lên chợ bán. Và cứ thế, ngày qua tháng đến dì nào có biết nhan sắc mình là gì? Bàn tay dì gầy như khúc củi khô, gân nổi xanh lè, các móng tay dính phèn đỏ cháy. Chân lúc nào cũng nứt nẻ, nhất là vào mùa khô thường hay bị rỉ máu dưới gót chân. Tôi thương dì nhiều lắm. Tuy khổ cực là vậy nhưng chưa bao giờ tôi thấy dì than vãn một lời. Vậy mà, xót thương thay chỉ vì quá cưng chiều Hạ nên nó cứ kiêu ngạnh, chảnh chọe. Đáng giận hơn là nó lại thấy xấu hổ với bạn bè vì có một người mẹ không xinh đẹp như dì.

Tôi còn nhớ có lần, dì thồ rau lang đi xuống chợ phố để bán. Dì phải thức dậy để đi từ lúc 3 giờ sáng mới xuống được chợ phố. Tôi và các bạn cùng đi học buổi sáng, tôi chợt nhìn thấy dì. Chỉ có tôi và nó là biết dì, còn mấy đứa kia toàn con nhà giàu, không hề biết mặt dì tôi. Bỗng một đứa trong nhóm nó nói to:

– Ê tụi bây! Nhìn cô bán rau kìa. Giống mấy bà nhà quê ghê.

– Thì nhà quê mới đi bán rau đó chứ! Nói rứa cũng nói!- một đứa khác nói.

– Mẹ tau mà vậy thì tau bỏ nhà đi luôn quá!

Hạ đã không thương mẹ nó mà còn phụ thêm: Ừ! Trông khổ thật!

Hôm đó, về nhà Hạ đã hờn dỗi dì mà không chịu ăn uống, nó bảo: – Từ nay, mẹ đừng đi bán rau dưới phố nữa, con xấu hổ với lũ bạn nếu lỡ gặp mẹ lắm. Mẹ hứa sẽ không đi bán rau nữa con mới đi học.

Dì tôi lo lắng Hạ bỏ học thật nên đã hứa: – Ừ! Thôi mẹ không bán rau dưới phố nữa, mẹ sẽ bán trên chợ quê  được chưa con gái cưng của mẹ! Miễn con học tốt là mẹ vui rồi.

Nó nhỏng nhẽo và còn nhắc lại lần nữa: – Mẹ hứa đó. Con không muốn thấy mẹ  xuất hiện trước bạn con đâu, lỡ mấy thằng con trai nhìn thấy chúng sẽ chọc con chết đó.

Vì hiểu tính Hạ nên dì không mắng, dì không phải là nhu nhược không biết dạy con. Mà vì dì quá thương Hạ. Dì thương Hạ, vì nó đã không có cha như bao đứa trẻ con khác. Vì vậy, Hạ được nước lấn tới hơn.

Thời gian thấm thoát trôi qua, dì đã nuôi Hạ khôn lớn và bước vào đại học. Cũng may là dù ăn chơi nhưng nó lại là đứa khá thông minh nên đã đậu đại học. Năm đầu tiên dì lên thành phố thăm nó. Lúc đó, tôi cũng đã là sinh viên năm nhất cùng trường đại học Kinh tế với Hạ. Nên tôi đã dẫn đường để dì đến phòng trọ nó. Nhìn thấy dì, Hạ đã lo sợ lũ bạn nhìn thấy mẹ, họ sẽ cười nó. Vì nó có một người mẹ đen đúa và xấu xí. Mẹ của lũ bạn thì sành điệu, vừa trắng, vừa mập, sang trọng,… còn mẹ nó như một bà già nhà quê răng rụng,… Nó hét lên:

– Mẹ! Mẹ làm gì ở đây? Con đã gọi điện về bảo mẹ đừng lên rồi mà.

Tôi chưa kịp tức giận và tát cho nó bạt tại, thì nó đã quay sang nói giọng gay gắt với tôi: “- Ai bảo chị dẫn má tui lên đây! Đồ hâm”. Nó ghét tôi từ thuở còn nhỏ vì tôi luôn được ông bà ngoại thương, còn nó thì bị ăn đòn là nhiều.

Lúc ấy phải chi dì mắng nó, dì tát bạt tai vì tội hỗn láo với dì nhưng dì đã không làm vậy. Dì nhìn nó với ánh mắt trìu mến: – Con làm gì mà sợ vậy? Mẹ  lo cho con quá nên lên xem con học hành có tốt không và chỗ ở có đảm bảo không? Mẹ lo con không lo ăn uống vô thì lấy sức đâu mà học?

Nó vừa dẫn dì đi ra xa nhà trọ vừa nói: – Con khỏe, mẹ đã gửi tiền đầy đủ lên cho con rồi còn gì. Mẹ đừng lo gì cả, mẹ cứ ở dưới quê chứ đừng lên đây nữa thì con mới chịu học.

Vì dì thương và hiểu tính con gái dì bướng bỉnh nên dì chỉ mỉm cười bảo: – Mẹ nghe con nói vậy là vui rồi. Mẹ sẽ không lên nữa! Nhưng con phải học thật tốt nhé!

Vì sợ bạn bè đến phòng trọ chơi nên nó đã không cho dì về phòng. Trưa đó, nó đưa dì và tôi đi ăn cơm quán ở một quán cơm thật xa trường để bạn bè không nhìn thấy nó đi với mẹ. Rồi nó tiễn dì xuống bến xe để về quê. Dì lên xe nó không hề xúc động hay buồn mà thấy lòng nhẹ nhõm hẳn vì bạn bè nó không ai nhìn thấy dì.

Thế rồi, thời gian thầm lặng cứ thế trôi qua, năm thứ tư đại học cũng đã đến. Nhóm bạn ăn chơi sành điệu của nó cứ luôn đòi về quê chơi. Nhưng nó tìm đủ mọi cách thoái thác để họ không về. Vì nếu họ mà gặp dì tôi, biết nhà nó ở quê nghèo, họ sẽ khinh bỉ nó và không chơi với nó nữa. Vì đa số những người mẹ của nhóm bạn nó đều xinh đẹp chứ không lam lũ như dì tôi. Mẹ các bạn ai cũng làm ở cơ quan nhà nước da trắng trẻo, tóc uốn,… sang trọng chứ không đen đúa như dì tôi.

Mùa hè năm ấy bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng ở Đà Nẵng. Rất nhiều người bị bệnh nó cũng bị nhiễm. Lên cơn sốt miên man, nó vốn đã ốm yếu lại hay nhịn ăn để có thân hình nhỏ nhắn, thon thả nên bệnh tuy không nguy hiểm nhưng với sức khỏe yếu như nó thì thật kinh khủng. Những ngày nó nằm trong bệnh viện, tôi đã ở bên chăm nó đợi dì ở quê lên. Khi đó, tôi đã rất buồn cho nó vì mọi ngày nó luôn có rất nhiều bạn bè vây quanh. Vậy mà, giờ lại không thấy một đứa bạn nào của nó, chỉ có những ngày đầu nhập viện có một, hai đứa tới thăm rồi cũng đi đâu hết. Bên nó giờ đây còn ai khác ngoài dì. Dì biết tin vội đùm bọc quần áo lên chăm sóc nó. Dì không ngủ mà luôn ngồi bên góc giường để canh cho nó.

Bệnh của Hạ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nó hôn mê suốt nhiều ngày liền, lúc ấy dì đã khóc rất nhiều. Nhìn dì xơ xác, vốn đã khổ với dáng người lam lũ rồi mà những ngày lo chăm sóc Hạ, dì đã không ngủ, không ăn được. Thế rồi, nhiều ngày trôi qua, Hạ cũng khỏe được và bắt đầu ăn được một ít. Lúc đó, nó chực trào nước mắt nhưng không thể khóc được với nỗi đau, nỗi ân hận vì đã gây ra cho dì bao nỗi khổ. Dường như trong nó đã tan biến đi cái sự xấu hổ mà mọi ngày nó vẫn thường sợ bạn bè gặp mẹ nó. Nó muốn nói hai từ xin lỗi với mẹ nó, nhưng nó đã khóc mếu mó, thật đáng thương. Đây là lần đầu tiên, tôi thấy một con bé ngang bướng như nó biết khóc vì đau khổ do chính tội lỗi mà mình gây ra, chứ không phải là vì bị ai đánh đòn roi như lúc còn nhỏ.

Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã cho Hạ – đứa em họ của tôi sớm nhận ra tội lỗi mà nó đã gây ra cho dì tôi. Nếu không suốt cuộc đời này nó sẽ phải ân hận mãi vì tội bất hiếu. Tình yêu của người mẹ đối với con thật mãnh liệt, sâu đậm tựa non cao, biển sâu như lòng mẹ hiền bao la không gì có thể sánh được. Tình yếu ấy là của dì tôi với Hạ, cũng là của một trong rất nhiều người mẹ hiền trên thế gian này tỏa hơi ấm yêu thương cho cuộc đời thêm đẹp hơn.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN