Viết về mẹ: Lá rụng sân chùa

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 154_VVM

Họ tên: Hoàng Nghiệp

Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ

 

—————————————————

Gốc đa hơn 20 năm trước giờ cũng không già đáng là bao nhưng bác thì khác, bác đã như những lá khô chuẩn bị rời cành. Cháu cũng thế, từ một sinh linh bị bỏ rơi ở góc sân chùa này giờ đây đã là một thiếu nữ như cành non mơn mởn, như cây nến cháy giữa đêm trường thanh vắng, như tiếng chuông ngân tìm về cõi thanh tịnh. Cháu đã qua cơn khát cháy bằng trăm ngàn giọt nước rớt xuống từ mái ngói cong vút của ngôi chùa, cháu đã lớn khôn từ những giọt sữa được vắt ra từ các bà mẹ đẻ con mà chẳng có hạnh phúc được làm mẹ. Chúng đã bỏ gia đình mà đi để về với tiên nhi khi trên mình vẫn còn đỏ hỏn, hây hẩy hơi nóng từ vòng tay của cha mẹ. Bác nhớ những người mẹ trẻ ấy đã khóc cạn khô dòng nước mắt. Họ không có may mắn được làm mẹ vì ông trời chưa cho họ được làm mẹ, chỉ đẻ thôi rồi không được nuôi. Vậy mà cha mẹ cháu lại bỏ rơi cháu – đứa con của mình nơi góc sân chùa đỏ màu gạch vỡ. Dù sao đó cũng là sự may mắn, bởi ngoài kia, bên góc đường hay bãi hoang hoải, đêm đêm vẫn có tiếng oe… oe của trẻ nhỏ lẫn trong tiếng gầm gào của màn đêm điên loạn.

Đã hơn 20 mùa quả đa rụng đầy gốc. Mỗi mùa quả là một mùa bác đợi mong chín tiếp mùa quả sau. Mỗi mùa quả là một mùa cháu lại lớn khôn. Sẽ còn nhiều mùa quả nữa, sẽ còn nhiều mùa hoa nữa, mỗi một mùa đi là mỗi mùa bác gần đất, xa trời. Lúc nào cũng nen nén sợ rồi một ngày mình vội vàng bỏ lại tất cả cuộc đời này trên trần thế mà đem theo bí mật của cuộc đời cháu sang thế giới bên kia. Khi ấy, bác sẽ buồn bởi chưa thể đem đến sự thật về một đêm bão bùng, nơi góc sân chùa có tiếng khóc nỉ non…

Hôm nay, lại một ngày mưa như thế, sân chùa lại đỏ màu quả đa dưới gốc. Và ngày mai bác sẽ kể con nghe về cái góc sân chùa…

Ngày ấy, sân chùa chỉ mới có một gốc đa. Nhà bác tựa lưng vào góc chùa. Mẹ bác bảo: “Nhà ở nơi đất chùa thì phải cả đời ăn mày cửa phật”, nhưng ngôi nhà ấy đã có từ thuở cha ông nên chẳng thể làm khác. Đã bao năm, vẫn tiếng chuông chùa thỉnh vào thinh không trong vắt. Vậy mà bỗng đêm ấy tiếng ngân dài thăm thẳm, nó như tiếng thở ai oán, lại như dòng thác loạn nhịp. Trong những âm thanh vừa thanh tịnh, vừa trần tục ấy, bác nghe có tiếng khóc thét như để giằng co lại sự sống mong manh và cũng như giành lại hơi ấm từ tay một người đàn bà có khuôn mặt non tơ. Bác lao ra trong đêm tối bão bùng, bác lần theo vệt sáng từ tia chớp rạch trời. Tiếng khóc đỏ hỏn đã tan ra trăm mảnh, nó lẫn vào âm thanh hỗn loạn. Bác đạp chân lên tất cả gập ghềnh, nước tràn qua mi mắt, ướt sũng, chẳng thể nào biết được chính xác nơi tiếng khóc của cháu phát ra. Trong giây lát, cái góc sân chùa có gốc đa nho nhỏ ấy, mảnh mai một bóng dáng lom khom, ôm ấp, hôn hít, sụt sịt: “Con ơi, hãy ở lại chùa này… Mẹ đi rồi con hãy ở lại chùa này…” Bác lao đến, người đàn bà lao đi, lẫn vào đêm đen ngòm. Sân chùa đỏ màu gạch chỉ còn lại một sinh linh bé nhỏ đỏ như màu gạch, nhưng nó cứ tím tái dần, tiếng khóc cũng từ từ lịm đi, chỉ có hơi ấm từ bàn tay mẹ thì như vẫn còn vương vấn trên khắp cơ thể. Bác bế con chạy đến hiên chùa. Có tiếng niệm “Nam mô a di đà phật” thật khẽ, trên tay sư cô đã là tấm chăn mỏng. Đêm giông yên bình trở lại, ngõ chùa vắng lặng, bác giật mình vì dưới màu gạch đỏ đã không còn người đàn bà khi nãy…

20 năm vật đổi, sao dời. 20 năm đủ để đứa trẻ thành một cô thiếu nữ. 20 năm khoảng thời gian ấy đã giúp cháu hiểu về cuộc đời này. Không ai muốn mình thiếu cha, thiếu mẹ, chẳng ai muốn mình bơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược. 20 năm qua, cháu không thể cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của mẹ, càng không thể biết ánh mắt của cha, và chắc gì cha cháu đã biết cháu có mặt trên cõi đời này. Thế đấy, cái gì cũng có lý lẽ riêng của nó. Nhưng may thay, cháu đã được nhà chùa bao bọc.

Vừa mới đây thôi, bác gặp một người đàn bà đã luống tuổi, đầu đội nón, lá che nghiêng mặt. Cái dáng vẻ ngơ ngác vội vã, bà ta đứng ở ngõ chùa nhìn bằng đôi mắt len lén vào gốc đa già. Bác vỗ nhẹ vào đôi vai hao gầy đang run lên rất khẽ: “Bà có phải là… cách đây 20 năm trước…” Câu hỏi lửng lơ của bác khiến mắt người đàn bà như rực sáng rồi tắt lịm. Bà bỏ lại bước chân như vừa đi vừa chạy. Lẽ nào người đàn bà ấy và đêm mưa gió bão bùng…? Lẽ nào người đàn bà ấy đã văng vẳng tiếng khóc nỉ non của hơn 20 năm trước tại sân chùa này…? Bác nhìn theo bóng dáng xa mờ mà như đọc được chuỗi lòng người thiếu phụ ấy. Đêm đó, bà ta ngỡ chỉ có riêng mình, may sao bác đến kịp…

Bác tin, người đàn bà ấy sẽ có ngày trở lại sân chùa này.

Hôm qua, bác tần ngần mãi bên sân chùa. Cái ngõ chùa bác đã quét hàng trăm ngàn chiếc lá. Bác không phải nhà sư, bác càng không phải chú tiểu, bác chỉ là người đến ăn mày nơi cửa chùa, nhưng ngày ngày bác cũng bày kinh niệm phật. Bác thấy hình như lá cũng có số phận như người. Đã quét rồi lá còn trở lại, lẽ nào người lại quên được ký ức day dứt 20 năm trời có lẻ? Bác nhớ một chiều u tịch, từng chiếc lá rơi rụng mà cũng kín được ngõ chùa, có tiếng chuông chiều tha thiết đổ lẫn trong tiếng lá rơi. Bất chợt, rất khẽ như có tiếng chân người sột soạt sau lưng, bác quay lại chỉ là những hạt chiều vàng rơi rớt, rồi bác thấy con ngồi ở góc sân chùa, trầm tư, sâu lắng, cây đa già vẫn đang rụng lá, phải chăng khi ấy cháu đang nghĩ về cuộc đời, về số phận? Hình ảnh một đêm mưa như đến rất gần, vẫn sân chùa đỏ au màu gạch, lại có tiếng khóc nào ai oán giữa đêm khuya, bác định chạy lại nói cho con biết tất cả sự thật, sự thật về những người đã sinh ra con và vì sao con lại ở trong ngôi chùa này. Nhưng rồi bác thích cái sự trầm tư khe khẽ. Chẳng có chiếc lá nào muốn rời xa gốc, bác biết con đang nghĩ về cha mẹ…

Con hãy nhìn đi, nghĩ đi và hãy mở chiếc hòm nho nhỏ ở đầu giường nơi căn phòng mà đã hơn 20 năm con gắn bó. Con nhớ không, trong đó có một chiếc áo sơ sinh chỉ còn lại một bên ống tay. Đấy là vật làm tin mà hôm mẹ con bỏ lại đứa con nơi góc sân chùa. Trong ánh lập lòe của những tia chớp lẹt xét, bác thấy người mẹ trẻ đã kịp xé đi một bên ống tay áo của con mình rồi nhét vội vào cạp quần trước khi cuốn cho bé một lớp tã ướt nhèm. Cũng chính từ điều ấy mà bác đã nhận ra người đàn bà kia, khi mấy hôm trước bà ta đứng ở cạnh sân chùa và lấy một ống tay áo sơ sinh lau nước mắt. Bác biết đó là mẹ cháu nhưng bác cũng chẳng níu kéo làm gì? Người ta bảo con hổ độc ác thế còn không ăn thịt con, lẽ nào con người lại vứt nhau đi?

Ngày mai bác lại quét sân chùa thật sớm. Bác sẽ đứng thật lâu nơi gốc đa già để nghĩ về đạo làm người. Rằng tại sao khi người ta bỏ đi những đứa con do mình đẻ ra lại chọn nhà chùa cho chúng nương tựa?

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN