Viết về mẹ: Đạo hiếu của con…

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 272_VVM

Họ tên: Nguyễn Văn Kỷ

Địa chỉ: Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu

—————————————————

Bà bị mù lúc ông mới lên 10 tuổi. Cha mất khi ông mới chừng 17 tuổi, vậy là ông và người chị sinh đôi chăm và lo làm đủ nghề để nuôi mẹ. Người đàn ông tôi phải gọi bằng cậu xa xa trong họ, người ta thường gọi là ông Sáu Thu.

Mẹ tôi kể: cậu ấy rất có hiếu với mẹ. Hồi nhỏ khó khăn cũng chỉ đi học cho có biết đọc biết mà thôi. Lớn lên theo mấy chú học nghề thợ mộc để làm kiếp mưu sinh. Những năm chiến tranh ông phải tay xách nách mang lo người mẹ già. Ông bị bắt đi lính, nhưng may thay ông lại được người ta cho vào thợ mộc bên công binh nên vẫn có thời gian lo cho mẹ già đầy đủ. Vợ ông một người phụ nữ thương mẹ chồng lắm nhưng ông cũng không dám khoán hết cho vợ. Người già mà bị mù lòa thì càng khó tính hơn nữa…

Nhớ nhất những năm sau giải phóng, đất nước vô cùng khó khăn về kinh tế. Bữa cơm một phần gạo đến năm bảy khoai lang khoai mì khô nấu độn. Bữa cơm với vợ chồng ông Sáu chỉ có rau, măng, khoai … có hạt gạo nào là dành cho con nhỏ và người mẹ mù lòa. Những lúc trái gió trở trời ông càng thương mẹ hơn. Ông hay nhắc con cái: Nội già mà mắt không thấy đường nữa, rồi mai kia mà nội qua đời, về phía thế giới bên kia người sáng mắt ăn hiếp thì khổ lắm. Các con ông nghe lời ba nên có cái gì cũng dành cho nội. Không biết chuyện ông Sáu nói thật hay không nhưng các con luôn sợ vậy nên thứ chi cũng chăm cho nội. Bà cụ dù khó tính mấy cũng hiểu tấm lòng của con cháu. Một lần bà bị bịnh nặng, miền quê ngày xưa xe cộ khó khăn, ông phải cõng mẹ ra đến tận đầu đường chính chừng 4 – 5 km mới có xe đi bệnh viện. Với sự chăm sóc của bác sỹ và con cái mà bà cụ đã khỏe. Cuộc sống hay trong sách vở chúng ta thường nghe rất nhiều gương hiếu thảo với cha mẹ được ghi lại đến đời sau. Với một người nông dân bình thường như ông Sáu tôi thấy cũng là một tấm lòng hiếu thảo đáng kính trọng.

Rồi bà cụ mất vào ngày đầu mùa mưa năm 1986, dù khó khăn đến mấy vợ chồng ông Sáu cũng lo bà tươm tất. Ngày tuần tự giỗ quải của bà, ông sắm sửa vài món đơn giản dâng cúng mẹ, nhất là những món bà thích nhất khi còn sống. Một lần đi làm vườn với tôi, ông Sáu kể rằng: Bà quê miền Trung nghèo lắm, ba mẹ mất sớm bà ở với người cô, phiêu bạc khắp nơi rồi lấy chồng sinh ra chị em ông. Cuộc đời mẹ ông đã khổ vậy mà còn mù lòa nữa thì có cái khổ nào hơn. Vậy nên chăm lo cho mẹ dù khó khăn, mẹ có khó tính đến thế nào thì cũng phải chăm cho đàng hoàng chứ. Con cứ nghĩ đi mình có hiếu thảo với với cha mẹ thì con cái sẽ nêu gương sau này biết sống và hiếu thảo lại với mình. Có lẽ ông Sáu nói vậy cũng không mong con trả hiếu cho mình nhưng đó là cách giáo dục con cái khá hay của ông. Các con ông sống rất tốt và biết chăm sóc cho cha mẹ.

Ông Sáu đã mất cách năm năm, mỗi lần đám giỗ ông, tôi hay kể lại những khoảnh khắc cuộc đời đầy lòng hiếu thảo của ông Sáu cho con cháu ông và mọi người nghe  như một chuyện tốt đẹp đầy tình yêu thương của con cái với mẹ cha mà mọi người nên học hỏi, gìn giữ và phát huy mãi mãi…..

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN