Viết về mẹ: Chuyện của mẹ  

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 489_VVM

Họ tên: Hoàng Ngọc Anh

Địa chỉ: Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

—————————————-

Chiều Sài Gòn bất chợt đổ mưa lớn, đứng tần ngần một lúc tôi cũng đi vào trong làn mưa trắng xóa. Đang là mùa mưa, vội vã hòa vào dòng người đang ngược xuôi, khi qua cổng trường tiểu học, tôi dừng xe lại. Những khuôn mặt đáng yêu, háo hứng nhìn ra cổng trường tìm kiếm bố mẹ. Mỉm cười, tôi nhìn thấy hình ảnh của mình của ngày trước, những thứ lạ lẫm về trường học thầy cô, bạn bè. Nhớ về quá khứ, khi ở một vùng quê nghèo thiếu thốn, những ngày mưa, ngày lạnh mẹ vẫn chở tôi đi học. Đi qua những con đường quen thuộc, khi chui trong áo mưa, ngồi sau mẹ bám chặt vạt áo. Cúi xuống nhìn theo bánh xe đạp quay để đoán đường đi…

***

Sinh ra ở một tỉnh phía Bắc, những ngày đó quê tôi còn nghèo và lạc hậu. Tôi nhớ lúc còn nhỏ muốn đi chơi xa là phải đi phà, đò để sang tỉnh khác. Vì thế, con người ở quê tôi vẫn hiền hòa bình dị, chân chất bản tính của những con người quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Mẹ tôi, đứa con trưởng thành ở vùng quê như vậy. Thỉnh thoảng, bà ngoại có kể chuyện về ngày xưa, thời mà cơm ăn chẳng no, quần áo không đủ mặc, bà tôi vẫn thường khóc kể về mẹ của tôi. Còn tuổi thơ tôi, khi nhớ về mẹ là những ngày mưa lũ, những ngày mùa đông lạnh tê tái người mẹ vẫn hàng ngày dậy sớm chở hai chị em tôi đi học. Theo từng vòng quay của xe đạp, mẹ kể về cuộc đời của mẹ…

Cuộc đời mẹ, từ khi bước đi lấy chồng, cay đắng mới thực sự bắt đầu. Ở cái tuổi xấp xỉ gần ba mươi mới lấy chồng ngày đó ở quê được xếp vào hạng ế. Bà ngoại vẫn hay kể cho tôi nghe, mỗi lần nhắc đến bà lại nói “cái số của nó khổ, bao nhiêu người không lấy lại đi lấy bố mày”, bà thở dài. Mẹ lấy bố tôi lúc đó là về làm hai, bố đã có hai người con gái của vợ trước và trong những câu chuyện cổ tích đã thấm vào tâm hồn trẻ thơ, mụ dì ghẻ là một người độc ác là một mụ phù thủy. Bước chân về nhà chồng, chịu mọi cái nhìn chỉ chỏ, liếc xéo của họ hàng bên nội.

Có lẽ mẹ tôi lại là sự khác biệt, mụ dì ghẻ này luôn chịu những lời mắng nhiếc từ những đứa con của người mẹ trước mà tôi gọi là chị. Lúc đó, có những lời đồn thổi mẹ vì tiền mà lấy bố. Mà cũng phải thôi bố cũng hơn mẹ ngót nghét hai chục tuổi chứ đâu có ít gì. Hàng xóm xung quanh cứ nhìn thấy mẹ tôi đi ngang qua họ lại đồng thanh nói “bông hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Ừ cuộc sống là thế đấy ngậm đắng nuốt cay, để nước mắt chảy vào trong, xót xa, cay đắng và tủi nhục. Với những người phụ nữ khác khi mang thai hay đẻ xong họ luôn kiêng cữ giữ gìn nhưng mẹ đã lật đật đi làm mọi việc mà cho đến bây giờ những nỗi đau về thể xác thỉnh thoảng mẹ vẫn chịu đựng. Sinh tôi ra có lẽ là con gái cho nên cũng đỡ vất vả hơn nhiều so với lúc khi mẹ bắt đầu có bầu em tôi thằng em trai duy nhất trong nhà. Chịu những lời cay đắng “cô đẻ nó ra để lấy hết tài sản nhà cháu à” đó là lời chị tôi đã nói. Mẹ âm thầm một mình phá bỏ cái thai, nhưng ngày đấy cái thai đã lớn bác sĩ sợ không dám làm nói mẹ phải ra cùng bố. Lúc đó bố đã nói với mẹ “em sống với anh chứ có sống cùng chúng nó đâu. Con anh, anh nuôi chúng nó có nuôi đâu” có lẽ vì thế mẹ có nghị lực để tiếp tục sống và sinh ra em tôi.

“Phải cuộc sống thì ai cũng khổ cả” nghĩ vậy, mẹ thấy mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Rồi bố tôi đổ bệnh, căn bệnh người cao tuổi hay mắc phải. Huyết áp cao, tắc mạch máu não, liệt nửa người. Mẹ tôi người con gái đã trao hết tuổi thanh xuân cho bố, lặng lẽ chịu đựng gửi hai chị em tôi về quê để đi theo chăm sóc bố tôi ở bệnh viện. Ông trời không phụ lòng ai có tâm, bố tôi tỉnh lại sau hai tháng nằm hôn mê. Nhưng bố lại không đi được, bố đã bị liệt, mẹ phải chăm sóc bố từng bữa ăn, đi tắm, lo từng giấc ngủ. Có lẽ, khi nhìn vợ mình và hai đứa con thơ mà bố có nghị lực, niềm tin. Sau bao ngày luyện tập, bố có thể đi lại được. Không cần chống gậy, nói có lẽ chẳng ai tin được, đâu cần những phương pháp trị liệu cùng các bác sĩ chuyên khoa chữa trị bố đã tự đi lại, làm mọi việc. Tôi thấy mẹ giấu đi nụ cười khi nhìn phía sau lưng của bố, trong từng bước đi của bố. Mẹ và bố hai con người không có tình cảm đến với nhau, có với nhau hai mặt con rồi dần cái trách nhiệm đưa hai con người đó đến với nhau – tôi vẫn thường nghĩ như vậy.

Chưa khi nào tôi nghĩ giữa bố và mẹ tồn tại chữ “tình yêu” giống như bọn trẻ chúng tôi bây giờ. Nhưng ngày bố mất, tôi mở quyển sổ của bố, mẹ viết vào đó mấy dòng chữ mà có lẽ cả đời tôi cũng chẳng thể quên được “Ngày 17/01/2004 âm lịch ngày anh đi mãi mãi không bao giờ quay trở lại”. Đọc đến đó, tôi chợt khóc, thì ra giữa bố và mẹ cũng tồn tại hai chữ “tình yêu” đó thôi. Mẹ tôi, mất đi đàn ông, trụ cột của gia đình. Chịu đựng cái nhìn nhòm ngó, chỉ chỏ của những người xung quanh. Đã có những tin đồn kiểu như “Trẻ vậy, chồng chết chắc là đi cặp bồ thôi”, “kiểu gì cũng mang giấy tờ nhà ra cầm cố”,… Mẹ biết nói gì trước những tin đồn đó. Thường thì càng biện bạch thì càng nghi ngờ, càng cố cãi càng chứng tỏ mình có tội lúc này im lặng là sự lựa chọn tốt nhất, nhưng cái kiểu chịu im lặng mà bị oan thì lại càng khổ tâm hơn. Mẹ đâu dám kể với ai điều ấy hàng ngày vẫn cùi cũi đi chợ bán từng mớ rau, đi vay nợ từng đồng để nuôi con. Các chị tôi đi ra ngoài nói chuyện với hàng xóm về những tin đồn đó, người hàng xóm phá lên cười và nói rằng “Tôi thấy chị ấy suốt ngày ống thấp ống cao. Sáng sớm đi chợ đến tối muộn mới về. Chẳng hiểu chị ấy đi bồ bịch lúc nào”. Chị tôi không dám nói gì nữa, ừ thì ít ra cũng có người đứng về phía mẹ tôi.

Theo phong tục, người chết là phải cúng 49, 100 ngày sau mất. Những ngày này, như nhà người khác anh em, họ hàng sẽ đến phụ giúp nhưng nhà tôi làm gì có ai. Các bác bên ngoại từ hôm bố mất chưa đi nán lại giúp đỡ, còn nhà nội thì không có ai. Mẹ chạy vạy ra ngoài vay với lãi suất cao để lo việc. Lo chưa xong lại còn bị nói ra nói vào, một đứa trẻ ranh như tôi lúc đó cũng chỉ muốn hét lên, chỉ tay vào mặt từng người một mà nói cho biết. Bây giờ, nghĩ lại lúc đó mình không làm như vậy, nếu không người ta lại đánh giá mẹ tôi là người không biết dạy con.

Các chị tôi mặc dù không phải do mẹ tôi sinh ra, nhưng chưa bao giờ mẹ nói nặng lời các chị ấy câu nào cả. Nhưng với trí nhớ của tôi về cái hôm mất điện khi chị về quê nội. Bác dâu tôi, phải chính người phụ nữ ấy nói rằng bác lên chơi không cho bác ấy ăn cái gì được mỗi nồi cá kho. Ngày đấy một nồi cá kho ăn cả tuần, bữa nào cũng ăn dè cầm chừng, chị em tôi còn chan nước mắm ăn cơm. Ăn còn chẳng đủ, nhưng có khách lên chơi thì cũng biết chứ. Mẹ tôi đã hỏi bác có về ăn trưa không, bác đã nói là không. Sau đó, bác lại về, lúc ấy có gì thì ăn thôi. Bác đã đi nói khắp nơi mẹ tôi không biết điều. Tôi còn nhớ khi đó chị đi cùng người yêu về, bây giờ anh ấy là chồng chị. Sau khi nghe được bác nói vậy thì tức giận lắm, trên đường trở về hai người đã nói chuyện “Ghét thì mình bỏ lại hai đứa ở đây, rồi kệ chúng nó”. Có lẽ lúc đó chị vẫn còn tình thương của một con người, đã không bỏ hai chị em tôi ở lại. Sau đó, khi gặp mẹ, chị luôn nói mẹ tôi không ra gì và chị nói không coi mẹ là người nhà nữa.

Có lẽ, điều kì diệu của mẹ là đã dạy dỗ hai chị em tôi, để không ai phải nói là mất dạy, không có người dạy. Khi hai chị em tôi cùng đeo balo lên Hà Nội học hàng xóm chẳng còn ai nói gì nữa. Họ chỉ nói đúng một câu duy nhất “Ngoan nhỉ, mẹ giỏi thật nuôi được hai đứa đi học đại học”. Có lẽ lúc ấy trong lòng mẹ đang vui. Nhưng mẹ lúc nào cũng canh cánh, lo cho mỗi đứa. Hàng ngày, vẫn đạp chiếc xe ra chợ bán hàng mặc cả từng mớ rau, đôi co một hai nghìn đồng. Vẫn dáng lưng ấy nhìn từ phía sau ngày nhỏ tôi vẫn ôm và níu chặt mỗi lần mẹ chở đi học, từng vòng quay xe đạp câu chuyện về cuộc đời mẹ…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN