Hướng dẫn viết CV xin việc kế toán thu hút nhà tuyển dụng

CV là yếu tố cơ bản để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực, kinh nghiệm và giá trị của ứng viên. Bởi vậy việc tạo nên một CV thu hút nhà tuyển dụng là điều cần thiết với mọi ngành nghề. Đối với ngành kế toán kiểm toán – một ngành nghề đặc thù mang tính chuyên môn cao, CV xin việc đòi hỏi cần có những kỹ năng và kinh nghiệm khác biệt.

Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn những điều nên có trong CV xin việc kế toán để thu hút nhà tuyển dụng, hãy cùng tham khảo nhé.

Phần thông tin cá nhân

Giới thiệu chung về bản thân là phần không thể thiếu trong CV mọi ngành nghề. Dù tải CV mẫu hay tự tạo CV xin việc kế toán, bạn cần trình bày các thông tin giới thiệu bản thân một cách ngắn gọn, đầy đủ và chính xác nhất. Các thông tin cần có bao gồm: Họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, email riêng cho công việc (tránh các email cá nhân đặt bằng nickname, nên sử dụng email nghiêm túc, dễ nhớ), vị trí ứng tuyển. Ảnh đại diện cần rõ mặt, thể hiện sự nghiêm túc, đáng tin và không nên dùng các phần mềm chỉnh sửa.

Xác định mục tiêu nghề nghiệp

Bạn nên thể hiện được mục tiêu nghề nghiệp dài dạn và ngắn hạn trong sự nghiệp kế toán của mình là gì. Trình bày một cách ngắn gọn, súc tích và có thể trình bày ở dạng đoạn văn ngắn hoặc gạch đầu dòng liệt kê. Lời khuyên là nên tập trung thể hiện mục tiêu liên quan đến việc nâng cao kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, phấn đấu đến các vị trí cao hơn trong ngành như kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính…

Học vấn và các chứng chỉ ngành nghề kế toán

Kế toán là một công việc đặc thù đòi hỏi kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ có liên quan. Do đó, bằng cấp thường là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên xin việc kế toán. Rõ ràng các ứng viên có bằng cấp ở các trường đào tạo kế toán và tốt nghiệp từ khoa kế toán như Học viện Ngân hàng hay Học viện Tài chính sẽ có ưu thế hơn hẳn.

Quan trọng không kém là các chứng chỉ chuyên môn về kế toán. Nếu bạn có các chứng chỉ liên quan đến kiểm toán, kế toán, đừng ngại đề cập đến trong CV xin việc kế toán, đó sẽ là một điểm cộng rất lớn cho bạn. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đánh giá rất cao những CV có các chứng chỉ chuyên môn như CFA, CPA, CIMA hay ACCA.

Kinh nghiệm việc làm

Đối với những người đã có nhiều năm làm việc, chỉ nên đưa vào CV những kinh nghiệm việc làm liên quan đến công việc kế toán. Cần trình bày theo mốc thời gian một cách chi tiết và rõ ràng về tên công ty, vị trí công việc đảm nhận, các công việc đảm nhận và thành tích nổi bật (nếu có).

Đối với những bạn sinh viên mới ra trường chưa có việc làm kế toán chính thức, có thể đưa vào các dự án, vị trí thực tập liên quan đến kế toán hoặc các công việc part-time hay thậm chí một số hoạt động xã hội mà đem lại cho bạn các kỹ năng phục vụ công việc kế toán. Ví dụ như làm thu ngân cho một quán cà phê,… Hãy đọc kỹ mô tả công việc để nắm được các yêu cầu về kỹ năng công việc từ đó chọn lọc các trải nghiệm phù hợp.

Nếu trường hợp bạn là một “tờ giấy trắng” không có kinh nghiệm làm việc, hãy tập trung “đánh bóng” CV kế toán bằng trình độ học vấn, các giải thưởng khi còn đi học và kỹ năng bạn có.

Liệt kê các kỹ năng mà kế toán viên cần có

Kỹ năng cơ bản nhất mà bất kỳ một kế toàn viên nào cũng cần có là tin học văn học, đặc biệtt là Word và Excel. Đó là kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc nên nếu sinh viên chưa có kinh nghiệm hãy tập trung thể hiện kỹ năng này.

Ngoài ra, đối với những người đã có kinh nghiệm việc làm, bên cạnh tin học văn phòng thì các kỹ năng chuyên môn như kỹ năng về hạch toán thuế/ giá thành sản phẩm… hay kỹ năng xử lý só liệu, làm việc với các phần mềm kế toán như BRAO, MISA là điều cần thiết.

Bên cạnh đó các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống hay khả năng về ngoại ngữ cũng sẽ khiến CV xin việc kế toán của bạn trở nên hấp dẫn hơn.

logovietcvHà Phương

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn
CHIA SẺ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN