Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng ‘tiếng sét ái tình’

Hiếm có người nước ngoài nào lại mưu sinh ở Việt Nam bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng câu chuyện của anh chàng này lại khiến nhiều người bỡ ngỡ…

Cứ mỗi sáng sớm, ở vỉa hè trước nhà số 174 Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM) nhiều người thích thú trước hình ảnh một anh chàng Tây cao lớn đang quạt phành phạch bếp than hồng nướng xúc xích. Bên cạnh, một cô gái thấp bé, miệng luôn tươi cười, tay thoăn thoắt lấy những chiếc xúc xích còn nóng hổi cho vào những ổ bánh mì, trao cho khách.

Quán không có chỗ ngồi. Khách chỉ đến mua về có khi đứng chật cả một đoạn lề đường. Họ thích bánh mì của quán vì nhiều lý do. Ngon, lạ miệng. Rẻ và sạch. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất của quán là một anh Tây đứng nướng xúc xích với bộ dáng hiền lành luôn mỉm cười…

Cái nghề buôn bán ở vỉa hè, lề đường trong TP.HCM chỉ nơi đây duy nhất có người nước ngoài đến bán. Nghề này không cần người có học, không cần người có vốn lớn thế nhưng chủ quán – đôi vợ chồng không còn trẻ này – cần mẫn hết ngày này qua ngày khác nhặt nhạnh từng đồng lãi để mưu sinh.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Chàng Tây tên Cliford Alexander Van Toor (40 tuổi) còn cô gái là chị Phạm Thị Lan Trinh (32 tuổi).

Quán bán sáng từ 6g – 9g30 và chiều từ 15g – 21g. Khách lúc nào cũng đông nhưng buổi chiều đông hơn buổi sáng.

Quán nhỏ và gọn nằm ngay vạch sơn cho phép sử dụng lề đường. Toàn bộ cơ ngơi của quán được đặt trên một chiếc xe tay ga. Bếp than ở phía đuôi xe. Trên yên xe là bàn chế biến. Nguyên vật liệu được sắp thứ tự trong cốp xe. Một tấm thực đơn với những món ăn chế biến từ xúc xích kèm theo đơn giá để khách hàng lựa chon được treo trên một thanh inox phủ kín phía trước. Chỉ thế thôi đã thành quán ven đường.

Kể về mối lương duyên với chồng, chị Trinh cho biết mọi sự bắt nguồn từ một bức ảnh. Cách đây gân 3 năm, khi còn làm nhân viên ở một cửa hàng bán áo dài, có một vụ khách du lịch người Hà Lan đã đến cửa hàng xin chụp chung với Trinh tấm ảnh.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Từ một bức ảnh, hai người đã nên duyên vợ chồng.

Và tấm ảnh ấy được vị khách giới thiệu cho bạn mình là anh Van Toor. Thấy thích thú nên Van Toor tìm cách làm quen qua mạng với Trinh. Sự hài hước, chân thành của anh chàng Hà Lan lôi cuốn Trinh, họ nói chuyện với nhau ngày càng thân thiết hơn.

Líp cũng chân thành kể cho cô gái Việt Nam nghe về cuộc sống của mình ở Hà Lan. Mẹ mất vì bệnh ung thư lúc anh mới 8 tuổi, cha bước thêm bước nữa, anh sống cùng bà ngoại. Sau khi giải ngũ, anh đi làm công nhân ở một xưởng cơ khí, cuộc sống khá chật vật.

Lan Trinh xúc động: “Líp không ngại nói mình nghèo ngay từ đầu, chứ không nói những lời phù phiếm xa hoa. Chính điều bình dị đó đã làm tôi yêu anh ấy”. Được gần một năm, hai người quyết định gặp nhau ở Việt Nam. Từ đó, giữa họ nảy sinh tình yêu cho đến ngày dọn chung về một nhà.

Quá trình cực khổ lập nghiệp của chàng trai Tây

Ở Việt Nam được một thời gian, Van Toor dần thích nghi với thời tiết, văn hóa Việt Nam. Anh quen nhiều bạn bè hơn, gia đình của Trinh từ bỡ ngỡ dần dà chấp nhận cho con gái quen chàng Tây. Họ thân mật gọi tên Van Toor với cái tên tiếng Việt là Líp.

Quen nhau được gần 1 năm, khi sự gắn kết càng sâu đậm, hai người quyết định đi đến hôn nhân. Lúc này, Líp phải chọn lựa về nước hoặc ở lại Việt Nam với Trinh. Vì quá yêu vợ, anh sẵn sàng bỏ công việc, xa gia đình ở Hà Lan.

Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng ra ngoài thuê trọ riêng. Với Trinh, việc quan trọng nhất là chồng phải có một công việc ổn định. Trước kia, Líp vốn là kỹ sư cơ khí. Khi sống cùng với Trinh, anh đã xin nhiều công việc về lĩnh vực này nhưng không nơi nào nhận. Anh cũng tính đi dạy ngoại ngữ nhưng bản thân không phù hợp.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Trước khi bán xúc xích, Líp đã xin việc nhiều nơi nhưng không được.

“Tôi đã rất thất vọng với bản thân nhưng muốn ở đây thì phải có việc. Tôi không biết đi làm gì cho đến một ngày, cậu bạn gợi ý bán xúc xích Đức”, Líp chia sẻ. Thời gian đầu mưu sinh đầy vất vả với Líp. Thương chồng, chị vợ cũng bỏ cả công việc với mức thu nhập cao để cùng ra vỉa hè bán thúng bán bưng.

Lúc đầu, hai người gặp nhiều khó khăn. Hành trang bán buôn đơn giản, chỉ cần chiếc xe máy, cái bếp, vài lọ tương ớt…nhưng mưu sinh ở Sài Gòn không hề đơn giản nhất là với người nước ngoài. Có những hôm trời mưa dầm, Líp cứ thế cầm cây dù che hàng ở vỉa hè cạnh sân Hoa Lư (quận 1), chẳng mấy người mua. Vài lần, anh bị chính quyền tịch thu đồ nghề mà vẫn không hiểu hết lý do, gần nửa năm trời, xúc xích nướng xong không bán hết.

“Và khi ấy tôi chán nản lắm, mấy lần khuyên anh nên bỏ. Tôi vốn dân văn phòng, chẳng quen việc buôn bán nữa. Tuy nhiên, Líp nhìn vào mắt tôi bày tỏ sự quyết tâm. Anh khát khao có nghề ổn định”, Trinh chia sẻ.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Hiện tại, gian hàng của hai vợ chồng rất đông khách.
Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Buổi tối, có thêm mẹ của Trinh ra bán phụ.

Lip cố gắng học nói nhiêu câu tiếng Việt để biết tính tiền, nói cảm ơn với khách. Lan Trinh dạy cho Líp vài câu tiếng Việt đơn giản để anh có thể nói chuyện với khách: Cám ơn, bánh mì 25.000 đồng/ổ… Dần dần, thấy ông Tây trẻ hiền lành, lại bán bánh mì xúc xích ngon, giá rẻ… nên rất đông người đến mua ủng hộ. Đến khi chuyển nơi bán về quận 8, gian hàng nhỏ của hai người càng trở nên đông khách.

Thay đổi để thích nghi

Líp rất yêu thương vợ. Anh không giữ quan điểm sống tự do kiểu phương Tây. Anh thay đổi để thích nghi với cuộc sống và văn hóa Việt, Chẳng hạn như bán được bao nhiêu tiền anh đều đưa hết cho vợ, chỉ giữ lại một ít đổ xăng, uống nước, mua dăm điếu thuốc hút.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Líp cùng vợ dậy từ 4h sáng đi bán hàng. Chị đi chợ, anh chở hàng ra vỉa hè

Thời gian đầu, Líp cũng tự tay nấu nướng phụ Trinh. Tuy nhiên, do cô không ăn được món Tây nên anh chiều vợ, học cách ăn món Việt. Giờ đây nhiều món tưởng chừng khó ăn như vịt lộn, cà pháo mắm tôm… lại khiến Líp rất “ghiền”.

Nếu vợ đi chợ nấu ăn thì gần như mọi việc thu dọn nhà nhà cửa, rửa chén bát đều do chính Lip đảm nhiệm. Anh nói qua phiên dịch của vợ: “Tôi thích con gái Việt nhất là khi mặc áo dài. Tôi thương Trinh cũng qua tà áo dài. Chăm sóc cô ấy là nhiệm vụ của tôi”.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Líp luôn phụ vợ trong mọi công việc.
Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Anh mua cho vợ đồ ăn lót dạ khi đói trong lúc bán hàng.

Mỗi ngày, trong khi Lan Trinh còn đang ngủ, Líp đã lọ mọ thức dậy từ 4 giờ khuya, chuẩn bị tương, ớt, rau xà lách, bếp núc… Anh chất đồ nghề lên xe và phải có mặt ở vỉa hè lúc 5 giờ sáng để kịp bán cho các học sinh đến trường, người dân đi làm. Cứ thế chồng nướng, vợ bán cho đến 9h sáng.

Sau đó, Lip tự tay thu dọn vỉa hè, thu dọn đồ nghề còn Trinh đi chợ chuẩn bị bữa trưa, mua nguyên vật liệu cho buổi bán chiều. Hai người nghỉ trưa rồi tiếp túc bán từ 3h chiều cho đến tối. Quần quật như vậy, mỗi ngày họ bán được khoảng 300 ổ bánh mì xúc xích.

Một ngày vất vả của chàng trai Tây trúng 'tiếng sét ái tình'
Hai vợ chồng yêu thương quan tâm lẫn nhau

Chuyện một người nước ngoài mưu sinh tại Việt Nam bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ quả là chuyện hiếm có. Chuyện một phụ nữ Việt Nam chấp nhận làm vợ một người nước ngoài mà không đòi hỏi phải về nước và chấp nhận cuộc sống kham khổ càng hiếm có hơn. Chuyện hiếm có vẫn xảy ra hàng ngày. Người ta thường vin vào nhiều lý do để giữ lấy cái tôi của mình, thói quen cố hữu hay những suy nghĩ ích kỉ, nhưng như anh Tây “buôn thúng bán bưng” này, sẽ dám thay đổi tất cả vì điều mình đã chọn, và dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, hạnh phúc cũng đã mỉm cười với anh mỗi ngày.

Theo Tri thức trẻ

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN