“Kinh doanh thực phẩm cần phải có Tâm – Tình – Đức”

Lối nói chuyện nhẹ nhàng, cởi mở, doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh bắt đầu câu chuyện không bằng những thành tích, con số mà là những chia sẻ rất đàn bà về chuyện nhà cửa, bếp núc và niềm đam mê ẩm thực. Ở chị vừa toát lên vẻ dịu dàng của một người phụ nữ của gia đình, vừa mang thần thái tự tin của một “nữ tướng”.

Ông Kim’s là thương hiệu kim chi nổi tiếng trong nước từ hơn 10 năm nay. Cơ duyên nào chị cùng ông Kim Tae Kon kinh doanh món ăn truyền thống của Hàn Quốc tại Việt Nam?

Thứ nhất, bản chất của phụ nữ là muốn được chia sẻ. Thêm nữa, mình là phụ nữ Việt Nam, vì thế, khi nhận ra món truyền thống kim chi Hàn Quốc là vừa ngon vừa bổ, tôi rất muốn được chia sẻ điều đó với người tiêu dùng Việt Nam và đồng thời để làm phong phú thêm nghệ thuật ẩm thực của người Việt.

Thời điểm đó đây là một món ăn còn khá xa lạ với người Việt, vậy giai đoạn khởi nghiệp chắc hẳn khó suôn sẻ? Chị đã bắt đầu như thế nào? Có bao giờ chị muốn từ bỏ?

Không có thành công nào mà không đổi bằng mồ hôi và nước mắt, tôi đã phải bôn ba khắp các vùng nông thôn tìm kiếm nguồn nguyên liệu rau củ sạch, rồi cũng chính mình đến từng siêu thị chào hàng, thuyết phục để hàng của mình có chỗ đứng và còn nhiều nhiều lắm… Nhưng thôi, đâu sá gì! Tôi nghĩ bất kỳ ai làm kinh doanh cũng có giai đoạn khởi nghiệp gian nan cả. Với mình, tôi coi đó là thách thức. Mà mọi thách thức đều có thể mở ra cho mình một cơ may, vì thế hãy đối đầu với thách thức để nắm lấy cơ may.

Hơn nữa, từ nhỏ tôi được mẹ dạy “muốn ăn phải lăn vào bếp” và cha tôi còn dạy rằng “đời chẳng ai dọn sẵn mâm cỗ cho mình cả”. Vì vậy tôi quan niệm khi đã lăn vào bếp và muốn được có mâm cao cỗ đầy thì phải quyết chí đạt được điều mình mong muốn, chứ đã “lăn vào bếp” mà còn sợ dầu sôi lửa bỏng hay dao cắt đứt tay thì… hỏng!

Quan điểm của chị trong kinh doanh là gì?

Tôi quan niệm làm bất kỳ công việc gì cũng phải đặt cái tâm của mình vào đó. Trong kinh doanh cũng vậy phải có cái tâm của tình và đức. Mình có tâm tình thế nào với những người mình thương yêu thì phải đặt cái tâm tình đó vào trong kinh doanh. Mình đâu thể dành cho gia đình món ngon, bổ, sạch mà lại làm hàng dỏm, hàng tẩm hóa chất gây tổn hại đến sức khỏe người khác. Muốn lâu dài, bền vững thì cần phải có đức, đấy cũng là cách tích đức để lại cho con như tâm nguyện muôn đời của người Việt. Vì vậy quan niệm kinh doanh của tôi được gói gọn đơn thuần trong ba chữ Tâm – Tình – Đức.

Với chị, lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu trong kinh doanh. Vậy thành quả ngày hôm nay chị nhận được là gì?

Hơn 10 năm kinh doanh thực phẩm Hàn Quốc, tôi không đặt những con số tăng theo thời gian làm thành quả, mà thành quả lớn nhất của tôi là Ông Kim’s được sự tin tưởng, trân quý của người tiêu dùng, là sự tin yêu của bạn bè, quyến thuộc…

Đây có phải là sự khác biệt của Ông Kim’s, nhằm tạo thế cạnh tranh trên thị trường?

Có thể tóm lược là sự khác biệt tạo thế cạnh tranh cho mình chính là luôn luôn vượt trội chính mình trong quyết chí và sự chuyên cần rèn luyện Tâm –Tình – Đức của mình để ngày càng xứng đáng với sự tin tưởng, trân quý của những ai biết đến mình.

doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh
Doanh nhân Nguyễn Thị Kim Hạnh

Để xây dựng được thương hiệu chị đã mất rất nhiều thời gian và công sức, vậy sao trong lúc công việc đang tốt đẹp chị lại bán “đứa con” của mình?

Tôi ví mình như một người mẹ có đứa con gái lớn đã đến tuổi trưởng thành. Khi con gái được không ít lời dạm ngỏ, cầu hôn thì mình phải chọn nơi tốt nhất để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn nữa cho con. Phần mình sẽ có thêm thời gian dành trọn vẹn Tâm – Tình – Đức cho những đứa con sau mà mình đang thai nghén.

Nói vậy chị sắp bước vào một giai đoạn kinh doanh mới? Chị có thể tiết lộ một chút về “bí mật” này không?

Tôi vẫn kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá và nghệ thuật ẩm thực, nhưng có hơi khác là lần này chuyên về “ẩm” chứ không phải “thực”. Mà có bàn tay nào khéo hơn bàn tay phụ nữ khi lo việc ẩm hay thực một cách hết sức vừa văn hoá vừa nghệ thuật.

Chị nghĩ gì về tình trạng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại ngày càng tràn lan trên thị trường gây mất niềm tin ở người tiêu dùng. Với chị điều này là động lực hay trở ngại đối với nghề kinh doanh thực phẩm?

Theo tôi đó là một tội ác, bởi nó không chỉ đầu độc người tiêu dùng mà còn gây mất niềm tin cả một cộng đồng. Điều này còn gây ảnh hưởng nặng nề đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Sống trong “tâm bão” của thực phẩm bẩn, tôi càng bị thôi thúc đến với công việc kinh doanh thực phẩm. Tôi biết sẽ có nhiều thách thức và khó khăn, nhưng tôi tin khi mình làm bằng trọn cái tâm, thì trời sẽ không phụ.

Cùng với thực phẩm bẩn là hiện trạng xuống cấp đạo đức trong kinh doanh, chị có nghĩ đây là một vấn nạn khó giải quyết?

Tôi nghĩ vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người khác thì sẽ khó tồn tại, bởi một khi người tiêu dùng phát hiện họ sẽ quay lưng với sản phẩm. Vì vậy họ không chỉ “giết” người khác mà chính họ cũng đang giết chết họ.

Với công việc kinh doanh sắp tới chị có phương án gì để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch? 

Cũng như kim chi, muốn sạch thì phải đảm bảo nguồn sạch. Để có được nguồn sạch tôi làm việc trực tiếp với hợp tác xã và nông dân, hỗ trợ và chia sẻ với họ; đào tạo và có các tiêu chuẩn kiểm soát đo lường ngay từ đầu.

Chị có thể chia sẻ một chút về góc bếp của mình, hẳn là một nơi ngọt ngào giúp chị nuôi dưỡng niềm đam mê ẩm thực?

Tôi quan niệm bếp là cái hồn giữ nhà nên phải luôn chăm chút, chuyên tâm ý vào đấy. Đó cũng là cách để “giữ lửa” trong hôn nhân. Tôi biết cả hai nền văn hóa ẩm thực Việt và Hàn.

Quan tâm đến thực phẩm là quan tâm đến sức khỏe ăn uống, chị có thể chia sẻ bí quyết gìn giữ sức khỏe và sắc đẹp? 

Ăn uống và luyện tập là một nghệ thuật cần được chăm chút mỗi ngày, nói chung là phải điều độ và biết chọn lựa. Về sắc đẹp, tôi nuôi dưỡng cái “cốt cách” tức là vẻ đẹp bên trong tâm hồn.

Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!

Linh Giang (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN