Rèn tính kỷ luật cho con đầu năm học mới

Đầu năm học, dư âm của mùa hè vẫn còn, trẻ sẽ học rất uể oải và “lo ra” nhiều hơn. Chính vì thế, việc rèn tính kỷ luật cần được đặt ra để đưa trẻ vào guồng máy học tập và sinh hoạt của năm học mới.

Hãy giúp trẻ hiểu rằng, nếu thiếu tính kỷ luật, trẻ làm việc gì cũng khó thành công, không thể tiến xa hơn và không nhận được sự tin tưởng từ cha mẹ, bạn bè.

Rèn tính kỷ luật cho con đầu năm học mới
Ảnh minh họa- Nguồn: Internet

Dạy tính kỷ luật từ nhỏ

Tính kỷ luật ở một đứa trẻ phải được cha mẹ rèn từ nhỏ. Lúc đầu chỉ rèn cho trẻ biết ăn ngủ đúng giờ, sau đó là biết dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc đúng nơi quy định; biết giữ gìn vệ sinh thân thể và phòng ốc; biết tắt đèn, tắt quạt, quét dọn nhà cửa và phụ cha mẹ việc nhà; biết xin phép khi ra khỏi nhà và về đúng giờ ba mẹ quy định…

Subin, con trai anh tôi chỉ mới ba tuổi, đã được ba rèn cho tính kỷ luật. Đi học về, bé để giày dép không đúng nơi quy định, ba bảo: “Subin, giày dép con để đúng chưa?”, bé phải trở ra lấy giày đặt đúng chỗ ba mẹ dành cho.

Một mẩu giấy gói kẹo bé làm rơi trong phòng, ba bảo “Con cho vào giỏ rác đi con…” bé làm theo lời ba ngay. Đi học về, bé biết treo cặp đi học lên cây móc mà ba đóng sẵn cạnh bàn học.

Học xong bé biết cất dụng cụ học tập vào hộc tủ. Buổi tối, bé đang say mê xem phim hoạt hình, ba bảo “Tới giờ đi ngủ rồi” bé biết tắt ti vi và lên giường đúng giờ. Lớn hơn, bé biết xem đồng hồ và tự tắt ti vi ba mẹ không cần nhắc nhở…

Phần lớn trẻ con không có tính kỷ luật vì cha mẹ không có nhiều thời gian rèn luyện cho con, không quan tâm tới con và để mặc cho trẻ làm điều mình muốn.

Nhiều cha mẹ gặp con một chút vào buổi ăn sáng, còn cả ngày có chị giúp việc hay bà nội, ngoại chăm nom, dạy dỗ. Tối, khi cha mẹ về tới nhà, con đã chuẩn bị đi ngủ… Nội, ngoại hay chị giúp việc không nghiêm, hay bảo bọc, lo lắng và làm hết cho trẻ mọi việc.

Trẻ không được rèn tính kỷ luật lúc nhỏ, lớn lên sẽ rất khó vào khuôn khổ hay “nếp nhà”. Một đứa trẻ không có tính kỷ luật khi lớn lên khó có thể là một giáo viên giỏi, một bác sĩ giỏi hay một kỹ sư giỏi. Khi con người ta đã thiếu kỷ luật, họ thường xuyên làm việc theo trạng thái cảm xúc, vui thì làm, buồn bỏ trốn mất.

Chính vì điều đó, họ thiếu trách nhiệm về những gì mình được giao phó. Họ sẽ nhanh chóng đánh mất lòng tin từ mọi người và bị đánh giá thấp về năng lực hay tinh thần trách nhiệm.

Tính kỷ luật phải được dạy cho trẻ từ khi còn rất nhỏ, để trở thành một phẩm chất tốt đẹp nằm sâu trong tiềm thức, không thể xóa nhòa.

Rèn tính kỷ luật cho con đầu năm học mới
Ảnh minh họa- Nguồn: Internet

Làm thế nào duy trì tính kỷ luật cho trẻ?

Sự tự ý thức, tự rèn luyện để trưởng thành là một phần quan trọ ng trong phẩm chất mỗi người. Trẻ có thể tự rèn tính kỷ luật mà không cần nhắc nhở khi cha mẹ là một tấm gương về tính kỷ luật.

Cha mẹ cần ý thức sâu sắc về việc xây dựng “nếp nhà” và tinh thần trách nhiệm. Con tự giác và tự lập ngay từ nhỏ sẽ có ý thức kỷ luật và cả ý thức tự chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm với bản thân và mọi người sẽ dần giúp trẻ sống kỷ luật, hứa là làm, nói là hoàn thành. Trẻ sẽ biết cách đặt ra những mục tiêu, lên kế hoạch, sắp xếp và hoàn tất công việc. Trẻ sẽ biết cách chế ngự những ham muốn rong chơi hay lười biếng của bản thân.

Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy trẻ biết “cam kết” với bản thân và với người lớn những công việc cần hoàn thành trong ngày, đúng giờ quy định. Lớn lên trẻ sẽ tự ý thức và biết cam kết với chính mình, tôn trọng mình và những người xung quanh trong làm việc nhóm, trong lớp học…

Một người bạn tôi có con gái nhỏ mới bốn tuổi nhưng chị luôn có những câu về “nội quy” mà bé phải thuộc lòng và thực hiện. Khi con chưa ngoan, vi phạm, người mẹ liền nhắc con, đó là điều thứ mấy trong nội quy mà cha mẹ xây dựng.

Dần dần, con chị luôn biết tự giác làm mọi việc rất đúng giờ, không kêu nài, xin xỏ cha mẹ cho thêm thời gian để chơi hay xem hoạt hình.

Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy giúp con xây dựng thời khóa biểu học tập và sinh hoạt, trẻ lớn lên sẽ biết xây dựng thời khóa biểu cho chính mình. Ý thức về kỷ luật sẽ dần hình thành. Nó làm nên sức mạnh trong tính cách và thành công trong tương lai cho trẻ.

Nguồn Phụ Nữ Online

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN