Nghèo bỏ nhau, giàu cũng bỏ nhau

Vợ chồng vốn nghĩa tào khang, dù giàu sang hay khốn khó vẫn đồng cam cộng khổ bên nhau đến ngày răng long đầu bạc. Thế nhưng những giá trị sống đó đang ngày càng mất đi trong xã hội hiện đại…

Hoạn nạn… mất nhau!

Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau vừa xét xử vụ ly hôn của anh Tô Duy Tân và chị Nguyễn Thanh L. (ngụ khóm 2, phường 8, TP.Cà Mau), oái oăm là ngày ra tòa chị Thanh L. bụng chửa vượt mặt mà đứa con thì không phải của anh Tân. Từ đầu đến cuối phiên tòa anh cúi gầm mặt, bên trên vị chủ tọa cũng nén tiếng thở dài, phiên tòa nhanh chóng kết thúc.

Đưa tay quẹt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, Anh Tân chậm rãi kể về cuộc hôn nhân của mình. Vợ anh bỏ đi khi con trai anh tròn bốn tháng tuổi, đến nay thằng bé đã vào lớp hai mà chị chưa một lần đến thăm con. Kể cũng buồn, chị có bỏ đi xa xôi chi đâu, nhà nội nhà ngoại chỉ cách nhau vài trăm mét, thỉnh thoảng ra đường cha con anh còn chạm mặt chị, vậy mà chị cứ phớt lờ và vì cái phớt lờ ấy mà anh đành từ bỏ quê nhà lang thang lên Sài Gòn kiếm sống.

Nghèo bỏ nhau, giàu cũng bỏ nhau

Anh và chị đến với nhau khi anh hai mươi còn chị thì mới mười bảy tuổi, mặc cho gia đình cấm cản chị vẫn dọn về sống chung với anh. Cha mẹ chị nhiều lần đến nhà anh chửi bới, la mắng nhưng chị vẫn không chịu trở về. Cuối cùng họ đành nhượng bộ cho anh chị làm đám cưới. Không muốn thua bạn bè, chị đòi hỏi chồng một đám cưới thật lớn, thật hoành tráng để nở mày nở mặt. Chiều lòng người yêu anh nhờ mẹ đi vay mượn, sau đám cưới là một gánh nợ chất chồng. Đang lúc cả nhà anh oằn lưng trả nợ, thì em trai của anh bị tai nạn, để có tiền chữa trị mẹ anh đành bán ngôi nhà. Em trai anh không qua khỏi, thương con bà khóc mù đôi mắt. Từ đó bao nhiêu gánh nặng dồn hết lên đôi vai của anh. Đúng lúc này chị lại mang thai, đời sống càng thêm chật vật, khó khăn. Cuộc sống tù túng, thiếu thốn bao nhiêu chị cắn đắng chồng bấy nhiêu rồi oán trách cả mẹ chồng. Ban đầu Tân còn nhẫn nhịn vợ nhưng về sau thì choảng nhau như cơm bữa. Đến khi con trai tròn bốn tháng tuổi, chị bỏ về nhà mẹ ruột sinh sống. Anh bế con đến nhà van xin chị trở về nhưng chị chẳng ngó ngàng gì đến cha con anh. Đằng đẵng bao năm dù chị luôn thờ ơ, lạnh nhạt anh vẫn hy vọng và chờ đợi. Mãi đến khi nghe tin chị có con với người đàn ông khác anh đành gửi đơn ra tòa giải thoát cho… mình.

Bón cho con trai từng thìa cháo, anh Nguyễn Minh Phúc (ngụ khóm 1, phường 1, TP.Cà Mau) cúi mặt khi nghe tôi hỏi về mẹ đứa bé. Giọng đắng ngắt, Phúc đáp: “Nghèo quá nó bỏ đi rồi!”.

Phúc và Thu Thủy đến với nhau khi cả hai còn ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Dù gia đình hai bên ngăn cấm họ vẫn bám chặt lấy nhau, khi Thủy mang thai ba tháng, chị dọn về nhà Phúc sống mà chẳng cần cưới hỏi. Về sống nhà chồng, Thủy vỡ mộng bởi lẽ trong ngôi nhà cấp bốn chưa đến hai chục mét vuông mà có đến chục người sinh sống. Ẩm thấp, ngột ngạt và đầy những bất tiện trong sinh hoạt, chẳng còn đâu lãng mạn, ngọt ngào như chị mong đợi. Phúc là con đầu, sau Phúc còn một bầy em nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi học, tất cả đều trông đợi Phúc lo liệu càng khiến chị thêm chán ngán. Khi con trai được hai tháng tuổi thì chị bỏ con lại cho anh, ra đi biền biệt. Hơn một năm qua Phúc tìm kiếm, thăm hỏi khắp nơi mà chị vẫn bặt tăm…

Người giàu cũng khóc…

Ba năm rồi kể từ ngày vợ bỏ đi, anh Nguyễn Hoàng Nam (xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) như cái xác không hồn, thêm căn bệnh lao phổi hành hạ, anh chỉ muốn chết đi cho hết muộn phiền nhưng vì thương con anh gắng gượng, sống được ngày nào hay ngày nấy.

Ba mươi tuổi, Nam có một gia đình êm ấm, hạnh phúc và khối tài sản khiến bao người mơ ước. Tất cả đều được đổi bằng mồ hôi nước mắt của anh. Suốt mười năm kết hôn anh miệt mài, lăn lộn kiếm tiền lo cho vợ con cuộc sống sung túc đầy đủ. Định mệnh trút xuống cuộc đời Nam khi anh phát hiện mình mắc bệnh nan y. Hơn một năm trời anh đánh vật với căn bệnh và trong những tháng ngày đó anh cũng lờ mờ nhận ra sự thay đổi của vợ. Thế nhưng vì yêu thương và tin tưởng vợ anh đã chẳng mảy may nghi ngờ. Anh đâu ngờ, trong những lần đưa anh lên Sài Gòn khám bệnh, chị đã phải lòng anh tài xế, để rồi khi bác sĩ thông báo căn bệnh của anh chuyển biến nặng thì cũng là lúc chị dứt áo chạy theo nhân tình, toàn bộ tiền vàng chị ôm theo trọn. Những gì còn lại cho anh là nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần và một đứa trẻ ngây thơ trong căn nhà lạnh lẽo.

Sống cạnh nhà Nam, anh Trần Văn Hoàng cũng có hoàn cảnh tượng tự. Khi anh bị tai biến liệt nửa người chị Cẩm Nhung vợ anh bỏ mặc chồng trong cơn bệnh tật ôm hết tiền bạc chạy theo nhân tình.

Hoàng kể, trước đây vợ chồng anh nghèo lắm, quanh năm làm thuê làm mướn kiếm sống. Năm con gái đầu tròn 17 tuổi nó nằng nặc đòi lấy chồng Đài Loan để có tiền lo cho cha mẹ, khổ quá anh đành cắn răng chiều theo ý con. Có lẽ nhờ trời thương nên sau một năm theo chồng sang Đài Loan con gái anh đã gửi tiền về cho cha mẹ trả hết nợ, còn xây được ngôi nhà khang trang.

Nghèo bỏ nhau, giàu cũng bỏ nhau

Từ khi rủng rỉnh tiền bạc, vợ anh không lo làm ăn mà tập tành chưng diện, sửa sang sắc đẹp. Tuy có “chướng mắt” nhưng ngẫm nghĩ bao nhiêu năm nghèo khổ chị đã chịu nhiều thiệt thòi nên anh xem như bù đắp cho chị. Anh thương vợ là vậy, vậy mà anh ngã bệnh không bao lâu, chị đã công khai quan hệ với nhân tình. Con gái gọi về trách móc, chị làm mình làm mẩy rồi ôm hết tiền bạc bỏ đi.

Trong ngôi nhà khang trang, giờ chỉ còn mình anh thui thủi, khách đến thăm anh khóc. Anh ước gì được trở lại cuộc sống như ngày xưa, nghèo khó mà vợ chồng đầm ấm hạnh phúc.

Dù nghèo quá mà không ở được với nhau hay quen với giàu sang sinh hư, sinh tật thì hầu hết những cuộc dứt áo ra đi của người phụ nữ đều không có đường lui, không có lối quay về. Sự kỳ thị của chòm xóm, họ hàng, sự oán hận của người thân đã đẩy họ ngày một xa hơn. Tự tay mình chặt đứt sợi dây tình thân rất khó nhận được sự tha thứ, thôi thì bụng làm dạ chịu. Nhưng trong những cuộc ly tan kiểu này, chỉ những đứa trẻ mới là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Những câu chuyện như thế này, đau xót thay, vẫn cứ tiếp tục xảy ra. từ làng quê lên phố thị, thậm chí trong một con hẻm nhỏ xứ Cà Mau mà người viết đã một lần tìm tới, hơn một nửa các gia đình đã không còn bóng dáng người vợ. Ở đó, tiếng khóc con thơ thắt lòng người ở lại,và biết đâu trên cả bước chông chênh vô định của kẻ đi…

——————————————-

 Nhân vật chính trong những câu chuyện này đều đến với nhau khi còn quá trẻ, có cả những cuộc tảo hôn. Theo bà Nguyễn Cẩm Ly, Bí thư xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Hải) trong nhiều năm làm công tác phụ nữ, bà chứng kiến và khuyên nhủ rất nhiều trường hợp tảo hôn vì yêu sớm của các bạn trẻ. Sự nông nổi đó đã dẫn họ đến một cuộc hôn nhân không có sự chuẩn bị cả về tinh thần lẫn vật chất. Họ không lường trước được những tình huống khó khăn, những va vấp trong đời sống vợ chồng. Vì vậy khi đối mặt với vấn đề, họ không có kỹ năng để ứng phó vượt qua mà chỉ tìm lối thoát cho riêng mình. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có con số thống kê về tình trạng này, dù trên thực tế khi chuyện xảy ra mọi người đều biết. Việc họ đưa nhau ra tòa là rất hiếm, đa phần là tự ý bỏ đi. Tâm lý xấu hổ khiến người ở lại thường giấu chuyện, khi được hỏi thì mượn lý do chồng/vợ đi làm ăn xa. Chính suy nghĩ “chuyện riêng của gia đình”, không trình báo với địa phương, khiến cho các cơ quan, đoàn thể muốn can thiệp giúp đỡ cũng khó…

Thanh Ngọc (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN