Con khóc mà ầm ỹ cả nước

Căng thẳng biển Đông, quan hệ Nga – Mỹ – Trung nhưng người ta cãi cọ chỉ vì một đứa trẻ khóc…. cách dạy con thế nào.

Nó không gặp áp bức đánh đập đói khổ gì cả. Nó chỉ khóc nhè ăn vạ ba mẹ nó trong một tiệm ăn. Dỗ không nín, ồn ào đến nỗi bà chủ quán phát điên ra chỉ vào mặt nó quát “Câm miệng lại”

Ông bố cảnh cáo bà chủ quán: “Cô đang hét vào mặt một đứa trẻ đấy!” (Chứng tỏ một đứa trẻ là rất quan trọng, một chuẩn mực ứng xử với trẻ con được người ta coi là vấn đề lớn. Chứ ở ta ấy à, không cầm roi quất cho là may, ở đấy mà đòi tôn trọng!). Bà mẹ thì mắng cho bà chủ quán “đau đớn” bằng cách bảo con: “Đây chính xác là thái độ mẹ muốn con không bao giờ có” (ý thế là nặng lắm, rằng bà này xấu quá con ạ, đừng bao giờ con bắt chước theo…). Rồi bà mẹ thanh minh, phân trần với khách ở xung quanh vì sao mình làm phiền bất đắc dĩ, mình biết lỗi đã dỗ con rồi đó chứ, nhưng vì bị bà chủ quát tháo, đứa bé càng sợ càng khóc to. Bà mẹ còn nói bà đã cố gắng hết sức có thể, rằng làm cha mẹ thường gặp những trường hợp phải trông chờ lòng cảm thông của người lạ…

Hầu hết ý kiến tham gia bình luận của bạn đọc – dân Mỹ (thế mới nói là ầm ỹ cả nước) là, không nên để con làm phiền xung quanh, phá vỡ trật tự công cộng. Khi con nó trái tính dỗi hờn vô cớ, bất khả kháng thì phải bế nó rời khỏi cửa hàng, không nên cứ ngồi đó…

Đó là thái độ xã hội, không có chửi bới bình luận xiên xéo tinh tướng hay ném đá. Chính đó là giáo dục. Đứa trẻ sẽ nhìn thái độ cha mẹ và những người xung quanh, biết mình phải thế nào khi nó bắt đầu có nhận thức.

Ở ta, thái độ đầu tiên là cha mẹ “xù lông” ra bảo vệ cái sai của con đã. Đừng mong bà mẹ Việt thấy mình có lỗi khi để con khóc làm phiền xung quanh. Trời đất là của… trời, có là của ai đâu mà bảo mình làm phiền, có điên mới nhận lỗi… Đại loại thế!

shutterstock_131477960

Trẻ con nó biết gì? – Đó là luận điểm khá kém cỏi về sư phạm. Nó biết chứ sao không. Nó đang quan sát và học theo. Thiếu gì lúc chính cha mẹ tự sướng, bảo con mình khôn lắm, cái gì cũng biết. Nó nói thế này nó nói thế kia, mà có ai xui đâu. Ngày xưa mình bằng nó đâu biết gì… Coi con mình như thần đồng vậy. Thế mà khi nó mắc lỗi, cha mẹ xông ra bảo vệ ngay “trẻ con nó biết gì”. Chính là ta đang dạy con ta đấy.

Cứ để ý ngay ở bãi biển cũng thiếu gì ông bố bà mẹ mặt ngầu, cổ đeo xích vàng bạc, ngang nhiên như biển của nhà mình, thuê thuyền lướt ván chơi phi luôn cả vào người khác cho họ phải tránh ra. Cha mẹ ra sức chỉ cho cậu ấm cô chiêu cứ lao tới đi, chả gì mà sợ. Hễ có ai lảng vảng làm vướng là hò hét, lườm nguýt. Cứ như giới “mới giàu xổi đã nổi thói giang hồ”, không ai muốn dây, bẩn cả bãi biển. Văn hóa sống như thế nhưng thiếu gì những nhà có lý lịch “cặp đôi hoàn hảo”, kiểu bố làm trưởng phòng công ty, mẹ chủ nhiệm khoa ở bệnh viện… Toàn nơi quyền thế kiếm ra tiền, nên chả sợ ai. Nhồi con nào học thêm, nào học đàn, học vẽ, tiếng Anh tiếng Hàn đủ cả. Học bóng đá thể thao còn có cả thầy ngoại quốc… Nhưng còn thái độ, lòng nhân ái từ tâm, ứng xử trong cuộc sống, chính mình là người thầy lớn nhất mà không chịu nhận ra. Con hư thì có sẵn luân điểm: Ai chẳng mong con đi vào con đường tốt, con ngoan, nó xấu là do ảnh hưởng ngoài xã hội, theo bạn bè…

Ai cũng có lý do!

Lại quay về chuyện đứa bé khóc mà ồn cả nước Mỹ: tất cả đều được hình thành từ khi còn nhỏ tuổi và từ những chuyện rất nhỏ, chính cha mẹ đang dạy con mình, đang cho con mình một cách sống.

Ngọc Hải (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN