Chuỗi ngày tủi nhục của người vợ “bù nhìn”

Cô bắt đầu sống dựa vào anh như một “thân tầm gửi” với biết bao cay đắng, tủi nhục bủa vây. Còn anh lấy cô cũng chỉ cho có để mẹ anh vui mà thôi.

Cưới cô anh cũng lấy gì làm mặn mà cho lắm. Bởi anh yêu cuộc sống tự do không muốn vướng bận chuyện gia đình, con cái. Chỉ là do mẹ anh ép quá, cứ một mực đòi chết nếu như anh không chịu lấy vợ.

Anh đã ở cái tuổi mà bạn bè vẫn thường đùa là “đầu tam đít tứ”, lại là con một trong gia đình. Mẹ anh cứ làm cuống cuồng, chạy đôn chạy đáo lo mối này mối nọ để giới thiệu cho anh, mong có chút cháu bế bồng. Anh thì bằng chân như vại, đơn giản anh không muốn kết hôn, anh muốn tự do tự tại làm những điều mình thích dù cho anh vẫn yêu vẫn tán tỉnh cặp kè với nhiều cô gái đẹp.
Thúc giục mãi không được mẹ anh đành chuyển sang dùng khổ nhục kế: “Mày không lấy vợ tao chết, không có cháu bế bồng tao chả thiết sống nữa”. Thấy mẹ làm căng, anh gật đầu đồng ý rồi hứa hẹn sẽ cưới vợ trong thời gian sớm nhất. Anh lục lọi trong bộ nhớ của mình xem người nào phù hợp nhất, bởi xung quanh anh đang có nhiều cô “chết đứ đừ” với vẻ điển trai, hào phóng mà anh sở hữu.
Rồi anh chọn cô, người con gái đã yêu đơn phương anh mấy năm nay. Tuy không xinh đẹp nhưng trông cô hiền lành, cam chịu và có vẻ “dễ đẻ”. Ngày anh ngỏ lời cưới cô, cô vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Những tưởng tình đơn phương bao lâu nay của mình được đáp trả, cô hạnh phúc bước vào lễ đường mà không biết rằng đằng sau ấy là những tháng ngày tủi nhục khi chung sống cùng anh.
Cưới xong cô có bầu luôn, anh bảo cô nghỉ việc ở nhà dưỡng thai rồi chăm lo cho gia đình luôn thể. Một mình anh đi làm cũng dư dả để chi tiêu. Nghĩ lương mình tháng cũng được bao nhiêu nên cô đồng ý. Từ đó cô bắt đầu sống dựa vào anh như một “thân tầm gửi” với biết bao cay đắng, tủi nhục bủa vây.
Anh không mạt sát, không la mắng hay đánh đập cô. Anh chỉ lạnh lùng, không nói chẳng rằng và làm những điều anh thích, như chưa từng có sự hiện diện của cô trong ngôi nhà ấy với danh nghĩa là vợ của anh, là mẹ của con anh. Anh coi cô như là người thừa trong gia đình…
Vẫn giữ thói quen như hồi chưa cưới vợ, anh đi đâu làm gì cũng chẳng thèm nói với cô một câu. Cô hỏi anh cũng chẳng trả lời. Cố nén giận, cô nhẹ nhàng đề nghị: “Từ nay anh đi đâu nói với em một câu, để em còn biết đường lỡ có ai hỏi còn biết anh đi đâu mà trả lời. Không người ta lại nói em là vợ mà không quan tâm đến chồng”. Anh tỉnh bơ: “Anh đi đâu là việc của anh, em đàn bà con gái biết gì, rõ là lắm chuyện”. Nghe câu nói đó của anh cô buồn lắm, hai hàng nước mắt cứ chực để tuôn rơi, cô chán cảnh ăn rồi ở nhà đợi chồng mà không biết chồng đi đâu, làm gì và khi nào về. Anh không nghĩ tới những lo lắng băn khoăn trong lòng cô mỗi khi anh đi đâu đó, anh chỉ biết đến bản thân anh.

Chuỗi ngày tủi nhục của người vợ "bù nhìn"
Ảnh minh họa

Ngay cả việc không về nhà ăn cơm anh cũng không thèm báo với cô một tiếng. Nhiều hôm cô hì hục chuẩn bị nhiều món mà anh thích rồi đợi mãi mà chẳng thấy anh về. Gọi điện anh không nghe máy, mà có nghe máy thì cũng chỉ nghe đúng một câu: “Anh đang bận, thế nhé!” rồi anh cúp máy lạnh lùng. Chưa một lần anh hỏi han cô đã ăn cơm chưa hay đang làm gì đó. Anh dường như chẳng bận tâm đến việc cô đang chờ đợi anh và chưa bao giờ anh áy náy về việc đó. Cô thấy mình thật cô độc, có chồng mà “hờ hững cũng như không”.

Với anh lấy vợ như một trách nhiệm để làm hài lòng mẹ và để sinh một đứa con cho mẹ có cháu để bế bồng chứ không phải để có người tâm sự vui vầy, để chăm sóc cho nhau và cùng nhau “đồng cam cộng khổ”. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay anh tự quyết mà không cần tham khảo hay hỏi han ý kiến của vợ. Nhiều khi cô cũng không biết anh đang làm gì, hỏi thì anh chỉ im lặng mà không buồn đáp. Tiền bạc hàng tháng anh đưa cho một khoản đủ cho cô chi tiêu mấy thứ lặt vặt trong gia đình. Còn anh có bao nhiêu nữa anh giữ, thậm chí chung sống với nhau nhưng cô vẫn không biết chồng mình lương tháng bao nhiêu, có bao nhiêu tiền tiết kiệm hay đã có những tài sản gì.
Không biết bao nhiêu lần cô chạnh lòng rồi tủi thân bật khóc khi mình bị coi như thân phận người thừa trong gia đình. Ngoài chuyện bếp núc, nhà cửa cô không hề biết thêm chuyện gì khác và cũng không được tham gia góp ý bất cứ dự định nào của chồng. Cái kiểu sống như một cái bóng thừa thãi và vô vị. Chưa bao giờ anh đưa cô đi dạo chơi hay đi gặp gỡ trò chuyện cùng bạn bè anh. Anh cũng chẳng cấm cản cô đi đâu làm gì tùy thích. Anh cho cô cái quyền tự do thích đi đâu thì tùy, miễn đừng làm ảnh hưởng tới anh là được. Hai vợ chồng sống trong cùng một nhà mà cứ như hai người dưng ngược lối.
Cô hối hận vì đã lấy một người không yêu mình, không mặn mà với việc lập gia đình, không thiết tha với mái ấm. Bởi thế anh luôn thờ ơ, lạnh nhạt với cô. Anh coi cô như người thừa trong nhà, như vợ “bù nhìn’ có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Nhiều khi cô muốn tự giải phóng cho bản thân mình, muốn chấm dứt kiếp người thừa lặng lẽ để sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn nhưng nghĩ tới đứa con còn còn trong bụng cô lại khựng lại. Từng giọt nước mắt của cô cứ thế lại thi nhau tuôn trào…
Nguồn Tri Thức Trẻ
Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN