Ngọc Hân: Thiết kế áo dài cho người khuyết tật là cái duyên!

BST “Quê Hương” ra đời khi Hân được mời tham gia chương trình “Tôi đẹp, bạn cũng thế”. Sau đó, cơ duyên làm việc người khuyết tật một lần nữa lại tìm đến Hân khi tham gia “Lễ Hội Áo Dài 2016”. Lần đầu có thể nói là tình cờ nhưng lần thứ hai thì thật sự là “duyên”.

Sau 6 năm kể từ thời điểm đăng quang Hoa Hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân ngày càng tất bật với công việc kinh doanh cùng những định hướng cho sự nghiệp của riêng mình. Với việc sở hữu thương hiệu Áo Dài Ngọc Hân, Công ty in vải Ideas và 3 cửa hàng thời trang nam nổi tiếng Adam Store, người đẹp Hà Thành đã xây dựng nên một hình tượng phụ nữ “tài sắc vẹn toàn” trong mắt công chúng mà không phải hoa hậu nào cũng làm được.

Khi nhìn những chuyển biến trong một giai đoạn của đời mình, cô vui vẻ bảo “Nhiều người bảo rằng danh hiệu Hoa Hậu mở ra con đường tươi sáng hơn cho tôi, cần gì phải đeo theo nghề thiết kế chi cho mệt nhưng tính tôi một khi đã yêu cái gì, thì nhất quyết sẽ thực hiện và theo đuổi đến cùng.”

Được biết đầu năm 2016 này, chị đã cho ra đời 2 BST áo dài “Quê Hương” và “Hoa Phù Dung” dành riêng cho những người khuyết tật. Cơ duyên nào đã đưa chị tìm đến với những “người mẫu” này?

BST “Quê Hương” ra đời khi Hân được mời tham gia chương trình “Tôi đẹp, bạn cũng thế” nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam. Đây là một chương trình dành cho hơn 30 người mẫu khuyết tật. Tại đây, lần đầu tiên Hân đã có dịp được làm việc với họ.

Sau đó, cơ duyên làm việc người khuyết tật một lần nữa lại tìm đến Hân khi tham gia “Lễ Hội Áo Dài 2016”. Lần này, bên cạnh nhiều người mẫu tên tuổi là sự góp mặt của 5 người mẫu khuyết tật trong chương trình trước.

Lần đầu có thể nói là tình cờ nhưng lần thứ hai thì thật sự là “duyên”.

Chọn áo dài cho BST “Hoa Phù Dung” để hưởng ứng lời kêu gọi mặc áo dài là lẽ tất nhiên. Nhưng với BST “Quê Hương”, dù không bắt buộc nhưng chị vẫn chọn trang phục này. Tình yêu chị dành cho chiếc áo quốc phục này dường như rất lớn?

Không phủ nhận áo dài có sức hấp dẫn nhất định đối với Hân, đến mức Hân phải đăng ký bản quyền thương hiệu Áo Dài Ngọc Hân cho mình. Nhưng trong trường hợp này, đây không phải là lý do duy nhất. Trước khi bắt đầu thiết kế, Hân đã dành ra một khoảng thời gian để tiếp xúc, trò chuyện và lắng nghe tâm tư của các “người mẫu đặc biệt” này.

Qua đó, Ngọc Hân biết được 10 “người mẫu” của mình chưa bao giờ được mặc áo dài. Điển hình là có một cô gái tên Thu Trang chia sẻ với Hân: “Bình thường tôi chỉ thoải mái khi mặc các trang phục co giãn, không dám mặc trang phục chiết eo cầu kì vì tôi bị liệt hoàn toàn cánh tay phải”. Hay như một bạn khác bị tật ở chân thì “Oanh từng không dám mặc áo dài, không dám trang điểm, mỗi lần ngồi trước gương Oanh đều cảm thấy muốn che giấu bản thân.”

Hân cảm nhận được đằng sau sự thiếu tự tin, mặc cảm của các “người mẫu” là một niềm khao khát, mong mỏi được  xuất hiện chỉn chu, đẹp đẽ và xinh tươi trong chiếc áo dài dân tộc như bao người bình thường khác. Cuối cùng, Hân đã quyết định chọn áo dài để chắp cánh ước mơ cho những cô gái khuyết tật này.

Nói vậy, Ngọc Hân không chỉ thiết kế trang phục, mà còn thiết kế nên những ước mơ. Nguồn cảm hứng xuyên suốt tạo nên“những ước mơ” đã được lồng ghép thế nào trong 2 BST của chị?

Những “người mẫu” của Hân, mỗi bạn đến từ một vùng miền khác nhau. Mà mỗi một địa danh như thế đều gắn liền với những hoài niệm, những khoảnh khắc đáng nhớ của riêng họ. Một số bạn còn trình bày nguyện vọng được mặc chiếc áo dài có hình ảnh gắn bó với quê hương mình. Ví dụ như bạn đến từ Đồng Tháp thì muốn áo có hình hoa sen, bạn ở Đà Nẵng thì muốn hình ngọn núi… Xuất phát từ mong muốn của các “người mẫu”, Hân đã khai thác triệt để tình cảm đó và biến nó thành những họa tiết phong cảnh cụ thể trên chiếc áo dài. Vì vậy, BST này mang nét đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung – Nam và tên gọi “Quê Hương” cũng từ đó mà hình thành.

que huong

13219562_1280467845299978_408863536_n 13233201_1280467868633309_1092028872_n BST phù dung bst phù dung1Hoa Hậu Ngọc Hân “chăm sóc” tận tình cho các bạn “người mẫu”

Còn hình ảnh “Hoa Phù Dung” thì có lẽ là một sự tình cờ vì đây là chủ đề Hân bốc thăm được. Loài hoa này là hóa thân sau khi chết của một cô gái không đến được với người yêu.

Tuy nhiên, Hân không muốn những “người mẫu” trình diễn trong tâm trạng u buồn nên đã tạo những họa tiết hoa phù dung tươi vui trên tà áo dài, với mong muốn những “người mẫu” của mình có thể hiểu được một điều “Khi nhìn mọi việc ở góc độ tích cực thì nó sẽ tích cực”. Giây phút nhìn thấy họ rạng rỡ, tự tin đúng như cảm xúc mình gửi gắm vào, Hân thật sự xúc động.
13187744_1280474798632616_2117476388_n BST phù dung 1

BST “Hoa Phù Dung” của Ngọc Hân

May áo dài cho người bình thường đã khó, với người khuyết tật càng khó hơn, quá trình may chiếc áo này có phải đã “làm khó” Ngọc Hân rất nhiều?

Người bình thường chỉ cần đo 3 vòng thì có thể tạo ra ngay một chiếc áo dài (chưa bàn đẹp hay xấu) trong khi với người khuyết tật, quá trình đó đòi hỏi sự tỉ mỉ rất nhiều. Với người bị gù lưng thì chiếc áo vừa phải mang tính cân đối mà vẫn tôn vẻ đẹp được vòng 1, với người bị bị liệt tay, không cử động được tay áo phải may bằng loại vải mềm mịn, tạo cảm giác tự nhiên,  người yếu 2 chi dưới thì nên kết hợp quần cách tân tạo dáng với áo có vạt vừa phải để dễ di chuyển. Cái khó nhất Hân gặp phải là với những người ngồi xe lăn, làm cách nào để phô diễn được sự duyên dáng, thần thái, thướt tha của tà áo dài trong khi họ chỉ ngồi? Đó là tập trung nhấn vào phần trên cơ thể, tạo điểm duyên dáng ngay cái nhìn đầu, đó là cách “đánh lừa thị giác” cho khán giả. Đây là những kinh nghiệm góp nhặt rất có ích cho Hân sau này.

Vừa khuyết tật mà lại còn lần đầu trình diễn thì chắc là không tránh khỏi khó khăn. Chị đã động viên, an ủi họ thế nào?

Những “người mẫu đặc biệt” này chưa bao giờ được trình diễn trên sàn chữ T  trước mặt rất nhiều người nên tâm lý e ngại hay hồi hộp là điều không tránh khỏi. Lúc tập duyệt, có những bạn rất “cứng đơ” và không biết biểu hiện khuôn mặt thế nào, thậm chí không dám cười. Hân còn nhớ một em gái bị tật ở chân nên đi đứng rất khó khăn, em trình diễn cứ như “chiến binh” nhưng sau khi được Hân tập luyện, chỉ dẫn, em đã vượt qua được sự mặc cảm bản thân và sải bước mềm mại, uyển chuyển hơn rất nhiều. Hân rất phục nghị lực của em.

Hân cũng khuyên các “người mẫu” hãy xem đây là một cuộc giao lưu bình thường, đừng áp đặt suy nghĩ rằng mình phải diễn thế này thế kia, bởi người ta chỉ diễn đạt nhất khi tâm thái người ta thoải mái và không hề mang áp lực.

Có thể thấy, đằng sau mỗi BST của chị không chỉ là câu chuyện thời trang mà còn là câu chuyện về cái đẹp, về nghị lực sống… Thế thì hình ảnh “Chim Công” trong BST mới nhất của chị chắc cũng ẩn chứa một ý nghĩa nào đó?

Hân ra mắt BST này vào dịp Lễ 30/4 và 1/5, trong không khí cả nước vui mừng vì đất nước ngày càng khôi phục, phát triển mạnh mẽ kể từ ngày giải phóng. Hưởng ứng niềm vui hân hoan ấy, Hân nghĩ ngay đến hình tượng chim công – một biểu tượng cho sự hồi sinh, phát triển rực rỡ. Hơn nữa, hình ảnh chim công mang tới một vẻ đẹp cao sang, cũng như mong muốn đất nước trong tương lai sẽ ở một đỉnh cao mới. Có thể xem BST này là một lời chúc tốt đẹp của Hân cho ngày trọng đại của đất nước.

BST hoa phu dung

images1700241_DSC_7593Ngọc Hân trình diễn một chiếc áo dài thuộc BST “Chim Công”

Sau những BST đã làm nên tên tuổi “nhà thiết kế Ngọc Hân” thì chị đã có kế hoạch gì mới để quảng bá thêm thương hiệu áo dài của mình?

Sau khi tham gia nhiều chương trình cho người khuyết tật, Hân nhận ra một điều: du khách thực sự rất thích thú với chiếc áo truyền thống của Việt Nam mình. Cho nên sắp tới, Ngọc Hân không chỉ phát triển thương hiệu áo dài trong nước mà còn muốn quảng bá trên thị trường quốc tế. Hân sẽ hợp tác với một nhà thiết kế đến từ Châu Âu và Nhật Bản để sáng tạo ra những mẫu áo dài mang nét hướng ngoại nhưng vẫn giữ được nét văn hóa lâu bền của Việt Nam.

Với ý tưởng muốn biến chiếc áo dài thành cầu nối văn hóa đến tay bạn bè nước ngoài, Ngọc Hân sẽ in hình phong cảnh nước bạn lên mỗi tà áo để khách du lịch có thể cảm thấy đất nước họ rất được trân trọng tại Việt Nam. Khi ấy, áo dài Việt sẽ có dịp tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Hình ảnh chiếc áo dài có sự kết nối văn hóa giữa hai nước sẽ còn giá trị hơn rất nhiều so những lời ngoại giao bình thường. Hân tin rằng, khách du lịch sẽ thích thú khi cầm trên tay món quà đặc biệt như thế.

Số ít ý kiến cho rằng những thiết kế áo dài của chị chỉ đơn giản là lấy những họa tiết có sẵn đặt lên một bộ áo dài truyền thống nên không mới mẻ cho lắm. Chị có nghĩ chính danh hiệu “Hoa Hậu Việt Nam” đã mang đến nhiều cơ hội phát triển cho sự nghiệp thiết kế của chị hay không?

Đây cũng là điều mà Ngọc Hân luôn trăn trở. Bên cạnh những người khen ngợi sự nỗ lực của Hân thì cũng có vài ý kiến nhận định Ngọc Hân nhờ vào danh hiệu để khuếch trương sự nghiệp. Khi ấy, Hân chỉ biết nỗ lực làm việc thật nhiều, chứng minh cho họ thấy thành quả mình đạt được là do công sức. Tất cả những BST của Hân đều kết tinh từ quá trình nghiên cứu lâu dài, thiết kế, sáng tạo và rất được lòng công chúng. Cho nên Hân không nghĩ sự thành công chỉ đơn thuần là do danh hiệu của mình.

13180814_1280477768632319_1209339652_n 13187705_1280477755298987_1436427152_n

Ngọc Hân diện áo dài duyên dáng bên “con gái nuôi”

Sau nhiều năm sống trong showbiz, Hân nhận ra một điều: “Chúng ta không thể giết chết dư luận nhưng có thể học cách gạt nó sang một bên và tập trung làm những việc mình thấy đúng nhất!” Ngọc Hân tin rằng một ngày nào đó, mọi người rồi sẽ hiểu mình và thừa nhận những gì mình đang cố gắng làm cho cộng đồng, xã hội.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ trên!

Trương Quyên (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN