Viết về mẹ: Phép chia của mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 546_VVM

Họ tên: Chu Thị Minh Thùy

Địa chỉ: huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

—————————

Tôi từng nghĩ rằng, con gái đầu lòng thường mang theo trong mình rất nhiều tâm tư, ước vọng của mẹ. Với tôi, mẹ luôn đặc biệt – theo cách rất riêng…

Nhà ngoại nghèo lại đông con. Mẹ là chị cả nên vất vả hơn các cậu, các dì. 15 tuổi, mẹ đã là một lao động chính của gia đình. Bỏ qua bao ánh mắt si mê của trai làng, của các bạn học mẹ nỗ lực để hoàn thành ước mơ được đi học của mình. Mẹ xin đi bộ đội. Nhờ chăm chỉ học tập và rèn luyện, mẹ được đi thi và trở thành cô sinh viên của một trường “hot” nhất thời ấy: kế toán thương nghiệp. Vất vả không làm mẹ lùi bước.

Mẹ kể, ông ngoại nhân từ lắm. Lúc cha xin cưới mẹ, ông không đòi cheo, thách cưới gì hết. Vì cha nghèo. Vậy mà cha vẫn phải đi vay tiền để làm đám cưới. Đám cưới vừa xong, cha và mẹ lên cơ quan làm việc chắt bóp tiền trả nợ. Nhưng mẹ không vì thế mà buồn, ánh mắt mẹ chan chứa hy vọng và hướng tới tương lai.

Tôi được sinh ra vào một đêm mồng một lạnh giá, cha công tác xa nhà, chỉ có dì ở bên mẹ lúc trở dạ trên trạm xá của xã. Mẹ đau bụng gần hai ngày tôi mới chịu ra. Lúc bà hộ lí đỡ tôi ra đã bảo với mẹ: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng. Nhưng nhau quấn cổ ba vòng đấy, con bé rồi đáo để lắm đây”. Mẹ nhìn tôi khóc oa oa cười mãn nguyện. Chẳng biết có phải tôi sinh vào ngày mồng một âm lịch hay tại nhau quấn cổ ba vòng như lời bà hộ lí nói mà tôi khó tính. Khóc ì xèo cả ngày đêm. Chưa tròn tháng tuổi, mẹ phải bế tôi mà nấu cơm. Khói rơm rạ hun vào mắt mẹ, tôi toe toét miệng cười. Bác dâu tôi hằn học mỗi khi thấy bà nội giúp mẹ chăm tôi. Thế nên, những ngày ở cữ, đáng lẽ mẹ phải được yêu thương và chăm sóc nhiều thì mẹ lại vất vả hơn. Một mình mẹ vừa chăm sóc tôi, vừa lo việc nhà. Đến bây giờ, trên những ngón tay của mẹ vẫn còn in đậm những ngày như thế. Khổ cho mẹ sinh con vào năm mất mùa đói kém, chỉ ăn khoai, ăn rau lót lòng. Nhà bác tôi lúc ấy rất khá giả nhưng chẳng giúp gì cho mẹ, mà mẹ cũng không cầu xin sự giúp đỡ. Tôi được gần 3 tháng tuổi, cha về đón hai mẹ con tôi trở lại cơ quan rồi cha lại đi làm. Bà nội sợ sự chì chiết của bác dâu tôi nên không dám đi theo lên giúp đỡ. Vẫn chỉ có hai mẹ con…

Thời bao cấp, kinh tế khó khăn. Cha vẫn công tác xa nhà. Mẹ một mình vừa làm việc cơ quan vừa trồng rau, chăn nuôi, chạy chợ nuôi chị em tôi khôn lớn. 5 tuổi, tôi đã biết nấu cơm cho mẹ hái rau đi bán. Đến bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh mẹ mỗi tối ngồi bó rau bên ngọn đèn dầu vừa kể chuyện cho chị em tôi nghe… Ở miền núi, mỗi tháng chỉ có hai phiên chợ. Ông ngoại cho hai con gà mái, mẹ nuôi lấy trứng để dành cho hai chị em tôi ăn. Có bữa nấu ăn, mẹ lỡ tay bỏ muối hơi mặn, một quả trứng gà mà hai chị em tôi ăn một ngày không hết. Mắt mẹ rưng rưng vì thương con nhiều hơn là vì quả ớt ré mẹ hái ngoài vườn vào ăn với cơm… Vất vả thế nhưng mẹ cũng chi chút để dành tiền mua được một mảnh đất ở quê. Mẹ bảo sau này về hưu sẽ về quê cha đất tổ cho gần anh em, có cội có nguồn. Chị em tôi cũng mong chờ ngày đó.

Nhưng mọi việc không diễn ra như mẹ muốn. Hết thời bao cấp, cơ chế thị trường mở ra, cơ quan cha giải thể, cha trở nên thất nghiệp. Mẹ cũng nghỉ việc dù mẹ là người rất có năng lực. Không còn là người nhà nước, cha mẹ tôi phải làm đủ nghề để kiếm sống. Tuổi thơ của chị em tôi không được thảnh thơi như bạn bè.  Mảnh đất mẹ mua ở quê trở bỗng trở nên có giá, bác tôi mượn đất để buôn bán. Việc kinh doanh có lãi, bác tôi muốn mua lại mảnh đất đó. Mẹ không đồng ý, cha khó xử. Bác tôi không đạt được mục đích liền quay lại nói xấu mẹ tôi. Gia đình tôi trải qua những ngày đầy sóng gió. Giữa lúc khó khăn, bà nội bị ốm nặng. Mẹ bỏ hết công việc trở về quê chăm sóc bà. Đến lúc mất, chỉ thấy bà nắm chặt tay mẹ, hai giọt nước rỉ ra từ khóe mắt. Có lẽ chỉ vậy cũng đủ để đắp đổi những ngày tháng làm dâu vất vả của mẹ.

Mẹ bảo rằng mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần chị em tôi mắc lỗi gì đều bị mẹ phạt rất nghiêm khắc. Nhưng mẹ cũng nhẹ nhàng dạy cho chúng tôi những bài học làm người từ những câu chuyện hằng ngày. Còn nhớ tết Trung thu năm tôi học lớp một. Cơ quan mẹ phát cho mỗi gia đình cán bộ nhân viên một cái bánh nướng và một cái bánh dẻo. Do sơ xuất của công đoàn cơ quan, bé Cún con dì Khang chỉ được một cái bánh. Mẹ liền nhường thêm cho dì cái bánh dẻo trong phần bánh của chị em tôi. Về nhà, em trai tôi phụng phịu: “Con muốn cả bánh dẻo cơ.” Mẹ bảo nó: “Con lớn hơn, con nên nhường cho em Cún.” Em trai tôi lí sự: “Nhưng em Cún có phải do mẹ đẻ ra đâu”. Mẹ cười xoa đầu nó và bảo: “Dù không phải do mẹ sinh ra nhưng con vẫn nên nhường cho em Cún. Sau này, dù là ai nhưng nếu có thể giúp đỡ được họ thì các con hãy cứ giúp nhé.” Em tôi gật đầu đồng ý. Chiếc bánh Trung thu đó được mẹ chia thành bốn phần bằng nhau: một phần để dành cho cha, hai phần cho hai chị em tôi, còn một phần mẹ lại chia thành ba phần nhỏ nữa. Mẹ giữ lại một phần cho mẹ, còn cho hai chị em tôi hai phần còn lại. Mẹ bảo chia như thế để cả nhà có thể cùng được ăn bánh, và để chúng tôi được hưởng phần dư của phép chia…

Cha mất khi tôi đang học năm cuối đai học còn em thì đang học năm thứ hai. Gia đình khó khăn, em tôi định bỏ học, mẹ kiên quyết phản đối. Mảnh đất để dành mẹ đành bán cho bác tôi với giá rẻ hơn so với thị trường. Bác tôi hài lòng lắm. Vậy là mong muốn về quê của mẹ không thành. Mẹ bảo nhà có hai chị em, sau này thành đạt rồi chúng tôi ở đâu thì mẹ ở đó, vì hai chị em tôi chính là tương lai của mẹ. Nhưng nghĩ đến cuộc đời mẹ, nghĩ đến những ngày đã qua, nghĩ đến những lời nói của bác ngày nào, mắt tôi tóe lửa. Tôi bảo mẹ: “Sao lúc nào mẹ cũng nhận về mình phần thiệt thòi thế?” Mẹ dịu giọng nói với tôi: “Nhân nào thì quả ấy. Mẹ chỉ muốn gieo những hạt giống tốt để sau này chị em con có thể có được những quả ngọt mà thôi.”

Nhiều năm đã trôi qua. Dấu thời gian đã làm phai bớt màu hồng trên má và lưu lại cả trên mái tóc của mẹ. Tôi biết, công việc, niềm vui… của chị em tôi đều được đổi bằng những sợi tóc trắng ấy. Tôi – đứa con gái bướng bỉnh của mẹ – khi ngồi viết lại những dòng chữ này không khỏi xót lòng khi nhớ lại những ngày cũ trong cuộc đời của mẹ. Và tôi muốn nói với mẹ rằng: cảm ơn một đời hi sinh của mẹ đã giúp chị em con khôn lớn. Cảm ơn bài học về sự nhường nhịn và sẻ chia từ phép chia của mẹ đã giúp chúng con nên người. Cảm ơn vì chính mẹ đã làm tan chảy nỗi hận trong lòng con để con không mất đi nguồn cội. Cảm ơn mẹ – mẹ yêu…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN