Viết về mẹ: Nỗi niềm riêng đời thiếu phụ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 155_VVM

Họ tên: Hoàng Nghiệp

Địa chỉ: Việt Trì, Phú Thọ

 

 —————————————————

“Vậy là ít nhất đã có một người hiểu mình. Cuộc đời này chỉ cần một người hiểu thôi thì dù có rời xa, dù có bỏ lại bao nhiêu điều đẹp nhất cũng phải cảm ơn ông trời đã cho mình một lần được trở lại thế giới này làm NGƯỜI…”

Những dòng nhật ký này tôi là người đầu tiên sau Kim  (phường Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) được đọc nó. Em không biết tôi là ai, làm nghề gì, nhưng khi đã rót tràn ly bia, em không thấy tôi uống mà nhìn em bằng thứ tình cảm khác lạ, vậy là em đưa nó cho tôi xem. Nhiều những buổi chiều như thế – sau này em nói – tôi đã neo vào lòng em một bến bờ để sẻ chia nỗi buồn, niềm vui và cả sự day dứt lớn nhất trên cuộc đời. Mặc dù em bị căn bệnh thế kỷ nhưng không phải tất cả mọi người đều xa lánh mà ít nhất em đã có bờ vai để gục vào đó nếu như mình muốn khóc.

Em là cô gái sinh ra ở phố núi Tuyên Quang, chỉ thế thôi, đủ để biết em đẹp đến độ nào. Nhưng rồi vòng xoáy giữa cái đẹp – sự nâng niu – chiều chuộng – đường mật – và cả sự thích được trắng trơn nên em đã bị quay vào trong nó. Hai mươi tuổi em phải lấy chồng. Ngày em sinh con, thật trớ trêu, oan trái, bác sỹ bảo: “Cô bị dính H”. Ông bác sỹ trẻ nhìn cô mà nuối tiếc cho một cuộc đời chưa kịp nở đã phải khép cánh sắp tàn.

Rất may, đứa bé không cay nghiệt như mẹ nó, thế là ông trời có mắt thật rồi. Một lần rót cho tôi ly bia, em nói câu ấy.

Khi biết mình bị căn bệnh thế kỷ, em không thể buồn được nữa, vì đó là hậu quả của những ngày xa hoa. Chồng em, biết tin này đã ra đi không ngoái đầu nhìn lại, đứa con trai khóc thét nhưng bóng bố nó khuất dần rồi mất hẳn ở một con ngõ rất nhỏ.  Kim phải về ở với cha mẹ đẻ của mình.  Cha mẹ cô cũng đau đến tột độ. Một gia đình gia giáo, nay lại bị vết nhơ, vậy là họ cũng đuổi cô ra khỏi nhà. Anh trai và chị dâu nói một câu:

– Mày làm mày chịu, nhà này không có đứa em như thế…

Mùa lũ, con sông Lô đang cuồn cuộn chảy. Nước từ trên ghềnh trút xuống đục ngầu, tiếng gầm gào của nó như tiếng rừng đổ. Phố núi chìm trong đêm núi. Đêm nay dòng xoáy con nước dưới chân cầu sắp chứng kiến một người con gái trẫm mình xuống đó. Kim thả đôi mắt u buồn đến cuối dòng nước trước khi tiễn biệt cuộc đời. Từ đằng xa, một người con trai cũng thế, chỉ lát nữa thôi, anh cũng sẽ hóa thân vào những cồn cát trắng xóa. Mang trong mình căn bệnh thế kỷ khiến anh muốn rời xa tất cả. Đêm nay sông vắng đến kỳ cùng mà chỉ có hai người tư lự. Rồi họ nắm tay nhau thật chặt mặc cho dòng nước thản nhiên qua. Họ nhìn vào mắt nhau, đêm đen mà như có lửa, cơn gió nhỏ đã thổi bùng thành ngọn lửa lớn. Tất cả hiểu rằng: Trên đời này không gì quý bằng sự sống.

Họ đã yêu nhau. Mọi người bảo:

– Sao chị lại cho thằng T.A lấy đứa bị AIDS về làm vợ thế?

Chị lặng lẽ nhìn hai đứa, nước mắt rơi rơi. Chị úp mặt vào hai bàn tay, chỉ có mẹ mới hiểu lòng con, chỉ có chị mới hiểu những phận đời một thời lầm lỗi.

Đời trai đang đẹp như tranh, chưa một lần yêu, chưa một lần làm đám cưới, giờ cuộc sống chỉ còn tình bằng ngày. Kim lại khác, cô đã từng làm vợ, đã hiểu sự khát khao một cuộc sống gia đình. Một ngày nọ, khi những tia nắng thật đẹp trải xuống bờ sân sau mùa đông lạnh giá, đám cưới nhỏ thôi nhưng thật đầm ấm. Chị nói:

– Thôi thì cho nó được toại nguyện một đời trai…

Đúng một năm sau ngày cưới, căn bệnh trầm kha đã không giữ được T.A. Kim không khóc chồng vì muốn dành lại những giọt nước mắt khóc cho riêng mình sau này. Thêm lần nữa cô bơ vơ. Nhưng mẹ chồng  đã mở một quán bia nho nhỏ để ngày ngày con dâu bán hàng cho khuây khỏa nỗi buồn. Chính từ cái quán bia đó mà tôi đã biết được số phận, cuộc đời của Kim như bông hoa chưa có một ngày nở đẹp cùng những câu chuyện riêng tư nhất của người thiếu phụ.

“Mỗi con người chỉ biết và thấy mình được sống duy nhất một lần trên thế giới này, vì thế hãy đừng từ một lỗi lầm nào đó mà loại bỏ người ta, bởi khi cuộc sống của họ đã kết thúc thì dù có muốn thấy lại hình bóng ấy cũng chỉ là chuyện trong xa mờ”.

Tôi nói câu ấy trong một cuốn sách nổi tiếng giữa sự chếnh choáng trong buổi chiều tà tại quán bia nhỏ này. Một người phụ nữ lặng lẽ nhìn tôi như ngày đầu tiên tôi nhìn Kim. Không ngờ đó lại là người mẹ đẻ của cô ta. Phải chăng câu nói ấy đã chảy theo những giọt máu của bà đang chảy trong tim. Bà gục mặt xuống bàn. Dòng nước mắt cạn khô vì ân hận bởi một lần đuổi cô con gái duy nhất ra khỏi nhà.

Có những lúc rất riêng, một mình tôi đứng trên cây cầu bắc ngang đôi bờ Lô Giang và nghĩ về một mối tình đặc biệt của hai người mắc H. Thực ra mọi thứ chẳng có gì phức tạp, tất cả chỉ là cái nhìn bằng đôi mắt của mỗi con người khác nhau. Giờ đây Kim vẫn sống, vẫn khỏe, vẫn yêu đời và vẫn như hương đêm chảy tràn trên một dòng sông thanh bình khi mùa lũ qua đi…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN