Trần Trà My – Đóa xương rồng nở trên cát

Mỗi người đều có giấc mơ cho riêng mình. Với Trần Trà My, giấc mơ ấy chính là tiếng khóc của trẻ thơ, là danh xưng người mẹ.

Số phận nghiệt ngã

Sinh ra ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Trần Trà My vĩnh viễn mất đi chức năng đi lại của đôi chân, các ngón tay co rụt mềm nhũn, yếu ớt và phát âm không tròn chữ – di chứng của cơn sốt bại liệt khi chị được 2 tháng tuổi. Chị trở thành đứa trẻ tật nguyền trong mắt mọi người. Ba mẹ, gia đình dành trọn tình yêu thương cho cô con gái bé nhỏ bất hạnh. Thậm chí, ba mẹ chị còn nghĩ đến phương án sẽ gửi chị vào viện để có người chăm
sóc khi mai này họ già yếu…

Từ khi chị bị liệt, mẹ phải ở nhà nội trợ để tiện việc chăm sóc chị. Kế sinh nhai cả gia đình 6 miệng ăn phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi từ công việc lái ôtô thuê của ba. Trong chị luôn tồn tại ý nghĩ chị là gánh nặng của gia đình, vì chị mà gia đình mới lâm vào cảnh khó khăn như thế. Chị luôn sống trong cảnh u tối, tự ti, chán nản. “Tại sao mình lại sinh ra trên cuộc đời này? Tại sao mình lại như vậy?”. Chị oán trách chính mình, oán trách cả những người đã sinh ra chị… Không ít lần chị có ý định tự tử để ba mẹ đỡ khổ, gia đình nhẹ gánh.

Đối xử với chị như một người lành lặn bình thường, ba là người luôn bên cạnh, động viên, tiếp sức mạnh cho chị. Dần dần chị vượt qua mặc cảm, tủi hờn. Không thể đến trường, ngôi nhà trở thành trường học của chị. Chị nhớ lại, thời gian đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua khi chưa thể nói, chưa thể viết. Được sự dạy bảo tận tình và kiên trì của người thân, đến năm 9 tuổi, chị biết đọc, biết viết nhưng nói thành lời vẫn rất khó khăn, chỉ có thể ú ớ trong miệng.

Trần Trà My - Đóa xương rồng nở trên cát

Cơ duyên với nghiệp viết văn 

Đến năm 16 tuổi, cuộc sống chị bắt đầu thay đổi… Chia sẻ về cơ duyên đến với nghiệp viết văn, chị kể, viết văn là đam mê từ khi chị biết đọc, biết viết: “Tôi viết bằng cả trái tim và khi viết tôi cảm thấy mình thoát ra khỏi thân thể của mình”. Suốt những năm tháng đó, chị lao vào viết và viết, viết để thỏa nỗi lòng, thỏa khát khao của cô gái nhỏ, để giải bày những nghĩ suy không thể nói thành lời. Chị dần thay đổi suy nghĩ, sống lạc quan hơn, yêu đời hơn bởi sức mạnh của tình thương yêu từ gia đình, những người thân yêu và sự động viên miệt mài của ba.

Giải 3 cuộc thi viết truyện ngắn do trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị tổ chức năm 2006 với truyện ngắn Mặc cảm mới thực sự là bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị. Năm ấy chị tròn 20 tuổi. Như một cú shock với gia đình khi chị quyết định rời xa gia đình, ba mẹ để vào Sài Gòn theo đuổi nghiệp viết văn. Ba mẹ chị kịch liệt phản đối vì lo sợ con gái không thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Một cô con gái bình thường khi xa gia đình cũng khiến ba mẹ lo lắng không yên, huống hồ gì chị là một cô gái khuyết tật… Tuy nhiên, chị chưa bao giờ thừa nhận mình là người khuyết tật. Những giọt nước mắt của mẹ, sự giận dữ, kiên quyết của ba không làm chị từ bỏ đam mê. 21 tuổi, chị vào Sài Gòn, sống ở làng tình thương Hòa Bình (TP. HCM), kiếm sống bằng nghề viết bài cộng tác cho các báo.

Tập truyện ngắn đầu tay Giấc mơ đôi chân thiên thần xuất bản năm 2009 đánh dấu cột mốc thành công đầu tiên trong sự nghiệp viết văn của chị. Cầm trên tay quyển sách đầu tiên do chính mình viết nên, chị vỡ òa trong hạnh phúc. Chị bồi hồi nhớ lại cảm giác cầm trên tay quyển sách đầu tiên do chính mình viết: “Đêm ấy tôi không ngủ được vì vui sướng. Những gian nan của mình cuối cùng cũng đã được đền đáp xứng đáng”. Các tác phẩm khác lần lượt được xuất bản, được độc giả đón nhận và yêu thích, nhất là giới trẻ. Tháng 10 tới đây chị sẽ ra mắt độc giả tác phẩm mới, tập tản văn Người tử tế đâu rồi.

Kể lại những gian nan mình phải vượt qua, chị trầm tư, có vô vàn khó khăn nhưng không sao, mọi chuyện đều đạt được như ý, và chị dần trở nên bị kích thích trước những khó khăn: “Tôi xem đó là một lợi thế rất lớn để tôi vượt lên tất cả, để thực hiện nhiều ước muốn.” Chị chưa bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc, chị muốn chứng minh bản thân có thể thực hiện được những gì mình muốn và ba mẹ chị có thể yên tâm về cô con gái nơi đất khách quê người.

Khi được hỏi chị lấy nguồn năng lượng từ đâu, chị cười: “Tôi thích đi nhiều, tiếp xúc nhiều và được nhiều người biết đến. Đó cũng là cách hữu hiệu để tìm chất liệu cho nghề viết văn. Đặc biệt, để có nguồn năng lượng dồi dào, ta phải có niềm tin, mình phải tin mình trước, rồi phép màu tự dưng sẽ đến. Nếu mất đi niềm tin, con người sẽ mất tất cả.”

Trần Trà My - Đóa xương rồng nở trên cát

Giấc mơ làm mẹ…

Giờ đây, chị nhìn đời, nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu hồng. Chị muốn truyền niềm tin cho người khác từ chính hoàn cảnh, số phận của mình. Hiện tại chị đã có cuộc sống ổn định và một công việc ổn định tại Sài Gòn. Không dừng lại ở nghiệp viết văn, cộng tác viên cho các báo, chị muốn thử sức ở lĩnh vực khác và hiện đang theo học một lớp kinh doanh tại trường Doanh nhân PTI.

Mỗi người đều có giấc mơ cho riêng mình. Với Trần Trà My, giấc mơ ấy chính là tiếng khóc của trẻ thơ, là danh xưng người mẹ, bởi chị là người ham sống, khát khao hạnh phúc, khát khao được yêu thương. “Được làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ. Tôi cũng muốn được cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng ấy. Tôi muốn sinh một đứa con cho người đàn ông mình yêu và nuôi dạy đứa trẻ đó thành người. Đối với tôi, điều đó mới là một trong những sứ mệnh to lớn của người phụ nữ.” Theo chị, hạnh phúc đến từ tâm hồn chứ không phải từ tác nhân bên ngoài, mỗi người phải biết nắm bắt hạnh phúc của riêng mình. Và thực hiện được ước mơ cũng là một hạnh phúc lớn lao.

Trần Trà My đã xuất bản 3 cuốn sách; Là một trong 12 gương mặt khuyết tật tài năng của Việt Nam năm 2013 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng; Có mặt trong bộ ảnh 90 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á; Người đồng sáng lập quỹ Giấc mơ đôi chân thiên thần để hỗ trợ những bạn khuyết tật có đam mê và khát vọng sống; Thành viên của Ban công tác xã hội Búp sen hồng dành cho các bạn thanh niên trẻ tại Quảng Trị; Đại sứ thiện chí của Hành trình trên đất phù sa 2012 do tổ chức Tương lai xanh và Nhà văn hóa Thanh niên thực hiện…

 

Phụ Nữ Ngày Nay

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN