Hoa hậu Giáng My: “Sợ hãi không có trong tự điển của tôi”

Chúng tôi gặp Giáng My ở tòa nhà nhiều tầng nằm trên một con đường nhỏ nhưng tập trung khá nhiều đơn vị báo chí ở quận 3, TP.HCM. Trưa nắng. Nhưng cái nóng vụt tan biến khi Giáng My xuất hiện…

Một chiếc áo sơ mi kiểu ngắn tay màu vàng, thắt nơ hồng ở cổ, một chiếc quần lửng xanh dương, mái tóc dài với những lọn quăn vén qua một bên hé lộ vành tai trắng… Vài năm nhìn lại, Giáng My vẫn tươi trẻ như thế, vẫn cuốn hút với làn da căng tràn sức sống, nụ cười rạng rỡ, thân hình thon thả và gu thời trang sành điệu.

giang mi 1

Một ngày điển hình của chị?

Gần 10 năm trở lại đây, thời gian biểu của My hầu như ít thay đổi. My dậy từ 5g30, để chạy bộ hay thiền yoga, cùng với huấn luyện viên, bất kể đêm trước có thức tới 1 hay 2 giờ đêm để làm chương trình. Sau khi ăn sáng xong, My sẽ xuống công ty để kiểm tra kịch bản. Có những chương trình mới thì mình phải tham gia vào việc quay, từ 8 giờ sáng tới 6 giờ chiều. Còn những hôm không phải quay thì My cùng nhân viên kiểm tra kịch bản, chuẩn bị cho những tập sắp phát sóng. My cũng dành thời gian cho mảng phim nhựa, phim quảng cáo của công ty Takana. Nói đúng ra, ngoài thời gian dành cho ngủ và ăn thì là công việc, công việc, và  công việc (cười)

Thời gian nào chị dành cho… cầu nguyện?

Cứ cuối năm hay đầu năm, tranh thủ những chuyến đi công tác để đi đến những nơi mình mong muốn để thắp hương. Năm nào My cũng đi Đền Hùng và Yên Tử, còn chùa Hương thì hồi còn học phổ thông đã đi rồi (cười). Vừa rồi My lại đi miền Tây… My tương đối là người tâm linh cho nên đã đi đủ các nơi linh thiêng của Bắc Trung Nam.

Có bao giờ chị cảm giác muốn quẳng tất cả công việc đi chỉ để thở một chút?

Ai cũng có khi cảm thấy mình như một chiếc xe chạy hoài tới một thời kỳ cần phải dựng lại để tra dầu nhớt. Đặc biệt là các nhà sản xuất chương trình. Khi làm sáng tạo bạn sẽ cần những phút lặng, những khoảng dừng để tái tạo lại năng lượng và làm ra gì đó mới… My là một người luôn nghĩ tới những cái mới, sự phát triển sáng tạo không ngừng nghỉ, chính vì vậy My sử dụng âm nhạc, những chuyến du lịch, những chuyến hành hương. Đấy chính là những khoảng trống, để My chậm lại, tĩnh lặng, nạp năng lượng. May mắn, trong khi làm chương trình, My được được gặp gỡ, học hỏi rất nhiều đối tượng khác nhau của xã hội, từ những giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng cho đến những anh đạp xích lô, những người phụ nữ rất giản dị, mà mỗi ngành nghề của họ, đều cho mình những bài học rất tuyệt vời. My luôn nỗ lực không ngừng trong một trường học mà mình không cần trả học phí. Sự nạp vào, cho ra và nhận lại rất cân bằng với nhau.

giang mi 2

Khoảng lặng gần đây nhất của chị?

My rất hay độc thoại và sống với chính mình. Vào những ngày cuối tuần, nếu không cùng gia đình làm gì thì My dành thời gian một mình, đọc sách, xem phim hay chơi đàn… Có khi My để hẳn ra một tiếng để ngắm mưa rơi. Nếu không có mưa thì mình mở nhạc để nghe tiếng dế, tiếng mưa rơi… và đấy có thể là cách thiền để tĩnh lặng, để mình có thể suy ngẫm mọi chuyện từ tốn, chậm rãi lại, để nhìn lại công việc đó mình làm đã tốt chưa, mình sẽ điều chỉnh thế nào cho nó tốt hơn? Con người dù sống ở nơi đâu, thành phố hay nông thôn đều vẫn cần một khoảng tĩnh lặng cho riêng mình.

 Chị hài lòng về sự nghiệp hiện tại của mình?

My sống tương đối nghệ sĩ, tương đối bản năng, thế nhưng bản năng nghệ sĩ của My lại trong một khuôn khổ có kỷ luật. Mặc dù xếp vào hàng ngũ người nổi tiếng, nhưng buổi tối, mọi người sẽ chỉ thấy My xuất hiện trong cùng lắm một vài sự kiện gì đó, chứ không thấy My đi chơi, vào quán bar, ở những nơi “thoải mái cuộc đời đi ”. Lên giường ngủ sớm, dậy rất sớm. My luôn cảm giác mình thiếu một điều gì đấy. Lúc nào My cũng thấy mình như cốc nước chưa đầy, hoặc ở lưng chừng vách núi. Cho tới phút này, ai cũng nói My có tất cả những thứ trong cuộc đời mà một người phụ nữ mơ ước. Con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi, gia đình, bố mẹ quá yêu thương nhau, hạnh phúc êm đềm, một công việc người ta mơ ước và một  sự nghiệp vững chắc. Nhưng My nghĩ nếu mơ ước chỉ có vậy thì mình sẽ không còn gì để mà phấn đấu nữa, cho nên mình luôn đưa ra, không phải bắt mình làm cho bằng được điều đó, nhưng đó là mục tiêu để sống trên đời này còn ý nghĩa. Đôi khi không phải cho mình, mà cho xã hội, cho cộng đồng, hoặc cho công ty.

Có lúc nào chị cảm thấy sợ hãi?

Nói sợ hãi thì chưa chính xác mà đúng ra phải nói là lo xa. Sự chịu đựng, sự hy sinh của người phụ nữ Việt truyền từ người mẹ, người bà, thì My cũng ở trong môi trường như vậy. My cũng ở Nhạc viện 16 năm – một môi trường kỷ luật với phong cách đào tạo như trường quân sự. Chính nhờ vậy mình hay nhìn xa trông rộng và khi làm việc gì My đưa ra kế hoạch rất lâu.

Sợ hãi không có trong tự điển của My. My ăn tất cả những gì My muốn, My thấy yêu đời, xông xáo đi bất cứ đâu. Người ta sợ hãi thời gian, người ta bắt mình ăn kiêng, khao khát có được bộ mặt như trẻ thơ… nhưng nếu như ta sợ hãi, ta níu kéo để rồi giống một ai đó thì My không thích. Vẻ đẹp trường tồn không phải nằm bên ngoài, mà nó là thể lực hoàn toàn từ bên trong, thể lực đó phải được tái tạo bằng chính cơ thể của mình, trẻ hóa từ trong não bộ của mình chứ không phải chỉ thay đổi từ bên ngoài.

Chị thường khiến mọi người quan tâm tới những sản phẩm đưa ra vào sinh nhật của mình. Năm nay chị có dự tính gì?

Mục đích từ giờ đến cuối đời, khi nào còn hoạt động nghệ thuật là My sẽ cố gắng cho ra mắt những sản phẩm mang tính văn hóa cao, mang lại cho cộng đồng không chỉ là cái đẹp, mà ẩn sâu trong đó giá trị truyền thống văn hóa. Năm nay cũng thế, My đang ấp ủ ý tưởng, còn tùy thuộc vào thời gian và may mắn nữa. Trong tương lai rất có thể là một sản phẩm tổng hợp. Bây giờ tại sao người ta không thích nghe nhạc cổ điển mà lại thích nghe pop cổ điển? Tại sao người ta không thích xem ballet bằng broadway? Là vì bây giờ sự thẩm thấu con người phức tạp hơn rất nhiều, họ muốn cả tai nghe, mắt nhìn. Xin cho phép chưa được hé lộ, chỉ chắc chắn đó là sản phẩm không phải để giật gân hay gây sốc.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

………………………………………………………………………………………

” My sống ít khi cạnh tranh và thích những bước đi chắc chắn. Ngay cả khi sáng tác một tác phẩm nghệ thuật nào đó, My làm rất lâu và không bao giờ sốt ruột. Thậm chí làm xong 2, 3 cái CD lại bẻ bỏ đi và không quan tâm tới số tiền mình đã bỏ ra, mà chỉ tiếc nó chưa được hoàn thiện. Sự cẩn trọng, đôi khi quá chăm chút đó lại khiến mình đi chậm. Nhưng chậm đó lại là sức bền để đến bây giờ My vẫn còn có nhiệt huyết và phấn đấu không ngừng nghỉ.” – Hoa hậu Giáng My

 

Hi Lam – phunungaynay.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN