Bảo trợ cho con đến khi nào?

gd

Đời bố mẹ chúng ta, mục tiêu lớn nhất thường là “nuôi con ăn học thành tài”.

Đời chúng ta, mục tiêu là để lại cho mỗi đứa con một căn nhà, hay kệ con chạy Grab hay đi Mec cũng phải tự mua xe mà chạy?

Con sợ con số 18 lắm, cô bé 6 tuổi ngoẹo đầu bảo tôi. Bên cạnh là cô chị 10 tuổi tay thái gừng, cà rốt, lê… để chuẩn bị cho mẻ kim chi được đặt, miệng nhắc em lau các hộp nhựa cho thật kỹ. Hai cô nhỏ làm việc rất tích cực vì phải chuẩn bị cho tương lai tự nuôi mình sau này. “Bố mẹ con nói 18 tuổi ra đường tự sống, còn nếu ở trong nhà cũng phải trả tiền thuê nhà và điện nước, bố mẹ không nuôi nữa đâu bác ạ, đậu Đại học hay không đậu cũng thế thôi!”. Mà cả hai hiện đang theo học một trường quốc tế dân lập với mức học phí tổng cộng bốn mươi triệu đồng một tháng. Nửa tỷ một năm, gia đình chắc chắn không thuộc diện phải xóa nghèo! Thật sự cách giáo dục con của ông bố bà mẹ này khiến người viết thấy đáng học hỏi. Họ có quan điểm khá khác biệt với đa phần phụ huynh chúng ta về việc bảo trợ các con về tài chính.

gd1Một hay hai căn nhà?

Đời bố mẹ tôi, dù là công chức, thì cũng cố gắng hết mức có thể để bảo trợ các con về tài chính để học hành. “Nuôi con ăn học”, là mục tiêu của các cụ. Thế nên không có khả năng du học thì cũng Đại học trong nước sau mười hai năm kẽo kẹt phổ thông. Rồi song song học ở trường công là Anh văn, vi tính, kỹ năng mềm… Tiền của bố mẹ để chuẩn bị cho con vào đời, nếu tính ra, cũng tương đương một căn hộ. Nếu đi du học châu Âu hay Mỹ, Úc, là một căn hộ cao cấp bay cái vèo sau bốn năm. Rẻ hơn thì cũng tiền tỷ chứ không thể vài trăm triệu đồng. Vậy là du học hay không du học, việc nuôi con ăn học cũng cần một khoản tài chính tương đương một căn nhà.

Nhiều ông bố bà mẹ có điều kiện kinh tế không quá khó khăn, thì ngoài việc nuôi ăn học, còn luôn cố gắng để khi các con lớn lên, dựng vợ gả chồng, trưởng thành rồi ra riêng thì sẽ cho một căn nhà. Nhỏ hay to chưa biết, nhưng là để con không quá vất vả khi bắt đầu có cuộc sống độc lập, không còn được bố mẹ bao cấp nữa.

Và thế là, thế hệ chúng tôi, nhiều bạn thường được nuôi ăn học thành tài, có luôn một căn nhà để ở, thậm chí còn có thêm cả một căn hộ cho thuê để sinh con đẻ cái thì ông bà cũng không phải nuôi cháu, bố mẹ nó cứ yên tâm mà làm ăn thôi. Các bậc phụ huynh chu đáo này quên một điều, nếu có sẵn tất cả, được sinh ra ở vạch đích như vậy, thì các con họ sẽ còn cần đi làm, cần cố gắng phấn đấu, để làm gì?

gd3Bảo trợ không giới hạn, có thể khiến con dựa dẫm và mất khả năng cố gắng!

Trong một talkshow truyền hình trên VTV3 vào tháng 9, khách mời là một chuyên gia tâm lý đã kể câu chuyện: Có ông bố bà mẹ phiền lòng lắm, vì cậu con trai một nướng hết tiền của ông bà vào các dự án. Từ biệt thự, sang nhà phố, từ nhà to, chuyển sang nhà nhỏ, căn hộ officetel cuối cùng của ông bà cũng bị cầm cố. Buổi xế chiều của hai cán bộ lão thành về hưu cũng không được thanh thản khi những kẻ đòi nợ kéo đến căn hộ ấy mỗi ngày. Nếu được quyết định lại, họ có cho con tất cả những gì họ có, và mong chờ vận may tự nhiên rơi xuống theo cái cách kinh doanh mù quáng của con trai mình không?

Chuyên gia tâm lý cho rằng câu trả lời sẽ là KHÔNG, nhưng thực tế theo tôi nghĩ thì, yêu con và dành tất cả cho con, tâm lý phổ biến ấy của nhiều ông bố bà mẹ sẽ khiến họ đi vào vết xe đổ y như hai vị phụ huynh này, và bản thân họ nếu được làm lại, cũng vậy. Họ chỉ có một cậu con trai, làm sao có thể từ chối những khẩn cầu của con. Và bảo trợ cho con vô điều kiện, với họ là hạnh phúc, hy sinh cho đứa con duy nhất là chuyện đương nhiên. Tiền khi chết đi có mang theo được đâu, không cho con thì để làm gì?

Câu hỏi này, được những thanh niên có lòng tự trọng, hiếu nghĩa đã trả lời rằng: Tiền không cho con, bố mẹ hãy đi du lịch, sống cuối đời vui vẻ, thoải mái, vì đã cả đời vất vả rồi. Và điều này cũng quan trọng không kém: Việc bảo trợ, cung cấp tài chính vô điều kiện cho con cái, chính là cách hữu hiệu nhất để khiến con bạn mất đi khả năng cố gắng và ý chí nỗ lực cần có để vươn lên.

Khởi nghiệp, hoặc học hết trường này đến trường kia, có hết bằng này đến bằng nọ, nhưng không có hiệu quả về kinh tế, bố mẹ cứ miệt mài chi tiền, bao cấp cho những cô cậu sinh ra trong bọc điều khiến họ không cần nỗ lực, không quyết liệt, không cố gắng nghiêm túc, và như thế, thành công với họ hầu như chỉ là khát vọng của các con và mong ước của bố mẹ chứ không thể thành sự thật.

“Bảo trợ, cung cấp tài chính, nhưng phải có giới hạn và điều kiện. Từ nhỏ đã dạy các con độc lập, yêu quý tiền bạc và trân trọng những gì bố mẹ dành cho mình”. Đó chính là kinh nghiệm mà các phụ huynh giàu có đã giúp con trưởng thành và độc lập chia sẻ. Tôi tin rằng hai cô bé biết làm kim chi từ rất sớm, biết lo lắng cho đến ngày 18 tuổi sẽ phải tự nuôi sống mình, sẽ rất yêu quý bố mẹ mình vì sự bảo trợ có giới hạn đã khiến các cô khéo léo, có ý thức độc lập và khả năng trưởng thành rất sớm. “Bố mẹ cháu thường bảo: Đời ông cố các con, mục tiêu lớn nhất thường là “nuôi con ăn học thành tài”.

Đời ông bà, mục tiêu là để lại cho mỗi đứa con một căn nhà, nhưng đến đời bố mẹ thì con chạy Grab hay đi Mec cũng phải tự mua xe mà chạy nhé. Không phải nuôi bố mẹ đâu, bố mẹ sẽ tự lo được cho mình!”.

Còn gia đình bạn thì sao?

Lan Anh

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN